Muốn sống lâu hãy sáng tạo

07/10/2013 00:58

Con người có xu hướng đánh giá thấp khả năng tái tạo của bộ não, cho rằng khi già đi, năng lực trí tuệ cũng giảm theo. Nhưng các nghiên cứu mới đây cho thấy cách nghĩ đó hoàn toàn không đúng.

Muốn sống lâu hãy sáng tạo

Con người có xu hướng đánh giá thấp khả năng tái tạo của bộ não, cho rằng khi già đi, năng lực trí tuệ cũng giảm theo. Nhưng các nghiên cứu mới đây cho thấy cách nghĩ đó hoàn toàn không đúng.

Một trong những tòa nhà nổi tiếng nhất ở New York là bảo tàng Guggenheim, nằm trên Đại lộ số 5. Thiên tài làm nên tòa nhà này là kiến trúc sư Frank Lloyd Wright. Ông bắt đầu thiết kế tòa nhà vào năm 1943, khi đó ông đã được 76 tuổi (ông mất lúc 91 tuổi).

Bảo tàng Guggenheim

>20 quốc gia sáng tạo nhất
>Đánh thức sự sáng tạo của người trẻ
>
Sáng tạo để thỏa mãn đam mê
>Sam Calagione - Sáng tạo dẫn dắt thành công
>
Ghi nhận và đầu tư đúng mức cho giá trị sáng tạo
>Những bức ảnh đỉnh cao về sự sáng tạo
>
Tuổi vàng sáng tạo

Bảo tàng này gây ấn tượng bởi lối thiết kế sàn nghiêng thoải dần theo hình xoắn ốc, cho phép người tham quan dù đứng ở tầng nào cũng thấy được cây xanh và các vật dụng trang trí ở tầng một. Việc sơn màu trắng như tuyết khắp bề mặt tòa nhà và sử dụng ánh sáng tự nhiên cũng là hai điểm nổi bật khác của Guggenheim.

“Nếu bước vào bất kỳ tòa nhà nào do ông thiết kế, bạn sẽ nhận ra rằng ông ấy suy nghĩ chẳng giống ai. Các căn phòng ông thiết kế như thể có 7 chiều cao khác nhau, phụ thuộc vào việc bạn đang đứng ở đâu. Ông ấy nghĩ theo không gian 3 chiều, đó là điều ta có thể cảm nhận được khi nhìn thấy, nhưng không thể làm được”, chuyên gia tâm lý thần kinh học Donald Davidoff, Trường Y Harvard, nhận xét.

Wright có thể là độc nhất vô nhị trong lối thiết kế nhưng không phải là người duy nhất có thể tạo ra sản phẩm để đời khi ở tuổi thất thập cổ lai hy. Goya, chẳng hạn, đã sáng tác vài bức tranh "ám ảnh" nhất khi gần 80 tuổi. Hay Goethe viết xong kiệt tác “Faust” khi đã 81 tuổi.

Gần đây cũng xuất hiện những nhân vật như thế. Herman Wouk, 98 tuổi, đã xuất bản cuốn tiểu thuyết mới nhất hồi năm ngoái. Diễn viên hài George Burns đã tổ chức sinh nhật lần thứ 95 bằng việc ký hợp đồng 2 năm đi diễn ở Las Vegas. Ông qua đời năm 1996, thọ 100 tuổi. Hay tỉ phú Warren Buffett, dù đã 83 tuổi, vẫn điều hành tốt tập đoàn Berkshire Hathaway.

Những con người tài ba này đã chứng minh rằng già không có nghĩa sức sáng tạo của họ bị mất đi. Và quan trọng hơn, như các nghiên cứu mới đây đã chỉ ra, những người suy nghĩ sáng tạo có thể sống rất thọ.

Kiến trúc sư Frank Lloyd Wright

Khám phá bất ngờ từ bộ não

Con người có xu hướng đánh giá thấp khả năng tái tạo của bộ não, cho rằng khi già đi, năng lực trí tuệ cũng giảm theo. Nhưng các nghiên cứu mới đây cho thấy cách nghĩ đó hoàn toàn không đúng.

Một quá trình bắt đầu từ khi con người chỉ là một bào thai đó là myelin hóa, tức quá trình chất béo bao bọc dần xung quanh dây thần kinh. Myelin hóa cực kỳ quan trọng trong việc phát triển và hoàn thiện hệ thần kinh, vì tế bào thần kinh sẽ không hoạt động được nếu không được myelin hóa hoàn toàn (nếu quá trình này diễn ra chậm, trẻ sẽ chậm phát triển tinh thần và vận động).

Gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đến giai đoạn trưởng thành, quá trình myelin hóa mới hoàn tất. Sau đó, lại có những nghiên cứu khác cho thấy giới hạn myelin hóa có thể kéo dài hơn nữa, đến khi chúng ta được 50, thậm chí 60 tuổi.

“Chúng ta giống như một máy bay khổng lồ, lúc nào cũng có linh kiện để thay thế và có những bộ phận mới lắp ráp thêm vào”, George Bartzokis, Giáo sư về tâm thần học tại đại học UCLA, nhận xét.

Để được như vậy, điều quan trọng nhất là phải giữ cho bộ não luôn vận động. Con người không thể giữ cho cơ bắp săn chắc mà không vận động cơ thể.

Não bộ cũng vậy. Không thể phát triển thêm myelin mới, hoặc ít nhất là phát triển đủ myelin, mà không kích thích bộ não.

Không phải chức năng trí tuệ nào cũng được lưu giữ khi chúng ta về già. Tuổi tác có thể giết chết một loại trí thông minh là fluid intelligence, tức khả năng cho phép con người suy nghĩ một cách logic, nhanh chóng trước những vấn đề phức tạp hay khả năng có thể nghĩ ra nhiều ý tưởng cùng một lúc.

Tiểu thuyết gia Herman Wouk, 98 tuổi, vẫn tràn trề cảm hứng để viết lách

Mặc dù khả năng xử lý thông tin của não bộ có suy giảm theo tuổi tác nhưng cái mất này có thể bù lại bằng cái khác, đó là con người có thể nâng cao được tính sáng tạo.

Ở não bộ của người trẻ tuổi, việc xử lý thông tin khá là cục bộ. Chẳng hạn, một số chức năng như ngôn ngữ được xử lý ở bán cầu não trái; các chức năng khác như khả năng tư duy không gian thì diễn ra ở bán cầu não phải. Tuy nhiên, khi về già, một bên bán cầu não sẽ không ngại ngần kêu cứu bán cầu kia nếu gặp khó khăn trong xử lý một vấn đề nào đó.

Điều này lý giải vì sao nhiều người lớn tuổi vẫn có thể xuất sắc trong công việc. Vì khi đó, bức tường phân cách giữa hai bán cầu não đã được hạ xuống; bên bán cầu này có thể giúp đỡ bán cầu kia khi gặp khó khăn.

Qua nhiều cuộc thí nghiệm, nhà khoa học về thần kinh Lisa Aziz-Zadeh của Đại học Nam California nhận thấy, khi 2 bên bán cầu não "nói chuyện" với nhau thì sẽ xuất hiện hoạt động xử lý cảm xúc. Cảm xúc này giúp con người bất chợt nghĩ ra những ý tưởng độc đáo, thú vị.

Bà rút ra kết luận khi hai bán cầu não càng giao tiếp thân mật - thường thấy khi con người về già - cảm xúc sẽ càng nhiều hơn. Cảm xúc nhiều thì những ý tưởng hay bất chợt cũng nhiều hơn.

Hãy quẳng gánh lo đi mà sống

Theo chuyên gia tâm lý Robert Levenson của Đại học California, một cuộc sống giản đơn, từ bỏ các vướng bận cũng có thể giúp giải phóng bộ não, nâng cao khả năng sáng tạo.

“Khi già đi, chúng ta sẽ không phải lo nhiều thứ (công việc, chăm sóc con cái, trả nợ tiền mua nhà...). Vì thế, có thể dùng phần sức còn lại vào công việc sáng tạo”, ông nói.

Bà Irene Morey 97 tuổi là một ví dụ. Bà sống ở Boston và làm y tá cho đến khi nghỉ hưu ở tuổi 65. Chồng bà là họa sĩ chuyên nghiệp. Do đó, khi nghỉ hưu, bà quyết định đi học đại học, theo ngành hội họa của chồng.

Sau khi tốt nghiệp, bà cùng làm việc với chồng cho đến khi ông qua đời. Hiện nay, bà vẫn tiếp tục vẽ và cuộc sống rất viên mãn.

Hạnh phúc chính là yếu tố giúp con người sống lâu hơn. Nhiều nghiên cứu trong các thập kỷ qua đã chứng minh điều đó.

Năm ngoái, tạp chí Y khoa British Medical Journal đã công bố một cuộc khảo sát trên 68.000 người tại Anh. Theo đó, ở những người bị buồn chán với mức độ tương đối nhẹ, rủi ro chết vì bệnh tim mạch tăng 29% và rủi ro chết vì các căn bệnh rối loạn không phải do ung thư cũng tăng 29%.

Những nghiên cứu khác cho thấy việc duy trì các mối quan hệ xã hội cũng làm tăng mức độ hài lòng với cuộc sống và giảm tình trạng buồn chán và cô đơn, từ đó giúp giảm rủi ro vướng phải các căn bệnh như đột quỵ, mất trí nhớ.

“Làm công việc mình yêu thích sẽ làm cho bạn trở nên hài lòng hơn, ít bị buồn nản và cơ thể cũng trở nên khỏe mạnh hơn”, Bartzokis, UCLA, cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Muốn sống lâu hãy sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO