Start up

Cải thiện năng lực hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo

TS. Phạm Hồng Quất (*) 27/04/2024 6:00

Nếu xây dựng thành công các trường đại học khởi nghiệp (ĐHKN) sáng tạo, có một hệ sinh thái năng động và gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp (DN), chúng ta có thể nhanh chóng cải thiện năng lực của toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của đất nước.

34-ts-quat.jpg
TS. Phạm Hồng Quất (*)

Nếu xây dựng thành công các trường đại học (ĐH) có mô hình khởi nghiệp sáng tạo, có hệ sinh thái năng động và gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, chúng ta có thể nhanh chóng cải thiện năng lực của toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Hiện nay, các nước đều có các chính sách và chương trình hỗ trợ cho startup và spin-off, tức các DN khởi nghiệp, khởi nguồn từ trường ĐH, nhằm khai thác tối đa nguồn nhân lực tài năng, các phòng thí nghiệm và tài sản trí tuệ trong các trường. Việt Nam cũng đã triển khai khá tốt những chương trình đó thông qua các Đề án 844 (hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025), Đề án 1665 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, về mặt chính sách, vẫn còn nhiều rào cản cần phải tháo gỡ. Ví dụ, việc sử dụng và khai thác tài sản trí tuệ của các trường, đặc biệt là các công trình nghiên cứu do Nhà nước hỗ trợ kinh phí, hiện vẫn do Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quản lý. Điều này gây khó khăn cho việc giao quyền sở hữu cho trường hay các nhóm nghiên cứu để liên doanh, liên kết góp vốn đầu tư với khu vực tư nhân.

Ngoài ra, chương trình ươm tạo DN khoa học công nghệ từ các trường cũng còn nhiều khó khăn. Các thầy cô đang giữ chức vụ trưởng khoa, hiệu trưởng, viện trưởng khó có thể tham gia điều hành các DN khởi nguồn từ trường. Các rào cản này đang được đề xuất với Chính phủ và Quốc hội để sửa đổi. Trước khi thực hiện việc thay đổi luật, có thể thử nghiệm chính sách ở một địa phương hoặc một vài trường ĐH điển hình, sau đó, sẽ đề xuất nhân rộng. TP.HCM có thể là địa phương thí điểm các chính sách thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ, kết quả nghiên cứu được tạo ra từ ngân sách Nhà nước.

Cần chính sách mạnh mẽ hơn để thu hút các quỹ đầu tư

Hiện, các nhà đầu tư thiên thần của Việt Nam rất nhiều và tiềm năng, nhưng cơ chế chính sách hấp dẫn họ tham gia ươm tạo ở các vườn ươm vẫn còn hạn chế, cần phải có những chính sách mạnh mẽ hơn để khuyến khích. Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ (Cục) rất kỳ vọng có những chương trình hỗ trợ tập trung sâu hơn cho các trường ĐH, các cơ sở dạy nghề, các trường công nghệ kỹ thuật cao, như Hàn Quốc có chương trình TIPS (Tech Incubator Program for satrup) - chuyên hỗ trợ thử nghiệm công nghệ mới của các cơ sở giáo dục đào tạo, các trường đào tạo nghề. Nếu chúng ta có những chương trình như vậy, nhà trường không chỉ hỗ trợ về đào tạo và huấn luyện mà còn hỗ trợ về vốn, thử nghiệm công nghệ và phát triển thị trường trong nước và quốc tế, thì sẽ tạo ra cú hích rất tốt cho các trường ĐH.

34-tt-khoi-nghiep-sang-tao-tp.hcm.jpg
Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM với diện tích hơn 17.000 m2, dự kiến hoạt động vào quý III hoặc quý IV năm 2024

Cục đang nỗ lực kiến nghị với Chính phủ có một nghị định về những chính sách ưu đãi đặc thù vượt trội, đặc biệt để hỗ trợ các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, cả khu vực công lập và tư nhân. Các DN có thể tham gia xây dựng những vườn ươm hoặc đầu tư cho vườn ươm tại các trường ĐH. Trong đó, chính sách để thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư cùng với các trung tâm và vườn ươm của khu vực công lập rất quan trọng.

Các trường ĐH cần nghiên cứu phát triển những công nghệ hữu ích

Các trường ĐH cần cố gắng chọn các sản phẩm giải quyết các vấn đề cụ thể của DN, không chỉ là những giải pháp mình thấy hay mà quan trọng là người dùng chính là DN thực sự thấy hữu ích. Khi một tập đoàn sử dụng sản phẩm và phản hồi tích cực, các quỹ đầu tư lớn sẽ tham gia, các tổ chức quốc tế cũng sẽ biết đến. Như vậy, uy tín của sản phẩm, nhóm nghiên cứu và trường sẽ rất tốt, có cơ hội mở rộng toàn cầu chứ không chỉ trong nước.

Cục đã phối hợp với tập đoàn Sài Gòn Tel thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo mở tại Công viên Phần mềm Quang Trung, hoạt động từ tháng 3/2024 nhằm giúp các DN khai thác tài sản trí tuệ và các bằng sáng chế từ các trường ĐH, có khả năng thương mại với sự hỗ trợ từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Các trường có thể đem sản phẩm đến đây thuyết trình để được các tập đoàn lớn quốc tế, nhà đầu tư tư nhân và các cố vấn quốc tế phản biện, giúp hoàn thiện công nghệ, mô hình kinh doanh, gọi vốn và đóng gói để chuyển giao. Hy vọng, mô hình này sẽ thành công như khi triển khai tại các nước Indonesia, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan và có thể nhân rộng sang các địa phương khác.

Việc định hướng hình thành sớm một số trường ĐHKN đều hướng đến việc thương mại hóa các tài sản trí tuệ của trường và gắn việc đào tạo với nhu cầu của DN và sự phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, không nên đòi hỏi quá cao các trường đại học phải tạo ra bao nhiêu doanh thu từ các DN từ trường hoặc đóng góp bao nhiêu phần trăm vào GDP của thành phố, đó là một việc khác, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống, đặc biệt là DN. Thay vì đặt ra mục tiêu phát triển bao nhiêu % DN từ trường đại học, nên tập trung vào việc mỗi trường có thể tạo ra được bao nhiêu công nghệ mới mang tính thay đổi, bao nhiêu mô hình kinh doanh mới, tạo ra tác động lớn trong xã hội.

(*) Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ

Cần chính sách mới để khuyến khích các DN sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ của họ một cách thực tế và hợp lý, như tham gia đầu tư mạo hiểm với khả năng tạo ra lợi nhuận cao, cùng với các trường.
Các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và vườn ươm cần có cơ chế tự chủ để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, không chỉ dựa vào nguồn hỗ trợ, tài trợ từ ngân sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cải thiện năng lực hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO