Start up

Đại học khởi nghiệp có thể kinh doanh sản phẩm nghiên cứu khoa học

TS. Trần Việt Anh (*) 11/04/2024 16:19

Khi triển khai đại học khởi nghiệp (ĐHKN), các trường có thể kinh doanh những nghiên cứu khoa học, phát minh, sáng chế và không cần dựa vào việc thu học phí. Đây cũng là xu hướng chung của các trường đại học (ĐH) trên thế giới.

ts-ng-viet-anh.jpg
TS. Trần Việt Anh

Thời điểm chín muồi để xây dựng ĐHKN

Khởi nghiệp của Việt Nam đã khởi sắc nhưng chưa mạnh mẽ lắm. Tháng 10/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, một trung tâm rất hiện đại, hoành tráng. Bên cạnh đó, các chính sách Nhà nước cũng đang hỗ trợ rất nhiều cho khởi nghiệp.

Hiện nay, tỷ lệ khởi nghiệp ở Việt Nam thành công thấp vì vẫn còn tập trung vào ẩm thực, cà phê (F&B), trong khi khởi nghiệp về công nghệ mới bền vững. Chúng tôi cùng các trường theo mô hình ĐHKN muốn đào tạo cho sinh viên tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ hơn nữa, nhất là sau dịch Covid-19. Tinh thần khởi nghiệp chính là tinh thần chống chọi, ứng phó với những khủng hoảng khó lường như Covid-19. Nó sẽ giúp sinh viên có thể ĐMST, thích ứng những sự thay đổi nhanh, mạnh của thế giới.

Ngoài ra, hệ sinh thái khởi nghiệp ở các nước khác đã phát triển rất nhiều, Việt Nam đi sau có thể học hỏi những kinh nghiệm đó và vẫn còn cơ hội để phát triển thêm. Do đó, đây là thời điểm chín muồi để các doanh nghiệp (DN), các quỹ đầu tư cũng như các trường ĐH và Nhà nước phải tham gia thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp cho nền kinh tế. Để hướng đến việc này thì phải tạo thành hệ sinh thái bao gồm Nhà nước, trường ĐH, DN, các quỹ đầu tư, các ngân hàng và cả truyền thông cũng phải tham gia. Phải truyền thông làm sao để không riêng những người muốn khởi nghiệp mà cả người dân cũng hiểu vai trò quan trọng của khởi nghiệp và ủng hộ, ưu tiên dùng các sản phẩm khởi nghiệp.

Tại Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM, ngay khi manh nha định hướng ĐHKN, chúng tôi đã lập vườn ươm khởi nghiệp với số vốn 1 triệu USD (hơn 20 tỷ đồng). Quỹ này phải hoạt động độc lập như một DN để có thể kinh doanh sản phẩm của vườn ươm.

Khi làm khởi nghiệp, cần chú trọng hai vấn đề: Tinh thần khởi nghiệp và kỹ năng khởi nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp thì Trường sẽ đào tạo cho sinh viên không chỉ dám chấp nhận đương đầu với những thử thách mà còn phải biết tránh đi theo số đông. Còn kỹ năng khởi nghiệp Trường muốn đẩy mạnh kết hợp với doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các ngân hàng để đào tạo. Và vườn ươm khởi nghiệp sẽ là đầu mối kết nối các DN trong và ngoài nước để hỗ trợ ngược lại phần đào tạo của Trường.

dh-hung-vuong-giai-nhat-khoi-nghiep.jpeg
Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM dự thi và đạt quán quân cuộc thi khởi nghiệp “UNIIC DEMO DAY 2023” tại Malaysia vào tháng 9/2023

Cần nới rộng cơ chế tự chủ cho các trường ĐH

Hiện nay, trên 90% trường đại học Việt Nam “sống” chủ yếu bằng việc thu học phí nên tập trung thu hút sinh viên, trong khi đào tạo chỉ là một trong ba nhiệm vụ của trường ĐH: Đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng xã hội. Khi tập trung đào tạo thì các trường chưa đánh giá đúng vai trò nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội. Hầu như các trường chỉ đang làm các hoạt động này để phục vụ việc xếp hạng Ranking. Khi nào các trường xác định đó là việc cực kỳ cần thiết, cấp thiết, nếu không làm thì có thể sẽ chết, lúc đấy vai trò khởi nghiệp của trường ĐH mới bật lên được

Các trường ĐH cũng như DN, phải xác định giáo dục là một hình thức kinh doanh đặc thù, ví dụ các trường Đại học dân lập trên thế giới đều theo mô hình công ty. Kinh doanh giáo dục thì có đào tạo, kinh doanh về nghiên cứu khoa học, bán các bằng phát minh sáng chế hoặc lập các DN để phục vụ đào tạo. Việc này sẽ tăng nguồn thu cho trường và qua đó, tăng thu nhập cho giảng viên, cán bộ nhân viên.

Thực tế, các sản phẩm nghiên cứu khoa học của Việt Nam hiện nay, tính ứng dụng và giá trị thương mại không cao. Nhiều nghiên cứu của một số viện, trường ĐH thực hiện cho các địa phương xong thì cất vào ngăn kéo, không dùng được. Do đó, để xây dựng ĐHKN thành công, thứ nhất, các trường ĐH cần xác định rõ vai trò, vị trí của trường mình trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMTS. Khi đó, các trường mới đưa ra được tầm nhìn, mục tiêu, sứ mệnh, giá trị cốt lõi để hiện thực hóa mô hình khởi nghiệp đấy. Thứ hai, các trường phải truyền thông để mỗi cán bộ nhân viên hiểu rõ cá nhân có vai trò, vị trí gì trong sự phát triển ĐHKN của trường.

Viện công nghệ Massachuset (MIT), Mỹ được xem là nền kinh tế thứ 10 thế giới, trên cả Úc và Canada. MIT thành công vì sau 5 năm, hơn 70 % DN khởi nghiệp từ các sinh viên vẫn tồn tại trên thị trường, trong khi Việt Nam sau 2 năm các DN khởi nghiệp chỉ còn lại 5% do thiếu kỹ năng và cả tinh thần, chỉ cần hơi thất bại là đã bỏ cuộc. Tinh thần ở đây là sự chịu đựng bền bỉ vì mỗi giai đoạn có những khó khăn nhất định, các sinh viên phải được đào tạo như người lính, có tinh thần, kỹ năng và phải biết chấp nhận rủi ro. Việt Nam cũng đang hướng đến quốc gia khởi nghiệp do đó, từng thành phần từ Nhà nước, trường ĐH đến DN, các quỹ đầu tư, ngân hàng cũng phải có sự thay đổi.

Nhà nước cần có một số chính sách rõ ràng, cụ thể, ví dụ về tự chủ ĐH, mặc dù Luật Giáo dục Đại học sửa đổi năm 2019 đã quy định rõ nhưng lúc triển khai, nhiều trường công lập vẫn loay hoay, kể cả các trường ngoài công lập cũng có vướng mắc. Chẳng hạn, quy định khi có kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đào tạo thì các trường ĐH có thể mở ngành mới không cần phải xin phép thế nhưng hiện nay, chúng tôi vẫn phải thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có thể mở ngành mới.

Do đó, điều cấp thiết hiện nay là gỡ bài toán về tự chủ, làm sao để cơ chế tự chủ của trường ĐH được nới ra, rõ ràng, minh bạch, phát huy tối đa công suất. Khi tự chủ rồi, các trường mới xác định nguồn thu chính không phải là học phí mà có thể từ nghiên cứu khoa học hoặc các hoạt động phục vụ cộng đồng, phục vụ DN.

(*) Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM

Lê Hạnh (lược ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đại học khởi nghiệp có thể kinh doanh sản phẩm nghiên cứu khoa học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO