Doanh nhân

ThS. Huỳnh Thúy Phương - Phó chủ tịch Hội đồng Trường, Phó hiệu trưởng Điều hành Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM: “Với tôi, trong giáo dục, phải làm tốt nhất có thể!”

Lê Hạnh 11/07/2025 10:00

Với tư duy mở, không ngừng học hỏi và nỗ lực mỗi ngày, ThS. Huỳnh Thúy Phương - Phó chủ tịch Hội đồng Trường, Phó hiệu trưởng Điều hành Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM (UMT) đang từng bước đưa UMT trở thành trường đại học có tinh thần khai phóng và góp phần cống hiến cho nền giáo dục Việt Nam. Với bà, trong giáo dục, phải làm tốt nhất có thể, bởi sản phẩm nào bị lỗi cũng có thể sửa được, chỉ có con người là không!

Sau gần 10 năm làm doanh nghiệp, từ quản lý cấp trung đến vị trí lãnh đạo cao nhất, ThS. Huỳnh Thúy Phương mới dám nhận lời điều hành UMT và xem đây là sứ mệnh cuộc đời mình.

* Từng kinh qua nhiều vị trí trong các doanh nghiệp (DN), nhưng mất gần 10 năm, bà mới dám nhận lời điều hành UMT? Điều gì khiến bà trăn trở lâu đến vậy?

- Từ nhỏ, tôi đã sống trong môi trường giáo dục. Hình ảnh đầu tiên về ba tôi - TS. Huỳnh Bá Lân - Trưởng Bộ môn Toán, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, luôn là một người thầy ngồi chấm bài, soạn giáo án, viết sách. Lớn lên giữa không gian giảng đường, tiếp xúc thầy cô và các anh chị sinh viên mỗi ngày, nên hình ảnh người thầy và ngôi trường đại học gần như là một tượng đài thiêng liêng từ khi tôi còn là một cô bé. Vì thế, trong suốt 10 năm, khi ba ngỏ ý muốn tôi điều hành UMT do ba sáng lập, tôi không dám nhận vì thấy mình chưa sẵn sàng để có thể đảm nhận trọng trách lớn như vậy.

2.jpg

Khi làm DN, tôi từng va vấp, từng có lúc ra quyết định sai lầm và trưởng thành từ đó. Nhưng tôi biết, làm giáo dục khác làm DN rất nhiều. Với tôi, trong giáo dục, mình phải làm tốt nhất có thể. Bất cứ sản phẩm nào nếu bị lỗi thì có thể sửa lại, nhưng con người thì rất khó để làm chuyện đó.

Mãi đến năm 2021, khi tôi 37 tuổi, độ tuổi bắt đầu chín muồi về kinh nghiệm, kiến thức cũng như khả năng lãnh đạo và vẫn còn thời gian để học hỏi, phát triển thêm, tôi mới dám nhận lời.

* Bà từng nhắc nhiều đến ba mình - nhà giáo, TS. Huỳnh Bá Lân như một nguồn cảm hứng và sự nhiệt huyết. Bà học hỏi, thừa hưởng điều gì ở ba mình để tự tin điều hành UMT?

- Tôi may mắn lớn lên trong gia đình nhà giáo, sau đó, khi ba tôi làm DN, thành lập Công ty Kiến Á thì tôi lớn lên trong hai môi trường song song - giáo dục và DN. Ba tôi là người rất tâm huyết với giáo dục. Ông là người đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp đại học và cũng là tiến sĩ duy nhất. Việc ông thành lập Kiến Á và sau đó là UMT đều xuất phát từ niềm tin rất lớn trong giáo dục là muốn đóng góp cho xã hội, cho thế hệ tương lai.

mt01949.jpg
TS. Huỳnh Bá Lân và ThS. Huỳnh Thúy Phương (từ trái sang) trao Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với PUM (Programma Uitzending Managers) Hà Lan nhằm kết nối các chuyên gia cấp cao với các doanh nghiệp, tổ chức giáo dục tại hơn 30 quốc gia.

Tôi thấy có sự liên kết chặt chẽ trong câu chuyện một con người có đức, có tài, có tâm, mang trong mình giấc mơ lớn, và đặc biệt là sự kiên trì làm việc không ngừng để kết nối tất cả yếu tố đó thành những dự án thành công, từ bất động sản đến giáo dục. Thế nên, chỉ cần nghĩ tới ba là tôi rất xúc động và luôn được truyền cảm hứng.

Hành xử của ba mẹ tôi, từ những việc nhỏ nhất cũng hướng đến giá trị như vậy và cứ thế trở thành một phần máu thịt trong tôi. Dù vẫn có bất đồng do khoảng cách thế hệ, do văn hóa và trải nghiệm, nhưng tôi và ba luôn cùng tầm nhìn nên mọi tranh luận vẫn quay về hai điều: Một là giá trị cốt lõi, hai là con đường để đưa UMT trở thành một trường đại học có tư duy khai phóng và góp phần cống hiến cho nền giáo dục Việt Nam.

* Với góc nhìn của một người từng điều hành doanh nghiệp, theo bà, đâu là thách thức lớn nhất trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho kỷ nguyên công nghệ số?

- Thách thức lớn nhất có lẽ là đào tạo con người có đức, có tư duy mở, thái độ học hỏi không ngừng và khả năng thích nghi. Khi làm DN, tôi nhận ra chỉ cần có những yếu tố này cộng thêm kiến thức và kỹ năng chuyên môn, các bạn sẽ đủ sức đi đường dài. UMT rất mạnh về chuyên môn nhưng để hấp thụ hết những kiến thức đó, sinh viên phải có nền tảng tư duy và thái độ. Nếu không, dù có vào DN tốt nhất, có thể được dạy thêm nhưng các bạn không có khả năng học thì cũng không thể phát triển được.

Quay lại với câu chuyện của thầy Lân, tôi tin rằng nếu chúng ta có đức, có tài, có tâm, có tầm, quan trọng nhất là mục tiêu rõ ràng và kiên trì nỗ lực, chắc chắn chúng ta sẽ thành công.

Chúng ta có thể chọn học bất cứ điều gì chúng ta muốn nhưng đừng bao giờ ngừng học. Và nếu đã học rồi thì hãy chọn học với hai tiêu chí: Hạnh phúc và thành công.

ThS. Huỳnh Thúy Phương - Phó chủ tịch Hội đồng Trường, Phó hiệu trưởng Điều hành Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM

* Nhiều ý kiến cho rằng giáo dục đại học chưa bắt kịp yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Theo bà, điều gì còn thiếu nhất trong đào tạo hiện nay, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang số hóa mạnh mẽ?

- Quan điểm của tôi là không có bất cứ trường đại học nào có thể dạy nghề và chuyên môn tốt bằng DN. Những kiến thức ở trường đại học chỉ có hồn, có sự sống khi DN có thể ứng dụng được trong thực tế. Thế giới đang phát triển chóng mặt. Những gì DN đang làm hôm nay, hôm sau đã phải thay đổi để thích nghi và tồn tại.

Do đó, chúng tôi chọn con đường giáo dục khai phóng để “đổ nền” cho sinh viên. Đây là cách tiếp cận cực kỳ quan trọng để mở rộng nhân sinh quan, thế giới quan của các bạn. Với sự thay đổi chóng mặt của thế giới, kỹ năng quan trọng nhất là kỹ năng học hỏi suốt đời, sẵn sàng học lại, học mới.

Tư duy khai phóng, thái độ học hỏi, khả năng thích nghi là những điều UMT trang bị cho sinh viên bên cạnh kiến thức về chuyên môn, công nghệ, ngoại ngữ để các bạn biết cần khám phá thế giới thế nào, cần phát triển góc nhìn cũng như khả năng thích nghi ra sao trong suốt hành trình sự nghiệp sắp tới.

Không thể không nói đến trí tuệ nhân tạo (AI) vì AI đang thay đổi hoàn toàn thế giới này, không chỉ giáo dục. Ai đó nói có thể sẽ không cần bằng đại học nữa nhưng theo tôi, vấn đề không phải ở tấm bằng mà là việc nhận thức giá trị của giáo dục đại học trong kỷ nguyên mới. Điều mà các trường đại học cần làm là phải điều chỉnh cách đào tạo, khơi mở tư duy và truyền tải kiến thức thực tiễn cho sinh viên.

3.jpg

* Tư duy quốc tế, không ngừng học hỏi và thích nghi có phải là điểm ưu việt của nền giáo dục khai phóng mà bà từng trải nghiệm sau nhiều năm du học ở Mỹ và quyết định đưa vào áp dụng tại UMT?

- Lúc học phổ thông ở Mỹ, tôi chỉ học Toán, Văn, Lý, Hóa… Sau này được học văn hóa các nước, địa chính trị, lúc đó tôi mới vỡ lẽ, hóa ra có nhiều điều mình chưa từng nghĩ đến và thế giới của tôi thực sự được mở rộng.

Lần đầu tiên, tôi nhận ra làm DN không phải chỉ là tạo ra sản phẩm để bán, mà còn phải hiểu những điều này trong câu chuyện nhân sinh quan. Khi hiểu chuyện lớn, mình sẽ hiểu chuyện nhỏ, ví dụ như làm sao để hòa giải xung đột nội bộ trong DN, hay tại sao các tổ chức, cộng đồng lịch sử có thể hợp tác để cùng phát triển đất nước…

Những điều đó tưởng chừng xa vời, nhưng khi làm việc với đối tác quốc tế, tôi có thể tự tin thảo luận với họ không chỉ về kinh tế, DN mà cả văn hóa, chính trị… Khi tham gia các tổ chức doanh nhân, tôi thấy các anh chị lãnh đạo học rộng, hiểu nhiều, đều là những đại diện đáng tự hào của Việt Nam khi bước ra thế giới. Tôi mong sinh viên UMT cũng có sự tự tin như thế - bằng việc được đào tạo kiến thức đa dạng, liên ngành, tư duy mở để có thể thích nghi trong bất kỳ môi trường nào. Và giáo dục khai phóng là một nền giáo dục rất hiệu quả trong việc xây dựng cho sinh viên tư duy mở, khát vọng học hỏi và không ngừng phát triển.

* Vậy khi áp dụng giáo dục khai phóng, UMT cần phải điều chỉnh như thế nào để phù hợp với thế hệ trẻ Việt Nam, thưa bà?

- UMT không đưa nguyên chương trình của nước ngoài về mà tự xây dựng. Nền giáo dục phổ thông của Việt Nam khác Mỹ, Anh nên không thể mang chương trình của Anh, Mỹ về cho sinh viên trong nước học ngay. Chúng tôi nhập sách từ nước ngoài, nhưng tối ưu cho phù hợp với chương trình đào tạo sinh viên UMT. Có một câu châm ngôn mà tôi rất thích, đó là mình phải biết nơi người ta đang đứng thì mới biết cách nâng họ lên được.

Ví dụ, trẻ em nước ngoài từ nhỏ đã được đi viện bảo tàng xem tranh của các đại danh họa thế giới như Picasso, Monet, thậm chí tham quan NASA, trong khi ở Việt Nam không có những trải nghiệm này. Vậy, giáo dục khai phóng ở UMT phải là một hành trình bổ sung từ từ, không sao chép y nguyên mà cần chọn lọc và thích nghi.

Giáo dục khai phóng là một nền giáo dục rất hiệu quả trong việc xây dựng cho sinh viên tư duy mở, khát vọng được học hỏi và không ngừng phát triển.

ThS. Huỳnh Thúy Phương - Phó chủ tịch Hội đồng Trường, Phó hiệu trưởng Điều hành Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM

* AI đang thay đổi cách làm việc, cách cạnh tranh của các DN, vậy trường đại học cần trang bị những gì để giúp sinh viên không bị “bỏ lại phía sau” trong kỷ nguyên AI, thưa bà?

- Các trường đại học đang cùng nhau xây dựng đề án để đào tạo AI. Ở UMT cũng có lớp học về các công cụ AI. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để các bạn có thể tồn tại, phát triển thành công và hạnh phúc giữa một thế giới biến động như hiện nay, đó là khả năng học, khả năng tư duy, khả năng chấp nhận những điều mình học hôm nay có thể lỗi thời ngày mai. Và làm sao mình có thể tiếp tục học lại, làm mới bản thân và thích nghi? Đó sẽ là một vòng tuần hoàn liên tục mà chúng ta phải đón nhận và chương trình giáo dục khai phóng của UMT đặt mục tiêu phải đào tạo cho sinh viên khả năng đó.

Phần lớn lớp học khai phóng tại UMT quy định sinh viên không được sử dụng AI. Nghe rất nghịch lý nhưng đó là điều cần thiết. Trường Đại học MIT (Mỹ) vừa công bố một nghiên cứu cho thấy việc lạm dụng AI như ChatGPT có thể làm suy giảm khả năng nhận thức hay thoái hóa tư duy. Trong khi, chỉ có tư duy mới giúp sinh viên phát triển.

Điều tôi quan tâm là, các bạn có tư duy để sử dụng công cụ AI hơn những người còn lại hay không. Và các bạn có tư duy để biến kiến thức đó thành của mình, phục vụ cho mình hay không. Chúng tôi có quy định rõ ràng để sinh viên biết khi nào không được dùng AI nhằm giúp rèn luyện tư duy và khi nào được dùng AI để tối ưu hóa việc học tập.

dnsg03.jpg
Đoàn sinh viên Khoa Truyền thông và Nghệ thuật ứng dụng trình bày 2 đề tài tại Hội thảo Nghiên cứu Khoa học Quốc tế RSUCON 2025 tại Thái Lan

* Hiện, các DN sử dụng AI để tối ưu nguồn nhân lực, còn đằng sau mỗi nhân lực là bài toán tối ưu chính mình. Theo bà, hành trình tối ưu chính mình của sinh viên đại học nên bắt đầu từ đâu, liệu có nên bằng AI?

- Lại quay về khả năng tư duy và thái độ. Không có AI nào hiểu hết được sự phức tạp, tinh tế, tinh vi trong cuộc sống và xã hội như con người. Chúng ta có thể nhờ AI xây dựng kế hoạch cho UMT nhưng AI không thể nào biết mỗi nhân sự UMT có tính cách thế nào, mối liên hệ giữa các nhân sự đó ra sao và tất cả quy trình, thông tin, văn hóa của UMT…

Nếu sinh viên hiểu điều đó, AI sẽ là công cụ bổ trợ rất đắc lực. Nhưng để phát triển, các bạn phải biết được sản phẩm nào AI đưa ra là dùng được, chỗ nào có thể phát huy, đào sâu hơn. Đó là kỹ năng cực kỳ quan trọng. Các thế hệ trước phải làm việc 10-20 năm mới có, trong khi đó hiện nay, sinh viên chỉ cần 3-5 năm ở trường đại học là có thể rèn luyện được.

* Sinh viên khóa đầu tiên của UMT cũng sắp tốt nghiệp. Theo bà, các bạn đã hội đủ chuẩn công dân toàn cầu như sứ mệnh mà UMT đặt ra? Trường có cập nhật chương trình gì để giúp các bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình khi ra trường?

- Đến thời điểm này, các bạn đã sẵn sàng trở thành những công dân tích cực để đóng góp cho xã hội. Tôi rất tự hào về sinh viên những khóa đầu tiên. Trưởng thành cùng UMT từ ngày đầu và đến nay, các bạn đạt rất nhiều giải thưởng từ học thuật đến năng khiếu, như huy chương tại cuộc thi Olympic Tin học, Toán học và đặc biệt, sinh viên Như Ý là một trong những gương mặt vào vòng chung kết Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2023 của Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn. Với chúng tôi, đã là sinh viên UMT thì mãi mãi là thành viên Nhà UMT. Bất cứ lúc nào các bạn cần, UMT luôn sẵn sàng hỗ trợ.

aar04566.jpg
Sinh viên được đào tạo Logistics 'thực chiến' bên cảng container quốc tế Cát Lái

* Bà có thông điệp gì muốn gửi gắm đến sinh viên thế hệ Gen Z để các bạn có thể tối ưu chính mình và sẵn sàng bước vào kỷ nguyên AI?

- Gen Z là một thế hệ rất đặc biệt. Các bạn lớn lên trong điều kiện đầy đủ hơn nhiều so với thế hệ chúng tôi, chính vì vậy, Gen Z nhìn đâu cũng thấy cơ hội. Các bạn rất giỏi trong việc mang tư duy phong phú, dồi dào vào tổ chức của mình. Nếu so về khả năng gọi vốn trong các dự án khởi nghiệp, có thể thấy thế hệ Gen Z rất thành công.

Tư duy của Gen Z là tư duy phát triển. Các bạn nhìn nhận vấn đề với góc nhìn toàn cầu hơn. Vì không bị hạn chế, nên các bạn dám nghĩ, dám làm và không sợ. Đó là điều tuyệt vời.

Tuy nhiên, có thể vì lớn lên trong môi trường quá đầy đủ, các bạn thiếu sự khát khao vươn lên. Các bạn thiếu cơ hội rèn luyện tính bền bỉ, khả năng chịu đựng, cũng như sự kiên trì. Trách nhiệm của UMT là tối ưu hóa sức mạnh của các bạn, và làm sao để các bạn thấy chúng tôi có rất nhiều câu chuyện về sự kiên trì, về thái độ có thể trao lại cho các bạn.

Học là điều tất yếu. Chúng ta có thể chọn học bất cứ thứ gì chúng ta muốn và đừng bao giờ ngừng học. Và nếu đã học rồi thì hãy chọn học với hai tiêu chí: Hạnh phúc và thành công. Nếu thành công mà không hạnh phúc thì sẽ không vui. Nhưng học chỉ để vui mà không thành công, chúng ta sẽ mất định hướng. Đây cũng là phương châm của UMT: Học để hạnh phúc và thành công!

* Đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng, đang chuyển mình mạnh mẽ, cụ thể TP.HCM vừa mở rộng địa giới hành chính khi sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 1/7 vừa qua. UMT nhìn thấy cơ hội và thách thức gì trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho siêu đô thị TP.HCM, thưa bà?

- Tôi không thấy đó là thách thức. Phần lớn sinh viên của chúng tôi ở TP.HCM và Bình Dương, Đồng Nai. UMT đang cùng thành phố, đang cùng đất nước phát triển rất đồng bộ.

Chúng tôi tự hào là một trong những trường đại học có cơ sở vật chất rất hiện đại, có khuôn viên rộng rãi ngay trung tâm Khu đô thị Cát Lái và liền kề Cảng Cát Lái. UMT sở hữu khu đất rộng 8ha, diện tích xây dựng lên đến 480.000m2. Chúng tôi có rất nhiều dư địa để phát triển, về quỹ đất, về con người, về chương trình đào tạo. Chúng tôi chú trọng dạy cho sinh viên khả năng thích nghi, thì UMT cũng như vậy. Ngay từ đầu, chúng tôi đã đầu tư để giúp UMT luôn linh hoạt với sự thay đổi. Dù sắp tới, đô thị hay công nghệ chuyển biến thế nào, UMT luôn sẵn sàng đón nhận. Đây cũng là cơ hội để UMT phát huy khả năng của mình và cùng TP.HCM mới phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

4.jpg

* Với những chuyển động mạnh mẽ của đô thị, công nghệ và xã hội hiện nay, bà nhìn nhận vai trò của một “doanh nhân làm giáo dục” như thế nào?

- Chúng ta hầu hết đều từ môi trường giáo dục, trường học mà ra. Và sau một thời gian đi làm, nhiều người quên mất nền tảng đầu đời ấy. Tôi thì ngược lại, may mắn lớn lên, học hỏi trong môi trường có sự đan xen giữa giáo dục và DN. Giờ làm giáo dục, tôi càng thấy rõ mối liên kết chặt chẽ giữa giáo dục, DN và xã hội, đó là nền tảng cho sự phát triển của văn minh nhân loại. UMT liên kết hệ sinh thái DN để tham gia giảng dạy, đóng góp xây dựng chương trình đào tạo của Trường, cũng như trao học bổng cho sinh viên, nhận sinh viên thực tập trong các học kỳ DN…

Vì từng làm DN nên tôi hiểu giá trị của sự liên kết giữa giáo dục, DN và xã hội. Tất cả DN đều mong muốn đóng góp cho xã hội, và giáo dục chính là nơi đóng góp bền vững nhất. Vấn đề là làm sao chúng ta tạo ra những cầu nối cụ thể, để sự đóng góp đó được rõ ràng, được thực thi mạnh mẽ và đúng hướng. Và bản thân tôi rất vinh dự khi được trở thành một cầu nối như vậy.

* Sau nhiều năm làm DN, cuối cùng quay về làm trong lĩnh vực giáo dục, bà thấy mình được những gì?

- Được rất nhiều. Đầu tiên, tôi phải cảm ơn thầy Huỳnh Bá Lân, ba tôi, đã cho tôi cơ hội phải nói là “ngàn năm có một” để điều hành UMT. Đây là một công việc không dễ dàng. Mỗi ngày, tôi phải học hỏi và đấu tranh rất nhiều để vượt qua hạn chế của bản thân. Và khi tôi nói về câu chuyện khai phóng, nó không chỉ đơn thuần là định hướng cho một chương trình đào tạo mà là “nhựa sống” của UMT, “nhựa sống” của tôi, giúp tôi vượt qua những hạn chế, dũng cảm đối diện với thực tế và không ngừng hoàn thiện để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

* Xin cảm ơn bà vì những chia sẻ đầy ý nghĩa và cảm xúc!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
ThS. Huỳnh Thúy Phương - Phó chủ tịch Hội đồng Trường, Phó hiệu trưởng Điều hành Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM: “Với tôi, trong giáo dục, phải làm tốt nhất có thể!”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO