TP.HCM mới tổ chức phiên họp đầu tiên về kinh tế - xã hội
Sáng 4/7, UBND TP.HCM đã tổ chức phiên họp đầu tiên nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2025, đồng thời thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho 6 tháng cuối năm.
Phiên họp do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được chủ trì, cùng sự tham dự của các Phó Chủ tịch UBND TP.HCM gồm ông Nguyễn Văn Thọ, ông Nguyễn Lộc Hà và ông Nguyễn Văn Dũng.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Nguyễn Văn Được nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của phiên họp lần này trong bối cảnh TP.HCM mới chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Việc đánh giá hiệu quả hoạt động trong 4 ngày đầu tiên triển khai là cơ sở quan trọng để điều chỉnh và hoàn thiện bộ máy hành chính tại 168 phường, xã và khu vực đặc thù sau sáp nhập.
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị, sở ngành báo cáo cụ thể các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình vận hành mô hình mới, bao gồm cả hiệu quả xử lý thủ tục hành chính, tỷ lệ người dân tham gia, mức độ hài lòng cũng như việc triển khai tiếp nhận hồ sơ phi địa giới hành chính.
Theo ông Nguyễn Văn Được, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm ghi nhận nhiều kết quả tích cực, nhưng giai đoạn còn lại của năm 2025 được dự báo sẽ gặp không ít khó khăn do các chính sách thuế đối ứng từ phía Mỹ.

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan chuyên môn đánh giá toàn diện mức độ ảnh hưởng của chính sách thuế mới này đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tốc độ tăng trưởng GRDP và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8 - 8,5% trong năm 2025.
Về công tác quy hoạch, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết hiện ba địa phương cũ đã công bố các đồ án quy hoạch riêng biệt, tuy nhiên, trong giai đoạn mới cần có sự điều chỉnh theo hướng tích hợp, thống nhất, tận dụng tối đa tiềm năng liên kết vùng. Thành phố hướng tới mục tiêu chiến lược trở thành một trong 100 thành phố đáng sống nhất thế giới.
Đáng chú ý, trong khoảng 3 tháng tới, TP.HCM sẽ tổ chức Đại hội Đảng các cấp. UBND TP.HCM sẽ phát động phong trào thi đua cao điểm 100 ngày nhằm lập thành tích thiết thực chào mừng sự kiện chính trị quan trọng này. Đồng thời, các sở, ban, ngành cần phối hợp cùng giới chuyên gia xây dựng văn kiện đại hội, định hình chiến lược phát triển và tầm nhìn dài hạn cho TP.HCM mới.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, 6 tháng đầu năm GRDP TP.HCM tăng trưởng ước đạt 6,56% (tính dầu thô) và 7,49% (nếu không tính dầu thô). Mức chênh lệch này chủ yếu đến từ việc sáp nhập địa giới hành chính, khi GRDP của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) trong 6 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng trưởng âm 2,2% do ảnh hưởng lớn từ ngành khai thác dầu thô.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 16,2%, tổng thu hút vốn FDI đạt hơn 5,2 tỷ đồng, thu ngân sách ước đạt 415.000 tỉ đồng, đạt 60% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công đạt 32% kế hoạch Thủ tướng giao.
Trong đó 6 tháng đầu năm, GRDP TP.HCM (cũ) tăng 7,82% so với cùng kỳ năm 2024, thu ngân sách ước đạt 322.000 tỷ đồng, đạt hơn 62% dự toán.
Tăng trưởng GRDP của tỉnh Bình Dương (cũ) 6 tháng đầu năm tăng 8,3%, thu ngân sách ước 44.800 tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư công đạt 4.300 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 15%.
Tăng trưởng GRDP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,61%, thu ngân sách ước 48.000 tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư công đạt 9.300 tỷ đồng, đạt 39% vốn.