Tủ sách Doanh nhân

Từ “hồi ức đến tương lai” và góc suy tư về giáo dục Việt

Kami 13/07/2025 11:00

"Nhưng ông nội mất chỉ một năm sau khi tôi sang Nhật, tôi buồn và thương tiếc vô cùng. Tôi không còn cơ hội được báo hiếu như đã thổ lộ trong lời nói đầu cuốn sách xuất bản năm 1996. Tôi đã dùng tiền nhuận bút cuốn sách mở một học bổng lấy tên ông nội để khuyến khích các cháu nội ngoại của ông cố gắng học tập. Nếu không có tình thương yêu và nỗ lực phi thường của ông nội, cuộc đời tôi đã khác rất nhiều".

Đó là những dòng hoài niệm, đầy cảm xúc của Giáo sư Trần Văn Thọ - nhà kinh tế học, Giáo sư danh dự Đại học Waseda (Tokyo) trong cuốn sách mới nhất Hồi ức đến tương lai, qua bài viết “Ông nội tôi”.

Tác phẩm mở ra một không gian dung dị mà sâu lắng, nơi những ký ức cá nhân hòa quyện cùng trăn trở lớn lao về vận mệnh quốc gia, không chỉ là hồi tưởng của một trí thức xa xứ mà còn là lời mời gọi suy ngẫm về con đường phát triển bền vững của Việt Nam hôm nay và mai sau.

Hoi uc

Sinh ra ở vùng quê nghèo Quảng Nam, vượt lên hoàn cảnh bằng ý chí và học vấn, ông nhận học bổng và sang Nhật du học từ năm 1968. “Chàng trai trẻ” Trần Văn Thọ rời quê nhà, mang theo hành trang là những hình ảnh về quê hương, lịch sử và văn hóa Việt Nam, được vun bồi qua từng trang sách. Những hình ảnh đó đã “in sâu vào tiềm thức, hun đúc thành tự hào dân tộc, thành tình yêu quê hương” và trở thành mạch nguồn nuôi dưỡng các bài viết sau này của ông, từ những phân tích kinh tế đến luận bàn về giáo dục và chính sách công.

Cuốn sách được chia làm bốn phần, trong đó hai phần đầu Nhớ về kỷ niệm và Gương sáng xưa nay mang màu sắc tự sự, khơi dậy những hồi ức đậm tình quê hương, gia đình, bè bạn và những ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa, thơ ca, âm nhạc: những yếu tố âm thầm nuôi dưỡng tâm hồn một người trí thức suốt chặng đường dài xa xứ.

Hai phần sau của cuốn sách gồm Những nẻo đường gần xa và Để đất nước đi lên là những bài viết mang đậm chất chính luận, phản ánh mối quan tâm xuyên suốt của tác giả: Làm thế nào để Việt Nam phát triển thành một quốc gia thu nhập cao và đâu là hình ảnh lý tưởng cho một quốc gia phát triển?

Sách của Giáo sư Trần Văn Thọ không chỉ kể những câu chuyện ấn tượng, mà còn mở ra những trải nghiệm thấm đẫm chiều sâu văn hóa và lịch sử. Ông kể về Harry Elkins Widener - chàng thiếu gia mê sách mất trong vụ đắm tàu Titanic năm 1912. Sau khi con trai qua đời, mẹ anh đã gom hết sách của con và xây một thư viện mang tên anh tại Đại học Harvard: một tình yêu dành cho sách, được gìn giữ thành di sản. Hay câu chuyện về Hàn Quốc, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới, chỉ trong 35 năm đã vươn lên thành cường quốc kinh tế… Những câu chuyện ấy đều có một điểm chung là sức mạnh của tri thức, của lòng yêu nước và về con đường vươn lên bằng ý chí và tầm nhìn dài hạn.

GS. Trần Văn Thọ lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Hitotsubashi, Tokyo, Giáo sư danh dự Đại học Waseda, Tokyo; Huân chương Thụy bảo Tia Vàng của Chính phủ Nhật Bản. Ông từng xuất bản nhiều sách về kinh tế tại Nhật và Việt Nam, trong đó một cuốn đoạt giải châu Á - Thái Bình Dương (Nhật Bản) và năm cuốn được giải Sách Hay (Việt Nam).

Trước đó nhiều cuốn sách học thuật của ông đã được xuất bản tại Việt Nam như: Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam; Kinh tế Nhật Bản giai đoạn phát triển thần kỳ 1955 - 1973; Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh hay Việt Nam hôm nay và ngày mai. Tuy nhiên, Hồi ức đến tương lai lại mang một màu sắc khác gần gũi hơn, nhân văn hơn, nhưng thể hiện rõ sự dấn thân trí thức dành trọn đời mình để học hỏi, giảng dạy và cố vấn chính sách.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Xanh nhận xét: “GS. Trần Văn Thọ sống với cả hồn nước bốn nghìn năm văn hóa, lịch sử... Anh là con người của cảm xúc, của rung động trước những vần thơ hay, vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp quê hương, nhưng cũng trước những tấm gương quật cường, của hoài bão xây dựng, hun đúc nhịp đập khoa học của thời đại”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Từ “hồi ức đến tương lai” và góc suy tư về giáo dục Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO