Tủ sách Doanh nhân

Viết sách để kiến tạo tương lai số cho người yếu thế

PGS-TS. Trần Mạnh Huy 05/07/2025 11:00

Tôi sinh ra đã bị liệt nửa người, nhưng tuổi thơ lại rất êm đềm vì được gia đình yêu thương và bao bọc. Chính trong vòng tay ấy, tôi học được một điều lớn: sự yếu thế về thân thể không có nghĩa là mình phải sống một cuộc đời nhỏ bé.

Một tôi khác biệt

Điều khiến hành trình của tôi khác biệt không phải vì tôi là người khuyết tật, mà vì tôi nhìn công nghệ như một cơ hội công bằng cho người yếu thế. Đó là lý do tôi chọn khởi nghiệp cùng người khuyết tật, chọn viết sách cho những người chưa từng học AI, Blockchain. Có những đêm tôi vừa học vừa bực bội vì những bản vẽ luôn bẩn hơn bạn bè do khiếm khuyết của mình. Có những năm khởi nghiệp, tôi phải ghi nợ lương nhân viên hai tháng và một mình bay sang Nhật tìm khách hàng với cuốn sổ đỏ đã cầm cố. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện dừng lại.

huytm2.jpg
PGS-TS. Trần Mạnh Huy

Tôi tin rằng người khuyết tật cũng có thể lao động như bao người, và tri thức có thể thay đổi số phận. Còn một lý do nhỏ nhưng rất thật: tôi luôn nghĩ về mẹ. Mẹ từng nói: “Con có thất bại thì về, mẹ nuôi”. Nhưng tôi chưa bao giờ muốn trở về theo cách đó. Tôi muốn mẹ tự hào. Tôi muốn mỗi bước tôi đi, mẹ luôn dõi theo và mỉm cười, dù bây giờ mẹ đã xa tôi hơn 10 năm rồi.

Tôi không viết sách vì muốn trở thành tác giả. Tôi viết vì có quá nhiều người hỏi: “AI là gì anh?”, “Blockchain có phải lừa đảo không?”, “Em muốn học mà thấy sợ lắm”… Tôi nhận ra: công nghệ không khó, cái khó là ngôn ngữ để nói về nó. Chúng ta đang sống trong một thế giới ngợp bởi thuật ngữ, nhưng thiếu những cây cầu để bắc từ tri thức sang đời sống.

Và thế là tôi viết sách

Cuốn sách đầu tiên viết về trí tuệ nhân tạo (AI) ra đời vào lúc tôi và công ty đang ở giữa một khúc ngoặt: chúng tôi không còn là một đơn vị BPO thông thường, mà đang chuyển mình. Tôi đã viết cùng Xuân Tài - một doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ, cũng là người em thân thiết. Chúng tôi viết sau giờ làm, viết vào những đêm khuya khi cùng chạy deadline với khách hàng, viết như thể đang kể chuyện với những người bạn của mình, họ có thể chưa từng học đại học, nhưng đang bước vào kỷ nguyên AI mà không có bản đồ.

Ngày cuốn sách in xong, tôi lặng người. Không phải vì hãnh diện, mà vì xúc động bởi giữa một thế giới hỗn loạn thông tin, cuối cùng chúng tôi cũng làm được điều tưởng như rất nhỏ: dựng nên một cây cầu. Cây cầu ấy nối tri thức với lòng tin, công nghệ với con người, và đặc biệt là nối tôi, một người khuyết tật, với giấc mơ chưa từng dám mơ: viết sách về AI.

Thế nhưng cuốn khiến tôi trăn trở nhất là cuốn thứ ba: Compute Power Index - Mã nguồn của tương lai số. Đây không chỉ là một cuốn sách mà là một lời cảnh tỉnh, một bản đồ quyền lực mới, đằng sau mọi “phép màu” công nghệ là một cấu trúc hạ tầng thầm lặng mang tên Compute.

Nếu AI là vị thần mới thì compute là thanh gươm của thần. Nếu bạn không cầm được gươm, đừng mơ làm chủ ngôn ngữ thời đại. Tôi viết để người đọc hiểu rằng: sự hiện diện trong thế giới số không thể đến từ tay trắng. Muốn có tiếng nói, bạn phải có hạ tầng. Muốn được tôn trọng, bạn phải kiểm soát dòng chảy dữ liệu và tính toán. Điều khó nhất là khái niệm này chưa có tiền lệ trong cộng đồng đọc sách. Tôi phải tìm cách nói về compute như nói về nước, về lửa, như những “nguyên tố” chứ không phải "công cụ".

Viết về công nghệ giống như viết lên mặt cát, chậm một nhịp là sóng cập nhật đã xóa mất dấu chân. Cái khó đầu tiên là: viết sao để người đọc không bị tụt hậu, nhưng cũng không bị ngợp, nếu chạy theo công nghệ, sách dễ lỗi thời; quá an toàn, tri thức dễ lạc hậu. Cái khó thứ hai là ngôn ngữ. Công nghệ phát triển bằng ngôn ngữ kỹ thuật khô khan, nhưng người đọc thì đa dạng, nhiều người còn loay hoay tìm lối vào.

Điều tôi luôn giữ trong mỗi cuốn sách là câu hỏi: Công nghệ này có giúp người yếu thế vươn lên không? Có giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ mạnh mẽ hơn không? Có giúp xã hội công bằng hơn không? Chỉ khi trả lời được những câu hỏi ấy, tôi mới cầm bút. Nếu viết chỉ để chạy theo thời thế, cuốn sách đó sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Nhưng nếu viết để chạm vào nỗi lo và niềm tin của người đọc, dù công nghệ có thay đổi, giá trị cuốn sách vẫn còn.

viet sach

Viết là cách tôi đối thoại với chính mình

Mỗi trang sách tôi viết đều mang theo một phần rất thật của tôi, một người từng không thể đi thẳng như mọi người xung quanh, từng không thể bơi bình thường, từng nghĩ mình sẽ sống một đời nép sau người khác. Tôi viết vì có quá nhiều điều chưa nói được.

Viết là cách tôi đối thoại với chính mình. Đó là đứa trẻ từng bị từ chối ở hồ bơi, người thanh niên từng đứng một mình giữa Nhật Bản xa lạ để tìm khách hàng, và người con từng không thể kịp thành công như đã hứa với mẹ hơn 10 năm trước.

Tôi cũng viết để nhắn với mẹ rằng con trai mẹ đã vững vàng hơn nhiều rồi. Và con đang dìu dắt những người yếu thế khác cũng đi được như vậy. Nhưng có lẽ, lý do sâu kín hơn cả là tôi viết để không còn cảm thấy đơn độc trong thế giới công nghệ khắc nghiệt và đầy tính đào thải cao như hiện nay. Nơi mọi thứ đều là chỉ số, mô hình, cấu trúc, tôi muốn có một thứ… ấm áp hơn.

Một dòng chữ. Một câu chuyện. Một bàn tay tri thức vươn ra để chạm lấy những người tưởng chừng không thuộc về thế giới số. Viết với tôi, không phải công việc. Đó là liệu pháp sống. Và càng viết, tôi càng được chữa lành, không phải vì hết đau, mà vì nỗi đau ấy đã tìm được lối thoát qua con chữ, cuốn sách và ánh mắt của người đọc hiểu được mình.

Tôi từng nhận được tin nhắn từ một bạn sinh viên khuyết tật: “Em không hiểu hết Blockchain, nhưng đọc sách của anh, em hiểu mình… không bị bỏ lại”. Và tôi nghĩ, chỉ cần như thế đã là quá đủ…

(*) Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII, Nhà sáng lập Công ty TNHH Rainscales Việt nam

Kami ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Viết sách để kiến tạo tương lai số cho người yếu thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO