Đi tìm nguồn động lực của nhà lãnh đạo đích thực
Một điểm chung nổi bật ở hầu hết các nhà lãnh đạo tài ba là nguồn động lực nội tại mạnh mẽ. Họ không chỉ làm việc để hoàn thành nhiệm vụ, mà được thôi thúc để vươn tới những đích đến vượt ngoài mong đợi của chính mình và của cả tổ chức, đội ngũ. Từ khóa cần nhấn mạnh ở đây là: đạt đến đích.
Nhiều người bị cuốn hút bởi động lực từ bên ngoài: mức lương cao, địa vị, danh tiếng hay tên tuổi của một công ty lớn. Ngược lại, những cá nhân có tố chất lãnh đạo lại được thúc đẩy bởi một khát vọng sâu bên trong: vươn tới thành tựu, đơn giản vì chính giá trị của thành tựu đó chứ không vì bất kỳ phần thưởng nào khác.
Vậy làm sao nhận ra những nhà lãnh đạo tiềm năng, những người được thúc đẩy bởi thành tựu, chứ không phải phần thưởng bên ngoài? Dấu hiệu đầu tiên là niềm say mê công việc. Họ không ngừng tìm kiếm thử thách để kích thích tư duy sáng tạo, học hỏi không ngừng, và cảm thấy tự hào khi hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Họ cũng luôn thể hiện nhiệt huyết cải tiến, không dễ chấp nhận hiện trạng. Họ thường tự hỏi: Tại sao phải làm cách này, có cách nào tốt hơn không? Và rồi chủ động tìm tòi, thử nghiệm, cải tiến để nâng cao chất lượng công việc.

Không ngừng nâng cao “mức xà” năng suất
Một ví dụ điển hình là quản lý tại một hãng mỹ phẩm thường xuyên bực bội vì phải chờ đến hai tuần mới nhận được báo cáo kết quả kinh doanh từ các nhân viên. Anh quyết định tìm giải pháp và lắp đặt một hệ thống điện thoại tự động gửi tin nhắn nhắc nhở từng nhân viên báo cáo kết quả bán hàng trong ngày vào lúc 5 giờ chiều mỗi ngày. Nhờ đó, thời gian nhận báo cáo được rút ngắn từ vài tuần xuống chỉ còn vài giờ.
Câu chuyện này cho thấy rõ hai đặc điểm của những người có động lực hướng đến thành tựu: họ luôn nỗ lực nâng cao "mức xà" năng suất làm việc, và có xu hướng duy trì những bước tiến đã đạt được.
Trong các buổi đánh giá hiệu quả công việc, những người có động lực mạnh mẽ thường chủ động đề xuất: “Cứ khai thác hết khả năng của tôi”. Họ hiểu rõ giới hạn của bản thân, nhưng không vì thế mà tự đặt ra những mục tiêu dễ dàng đạt được.
Chính vì vậy, những người luôn nỗ lực nâng cao hiệu suất cũng có xu hướng theo dõi tiến độ phát triển không chỉ của bản thân mà cả đội ngũ và tổ chức. Trong khi người thiếu động lực thường lúng túng trước kết quả, thì người có khát khao thành tựu lại bám sát những chỉ số đánh giá nghiêm ngặt, như lợi nhuận, thị phần, hay mức độ hài lòng của khách hàng để giữ vững thành quả hoặc cải thiện.
Luôn lạc quan
Điều thú vị là, những người có động lực cao thường giữ được thái độ lạc quan ngay cả khi kết quả không đạt như kỳ vọng. Sự tự chủ kết hợp cùng động lực nội tại giúp họ vượt qua cảm giác thất vọng để nhìn ra cơ hội trong thất bại.
Hãy lấy ví dụ một nhà quản lý danh mục đầu tư tại một công ty tài chính lớn. Sau vài năm vận hành hiệu quả, quỹ đầu tư do cô phụ trách bất ngờ tụt dốc trong 3 quý liên tiếp, khiến 3 khách hàng lớn đồng loạt rút vốn và chuyển sang đối tác khác.
Nhiều người có thể sẽ đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan, một số khác lại nhìn nhận đó như một thất bại cá nhân. Nhưng cô xem đó là cơ hội để thể hiện bản lĩnh xoay chuyển cục diện. Hai năm sau, khi được bổ nhiệm vào một trong những vị trí cấp cao của công ty, cô đã chia sẻ lại trải nghiệm đó như một bước ngoặt: “Đó là điều tốt nhất từng xảy đến với tôi. Từ thất bại ấy, tôi học được rất nhiều bài học quý giá”.
Và dấu hiệu cuối cùng, những người có động lực thành tựu cao thường có tinh thần tận tụy, gắn bó với tổ chức. Khi một người thật sự yêu thích công việc vì bản thân công việc chứ không vì danh vọng hay lợi ích đi kèm, họ thường muốn gắn bó lâu dài với nơi đã cho họ cơ hội được sống đúng với giá trị đó. Những người như vậy thường từ chối lời mời hấp dẫn từ những công ty săn đầu người, kể cả khi mức đãi ngộ cao hơn.
Lan tỏa tinh thần dấn thân
Khi động lực vượt trên cả mục tiêu cá nhân, và sự tận tâm, không ngừng nỗ lực trở thành một giá trị nội tại, nó sẽ lan tỏa đến những người xung quanh. Những nhà lãnh đạo hội đủ các phẩm chất ấy thường có khả năng quy tụ một đội ngũ quản lý cùng chí hướng, cùng niềm tin và khát vọng vươn lên.
Và dĩ nhiên, thái độ lạc quan cùng sự tận tụy dấn thân là những phẩm chất không thể thiếu trong nghệ thuật lãnh đạo. Bởi lẽ, một người lãnh đạo không giữ được lửa nội tâm, sự tận tụy và dấn thân, sớm muộn, tổ chức cũng sẽ đánh mất phương hướng và cùng với đó, mất đi cả sức sống từ bên trong.
(*) Chuyên gia Lãnh đạo Trí tuệ