Doanh nhân

Tư duy bền bỉ, lãnh đạo tỉnh thức: Hành trình truyền cảm hứng của doanh nhân Nguyễn Thị Vân Anh

Toàn Vũ 16/05/2025 9:00

Chinh phục hệ thống 6 giải marathon danh giá nhất hành tinh - một cột mốc thể thao mà chỉ có 10 người mang quốc tịch Việt đạt được - chỉ là một lát cắt trong hành trình đáng ngưỡng mộ của Nguyễn Thị Vân Anh. Không chỉ là một vận động viên bền bỉ, chị còn là một nữ doanh nhân tiên phong dám rẽ lối từ vị trí điều hành cấp cao sang lĩnh vực tư vấn chiến lược cho các tập đoàn lớn. Giữa thương trường khốc liệt và những đường chạy đầy thử thách, chị lựa chọn một lối đi tỉnh thức - nơi sự kiên trì, kỷ luật và lòng yêu thương bản thân được tôi rèn từng ngày.

Không chỉ là người phụ nữ Việt Nam hiếm hoi hoàn thành hệ thống 6 giải Marathon danh giá nhất hành tinh, chị Nguyễn Thị Vân Anh còn là một trong số ít lãnh đạo doanh nghiệp bước ra khỏi vùng an toàn, rẽ hướng sang con đường tư vấn chiến lược cho các tổ chức lớn. Từng giữ những vị trí cấp cao tại Techcombank, Vingroup, British Petroleum, Tập đoàn BAT chị mang theo trong mình trải nghiệm đa ngành hiếm có, nhưng thứ thực sự đặc biệt lại nằm ở khả năng chuyển hóa hành trình cá nhân thành cảm hứng phát triển cho người khác. Câu chuyện với chị là góc nhìn của một người từng thi đấu trên đường chạy khắc nghiệt lẫn thương trường dày dạn, nhưng vẫn giữ cho mình một nội tâm tỉnh thức và kiên định.

2.jpg

Với những ai lần đầu nghe đến hành trình “6 sao marathon”, đây là hệ thống gồm 6 giải chạy bộ danh giá nhất thế giới do Abbott World Marathon Majors tổ chức, bao gồm: New York, Chicago, Boston (Mỹ), London (Anh), Berlin (Đức) và Tokyo (Nhật Bản). Vận động viên hoàn thành cả 6 giải sẽ được trao huy chương “Six Star Finisher” và ghi danh chính thức trên hệ thống toàn cầu. Tính đến nay, chỉ có khoảng 10 người mang quốc tịch Việt Nam đạt được thành tích này - và chị Vân Anh là nữ doanh nhân duy nhất trong số đó…

* Sau Boston Marathon 2025 – chặng cuối trong hành trình 6 sao, điều gì đọng lại với chị nhiều nhất?

Mỗi giải đều đặc biệt, nhưng Boston là cái kết đầy cảm xúc. Đây là giải lâu đời nhất với di sản 129 năm, có điều kiện tham gia khắt khe nhất và cũng là chặng đường khó nhất về địa hình đồi dốc lên xuống. Tôi từng bị chấn thương đầu gối, có lúc phải dừng hoàn toàn việc tập luyện trong hơn 6 tháng. Việc quay lại đường chạy sau đó là một hành trình dài, đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn và điều chỉnh cả về thể lực lẫn tâm lý. Khi tôi cầm tấm huy chương Boston trong tay, điều đầu tiên nghĩ tới là: “Mình đã không bỏ cuộc”. Và tôi tin, vượt qua chính mình là huy chương lớn nhất.

tc2-chien-dich-gay-quy-tu-thien-cho-london-marathon-4_2023.jpg
Chị Nguyễn Thị Vân Anh (bìa phải) trong Chiến dịch gây quỹ từ thiện cho London Marathon tháng 4/2023

* Việc chuẩn bị cho từng giải đấu, đặc biệt là các giải lớn, thường diễn ra như thế nào?

- Với tôi, luyện tập không chỉ là cho giải đấu, rồi thi đấu xong là ngưng, đến gần thi đấu lại lao vào tập luyện ráo riết. Thay vì hành động chạy theo giải đấu, thì tôi luôn cố gắng đưa việc luyện tập vào như là một phần của thói quen, sở thích trong cuộc sống hàng ngày, và khoảng 3 - 4 tháng gần đến thời gian thi thì huấn luyện viên sẽ nâng giáo án luyện tập lên để phù hợp với từng giải đấu. Dù có lịch thi đấu hay không thì một tuần tôi sẽ tập khoảng 6 ngày và dành 1 ngày nghỉ ngơi và luôn tuân theo một kỷ luật như vậy trong nhiều năm qua.

Ngoài thói quen tập luyện, điều quan trọng là việc học cách lắng nghe cơ thể, sắp xếp thứ tự ưu tiên trong công việc và cuộc sống để luôn đạt được những mục tiêu đã đặt ra. Có những giai đoạn phải đi công tác liên tục, tôi luôn chuẩn bị tinh thần luyện tập bất cứ khi nào có thể, nhiều khi là tranh thủ chạy máy 5km hoặc bơi 30 phút giữa giờ nghỉ. Điểm mấu chốt là giữ được thói quen và yêu thích nó thay vì bị áp lực trả bài hoặc sắp đến ngày thi thì cuống quýt tập luyện.

Chương trình tập luyện không chỉ có chạy, mà còn có các môn bổ trợ chéo khác như bơi và đạp xe, tập thể lực với huấn luyện viên. Nhưng chỉ có luyện tập thôi thì chưa đủ, còn phải có thời gian để cơ thể hồi phục, có chế độ dinh dưỡng đúng tiêu chuẩn cho những người chơi thể thao sức bền, và thường xuyên đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ 6 tháng một lần. Có nhiều giải đấu không thuận lợi và cũng nhiều lần thất bại, mỗi lần thất bại là một bài học lớn để thay đổi tư duy và cách thức tập luyện, nhờ đó đạt sự trưởng thành hơn để đến với thành công.

Với mong muốn theo đuổi thể thao sức bền trong nhiều năm nữa, tôi luôn hướng đến xây dựng và duy trì các môn thể thao sức bền như là một phong cách sống. Hàng năm gia đình chúng tôi luôn chọn đi nghỉ ở những địa điểm có các giải đấu có quy mô quốc tế diễn ra để vừa kết hợp du lịch vừa có động lực thi đấu. Những kết quả trong thời gian qua có thể nói là một sự khởi đầu lạc quan cho một hành trình mới (cười).

z6580215268959_1dfdaf1423a78cd2611a0d592923b254.jpg
Chị Vân Anh hiện là Lead Partner (Đối tác hợp danh) tại Công ty tư vấn chiến lược 1Globe Consulting

Đôi khi chính cảm giác ổn định hay an toàn lại khiến mình dậm chân tại chỗ và mất cơ hội học hỏi

Chị Nguyễn Thị Vân Anh

* Chị từng rẽ hướng sự nghiệp từ điều hành sang tư vấn chiến lược. Đó là một cú chuyển mình lớn. Vì sao chị chọn con đường này?

- Đến từng giai đoạn của cuộc sống và sự nghiệp, tôi nhận ra mình muốn làm điều gì đó mới và khác với những việc mình luôn làm hàng ngày như một thói quen, cũng là tạo cho mình cơ hội học hỏi thêm về chuyên môn tiếp thị cũng như các chuyên môn khác không thuộc sở trường của tôi và ở các lĩnh vực đa ngành.

Khi có cơ hội chuyển sang tư vấn chiến lược tại Công ty tư vấn chiến lược 1Globe Consulting, một Công ty tư vấn chiến lược của Mỹ có trụ sở tại Việt Nam, tôi có cơ hội vừa làm việc vừa học hỏi rất nhiều điều từ nhà sáng lập và đồng nghiệp tại đây cũng như từ các khách hàng - là những lãnh đạo của các tập đoàn có quy mô lớn ở Việt nam. Trong vai trò tư vấn chiến lược, chúng tôi hiểu hơn về những khó khăn của các tổ chức và đó chính là cơ hội cũng như động lực lớn lao để chúng tôi không ngừng học hỏi và cống hiến, giúp cho các tổ chức Việt nam chuyển đổi thành công để có thể phát triển bền vững, mang lại giá trị thực sự cho cộng đồng và xã hội. Đó cũng chính là sứ mệnh của Công ty đã đặt ra.

3.jpg

* Việc tham gia thể thao sức bền như Marathon, Ironman, Oceanman có ảnh hưởng gì đến tư duy điều hành của chị?

- Rất quan trọng và có ảnh hưởng rất lớn. Việc thiết lập mục tiêu, rồi luyện tập đều đặn hàng ngày rèn luyện tính kỷ luật, kiên nhẫn, bền bỉ để đạt mục tiêu thì trong thể thao hay công việc đều như nhau không có gì là khác biệt.

Thể thao sức bền chính là nền tảng để rèn luyện ý chí trong công việc và cuộc sống. Mục tiêu trong thể thao của tôi cũng luôn liên quan trực tiếp đến công việc và phong cách sống của tôi, giúp tạo động lực và đam mê mỗi ngày để tiếp tục theo đuổi khi gặp khó khăn hay thất bại khi đó là sự lựa chọn của mình.

Trong quyển sách “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” của nhà văn Nhật bản Haruki Murakami có nói một câu mà tôi luôn tâm đắc “Pain is inevitable. Suffering is optional”, có nghĩa là “Đau đớn là không tránh khỏi. Đau khổ là sự lựa chọn”. Tôi chọn đó là câu “thần chú” cho riêng mình để đi xuyên qua những cơn đau và khó khăn thử thách - đó là sự lựa chọn.

Nói được, làm được hay làm gương thì trong công việc điều hành mới đạt được sự tôn trọng từ các cấp. Bản thân luôn có sự nỗ lực tốt nhất dù có thể là chưa tốt như những người khác bởi mọi sự so sánh sẽ đều là khập khiễng khi không nằm trong tương quan của bối cảnh. Điều quan trọng nhất là mình dám dấn thân, dám bắt đầu và phải luôn là phiên bản tốt hơn ngày hôm qua của chính mình.

4.jpg

* Với con gái chị, hành trình này có tác động ra sao?

- Tôi nghĩ trẻ con học bằng cách quan sát nhiều hơn là nghe lời. Khi con thấy mẹ dậy sớm, tự xỏ giày ra đường dù sáng hay tôi, con hiểu đó là việc nghiêm túc. Mỗi năm, hai mẹ con đều cùng chọn một hoạt động thử thách để cùng nhau vượt qua dù là thể thao hay kiến thức. Điều tôi muốn truyền cho con không phải là thành tích, mà là tinh thần: không ngại bắt đầu và không bỏ cuộc giữa chừng.

* Với các nhà lãnh đạo trẻ, chị có lời khuyên nào trong việc cân bằng giữa ổn định và thay đổi?

- Tôi từng nghĩ ổn định là tốt, nhưng thật ra, đôi khi chính cảm giác ổn định hay an toàn lại khiến mình dậm chân tại chỗ và mất cơ hội học hỏi.

Đừng sợ sai hay thất bại, miễn là bạn đang thật sự học và tiến bộ mỗi ngày. Không có định nghĩa nào hoàn hảo cho sự cân bằng và ổn định, chỉ có bạn lựa chọn mục tiêu nào trong từng giai đoạn của cuộc sống. Việc bạn đang làm có là đam mê của bạn và nó mang lại giá trị gì cho xã hội, cho tổ chức - nếu bạn định nghĩa được những giá trị này thì bạn có thể làm cả đời và không cần tìm đến sự ổn định hay cân bằng khi mình đang theo đuổi đam mê của chính mình, là sự lựa chọn của mình. Tôi luôn hướng đến mục tiêu càng già đi càng có giá trị hơn (cười) - tiếng Anh gọi là “Aging like wine”.

Từ lãnh đạo chiến lược thương hiệu đến người đồng hành chiến lược, từ những chặng đua thể thao sức bền đến hành trình phát triển nội tâm, chị Nguyễn Thị Vân Anh là một ví dụ sống động về cách một người phụ nữ Việt Nam có thể tái định nghĩa chính mình - với những những bước tiến, đều đặn và xây dựng được thương hiệu cá nhân có chủ đích trong cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tư duy bền bỉ, lãnh đạo tỉnh thức: Hành trình truyền cảm hứng của doanh nhân Nguyễn Thị Vân Anh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO