Golf: “Sân chơi” để doanh nhân xây dựng thương hiệu cá nhân
Chơi golf ngày nay không chỉ dừng lại ở vai trò là môn thể thao giải trí cao cấp, mà còn trở thành một kênh truyền thông chiến lược đầy tiềm năng. Đối với doanh nhân hiện đại, sân golf là nơi thể hiện đẳng cấp, kết nối quan hệ và lan tỏa hình ảnh cá nhân một cách tinh tế. Việc xây dựng một kế hoạch truyền thông hợp lý cùng golf giúp họ tạo dựng thương hiệu cá nhân, đồng thời tạo dấu ấn mạnh mẽ cho thương hiệu doanh nghiệp.
Nơi những hợp đồng bạc tỷ được “chốt deal” tinh tế
Ra đời tại Scotland từ thế kỷ 15, golf từng là đặc quyền của giới quý tộc châu Âu. Qua hàng trăm năm phát triển, golf giữ vững vị thế là môn thể thao của sự lịch thiệp, chuẩn mực và đòi hỏi kỹ năng cao. Tuy nhiên, bước sang thế kỷ 21, bộ môn này đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, khi dần phổ cập tới tầng lớp doanh nhân - những người không chỉ chơi golf vì đam mê thể thao, mà còn vì những giá trị sâu xa mà golf mang lại.
Một thống kê của Hiệp hội Golf Quốc tế (IGF) năm 2023 cho biết, hơn 80% các CEO thuộc nhóm Fortune 500 đều chơi golf thường xuyên. Không chỉ bởi sân golf là nơi lý tưởng để giải tỏa căng thẳng, mà còn vì nó mang đến một môi trường đặc biệt, nơi những cuộc trò chuyện tự nhiên có thể mở ra những thương vụ hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đô la.
Anh Nguyễn Ngọc Quốc - CEO một công ty truyền thông đang phát triển nhanh chóng tại TP.HCM, chia sẻ: “Tôi chọn golf không phải vì nó thời thượng, mà vì nó giúp tôi học cách kiên nhẫn, tự kiểm soát và… lắng nghe người khác. Trên sân golf, những cuộc trò chuyện thoải mái lại dễ tạo nên mối quan hệ thật sự bền vững”.
Một vòng golf kéo dài từ 4 - 5 tiếng là một khoảng thời gian hiếm có và đủ dài để các doanh nhân có chung niềm đam mê tạo lập những mối quan hệ. Trong không gian mở, tĩnh lặng và không áp lực từ điện thoại hay email, những nhà lãnh đạo có cơ hội nhìn nhận và đánh giá nhau không chỉ qua lời nói mà còn qua cách họ đối mặt với thử thách, phản ứng với thất bại, và tôn trọng luật chơi.

Ông Trần Tuấn Long - Chủ tịch Câu lạc bộ Golf Doanh nhân (BGC), nhận định: “Trên sân golf, bạn không chỉ thấy kỹ năng mà còn thấy tính cách. Cách một người xử lý thất bại hay tôn trọng luật chơi nói lên rất nhiều về con người họ”. Đây chính là lý do khiến golf trở thành “phòng họp ngoài trời” - nơi các nhà lãnh đạo không chỉ thảo luận công việc mà còn đánh giá đối tác một cách toàn diện. Doanh nhân Lê Quốc Phong - nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền cũng từng chia sẻ rằng hơn 30% các vụ hợp tác làm ăn được ông chốt trên sân golf.
Theo một khảo sát của Forbes, 58% các CEO thừa nhận họ từng ký được hợp đồng hoặc mở rộng quan hệ hợp tác sau một buổi chơi golf. Một nghiên cứu khác từ Harvard Business Review cho thấy, mối quan hệ được thiết lập qua hoạt động thể thao có độ bền cao hơn 34% so với các mối quan hệ hình thành qua gặp gỡ truyền thống như hội thảo hay sự kiện networking.
Doanh chủ là KOL lớn nhất cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh truyền thông hiện đại, nơi thương hiệu cá nhân và thương hiệu doanh nghiệp ngày càng gắn kết chặt chẽ, một xu hướng nổi bật đã và đang định hình lại chiến lược marketing: Doanh chủ là KOL (Key Opinion Leader - người có tầm ảnh hưởng) đại diện hình ảnh cho chính doanh nghiệp của mình. Thay vì thuê những gương mặt nổi tiếng bên ngoài, ngày càng nhiều doanh nghiệp chọn chính người sáng lập, CEO hay nhà lãnh đạo để đại diện thương hiệu trên truyền thông, mạng xã hội và các chiến dịch quảng bá. Đây không chỉ là một lựa chọn tiết kiệm chi phí, mà còn mang lại hiệu quả vượt trội về niềm tin, tính xác thực và khả năng kết nối cảm xúc với khách hàng.
Yếu tố “authenticity” (tính chân thực) là lý do chính khiến chiến lược này ngày càng được nhiều doanh nghiệp, thương hiệu lựa chọn. Trong vai trò KOL, doanh chủ có thể kể những câu chuyện thật về hành trình khởi nghiệp, những lần thất bại, bài học xương máu, cũng như tầm nhìn tương lai. Những chia sẻ đó trên các nền tảng truyền thông, mạng xã hội đều góp phần củng cố niềm tin và sự đồng cảm từ cộng đồng.
Thông qua việc tập luyện, thi đấu golf, các doanh chủ có thể xây dựng hình ảnh một người lãnh đạo với phong thái điềm đạm, chỉn chu, cú đánh chuẩn và cách hành xử văn minh sẽ là một cách truyền tải giá trị cá nhân và văn hóa doanh nghiệp cực kỳ hiệu quả.
Golf, với sự thanh lịch, chiều sâu và tính kết nối đặc biệt, đang nổi lên như một “sân khấu” hoàn hảo cho hành trình đó. Thông qua việc tập luyện, thi đấu golf, các doanh chủ có thể xây dựng hình ảnh một người lãnh đạo với phong thái điềm đạm, chỉn chu, cú đánh chuẩn và cách hành xử văn minh sẽ là một cách truyền tải giá trị cá nhân và văn hóa doanh nghiệp cực kỳ hiệu quả. Thậm chí, sự xuất hiện như vậy tạo nên một ấn tượng lâu dài và có chiều sâu hơn nhiều so với những chiến dịch quảng cáo đắt đỏ, hay thông điệp được “đánh bóng” bằng kỹ thuật truyền thông.
Doanh nhân Nguyễn Hữu Tài, người đang hoạt động trong lĩnh vực logistics là một ví dụ điển hình. Với hàng chục ngàn lượt theo dõi trên YouTube, chuỗi vlog của ông không chỉ chia sẻ những pha đánh đẹp, mà còn là nơi ông kể những câu chuyện về tư duy quản trị, điều hành doanh nghiệp và kết nối con người. Với sự lan toả mạnh mẽ của thương hiệu cá nhân, chỉ riêng trong năm 2024 đã nhận được hang chục lời mời hợp tác từ các đối tác mới thông qua kênh này.
Hiệu quả truyền thông và xây dựng thương hiệu thông qua hình ảnh một doanh nhân thành đạt gắn liền với golf là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, như bất kỳ hình thức truyền thông nào khác, việc sử dụng golf như một công cụ thương hiệu đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế và một chiến lược rõ ràng. Chơi golf, đăng ảnh hay ăn mặc đẹp chỉ là bề nổi; nếu không được đặt trong một tổng thể nhất quán về thông điệp và giá trị, chúng rất dễ trở nên sáo rỗng. Thậm chí, nếu thiếu sự cân nhắc, hình ảnh người lãnh đạo có thể phản tác dụng, dễ bị nhìn nhận là phô trương, xa cách hoặc tách biệt với cộng đồng - điều hoàn toàn trái ngược với mục tiêu xây dựng uy tín và kết nối bền vững trong kinh doanh.