Chuyên đề

Văn hóa doanh nghiệp & Sức khỏe tinh thần: Lãnh đạo tỉnh thức - Văn hóa doanh nghiệp bắt đầu từ nội tâm lãnh đạo (Bài 2)

TS. Quách Tuấn Khanh (*) 28/04/2025 17:00

Một CEO công nghệ trẻ tại TP.HCM kể lại khoảnh khắc “tỉnh thức” đầu tiên của mình. Trong lúc căng thẳng chuẩn bị họp hội đồng, anh bước vào văn phòng thấy trợ lý đang lau bàn cho một nhân viên mới vừa bị sếp khác mắng. Anh lạnh lùng buông: “Việc đó không phải trách nhiệm em”. Trợ lý đáp: “Dạ, em chỉ không muốn bạn ấy phải ngồi buồn bã ở một góc xấu xí như vậy”.

Giây phút ấy, anh nhận ra điều đang thực sự vận hành công ty mình không phải là hệ thống, mà là năng lượng cảm xúc từ mỗi hành động nhỏ của lãnh đạo tạo ra.

Joe Burton, tác giả cuốn Creating Mindful Leaders, khẳng định: “Tổ chức là tấm gương phản chiếu nội tâm người lãnh đạo.” Tức là, chất lượng của bất kỳ văn hóa doanh nghiệp nào - tích cực hay độc hại - không thể vượt lên trên mức độ tỉnh thức và tự hiểu biết của người đứng đầu. Văn hóa không thể được “ra lệnh” mà phải được “truyền dẫn”. Nó lan từ phòng họp đến hành lang, từ biểu cảm sếp đến cách nhân viên nói chuyện trong group chat. Nếu người lãnh đạo liên tục sống trong phản ứng - giận dữ, gồng ép, kiểm soát - thì hệ sinh thái tổ chức sẽ nhiễm độc một cách vô thức.

Cà phê đậm, lịch dày, mục tiêu căng. Rất nhiều lãnh đạo bước vào ngày mới như thể họ đang ra trận, chứ không phải đang dẫn dắt một tổ chức sống động có cảm xúc, giá trị, và khát vọng. Có người từng nói: “Tôi xây dựng văn hóa doanh nghiệp bằng KPI, lương thưởng và những câu slogan in trên tường”. Và rồi ông tự hỏi vì sao đội ngũ không cam kết, không sáng tạo, không trung thực - và văn hóa thì mãi... không thành hình.

p4-5-nang-luong-tinh-thuc-trong-dong-chay-cong-viec.jpg
Năng lượng tỉnh thức trong dòng chảy công việc

Muốn trị quốc phải tề gia; Muốn trị công ty - phải trị tâm

Trước khi bạn muốn vận hành một gia đình, dẫn dắt một đội ngũ hay lèo lái cả một doanh nghiệp, thì câu hỏi đầu tiên phải thành thật tự vấn là: Bạn đã thực sự thương mình - và hiểu mình - chưa?

Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế thì phần lớn người ta… né. Vì nhìn vào bên trong, đối diện với chính mình, là việc chẳng mấy ai hứng thú. Nhưng càng trải nghiệm, tôi càng thấy rõ: mọi mắt xích trong đời sống lãnh đạo - và cả văn hóa doanh nghiệp - đều bắt đầu từ thế giới nội tâm của chính người lãnh đạo.

Bạn thấy gì trong lòng mình, thì bạn sẽ thấy y như vậy ở ngoài đời. Nếu bên trong bạn đầy bực dọc, cáu gắt, nghi kỵ, thì cuộc đời này - dù có cơ hội bày ra trước mặt - bạn cũng chỉ thấy toàn chướng ngại. Bởi vì con mắt bạn đã bị nhuộm đen, thì dù trời có nắng, bạn vẫn nghĩ là sắp mưa.

Một người đàn ông nếu từng bị tổn thương sâu sắc bởi một mối tình, đến mức tuyên bố: “Tôi thù đàn bà”, thì từ giây phút đó trở đi, dù có bao nhiêu người phụ nữ đẹp, thông minh, đầy ân cần đi ngang qua đời anh ta, mắt anh ta cũng sẽ không còn khả năng nhìn thấy vẻ đẹp ấy nữa. Vì định kiến đã đóng cửa tri giác.

Văn hóa doanh nghiệp cũng y như vậy. Nó là tấm gương phản chiếu thế giới nội tâm của người sáng lập. Cách công ty bạn đang vận hành, bầu không khí mà nhân viên đang hít thở mỗi ngày - tất cả đều xuất phát từ hệ thống niềm tin, sự nhận thức, và mô hình tâm trí của chính bạn - người lãnh đạo. Nếu bạn tin rằng “muốn thành công thì phải cứng rắn - kiểm soát - thúc ép” thì toàn bộ tổ chức của bạn sẽ chạy theo công thức đó. Không có cửa nào cho sự lắng nghe, kết nối hay sáng tạo.

Lãnh đạo tỉnh thức để khởi đầu cho một văn hóa nhân văn và cân bằng

Trong cuốn The Mindfulness Edge, tác giả Matt Tenney và TS. Tim Gard nhấn mạnh: tỉnh thức không phải là nghệ thuật thiền giữa núi rừng, mà là thiền giữa giờ họp, giữa một quyết định khó khăn, giữa khoảnh khắc bạn định nổi nóng.

Tỉnh thức không phải là “thiền” hay “làm chậm lại” một cách hình thức. Đó là năng lực làm chủ tâm trí giữa dòng chảy công việc, để thấy rõ điều gì đang diễn ra bên trong mình - trước khi hành động, phản ứng hay ra quyết định. Chỉ khi lãnh đạo dừng lại để quan sát chính mình, họ mới thực sự bắt đầu quan sát được người khác - một phẩm chất cực kỳ thiếu trong môi trường doanh nghiệp hiện đại.

Lan là giám đốc điều hành một chuỗi cửa hàng bán lẻ, nổi tiếng là người “rất có EQ” - lắng nghe nhân viên, tâm lý với khách hàng. Nhưng một lần, khi một đối tác lớn bất ngờ đổi điều khoản hợp đồng, cô phản ứng cực đoan: nổi giận, yêu cầu team pháp lý tìm kẽ hở để “đánh bật” đối tác đó. Sau này, khi nhìn lại, Lan thừa nhận: “EQ cao giúp tôi hiểu được cảm xúc, nhưng không giúp tôi điều hướng được động cơ sâu xa bên trong mình - tôi đã hành động từ tổn thương chứ không phải từ trí tuệ”.

Lãnh đạo tỉnh thức có khả năng nhận biết mà không phán xét - thấy rõ cảm xúc đến từ đâu, nhưng không để nó cầm lái. Tỉnh thức còn đi xa hơn EQ - nó không chỉ giúp bạn xử lý cảm xúc, mà giúp bạn hiểu vì sao cảm xúc đó khởi lên, và liệu bạn có cần phải hành động theo nó hay không.

Có rất nhiều người nhầm tỉnh thức với “lành tính”. Một lãnh đạo tỉnh thức không phải là người luôn mỉm cười, nói năng dịu dàng, hay né tránh va chạm. Tác giả Thoughtful Leadership, Fiona Buckland, bổ sung thêm: Tỉnh thức là khả năng nhìn rõ các tầng động cơ trong chính mình - khi đưa ra một quyết định, mình đang phục vụ mục tiêu gì? Là tổ chức, hay cái tôi? Là sự phát triển dài hạn, hay chỉ là giải pháp chữa cháy cho hôm nay?

The Mindfulness Edge đưa ra ba yếu tố của lãnh đạo tỉnh thức:

- Nhận biết được mình đang suy nghĩ gì.

-Lựa chọn không hành động theo phản ứng đầu tiên.

- Gắn kết hành động với giá trị cốt lõi thay vì cảm xúc tức thời.

Đây là “sự hiện diện mang định hướng” - nơi người lãnh đạo có thể chọn phản ứng từ chiều sâu nhận thức, chứ không bị đẩy đi bởi cơn sóng cảm xúc.

Chỉ khi lãnh đạo tỉnh thức, giá trị văn hóa mới thoát khỏi đạo đức hình thức để trở thành đạo lý vận hành sống động.

Tự lãnh đạo - hay là giới hạn chính mình mãi mãi?

Không phải đến bây giờ, mà từ rất lâu rồi, trường phái Self-leadership - Tự lãnh đạo - đã hình thành và phát triển mạnh mẽ. Vì người ta sớm nhận ra một sự thật không dễ nuốt: nếu người lãnh đạo không chịu phát triển chính mình, thì họ sẽ trở thành… chốt chặn số một cho sự phát triển của cả tổ chức.

Ông là chủ - ông là nóc nhà. Mà nóc nhà thấp, thì cả gia đình, cả doanh nghiệp cũng chỉ cao được tới đó. Không hơn được.

Từ gia đình nhỏ cho đến tổ chức lớn, mọi hệ thống đều vận hành trong giới hạn của “tầm người đứng đầu”. Và đôi khi, những giới hạn đó không đến từ bên ngoài - mà đến từ chính nội tâm chưa khai phá, từ những vết thương chưa lành, từ niềm tin nghèo nàn được di truyền qua nhiều thế hệ… một cách vô thức.

Bạn có để ý không, trong nhiều gia đình Việt, người cha thường được xem là biểu tượng của “thu nhập trần”. Và thế là cái niềm tin đó - cái trần đó - bọc phủ lên cuộc đời của con cái. Đôi khi là qua nhiều thế hệ. Người cha vẫn thương con. Vẫn muốn con thành công. Nhưng chính thế giới giới hạn trong nội tâm ông lại đang vô thức trở thành rào chắn lớn nhất cho sự bứt phá của cả gia đình mà ông không biết.

Doanh nghiệp cũng vậy. Văn hóa tổ chức không được dựng lên bằng văn bản nội quy hay các khẩu hiệu treo tường. Nó được định hình bởi nội tâm thực sự của người lãnh đạo - thứ không thể “fake” được lâu.

Đó là lý do tại sao, muốn “chẩn đoán” một tổ chức, không cần phải khảo sát cả trăm người. Chỉ cần ngồi lại, nghe thật kỹ người lãnh đạo nói.

Không phải nghe lời họ nói, mà là nghe cả những điều họ không nói ra. Đọc từ nét mặt, giọng nói, hơi thở, ánh mắt. Đặt những câu hỏi mà người lãnh đạo không thể né - để chính họ phải đối diện với sự thật bên trong mình.

Có những người sếp khi nói ra một tầm nhìn lớn lao, nhưng mắt lại thoáng buồn. Giọng đều đều, mất lửa. Cơ thể mệt mỏi, hơi thở nặng nề. Và bạn hiểu: doanh nghiệp này, văn hóa này - đang mệt y như sếp của nó vậy.

Vì nhân viên, dù nỗ lực cách mấy, họ cũng không thể thoát khỏi cái “tầng khí quyển” mà người lãnh đạo tạo ra. Họ hít cùng một bầu không khí tinh thần mà sếp mình đang thở. Và nếu bầu khí đó đầy lo âu, cạn kiệt, đấu đá… thì sao đòi hỏi được niềm vui và sáng tạo?

p4-5-lanh-dao-vung-nhu-thach.jpg
Năng lượng tỉnh thức trong dòng chảy công việc

Làm sao để lãnh đạo tỉnh thức và đưa năng lượng đó vào văn hóa doanh nghiệp?

Tùng - founder của một startup edtech - từng là người nói rất nhanh, quyết rất gấp, và hay... mất kiên nhẫn. Sau một khoá đào tạo về lãnh đạo tỉnh thức, anh bắt đầu thử một thói quen mới: 3 giây trước khi nói. Dừng - hít vào - và thở ra nhẹ. Ban đầu thấy vô lý. Nhưng sau một tháng, cả đội nhận ra: “Sếp không còn là người phản ứng, mà là người dẫn dắt.” Chỉ bằng 3 giây đó, Tùng tránh được nhiều tình huống căng thẳng, đưa ra quyết định có chiều sâu hơn - và quan trọng nhất, tạo ra một “năng lượng an toàn” trong mỗi buổi họp.

Không ai tỉnh thức chỉ nhờ đọc sách, nghe podcast hay gắn bó với các khóa thiền cuối tuần. Tỉnh thức là một năng lực cần được luyện tập và thể hiện ra trong từng hành vi lãnh đạo.

The Leader’s Guide to Mindfulness (tác giả Audrey Tang) đề xuất ba phương pháp đơn giản nhưng sâu sắc:

- Check-in nội tâm mỗi sáng - trước khi mở laptop, mở tâm trí.

- Thực hành “3 giây tỉnh thức” trước khi nói hoặc quyết định - dừng, thở, cảm nhận.

- Lắng nghe trọn vẹn - không ngắt lời, không chờ người ta dừng để phản biện, chỉ lắng nghe để hiểu.

Joe Burton, trong Creating Mindful Leaders, mô tả chi tiết những mô hình lãnh đạo tỉnh thức đã được triển khai trong môi trường doanh nghiệp thật:

Một CEO quyết định dừng họp hàng tuần để tổ chức “khoảng lặng chiến lược”, nơi đội ngũ nhìn lại điều gì thật sự có ý nghĩa.

Một giám đốc nhân sự chuyển từ “training kỹ năng” sang “nuôi dưỡng sự hiện diện”, với các buổi thực hành định kỳ cùng chuyên gia hướng dẫn.

Một công ty công nghệ chọn kết hợp thiền chánh niệm 10 phút mỗi sáng cùng với dashboard KPI - sự cân bằng giữa năng suất và nhận thức.

Sự thay đổi không đến từ retreat 3 ngày, mà từ thực hành vi mô - những hành động nhỏ lặp lại mỗi ngày.

Đây không còn là lý thuyết. Các tổ chức tỉnh thức đang có thật - và đang đi nhanh hơn nhờ biết chậm lại.

Khi lãnh đạo thực hành tỉnh thức, thì cả công ty bắt đầu… thở chung một nhịp.

Ngày nay, các nhà giáo dục phát hiện: đứa trẻ chỉ học tốt khi nó cảm thấy an toàn. Não bộ sẽ mở ra, tiếp nhận kiến thức, phát huy sáng tạo… chỉ khi cảm thấy không bị đe dọa.

Và người lớn cũng vậy. Doanh nghiệp cũng thế.

Một tổ chức chỉ thật sự phát triển - khi người đứng đầu có thể tạo ra một vùng an toàn, thông suốt và đầy năng lượng sáng suốt cho tất cả thành viên.

Điều gì sẽ xảy ra nếu lãnh đạo tỉnh thức trở thành chuẩn mực văn hóa doanh nghiệp?

Một doanh nghiệp B2B chuyên sản xuất vật liệu xây dựng từng có tỷ lệ nghỉ việc cao ngất: nhân viên nghỉ việc vì “môi trường độc hại.” CEO - một người từng là kỹ sư, quen điều hành bằng logic và quy chuẩn - quyết định thay đổi. Ông bắt đầu với một hành động đơn giản: mỗi buổi họp sáng thứ Hai, ông không nói về KPI, mà hỏi đội ngũ: “Tuần rồi bạn học được điều gì từ chính mình?” Ban đầu, không ai nói gì. Sau 3 tháng, cả team đã bắt đầu chia sẻ về những bài học cá nhân, mâu thuẫn nội bộ, cả những nỗi sợ họ từng giấu kín. Một năm sau, công ty có “văn hóa lắng nghe sâu” đến mức nhân viên cũ quay lại vì “ở đây mình được là mình.”

Fiona Buckland gọi đây là “cú xoay trục từ kiểm soát sang kết nối”. Khi lãnh đạo không còn cố ra lệnh cho văn hóa, mà sống như văn hóa đó, mọi người sẽ tự điều chỉnh để cộng hưởng. Trong The Mindfulness Edge, một lãnh đạo cấp cao chia sẻ rằng sau khi tập lắng nghe mà không phản ứng, xung đột nội bộ giảm 70%.

Nếu lãnh đạo tỉnh thức - và văn hóa doanh nghiệp phản chiếu được sự sáng suốt, lắng nghe và nhân văn đó - chúng ta sẽ không cần quá nhiều nỗ lực “giữ chân người tài” hay “tạo động lực”. Vì người giỏi không bỏ đi khỏi nơi họ được nhìn nhận như một con người.

The Mindfulness Edge kể lại một tình huống: Một lãnh đạo cấp cao chọn không phản ứng ngay khi bị chỉ trích gay gắt bởi nhân viên - thay vào đó, ông lùi lại, cảm nhận điều đang diễn ra trong mình, và... lắng nghe thật sự. Điều đó mở ra một cuộc đối thoại chân thực - điều mà suốt nhiều năm, tổ chức này chưa từng có. Sự can đảm chân thật sẽ được khơi dậy khi người lãnh đạo dám bước ra khỏi vai diễn “người thành công”, để hiện diện như một con người đang học hỏi.

Audrey Tang khẳng định: doanh nghiệp tỉnh thức không chỉ tạo ra lợi nhuận - mà còn là nơi con người được chữa lành, trưởng thành và cảm thấy thuộc về.

Bạn là một lãnh đạo, bạn đang tạo văn hóa mỗi ngày - không phải bằng những khẩu hiệu bạn treo, mà bằng cách bạn trả lời email, đối thoại trong họp, đưa ra quyết định, đối diện với mâu thuẫn, và cả cách bạn thở giữa căng thẳng. Văn hóa không nằm ngoài bạn. Nó xuất phát từ nội tâm của bạn, lan ra cách bạn nhìn người khác, cảm nhận tổ chức, và điều hành trong từng khoảnh khắc.

Và tỉnh thức - không phải là một lựa chọn thời thượng. Đó là một hệ điều hành mới cho lãnh đạo trong kỷ nguyên mà tốc độ không còn là lợi thế lớn nhất, mà chiều sâu, sự kết nối và tỉnh táo mới là “vũ khí ngầm” để doanh nghiệp trường tồn.

Và bạn - người đang đọc những dòng này - không cần làm gì to tát để bắt đầu. Hãy dừng lại, hít thở thật sâu, và hỏi: “Tôi đang là ai trong công ty của mình hôm nay?”

Từ đó, một văn hóa mới đậm tính nhân văn, sáng suốt và thịnh vượng bắt đầu.

(*) Chuyên gia Lãnh đạo trí tuệ

quach-tuan-khanh.jpg

Quách Tuấn Khanh là diễn giả tiên phong trong lĩnh vực đào tạo và phát triển con người tại Việt Nam. Tốt nghiệp MBA tại Hà Lan và DBA tại Thụy Sĩ, anh đồng thời là NLP Trainer, Business Coach, Hypnotherapy Trainer, Reiki Master và chuyên gia trị liệu Inner Child. Với hơn 20 năm kinh nghiệm, anh đã truyền cảm hứng cho hàng trăm tổ chức lớn như Unilever, Mercedes-Benz, Vinamilk, Viettel, Prudential, Samsung…
Anh là tác giả nhiều đầu sách bán chạy và gương mặt quen thuộc trên truyền hình. Hành trình cá nhân đi qua biến cố và thức tỉnh tâm linh giúp anh lan tỏa giá trị sống tỉnh thức và tự do nội tâm. Anh giúp các lãnh đạo khi mở trí tuệ để đi vào hành trình tỉnh thức, để sống an yên và thành công từ gốc rễ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Văn hóa doanh nghiệp & Sức khỏe tinh thần: Lãnh đạo tỉnh thức - Văn hóa doanh nghiệp bắt đầu từ nội tâm lãnh đạo (Bài 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO