Đề xuất chọn ngày 31/5 làm "ngày toàn dân tiết kiệm, chống lãng phí"
Tại phiên họp ngày 10/7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã thay mặt Chính phủ trình bày đề xuất điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Theo đó, Chính phủ kiến nghị bổ sung 4 dự án luật, bao gồm Dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Dự án Luật An ninh mạng, Dự án Luật Thương mại điện tử và Dự án Luật Giám định tư pháp.
Đáng chú ý, Dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế) được đề xuất sửa đổi toàn diện, nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị, hướng đến xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội.
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật bao gồm: quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, vốn đầu tư công, tài sản công; sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước; khai thác và sử dụng tài nguyên, năng lượng; hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.
Một điểm mới đáng chú ý là đề xuất quy định ngày 31/5 hàng năm là “Ngày toàn dân tiết kiệm, chống lãng phí”, nhằm lan tỏa tinh thần tiết kiệm đến mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, luật sẽ lồng ghép nội dung giáo dục về tiết kiệm, chống lãng phí trong hệ thống giáo dục quốc dân, từng bước hình thành ý thức và văn hóa tiết kiệm từ sớm.

Dự luật cũng bổ sung quy định về nhận diện rõ ràng các hành vi gây lãng phí và chế tài xử lý phù hợp, bám sát hướng dẫn số 63 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Bên cạnh đó, luật sẽ quy định chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí và cơ chế thực hiện các chương trình tiết kiệm ở cả cấp trung ương và địa phương.
Phát biểu tại phiên họp, ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban và các cơ quan liên quan tán thành sự cần thiết bổ sung 4 dự án luật vào chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 10.
Đối với Dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí, ông Tùng nhấn mạnh rằng việc thay đổi tên gọi cần đi kèm với việc thiết lập hệ thống chuẩn mực pháp lý rõ ràng, toàn diện, bao quát đầy đủ các nguyên tắc và biện pháp thúc đẩy tiết kiệm, ngăn ngừa lãng phí.
Đặc biệt, luật cần mở rộng phạm vi khuyến khích tiết kiệm sang cả khu vực tư nhân và thiết lập các nghĩa vụ pháp lý tương ứng đi kèm biện pháp xử lý vi phạm hiệu quả.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên giữ tên gọi hiện hành là Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, để duy trì sự thống nhất với các văn kiện chính trị của Đảng, cũng như tiếp tục khuyến khích hình thành ý thức và thói quen tiết kiệm trong nhân dân.
Các cơ quan thẩm tra lưu ý, trong quá trình xây dựng luật, cần tránh quy định trùng lặp với hoạt động thanh tra chuyên ngành hoặc thanh tra hành chính, đồng thời không nên cụ thể hóa nội dung kiểm tra trong luật nhằm đảm bảo phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội và Luật Thanh tra hiện hành.
Ngoài ra, cần nghiên cứu quy định rõ hơn về trách nhiệm của các chủ thể gây ra hành vi lãng phí, bao gồm mức độ xử lý kỷ luật, hành chính, hình sự và nghĩa vụ hoàn trả, bồi thường thiệt hại gây ra cho Nhà nước.
Việc hoàn thiện cơ chế giám sát, báo cáo định kỳ, công khai và minh bạch về thực hành tiết kiệm cũng được nhấn mạnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, đánh giá và phát hiện sớm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài chính công, đầu tư công, quản lý đất đai và tài nguyên.