Quản trị

Lãnh đạo tỉnh thức: Nhân viên làm việc hạnh phúc hơn

Ka Mi 25/10/2024 18:32

Trong gần một thập niên trở lại đây, khái niệm “nhà lãnh đạo tỉnh thức" trở nên quen thuộc, đó không chỉ là phong cách quản lý mà còn là triết lý sống và chìa khóa mở ra sự tự nhận thức, giúp bản thân khai phóng tiềm năng, dẫn dắt đội ngũ đạt những thành tựu mới.

Trên thế giới, nhiều công ty hàng đầu như Google, Intel, Yahoo, P&G, Apple… đã và đang hướng tới phát triển kỹ năng lãnh đạo tỉnh thức cho nhân viên và đạt được nhiều thành tựu.

Nhận diện và làm chủ cảm xúc

Google phát triển chương trình mang tên “Tìm kiếm bên trong bạn” (SIY- Search Inside Yourself). Sau một thời gian áp dụng hiệu quả tại Google, chương trình đã được triển khai trên 43 nước trên thế giới. Hay Goldman Sachs kể từ khi đưa vào lớp học và thực hành chánh niệm đã tăng 48 bậc trong danh sách của Tạp chí Fortune. Những thành công này đều bắt đầu từ việc hiểu đúng về thực hành tỉnh thức và lãnh đạo tỉnh thức.

Tổng biên tập báo Huffington Pos - Arianna Huffington từng chia sẻ về tầm quan trọng của việc thực hành chánh niệm và áp dụng trong cuộc sống ở cuốn sách Thrive. Trong blog cá nhân, Arianna Huffington viết “Không có gì phải quá bức xúc về việc tăng lợi nhuận trong kinh doanh. Thực tập để giảm căng thẳng và áp dụng chánh niệm không những giúp con người hạnh phúc và khỏe mạnh hơn mà còn giúp cho doanh nghiệp có thêm lợi thế cạnh tranh nếu muốn”.

le-thanh-van.jpg
Ông Lê Thành Vân, sáng lập viên thương hiệu Gumac: "Đôi lúc học cách chậm lại, dừng lại công việc để lắng nghe chính mình và kết nối sâu hơn với đồng nghiệp"

Tại Việt Nam, lãnh đạo tỉnh thức cũng trở nên gần gũi và được nhiều người áp dụng và coi đó là chìa khóa mở ra sự tự nhận thức, giúp bản thân khai phóng tiềm năng và đưa tổ chức phát triển.

Ông Lê Thành Vân - nhà sáng lập thương hiệu thời trang Gumac cho biết, trong bối cảnh công ty phải đối mặt với những thay đổi liên tục từ thị trường, chính khả năng “nhận diện và làm chủ bản thân” đã giúp duy trì sự ổn định và phát triển doanh nghiệp. Theo ông Vân, văn hóa doanh nghiệp khởi nguồn từ chính nhà lãnh đạo, không chỉ tập trung ở những giá trị cốt lõi về quản lý, đổi mới, sáng tạo mà còn tập trung vào sự tỉnh thức. Khi nhắc tới lãnh đạo tỉnh thức, nhiều người nghĩ đây là một phạm trù cao siêu, không thực tế. Nhưng thực chất không phải như vậy, nó chỉ đơn giản là sự chú tâm và hiện diện trong mỗi suy nghĩ, lời nói và việc làm.

“Tôi chia sẻ với nhân viên đôi lúc học cách chậm lại, dừng lại công việc để lắng nghe chính mình và kết nối sâu hơn với đồng nghiệp” - ông Lê Thành Vân nói.

Nhiều người nghĩ “lãnh đạo tỉnh thức” là một phạm trù cao siêu, nhưng nó chỉ đơn giản là sự chú tâm và hoàn toàn hiện diện trong khoảnh khắc hiện tại, trong mỗi suy nghĩ, lời nói và việc làm của mình.

Nhà sáng lập Gumac chia sẻ thêm về “cú ngã” giai đoạn Covid-19 khi đóng hàng loạt cửa hàng và doanh nghiệp lao đao. Hụt hẫng, bế tắc và rơi vào hố đen của trầm cảm đã khiến doanh nhân này mất một thời gian dài mới quay lại nghiệp kinh doanh. Sau tất cả, ông Vân đúc rút được nhiều bài học: “Trong công việc hãy cẩn trọng và chú tâm, mọi việc xảy ra đều có lý do và cứ bình tĩnh giải quyết từng chút một. Từ “lãnh đạo tỉnh thức” nghe cao siêu, nhưng hiểu đơn giản là lãnh đạo có trí tuệ thì sẽ giúp tổ chức đi đúng hướng, tạo được niềm tin cho nhân viên và hơn hết là giúp họ biết cách sống, làm việc hạnh phúc hơn, ý nghĩa hơn.

Dẫn dắt đội ngũ bằng sự đồng cảm

Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng như ngày nay, nhà lãnh đạo thực hành tỉnh thức sẽ trở nên thành công hơn, bởi căng thẳng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn tác động tiêu cực đến hiệu suất làm việc. Theo khảo sát của Harvard Business Review (2017), 76% nhà lãnh đạo cảm thấy căng thẳng trong công việc. Một nghiên cứu từ McKinsey & Company (2020) cũng cho thấy việc thực hành tỉnh thức có thể tăng năng suất lên tới 25% và giảm tỷ lệ sai sót trong công việc.

Bà Quách Hương - nhà sáng lập Công ty TNHH Khai vấn cuộc sống, cho biết, trong quá trình làm việc với các quản lý, lãnh đạo, bà nhận thấy nhiều người bị cuốn vào guồng quay công việc, những cuộc họp triền miên, những kế hoạch, chương trình liên tiếp để đáp ứng kỳ vọng của bản thân và của người khác, điều đó khiến nhiều nhà lãnh đạo mất cân bằng cuộc sống, dẫn đến trầm cảm, kiệt sức, khó quản lý cảm xúc và gặp nhiều vấn đề sức khỏe khác.

“Một lãnh đạo dù có giỏi đến đâu nhưng khi để những cảm xúc tiêu cực lấn át, có nghĩa là làm mất quyền kiểm soát đối với lời nói, thái độ hoặc hành vi” - bà Hương nói.

Bà Hương dẫn số liệu về Tập đoàn Salesforce tại London (Anh), các nhà quản lý của đơn vị này được xây một tầng riêng để lui tới đây ngồi thiền khi họ muốn thư giãn và thoát khỏi những căng thẳng ở văn phòng. Tỉnh thức và thiền định có thể hỗ trợ nhà lãnh đạo trong việc tập trung trí tuệ, khả năng nhận thức, từ đó liên kết chúng với những phẩm chất như lòng trắc ẩn, lòng can đảm.

“Thực hành tỉnh thức sẽ giúp các lãnh đạo xây dựng sức mạnh vững vàng từ bên trong, giúp họ hóa giải được những áp lực từ bên ngoài một cách hiệu quả” - Nhà sáng lập Công ty TNHH Khai vấn cuộc sống bày tỏ.

Thế giới không ngừng biến động, tương lai không thể dự đoán trước. Các nhà lãnh đạo hàng đầu mất nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về những gì quan trọng.

Một lãnh đạo thành công buộc phải đáp ứng 4 yếu tố:

- Sáng suốt trong việc đưa ra quyết định;

- Sáng tạo trong việc quản trị sự thay đổi bên trong doanh nghiệp;

- Lòng trắc ẩn đối với khách hàng và nhân viên của họ;

- Sự can đảm để đi theo cách riêng đã chọn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lãnh đạo tỉnh thức: Nhân viên làm việc hạnh phúc hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO