Quỹ đồng đầu tư: Chiến lược kết nối TP.HCM mới với doanh nhân kiều bào (Bài 3)
TP.HCM mới không chỉ phản ánh tầm nhìn cải tổ táo bạo mà còn mở ra cơ hội chưa từng có để kiến tạo một cơ chế hợp tác dài hạn với cộng đồng doanh nhân kiều bào. Trong dòng chảy đó, việc thành lập một quỹ đồng đầu tư chung giữa Thành phố và các hội doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài được coi là chiến lược then chốt, giúp khơi thông dòng vốn quốc tế, gắn kết tri thức, kinh nghiệm và khát vọng đóng góp của những người con xa xứ vào công cuộc phát triển chung…
Những người con xa xứ không chỉ vui mừng mà còn đặt nhiều kỳ vọng rằng quá trình tái cấu trúc không gian đô thị, hạ tầng và chuỗi giá trị đầu tư này sẽ mở ra những cơ hội mới để kết nối tri thức, nguồn vốn và tâm huyết của kiều bào vào công cuộc xây dựng đất nước.
Cú hích chuyển đổi kinh tế - xã hội toàn diện
Ở góc độ kinh nghiệm quốc tế, nhiều mô hình sáp nhập địa giới từng được triển khai hiệu quả tại các quốc gia châu Âu, nơi cộng đồng doanh nhân và chuyên gia người Việt đang sinh sống và làm việc. Có thể kể đến như tại Đức, đầu những năm 2000, việc mở rộng thành phố Leipzig và Dresden đã kích thích làn sóng đầu tư nước ngoài, biến hai địa phương từng trì trệ sau tái thống nhất thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của Đông Đức. Còn ở Pháp, dự án Grand Paris không chỉ mở rộng vùng đô thị mà còn hình thành các cụm đổi mới sáng tạo tiêu biểu như Paris-Saclay - nơi tập trung hàng trăm viện nghiên cứu, đại học và startup, trở thành động lực tăng trưởng mới của thủ đô Paris…
Những mô hình này cho thấy rõ một điều: nếu một thành phố có tầm nhìn dài hạn, biết tổ chức quy hoạch đồng bộ, chủ động thu hút và giữ chân chất xám quốc tế, quá trình sáp nhập sẽ không chỉ là thay đổi về địa lý mà còn là cú hích chuyển đổi kinh tế - xã hội toàn diện.
Trong hình hài mới, TP.HCM hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế khi mở rộng khỏi giới hạn vùng truyền thống để vươn tới những không gian kinh tế hiện đại, gắn liền các cực tăng trưởng chiến lược. Khu vực từ Long Thành đến Phú Mỹ và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ trở thành cửa ngõ logistics và trung tâm thương mại quốc tế, tạo nền tảng cho chuỗi cung ứng thông minh và các dự án công nghiệp phụ trợ. Ở phía Bắc, trục đổi mới sáng tạo liên vùng sẽ là nơi doanh nghiệp có thể tham gia khởi nghiệp công nghệ và phát triển chuỗi giá trị gắn với thị trường toàn cầu. Nếu được quy hoạch đồng bộ và định hướng dài hạn, những không gian mới này hoàn toàn có thể hình thành các “thung lũng đổi mới sáng tạo” theo tinh thần Paris-Saclay, thu hút dự án công nghệ cao, đào tạo nhân lực và tạo động lực tăng trưởng bền vững cho Thành phố trong kỷ nguyên mới.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào những thách thức. Một trong những rào cản lớn nhất là sự gián đoạn kết nối đầu tư, sự chậm trễ trong thủ tục hành chính thời kỳ chuyển đổi. Tại Bỉ, sau khi vùng thủ đô Brussels mở rộng quyền quản lý liên vùng, có giai đoạn các dự án bị đình trệ do quy định mới chưa được thống nhất, khiến nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả startup của người Việt, phải tạm hoãn quyết định đặt trụ sở tại đây. Để nói, nếu không chuẩn bị kỹ, TP.HCM mới rất dễ lặp lại những vấn đề này, từ đó làm chậm tiến trình phát triển, thực hiện những khát vọng kỷ nguyên mới.

Thành lập quỹ đồng đầu tư: Gắn kết nguồn lực để phát triển TP.HCM mới
Một trong những đề xuất cấp thiết để kết nối hiệu quả TP.HCM mới với cộng đồng doanh nhân Việt toàn cầu chính là việc thành lập một quỹ đồng đầu tư giữa Thành phố và các hội doanh nhân kiều bào. Đây không chỉ là giải pháp tài chính đơn thuần, mà còn là thông điệp chính trị rõ ràng: TP.HCM mới sẵn sàng bước vào một kỷ nguyên phát triển dựa trên sự đồng hành chiến lược, trong đó có sự đồng hành với lực lượng kiều bào - những người vừa có tri thức toàn cầu, vừa mang trong mình khát vọng đóng góp cho quê hương.
Mô hình quỹ đồng đầu tư, nếu được tổ chức minh bạch, chuyên nghiệp và định hướng vào các lĩnh vực then chốt như đổi mới sáng tạo, công nghiệp phụ trợ, logistics xanh, năng lượng tái tạo… sẽ giúp chia sẻ rủi ro tài chính, mở rộng kênh vốn quốc tế, đồng thời tạo điều kiện để doanh nhân kiều bào tham gia sâu vào chuỗi giá trị quốc gia với tư cách là đối tác phát triển, chứ không chỉ là nhà tài trợ hay người góp ý từ xa.
Tiềm năng cho sáng kiến này là rất lớn. Theo Bộ Ngoại giao, hiện có hơn 5,3 triệu người Việt đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài, trong đó riêng châu Âu chiếm gần 20%. Ước tính, tổng kim ngạch thương mại và đầu tư liên quan đến Việt Nam từ cộng đồng kiều bào tại châu Âu mỗi năm lên tới khoảng 1,8 tỷ euro. Không chỉ dồi dào về vốn, lực lượng doanh nhân và chuyên gia người Việt tại châu Âu còn hiện diện mạnh mẽ trong các ngành công nghệ, nghiên cứu, quản trị quốc tế - một nguồn lực không thể bỏ qua nếu Thành phố muốn vươn lên hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế tri thức.
Để biến tiềm năng ấy thành sức mạnh thực sự, TP.HCM mới còn cần đi xa hơn những khẩu hiệu thiện chí. Thành phố nên chủ động xây dựng một Hội đồng chuyên gia độc lập, hoạt động theo cơ chế xoay vòng, phản biện công khai các chính sách lớn liên quan đến quy hoạch, công nghệ và đầu tư. Những chuyên gia người Việt đang làm việc tại các trung tâm nghiên cứu, trường đại học và tập đoàn lớn ở Pháp, Đức, Hà Lan hoàn toàn có thể trở thành lực lượng phản biện chính sách sắc sảo, khách quan và thực tiễn.
Song song với đó, cần thiết lập các cầu nối đổi mới sáng tạo thực chất giữa TP.HCM và những trung tâm công nghệ cao ở châu Âu, thông qua hợp tác đại học - doanh nghiệp, chương trình trao đổi khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ xuyên quốc gia… Và để những người Việt xa quê dễ dàng trở về làm việc, điều hành dự án hoặc đầu tư, Thành phố nên nghiên cứu cấp visa dài hạn cho chuyên gia và nhà đầu tư kiều bào (expert visa), tương tự chính sách “lao động tay nghề cao” mà nhiều nước châu Âu bao gồm Đức hay Hà Lan đang áp dụng hiệu quả.
Với tầm nhìn chiến lược, quyết tâm cải tổ thực sự và cơ chế phối hợp minh bạch, TP.HCM mới hoàn toàn có cơ hội vươn lên thành “thỏi nam châm” thu hút trí tuệ, vốn liếng và khát vọng đóng góp của hàng triệu người Việt đang sinh sống khắp năm châu.
(*) Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Trẻ Việt Nam tại châu Âu (VYBE)
Hưng Khánh ghi