Start up

Đại học khởi nghiệp sẽ thay đổi sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

TS. Ngô Đắc Thuần (*) 29/02/2024 09:00

Khi xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp (ĐHKN) thành công, hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Việt Nam sẽ thay đổi nhiều. Từ đó, chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam cũng sẽ tăng lên.

32-ts-ngo-dac-thuan.jpg
TS. Ngô Đắc Thuần

Ý tưởng mới, tài sản trí tuệ là giá trị cốt lõi của các DN khởi nghiệp ĐMST

Nhắc tới ĐMST không thể không nhắc đến tư duy sáng tạo mà cả trường đại học và các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp cần có đó là phải cải tiến hoặc sáng tạo những cái mà thị trường đã có. Cải tiến, nghĩa là cái sau bao giờ cũng phải tốt hơn cái trước, ví dụ như thiết bị nhỏ hơn, tiết kiệm điện hơn, đẹp hơn và giá thành thấp hơn. Nếu không thể cải tiến về vật lý thì cải tiến mô hình kinh doanh, thay đổi chiến lược kinh doanh cũng được xem là ĐMST. Đối với ĐHKN phải vừa sáng tạo khoa học công nghệ vừa sáng tạo đổi mới mô hình kinh doanh.

Trong khi đó, tài sản trí tuệ là một dạng tài sản bao gồm nhưng không giới hạn các đối tượng quyền SHTT, ví dụ bản quyền tác giả, các kiểu dáng công nghiệp, các bản vẽ góc cạnh của thiết bị hoặc những đề tài nghiên cứu khoa học, bài báo khoa học… Những đề tài nghiên cứu khoa học, những bài báo khoa học hoặc những sáng chế hình thành sau một thời gian nghiên cứu ấy sẽ được “đóng gói” để trở thành tài sản trí tuệ. Đây là tài sản cố định, vô hình để các trường đại học có thể kêu gọi DN bên ngoài đầu tư spin-off thành những DN khởi nghiệp ĐMST trong chính trường mình.

Do đó, nói đến ĐHKN không thể không đề cập đến tài sản trí tuệ, SHTT. Cốt lõi của ĐHKN hay tài sản mà ĐHKN tạo ra chính là giá trị tài sản trí tuệ và giá trị này luôn phát triển theo thời gian. Vì vậy, mỗi ĐHKN phải biết cách vận dụng phương pháp luận và chiến lược để phát triển tài sản trí tuệ sao cho phải thương mại hóa được, chuyển giao được và gắn liền với các DN trong hệ sinh thái của một quốc gia, một khu vực thì khi đó trường đại học mới phát triển một cách bền vững, lâu dài và rút ngắn được khoảng cách giữa trường đại học với DN bên ngoài.

Khi có ý tưởng, phải nộp đơn đăng ký sáng chế ngay

Để phát triển tài sản trí tuệ trong các trường đại học nói chung và ĐHKN nói riêng một cách thực chất và có chiều sâu thì trước tiên, ban giám hiệu của trường đại học phải có tư duy mở, thường xuyên tương tác, “vi hành” ở các khu công nghiệp, các DN. Đồng thời, khuyến khích cán bộ nhân viên, giảng viên và nhà khoa học trong trường luôn học hỏi, cập nhật thông tin và các công nghệ mới, đưa vào bài giảng, giúp sinh viên tiếp cận thực tế cũng như biết những kiến thức, công nghệ mình học đang đứng ở đâu trong bản đồ công nghệ thế giới. Từ đó, có tư duy luôn cải tiến, đổi mới các sản phẩm hiện hữu theo nhu cầu của thị trường. Khi ĐMST liên tục như vậy thì chắc chắn giá trị tài sản trí tuệ sẽ hình thành và tăng theo liên tục.

ĐHKN là cái nôi để phát triển tài sản trí tuệ và từ đó sẽ spin-off ra nhiều DN khởi nghiệp trong trường nên số lượng sáng chế sẽ tăng lên. Khi đó, chỉ số ĐMST và vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng thế giới cũng sẽ tăng lên. Do đó, khi xây dựng ĐHKN thành công, hoạt động SHTT tại Việt Nam chắc chắn sẽ thay đổi nhiều.

Hầu hết các trường đại học hoặc các DN ở Mỹ khi có ý tưởng, họ lập tức nộp đơn đăng ký sáng chế ngay vì bản chất của sáng chế là bảo hộ những dấu hiệu kỹ thuật mà có thể không cần phải làm ra sản phẩm, miễn sao bản mô tả sáng chế vừa có cơ sở khoa học vừa thuyết phục được thẩm định viên khả năng làm ra sản phẩm đó. Thậm chí, họ nộp rất nhiều đơn để “bao vây” nhiều dấu hiệu kỹ thuật, tuy nhiên, ở Việt Nam, các DN thường chờ làm ra sản phẩm rồi mới đi đăng ký bảo hộ, lúc đó đã trễ, tính mới không còn nữa. Đó cũng là một rào cản. Mặt khác, chúng ta luôn khuyến khích các trường, các DN nộp đơn đăng ký sáng chế càng nhiều càng tốt nhưng việc thẩm định và cấp bằng lại chậm khiến các DN hoặc các trường không nộp đơn kịp thời và chậm một bước so với thế giới.

Bên cạnh đó, đa phần, các trường đại học, các tập đoàn lớn trên thế giới thường nộp đơn đăng ký sáng chế không những trong nước mà dùng Công ước Paris hoặc Hiệp ước Hợp tác sáng chế (PCT) trỏ vào Việt Nam, từ đó khiến chúng ta bị mất thị trường. Do đó, các trường đại học, các DN Việt Nam cần thay đổi tư duy, khi có ý tưởng phải nộp đơn đăng ký sáng chế ngay. Và ĐHKN sẽ hỗ trợ việc này. ĐHKN thu hút các quỹ đầu tư, rót vốn cho các ý tưởng, đề tài nghiên cứu khoa học tốt, có thể nộp đơn đăng ký sáng chế được, như vậy sẽ rút ngắn được thời gian cũng như nhanh chóng bảo hộ sáng chế ngay.

Tại sao lại là ĐHKN?
- Bên cạnh việc đào tạo kiến thức nền, cơ sở chuyên ngành, ĐHKN còn trang bị cho sinh viên rất nhiều kiến thức liên quan tới khởi nghiệp, quản trị kinh doanh, pháp lý, SHTT và đặc biệt là các kỹ năng chinh phục nhà đầu tư.
- Sinh viên của ĐHKN có nhiều ưu thế hơn bởi luôn được tiếp cận sáng chế trong các bài học để từ đó biết cách tạo ra những sản phẩm khác biệt, có thể thương mại hóa và đặc biệt là hạn chế rủi ro xâm phạm quyền SHTT, kiện tụng trong tương lai.
- Trường ĐHKN chắc chắn sẽ phải hợp tác chặt chẽ với một hệ sinh thái, trong đó không chỉ có các DN mà còn có các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư, ngân hàng hoặc các tổ chức khác để bất kỳ sinh viên nào dù là khoa gì, ngành gì khi có ý tưởng tốt cũng có cơ hội được rót vốn đầu tư, spin-off thành DN.

(*) Chủ tịch HĐQT Công ty CP IP Group,
chuyên gia về sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đại học khởi nghiệp sẽ thay đổi sở hữu trí tuệ tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO