Toàn cảnh

Nếu Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường…

PGS-TS. Nguyễn Trí Hiếu (*) 25/07/2025 - 06:12

Nếu Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nhiều vướng mắc trong quan hệ thương mại song phương có thể được tháo gỡ một cách căn cơ. Ngoài vấn đề “nóng” như thuế đối ứng, thuế phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng và trở nên tinh vi - đặc biệt là các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp, việc không được công nhận khiến doanh nghiệp Việt rơi vào thế bất lợi, gánh mức thuế cao bất thường.

image.daidoanket.vn-images-upload-vanmt-08282021-_ong-hieu-2.jpg
PGS-TS. Nguyễn Trí Hiếu

Chỉ riêng quyết định rà soát hành chính mới đây của Bộ Thương mại Mỹ với hàng loạt mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã cho thấy sức ép ngày càng lớn. Cụ thể, vừa mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo tiến hành rà soát hành chính đối với một loạt sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam đang bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Danh sách bao gồm: túi mua hàng bằng giấy, đinh thép, ống thép không gỉ chịu lực, lốp xe tải hạng nhẹ... Trước đó, nhiều mặt hàng chủ lực như tôm nhiệt đới, gỗ dán trang trí, hay thép phủ màu cũng đã và đang gánh mức thuế cao bất thường - có mặt hàng bị áp thuế lên tới hơn 100%.

Để nói, ngoài vấn đề thuế đối ứng, doanh nghiệp cũng đang gánh những khoản thuế “ngút trời”, đặc biệt là các loại thuế chống bán phá giá kéo dài và ngày càng tinh vi hơn. Đây là áp lực lớn, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa, và là hệ quả trực tiếp từ việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Khi bị coi là nền kinh tế phi thị trường, giá thành sản phẩm của Việt Nam không được tính theo chi phí thực tế trong nước, mà dựa trên giá của nước thứ ba do phía Mỹ lựa chọn. Điều này khiến biên độ phá giá bị đẩy lên rất cao, làm mức thuế cũng đội lên theo. Nếu Mỹ chính thức công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, điều này không chỉ mang tính biểu tượng, mà sẽ giúp giảm đáng kể rủi ro về thuế quan cho doanh nghiệp xuất khẩu. Các mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, vốn được xác định theo cách “phi thị trường”, sẽ có cơ sở để được điều chỉnh công bằng hơn.

Trong bối cảnh thuế phòng vệ ngày càng dày đặc, việc được công nhận là nền kinh tế thị trường giống như có thêm một lá chắn pháp lý quan trọng. Nếu đối mặt với các kịch bản thuế đối ứng không như kỳ vọng, doanh nghiệp Việt ít nhất cũng có thêm khoảng “dễ thở” để duy trì năng lực cạnh tranh.

Việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ không chỉ tạo chuyển biến trong quan hệ song phương, mà còn mở ra một cấp độ tín nhiệm mới với các nhà đầu tư toàn cầu. Trong làn sóng tái cấu trúc chuỗi cung ứng hiện nay, khi nhiều tập đoàn đa quốc gia đang chủ động giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, Việt Nam nổi lên như một ứng viên tiềm năng - nhưng điều đó chỉ trở thành hiện thực nếu đi kèm với cam kết thể chế rõ ràng và minh bạch. Sự công nhận từ phía Mỹ sẽ là minh chứng cho việc Việt Nam đã đạt đến một chuẩn mực đủ tin cậy để không chỉ làm “công xưởng thế giới” mà còn là nơi đặt nền móng cho các trung tâm nghiên cứu, thiết kế và sáng tạo.

vnus-1694322161317-1694322161520991668777.jpg

Không dừng lại ở tác động với riêng Mỹ, “chứng chỉ thị trường” này sẽ tạo hiệu ứng cộng hưởng tích cực trong quan hệ thương mại - đầu tư với các đối tác lớn khác như EU, Nhật Bản, Canada… Đây đều là những quốc gia có hệ thống đánh giá và cơ chế phòng vệ thương mại tương đồng với Mỹ, nên khi một nền kinh tế được công nhận tại một điểm tựa lớn, các thị trường khác cũng có xu hướng điều chỉnh cách tiếp cận tương ứng. Điều này không chỉ giúp giảm rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp Việt mà còn nâng vị thế quốc gia trong việc đàm phán thương mại và tiếp cận các nguồn vốn dài hạn từ các quỹ quốc tế. Xét trên bình diện chiến lược, đó là điều kiện tiên quyết để Việt Nam thoát khỏi vị thế gia công, từng bước chuyển mình thành trung tâm sản xuất - đổi mới - xuất khẩu toàn diện của khu vực.

Không chỉ dòng đầu tư trực tiếp, sớm được công nhận là nền kinh tế thị trường giúp thúc đẩy các nguồn đầu tư quốc tế, đặc biệt là dòng vốn dài hạn. Không ít các quỹ đầu tư dài hạn - bao gồm cả quỹ hưu trí, quỹ chính phủ, hay quỹ chủ quyền chỉ cho phép giải ngân tại các quốc gia được công nhận là nền kinh tế thị trường. Do đó, một khi Việt Nam vượt qua rào cản thể chế này, chúng ta có thể lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng thị trường (từ cận biên lên mới nổi) của các tổ chức như MSCI hay FTSE. Khi đó, sẽ có một làn sóng vốn ngoại quy mô lớn đổ vào thị trường chứng khoán, kéo theo thanh khoản tăng, định giá cổ phiếu cải thiện, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp niêm yết lớn, minh bạch, có thị trường xuất khẩu vào Mỹ.

Đồng thời, với việc hội nhập sâu hơn và được quốc tế công nhận về mức độ tuân thủ quy luật thị trường, Việt Nam sẽ củng cố được niềm tin của cả nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế. Điều này không chỉ giúp cải thiện tâm lý thị trường, mà còn tạo thuận lợi cho quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, cũng như các thương vụ huy động vốn lớn từ thị trường trong và ngoài nước.

Công nhận nền kinh tế thị trường không chỉ là một khái niệm pháp lý. Đó là yếu tố định hình môi trường thương mại, đầu tư, và năng lực cạnh tranh dài hạn của nền kinh tế Việt Nam trong thế kỷ 21. Khi doanh nghiệp đang phải “gồng mình” chống chịu các rào cản thuế quan ngày càng dày đặc, thì đây chính là thời điểm để thúc đẩy một thay đổi có tính chất nền tảng, tạo ra môi trường công bằng hơn cho sự phát triển bền vững.

Theo quy định của Mỹ, có 6 tiêu chí để xem xét một nền kinh tế có thị trường hay không, gồm: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; Đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; Các yếu tố khác.

(*) Chuyên gia kinh tế, tài chính

Hưng Khánh ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nếu Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO