---- Toàn cảnh

Việt Nam cần phản ứng ra sao giữa vòng xoáy thuế đối ứng? (Bài 3)

Hưng Khánh 28/05/2025 18:00

Chính sách thuế đối ứng của Mỹ đang gây dư chấn lớn với nền kinh tế Việt Nam. Hơn 3 triệu lao động, hàng chục tỷ USD giá trị xuất khẩu và tăng trưởng GDP đang bị đe dọa nếu Việt Nam không tìm được cách thích nghi “khôn ngoan” trong đàm phán.

Hàng triệu lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các rào cản thương mại

Theo ông Phùng Đức Tùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong, hiện có khoảng 5 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam và gần 1 triệu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với xuất khẩu sang Mỹ. Trong đó, các nhóm ngành như thủy sản, cà phê, tiêu, chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất. Ước tính, khoảng hơn 2 triệu lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các rào cản thương mại mới. Nếu tính cả lao động gián tiếp, con số này có thể lên đến 3 triệu người - tương đương hơn 10% số hộ gia đình Việt sẽ bị ảnh hưởng nếu hoạt động xuất khẩu sang Mỹ gặp trục trặc.

Không chỉ dừng lại ở thị trường lao động, tác động từ các mức thuế cao có thể tạo ra hệ lụy đáng kể cho nền kinh tế vĩ mô. Ông Tùng chỉ ra rằng, nếu Mỹ áp thuế đối ứng với một số mặt hàng Việt Nam lên tới 46% và giả định độ co giãn cầu là 0.5, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm từ 28-32 tỷ USD. Trong khi đó, nếu giá trị gia tăng giữ lại trong nước khoảng 20%, thì GDP Việt Nam có thể mất từ 6-7 tỷ USD, tương đương khoảng 1,5% GDP quốc gia. Đây là một cú đánh mạnh vào nỗ lực duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh hậu Covid-19 và bất ổn toàn cầu.

Tác động của chính sách thuế không chỉ dừng lại ở thương mại mà còn lan rộng sang môi trường đầu tư. Dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới, ông Tùng cho biết chỉ số PMI (chỉ số quản lý mua hàng) của Việt Nam đã giảm từ hơn 50 xuống còn 45 điểm trong tháng 4 - ngưỡng thể hiện sự thu hẹp trong hoạt động sản xuất và niềm tin kinh doanh. Dù vốn FDI đăng ký vào Việt Nam vẫn cao, nhưng tỉ lệ giải ngân đã giảm khoảng 17% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy các nhà đầu tư quốc tế đang “án binh bất động” - chờ đợi kết quả đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ, trước khi đưa ra các quyết định đầu tư tiếp theo.

Để được Mỹ giảm thuế từ 46% xuống còn 23%, Việt Nam buộc phải nhập khẩu từ Mỹ đến 65 tỷ USD - mục tiêu gần như bất khả thi.

Một trong những yêu cầu từ Mỹ là Việt Nam cần gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ để giảm thâm hụt thương mại song phương. Tuy nhiên, theo ông Tùng, đây là bài toán nan giải. Để được Mỹ giảm thuế từ 46% xuống còn 23%, Việt Nam buộc phải nhập khẩu từ Mỹ đến 65 tỷ USD - mục tiêu gần như bất khả thi trong bối cảnh hiện nay.

Đồng quan điểm, ông Lê Phụng Hào - Chủ tịch Global AAA Consulting chỉ ra rằng, cái “khó” chính là hàng hóa xuất khẩu của Mỹ chủ yếu nằm trong các ngành giá trị cao như công nghệ, năng lượng sạch, khí hóa lỏng - những lĩnh vực không phù hợp với nhu cầu tiêu dùng phổ thông của Việt Nam. Ngược lại, các mặt hàng mà Việt Nam xuất sang Mỹ như dệt may, giày da, thủy sản, đồ gỗ… lại là những ngành Mỹ không nội địa hóa sản xuất vì chi phí lao động cao và không có lợi thế.

tt4354.jpg

Khuyến nghị chiến lược cho Việt Nam

Từ bức tranh này, ông Phùng Đức Tùng đưa ra một số khuyến nghị chiến lược dành cho Việt Nam. Trước hết, Việt Nam cần chủ động đàm phán để có được mức thuế tương đương hoặc thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Ấn Độ, Indonesia và Malaysia - những quốc gia đang cùng nằm trong làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc. Việc không để rơi vào thế bất lợi trong đàm phán là yếu tố then chốt để duy trì vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

TS. Hồ Quốc Tuấn - Đại học Bristol (Anh), thành viên hội đồng biên tập Tạp chí Accounting and Business Research và nghiên cứu viên khách mời của Viện ISEAS (Singapore) cũng đề xuất, Việt Nam nên đàm phán theo hướng “chậm mà chắc”. Cần thận trọng quan sát, đàm phán có chiến lược và lựa chọn thời điểm để không bị thiệt trong “cuộc chơi”. Đồng thời, quan sát các nước khác như Ấn Độ, Indonesia đạt được thỏa thuận gì với Mỹ, trước khi đưa ra nhượng bộ tiếp theo.

Song song đó, theo các chuyên gia, Việt Nam cần có lộ trình giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc. Ông Phùng Đức Tùng nhấn mạnh, đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật hay sản xuất, mà là đòn bẩy trong đàm phán. Việc xây dựng được chuỗi cung ứng rõ ràng, độc lập và minh bạch sẽ giúp Việt Nam tăng tính đáng tin cậy với các đối tác lớn, đặc biệt là Mỹ - quốc gia đang đặt an ninh kinh tế lên hàng đầu trong chiến lược thương mại.

Một điểm đáng chú ý nữa được TS. Phùng Đức Tùng đưa ra là Việt Nam cần đưa vào bàn đàm phán những yếu tố “chưa được tính đúng, tính đủ” trong cán cân thương mại song phương. Ví dụ, mỗi năm sinh viên Việt Nam tại Mỹ chi tiêu khoảng 1,5-2 tỷ USD cho học phí, sinh hoạt. Bên cạnh đó, các dịch vụ số từ Mỹ như Google, Facebook, Amazon, Netflix… cũng đang thu lợi nhuận khổng lồ từ thị trường Việt Nam. Đây là những dòng chảy tài chính mà nếu được “cộng gộp” vào sẽ giúp cán cân thương mại Việt Nam với Mỹ cân bằng hơn, từ đó tạo thêm cơ sở để đàm phán chính sách thuế hợp lý hơn.

Trên hết, theo các học giả, chính sách thuế đối ứng của Mỹ không đơn thuần là biện pháp thương mại, mà là một phần của chiến lược lớn hơn liên quan đến cạnh tranh chuỗi cung ứng, dịch chuyển đầu tư và an ninh kinh tế. Để giữ vững vị thế trong cuộc chơi mới, Việt Nam và các DN cần chủ động, không chỉ trong nâng cấp năng lực sản xuất, mà còn ở tư duy chiến lược trong hội nhập và đàm phán quốc tế.

Nếu Mỹ áp thuế đối ứng với một số mặt hàng Việt Nam lên tới 46%:

+ Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm từ 28-32 tỷ USD.

+ GDP Việt Nam có thể mất từ 6-7 tỷ USD, tương đương khoảng 1,5%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam cần phản ứng ra sao giữa vòng xoáy thuế đối ứng? (Bài 3)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO