Khi nước Mỹ quay về bên trong: Góc khuất của chiến lược thương mại (Bài 2)
Khi “cơn bão” thương mại đang khuấy đảo nền kinh tế toàn cầu, mọi sự chú ý đều đổ dồn về nước Mỹ - tâm điểm phát động thuế đối ứng khiến chuỗi cung ứng toàn cầu lao đao. Từ những tín hiệu bất ổn của thị trường trái phiếu đến áp lực chính trị nội bộ ngày một gia tăng, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với bài toán không chỉ về thương mại mà còn là uy tín chiến lược của nước Mỹ trên trường quốc tế.
Nước Mỹ và những tín hiệu cảnh báo từ bên trong
Một trong những tín hiệu đáng lo ngại nhất trong thời gian gần đây đến từ thị trường trái phiếu của Mỹ. Theo TS. Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol (Anh), một số đợt phát hành trái phiếu chính phủ Mỹ gần đây đã thất bại hoặc không đạt được kỳ vọng, đẩy lợi suất lên cao đột biến. Điều này cho thấy giới đầu tư đang hoài nghi về khả năng kiểm soát ngân sách của chính quyền liên bang, đặc biệt là khi chi tiêu chính phủ lại vẫn tăng mà thâm hụt ngân sách không được kiểm soát.
Cú “sốc nhẹ” từ thị trường trái phiếu đã ngay lập tức lan rộng trong các vòng đàm phán thương mại. Bởi, một chính phủ bị áp lực ngân sách sẽ buộc phải tính toán lại các chiến lược về thuế quan. Như TS. Tuấn phân tích, Mỹ có thể phải chuyển từ chiến lược đàm phán song phương sang áp dụng mức thuế chung cho toàn cầu, vì không đủ nguồn lực và thời gian để đàm phán riêng với toàn bộ 150 quốc gia.
Dưới góc nhìn của PGS-TS. Nguyễn Thu Trang - Trường Luật Beasley thuộc Đại học Temple (Mỹ), các chính sách thương mại gần đây của Tổng thống Trump không chỉ phản ánh tầm nhìn kinh tế, mà còn là một phần quan trọng trong chiến lược chính trị. Từ việc đẩy mạnh phục hồi chuỗi cung ứng trong nước, đưa ngành bán dẫn, dược phẩm và ô tô quay lại Mỹ, cho đến tuyên bố áp thuế lên Trung Quốc, tất cả đều nhằm tái khẳng định khẩu hiệu “Make America Great Again” (Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại) bằng hành động cụ thể.
TS. Nguyễn Thu Trang cũng cho biết thêm, ông Trump là người có xu hướng dồn “cú sốc chính sách” vào 2 năm đầu nhiệm kỳ, khi quyền lực chính trị còn lớn. Do đó, các chuyên gia tin rằng những cú “quay đầu chính sách” có thể xuất hiện ngay từ năm thứ ba, tùy theo kết quả kinh tế và phản ứng từ đồng minh toàn cầu.

Tính toán khôn ngoan hay cuộc chơi tất tay?
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tận dụng triệt để yếu tố “bất định” như một vũ khí chiến lược. Việc áp dụng mức thuế cao lên hàng hóa từ Trung Quốc và đe dọa mở rộng sang các quốc gia khác tạo sức ép tâm lý lớn khiến các đối tác thương mại phải chủ động tìm đến bàn đàm phán với Mỹ.
Tuy nhiên, điều này cũng đẩy Mỹ vào một “bẫy rủi ro” chính trị. Bởi, các chính quyền kế nhiệm có khả năng lật ngược chính sách sau mỗi kỳ bầu cử và những gì ông Trump đạt được từ việc áp thuế có thể dễ dàng bị phá bỏ, kéo theo sự bất ổn của cả chuỗi cung ứng toàn cầu.
Câu hỏi đặt ra là “Liệu thế giới có thể chịu đựng được bao lâu nếu Mỹ tiếp tục đi con đường đơn phương?”. Theo TS. Nguyễn Thu Trang là “có giới hạn”. Không chỉ Trung Quốc mà cả các đồng minh truyền thống như Anh, Đức, Canada, Nhật Bản cũng có sự bất mãn âm ỉ với Mỹ. Một số quốc gia bắt đầu manh nha thiết lập những cơ chế song phương hoặc đa phương khác biệt với định hướng của Mỹ nhằm giảm sự phụ thuộc vào chính sách Washington.
Thực tế, Mỹ không thể tiến hành đàm phán song phương với hơn 150 quốc gia như đã từng làm với Canada và Mexico trong USMCA - quá trình kéo dài đến gần 3 năm. Do đó, các chuyên gia dự đoán Mỹ sẽ có xu hướng chuyển sang phương án đánh thuế toàn diện, áp dụng một mức thuế chung (universal tariff) cho các nước không đạt được thỏa thuận riêng. Đây là cách để Mỹ tối ưu hóa nguồn lực, đồng thời duy trì áp lực thương mại mà không tốn quá nhiều thời gian đàm phán chi tiết.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vẫn còn cơ hội cho những quốc gia chủ động. Thay vì “chờ” Mỹ chủ động đàm phán, các nước nên chủ động đề xuất thỏa thuận và đưa ra các gói nhượng bộ hợp lý, trước khi Washington áp dụng chính sách “một gậy đánh tất cả”.
Chưa bao giờ các quyết định về thuế quan, vốn được xem là công cụ kỹ thuật, lại mang đậm màu sắc chính trị như hiện nay. Tình hình nội bộ nước Mỹ, từ ngân sách, thị trường trái phiếu đến chiến lược tranh cử đang tác động sâu rộng đến cục diện thương mại toàn cầu.