Góc chuyên gia

Đại học khởi nghiệp: Đào tạo tinh thần làm chủ cho sinh viên

ThS. Hàng Nhật Quang (*) 19/01/2024 18:00

Nếu triển khai mô hình trường đại học khởi nghiệp (ĐHKN) thành công, sinh viên (SV) sẽ có tư duy làm chủ để chủ động và sáng tạo hơn trên con đường đi sau này.

Sự chủ động sáng tạo của sinh viên còn hạn chế

Ngành giáo dục Việt Nam đã có nhiều bước tiến vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều trường, nhiều chương trình mới được được triển khai, tạo điều kiện cho học sinh có sự lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng chạy đua tuyển sinh dẫn đến hệ lụy kiểm định chất lượng giáo dục theo phong trào, tạo hình ảnh để tuyển sinh, gây lãng phí nguồn lực. Một số trường khi triển khai giảng dạy còn nặng về lý thuyết, khiến SV ra trường khó đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp (DN), sản phẩm của các trường ĐH cung ứng ra xã hội cũng chưa đảm bảo chất lượng, vì vậy cần có giải pháp để giúp các trường ĐH tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Dự án chế phẩm sinh học từ vỏ tôm để bảo quản trái cây của SV Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM), đoạt giải đặc biệt cuộc thi khởi nghiệp Ra khơi năm 2023.

Trong quá trình giảng dạy, khi khảo sát nguyện vọng của SV và cho SV thông qua các bài tập trải nghiệm kinh doanh thực tế, tôi nhận thấy đa số SV hiện nay có tư duy đi làm thuê sau khi ra trường, sự chủ động, sáng tạo ra công việc cho bản thân còn hạn chế. Từ đó, tôi thấy có 2 góc nhìn về tư duy làm việc của sinh viên:

- Người làm thuê chuyên nghiệp: Cố gắng trau dồi, nâng tầm giá trị bản thân, tìm cơ hội việc làm có thu nhập cao nhất.

- Người làm thuê có tinh thần làm chủ: Luôn đặt bản thân vào vai trò và vị trí của người làm chủ, suy nghĩ giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động của công ty… Những người này được đánh giá cao và khả năng thăng tiến lớn. Ngoài ra, họ có mục tiêu rõ ràng là phải có sự nghiệp riêng, nên các bước đi đều được lên kế hoạch cụ thể. Họ có thể làm thuê ở hiện tại để học kinh nghiệm, lấy sự trải nghiệm và tích lũy tài chính cho việc làm chủ sau này.

Một trong những giải pháp để khơi gợi tinh thần khởi nghiệp cho SV mà các trường đã làm, đó là tổ chức những cuộc thi khởi nghiệp, thành lập trung tâm ươm tạo hay trung tâm đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong trường, đưa môn khởi nghiệp hay quản trị khởi nghiệp vào chương trình đào tạo. Tuy nhiên, cần đánh giá lại các hoạt động này để có sự điều chỉnh, cải thiện cho hiệu quả hơn.

Làm thế nào khuyến khích và phát triển tư duy khởi nghiệp và làm chủ?

Thứ nhất, phải thay đổi tư duy đào tạo từ lãnh đạo nhà trường và giảng viên. Chúng ta có thể tham khảo bài học kinh nghiệm từ các quốc gia, trường ĐH trên thế giới. Ví dụ, Học viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ (MIT) xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo, giáo dục khởi nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ mới từ rất sớm. Trong đó, tập trung 2 kỹ năng chính là đào tạo tinh thần khởi nghiệp và kỹ năng khởi nghiệp. Không chỉ với người học, MIT khuyến khích giảng viên làm kinh tế. Nhiều giảng viên của MIT trở thành doanh nhân, hình thành sự liên hệ chặt chẽ giữa MIT và các DN.

Hay như Israel, đào tạo tư duy làm chủ cho SV bằng cách tích hợp tinh thần doanh nhân cùng những kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp; xây dựng văn hóa “không ngại thất bại” và phản biện; đầu tư khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của SV; giáo dục có sự gắn kết giữa trường ĐH với DN… Các trường ĐH VN cũng có thể áp dụng những cách thức này để dần hoàn thiện chương trình đào tạo của mình.

Thứ hai, tăng cường đào tạo kỹ năng học tập suốt đời cho SV. Thế giới luôn thay đổi từng giờ, do đó, chỉ cần dừng lại một chút, chúng ta sẽ tụt lại phía sau. Mỗi người có cách giải quyết vấn đề khác nhau, phải thường xuyên cập nhật, học hỏi từ mọi nơi. Có thể thấy, các doanh nhân thành công luôn là người đọc nhiều, học nhiều nhất.

Thứ ba, cần có những giải pháp cụ thể giúp việc học tập suốt đời đi đúng hướng, khả thi và hiệu quả.

Thứ tư, cần khuyến khích phát triển tư duy khởi nghiệp và làm chủ. Để thực hiện được điều này phải cả từ lượng và chất như đưa các chuyên đề về giáo dục khởi nghiệp, quản trị khởi nghiệp vào chương trình đào tạo chính thức; xây dựng trung tâm Đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ trong trường… Đặc biệt, cần có sự đồng hành của DN trong suốt quá trình này. Các doanh nhân có thể tham gia giảng dạy một số chuyên đề hoặc mentor một số dự án khởi nghiệp để hỗ trợ tài chính và giúp SV có mạng lưới các mối quan hệ.

Tố chất để khởi nghiệp thành công:

- Có mục tiêu phấn đấu (như hoa hướng dương luôn hướng tới mặt trời).

- Có đam mê, kiến thức và khả năng. Đây là các thành tố tạo nên bông hoa.

- Thân cây thể hiện tinh thần, bản lĩnh doanh nhân theo 4 chữ: Liều (để khởi nghiệp thay vì chọn công việc ổn định), lì (để vượt qua khó khăn), linh hoạt (sự khác biệt giữa người thành công và người chưa thành công đó là linh hoạt giải quyết vấn đề) và luôn thay đổi (để thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của thực tế và tìm ra những giải pháp mới cho công ty).

- Lá chính là mối quan hệ, tài chính và cơ hội… Càng nhiều lá thì cây càng mạnh và có khả năng phát triển cao hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đại học khởi nghiệp: Đào tạo tinh thần làm chủ cho sinh viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO