TP.HCM ngôi sao ẩn mình và tiềm năng phát triển
Nhắc đến chiến lược biến TP.HCM thành trung tâm tài chính, tôi nhớ đến giai đoạn đầu khi hình thành thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK). Trong đó, có chiến lược đến năm 2015 biến TP.HCM thành thị trường tài chính (TTTC) cấp khu vực, nhưng tới giờ mọi việc vẫn chưa như mong đợi. Điều này đang được chính phủ và chính quyền TP.HCM thúc đẩy, nhằm biến ước mơ đó thành hiện thực.
Nếu đã là chiến lược quốc gia và tầm nhìn hội nhập quốc tế, thu hút dòng vốn từ khắp thế giới cho phát triển kinh tế, theo tôi nên chọn một trong hai đối tác có kiến thức, kinh nghiệm để cùng phát triển. Đó là ưu tiên chọn đối tác Anh Quốc hoặc Hoa Kỳ để hỗ trợ tư vấn, tạo tiền đề cho TTTC nói chung và TTCK nói riêng. Điều này có thể minh chứng qua TTTC, TTCK Hong Kong do nước Anh hỗ trợ xây dựng, đứng thứ 5 thế giới trước 1997. Singapore cũng nghiên cứu TTTC của nước Anh để tự xây dựng cho riêng mình. Từ đó khơi thông dòng vốn gián tiếp quốc tế chảy qua TTTC, và bơm trực tiếp vốn cho doanh nghiệp lẫn nền kinh tế thông qua TTCK.
Cảng trung chuyển và dịch vụ Cần Giờ
Có thể thấy, Việt Nam nói chung và TP.HCM như người thiếu nữ đang trong quá trình trưởng thành. Dù Việt Nam và TP.HCM đi sau, nhưng nếu nhìn ở góc độ học hỏi, cơ hội thì lại là thế mạnh. Vì chúng ta có thể chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp, theo tình hình chiến lược và mô hình đô thị tiên tiến nhất, thông minh, thân thiện với môi trường và hiệu quả nhất.
Nhìn chung, Việt Nam có một vài lợi thế vượt trội và cốt lõi so với nhiều nước khác, như nông nghiệp, giao thông thuỷ, dịch vụ, du lịch, nguồn nhân lực trí thức đang phát triển… Vì vậy, nhìn vào thế mạnh đó, Việt Nam và TP.HCM nên phát huy tối đa thế mạnh, hạn chế điểm yếu. Do đó, phát triển Cần Giờ thành trung tâm logistic + công nghiệp, du lịch, dịch vụ hậu cần cho toàn cầu là hợp lý. Vấn đề cần là quy hoạch và thiết kế cho hài hoà, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường.
Vốn cho phát triển kinh tế và phát triển vùng theo chiến lược, kế hoạch
Nói đến phát triển, phải nói đến vốn để triển khai. Chúng ta có nhiều nguồn để phát triển như vốn vay quốc tế, trái phiếu chính quyền địa phương, vốn tổ chức đầu tư nước ngoài, vốn xã hội hoá... Như vây, để có vốn cho thực hiện chiến lược đó, TP.HCM có thể dùng nguồn vốn mồi từ công ty đầu tư và kinh doanh vốn TP.HCM (HFIC), cộng các doanh nghiệp trong ngành logistic tại TP.HCM, cộng vốn từ các đối tác liên doanh khai thác cảng, cộng vốn từ các tổ chức đầu tư tài chính quốc tế, cộng vốn từ nhà đầu tư trên TTCK… Nhưng để thành công, với bất kỳ dự án, chiến lược kinh doanh nào, thì vẫn phải chứng minh được một vài khía cạnh.
Thứ nhất, tính pháp lý của dự án. Với dự án cảng trung chuyển, hậu cần logistic, du lịch của Cần Giờ, thì chính phủ phải xác định rõ cơ chế của nó.
Thứ hai, TP.HCM phải giải được bài toán hiệu quả đầu tư của dự án. Nên dùng công cụ vốn từ xã hội hoá để phát triển, vì nguồn lực quốc gia nào cũng hạn chế, nhiều dự án phải làm. Phải có giải pháp phù hợp, tính đến cả cổ phần hóa và thoái vốn từ những doanh nghiệp cụ thể, vì nguồn đầu tư cho dự án là rất lớn. Nên nghiên cứu mô hình cổ phần cho dự án. Nhà nước trước tiên lo pháp lý, vốn mồi ở giai đoạn đầu. Sau khi mọi việc gần giai đoạn khai thác, có thể tiến tới IPO doanh nghiệp để thu hồi vốn đầu tư, và thu hút vốn từ công chúng đầu tư.
Quá trình này thường minh bạch và mang lại giá trị tài chính lớn cho dự án, nhà nước và chính quyền địa phương. Các bên có thể hưởng lợi từ cách làm trên, như: Tạo giá trị cao hơn giá trị ban đầu, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, phát triển kinh tế, thu lợi từ cổ tức kinh doanh cảng thông qua cổ tức hàng năm, TP.HCM thu thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm, và ổn định chính trị - kinh tế địa phương. Tuỳ theo tính chất và chiến lược, TP.HCM có thể nắm giữ 35-51% vốn nhằm kiểm soát và thực hiện quản lý nhà nước.
Bất cứ vấn đề gì đã nói đến kinh tế, phải nói đến hiệu quả kinh tế. Do đó, những gợi mở trên sẽ giúp một mũi tên trúng nhiều đích cho TP.HCM, đó là: Vừa phát triển kinh tế, vừa phát triển TTTC thông qua việc cổ phần hoá, xã hội hoá và thu hút vốn từ công chúng đầu tư cho phát triển kinh tế. Điều này có lợi cho TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Người dân đang mong đợi, TP.HCM sẽ có chiến lược, kế hoạch, và tầm nhìn phù hợp để sớm góp phần đưa Việt Nam sánh vai các cường quốc trên thế giới, giúp phát triển kinh tế, giữ vững độc lập và chủ quyền của tổ quốc.
(*) Chuyên gia tài chính - chứng khoán