Góc chuyên gia

Kiên quyết chữa tận gốc “bệnh” tham nhũng…

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành 28/04/2024 12:13

Công cuộc chống tham nhũng của Đảng vẫn tiếp diễn. Chúng ta có quyền chờ đợi Đảng và Chính phủ giải quyết các vấn đề còn tồn tại và mong rằng vẫn còn kịp thời để cùng nhân dân giải quyết các vấn đề quan trọng đối với nhân dân và đất nước.

bui-kien-thanh.jpg
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

Theo dõi những vụ án tham nhũng trong suốt thời gian qua, tôi cho rằng, cho dù có bao nhiêu người bị đưa ra tòa đi nữa thì đó cũng chỉ là một cái phần nổi của một tảng băng rất lớn. Tảng băng đó là gì, đó là vấn đề tham nhũng, tham ô mà căn nguyên của nó là từ cơ chế. Nếu chỉ là vấn đề nhổ cỏ “tham nhũng” thì không bao giờ nhổ cho hết. Vậy nên, muốn chữa căn bệnh tham nhũng, vấn đề không phải đưa ra tòa để xử các vụ án là đủ, mà phải thay đổi cơ chế

Tham nhũng là một căn bệnh có từ ngàn năm nay chứ không phải mới đây, nó không chỉ của riêng ở Việt Nam mà ở tất cả các đất nước trên thế giới đều có tham nhũng, ngay cả các nước tiến bộ nhất như Mỹ, Canada... cũng có tham nhũng, nhưng vấn đề là làm thế nào đề kiểm soát không để cho những mầm mống tiêu cực đó nó biến thành một bệnh di căn, thành những cái ung nhọt của đất nước.

Nhìn lại những năm đầu 1980 khi Việt Nam bị Trung Quốc đánh miền Bắc, kinh tế Việt Nam kiệt quệ, đứng trước nhiều khó khăn, vì vậy phải tìm các phương thức thế nào để giải quyết. Lịch sử cho thấy, không có một đất nước nào mạnh dựa trên nền tảng những người dân nghèo. Vì vậy, đầu thập niên 80, lãnh đạo Việt Nam đã thay đổi tư duy: Muốn nước mạnh thì dân phải giàu. Thời đó, khi đề cập đến “chữ giàu”, tôi đã gặp sự chống đối kịch liệt của một số vị nói rằng “giàu là kẻ thù của vô sản, giàu là kẻ thù của cộng sản”. Cuối cùng, Bộ Chính trị đã chấp nhận nguyên tắc “Dân giàu nước mạnh”. Chữ dân giàu nước mạnh là công cuộc thay đổi lớn lao về tư duy của Đảng và từ đó dẫn đến thay đổi cơ bản từ kinh tế bao cấp, kế họach tập trung của những năm 1975-1981, qua nền kinh tế “vận hành theo cơ chế thị trường” khi có Nghị quyết đổi mới tháng 12/1986, “Dân giàu nước mạnh để xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nghị quyết của Đại hội VI ra đời từ cuộc cách mạng vĩ đại về tư tưởng này. Theo đó, “Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nhiều thành phần xóa bỏ vấn đề độc quyền của Nhà nước”, đó là cuộc cách mạng lớn khôi phục lại quyền tự do kinh doanh cho toàn dân tộc, vận hành theo cơ chế thị trường, không còn phải theo “kế hoạch tập trung”. Một cuộc cách mạng vĩ đại , để đi đến một xã hội dân chủ, cuộc cách mạng để hội nhập với cả thế giới văn minh, hội nhập văn minh trên thế giới, đưa Việt Nam từ một đất nước chuyên chính sang nền dân chủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Chúng ta là một Đảng lãnh đạo, một Đảng cầm quyền và chúng ta là đầy tớ của nhân dân. Mỗi đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng.... Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, Nếu đầy tớ mà không làm việc tốt thì ông chủ là nhân dân có quyền đuổi đầy tớ đi”. Không phải lãnh đạo của Đảng không biết làm sao để đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói, Đảng là một chiếc thuyền và nhân dân là biển cả, nhân dân có thể nâng cái thuyền lên và nhân dân cũng có thể nhấn chìm nó xuống.

lang-kinh1.jpg

Có một vấn đề cực kỳ lớn nhưng ít được đề cập, đó là Việt Nam đang có nhiều cơ hội và vị thế đạc biệt để thu hút vốn đầu tư của Mỹ. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc với các giới chức Mỹ, các đời đại sứ Mỹ đều có để cập đến vấn đề tình trạng chi phí không chính thức khá cao tại Việt Nam. Tại Mỹ có luật về bài chống tham nhũng, buộc những tập đoàn Mỹ phải tuân thủ. Theo đó, trong hợp đồng của các doanh nghiệp Mỹ ký với nước ngoài đều phải tuân thủ quy tắc không được cho quà cáp, không được chi trả chi phí không chính thức... Nếu vi phạm thì xử lý hình sự, chứ không phải là dân sự. Vấn đề chi phí không chính thức đã được các đại sứ Mỹ nêu lên nhiều lần, từ các năm trước. Lãnh đạo các xí nghiệp, doanh nghiệp Mỹ lương hàng triệu USD sẽ không muốn mất thời gian xử lý, không muốn liên quan đến vấn đề này. Vì vậy, nếu hiểu cách làm và quy luật quy định cho các công ty Mỹ thì việc bài chống tham nhũng tận gốc là rất cần thiết và phải kiên quyết để từ đó thu hút được nhiều doanh nghiệp Mỹ và các nước khác như Anh, Pháp, Đức…cũng có những quy định tương tự.

Với tinh thần đó, chúng ta có quyền chờ đợi Đảng và Chính phủ giải quyết các vấn đề còn tồn tại và mong rằng vẫn còn kịp thời để cùng nhân dân giải quyết các vấn đề quan trọng đối với nhân dân và đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kiên quyết chữa tận gốc “bệnh” tham nhũng…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO