Cần học cách PR văn chương của Hàn Quốc
Ngay khi có tin Han Kang đoạt giải Nobel Văn chương, Bộ Văn hóa Hàn Quốc đã tuyên bố dự kiến sẽ chi 48,5 tỷ won (gần 900 tỷ đồng) để quảng bá văn học vào năm 2025.
Giải Nobel Văn chương 2024 đã được trao cho nhà văn Hàn Quốc Han Kang (sinh 1970) “vì một thứ văn xuôi mang chất thơ dữ dội đối diện với những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người”. Để lọt được vào “mắt xanh” của Uỷ ban Nobel, tác phẩm của Han Kang phải ra được thế giới thông qua bản dịch, trước nhất là tiếng Anh. Nhưng sẽ không có những bản dịch tác phẩm của Han Kang và không chỉ của bà từ tiếng Hàn ra tiếng Anh và các thứ tiếng khác nếu không có sự hỗ trợ dịch thuật của nhà nước và tư nhân ở Hàn Quốc.
Tại xứ sở kim chi có hai tổ chức lo việc dịch văn chương Hàn ra thế giới. Tổ chức thứ nhất là Viện Dịch thuật văn chương (Literature Translation Institute - LTI) - một tổ chức công hỗ trợ văn học và văn hóa Hàn Quốc ở nước ngoài. Ngay khi có tin Han Kang được giải Nobel Văn chương, Bộ Văn hoá Hàn Quốc đã tuyên bố dự kiến sẽ chi 48,5 tỷ won (gần 900 tỷ đồng) để quảng bá văn học vào năm 2025, tăng 7,4% so với năm nay. Trong đó, Bộ sẽ phân bổ 7,66 tỷ won cho Viện Dịch thuật Văn chương Hàn Quốc gồm 3,12 tỷ won hỗ trợ việc xuất bản sách dịch và 4,54 tỷ won dành cho việc quảng bá chúng. Như vậy so với năm 2024, ngân sách xuất bản tăng 800 triệu won, trong khi ngân sách quảng bá tăng 450 triệu won.
Tổ chức thứ hai là Quỹ Daesan (Daesan Foundation) - quỹ tư nhân đầu tiên và duy nhất chuyên về văn chương ở Hàn Quốc, do Tập đoàn Bảo hiểm Kyobo Life thành lập năm 1992. Mục tiêu của Quỹ là thúc đẩy sự phát triển của văn hoá dân tộc và đưa văn học Hàn Quốc ra thế giới. Trong các hoạt động chính của Quỹ có Giải thưởng Văn chương Daesan, Chuỗi Văn học thế giới Daesan và Cuộc trường chinh châu Á. Chỉ riêng các tác phẩm của Han Kang đã được hưởng lợi từ 9 khoản tài trợ dịch thuật từ Quỹ Daesan, bao gồm 6 đầu sách của bà dịch sang bốn thứ tiếng.
Hãy nhìn vào Hàn Quốc và học tập họ. Nhà nước cần lập ra một Viện Dịch thuật văn chương Việt Nam như kiểu LTI. Phải đầu tư bài bản vào đó. Phải theo đuổi cho những tác giả được chọn có những bản dịch xứng đáng, khả dĩ có thể vào được các thị trường văn chương lớn. Phải lựa chọn và ưu đãi những dịch giả cả trong nước và ngoài nước có khả năng cho ra những bản dịch văn chương chất lượng cao, có thể vươn tới những giải thưởng danh giá trên thế giới. Lại cũng cần có sự chung tay của tư nhân, nhất là doanh nhân, lập ra những quỹ văn chương như Quỹ Daesan. VinGroup đã có kế hoạch hỗ trợ các dự án nghiên cứu văn hoá, nhưng riêng văn chương thì chưa, càng chưa có một quỹ riêng cho văn chương như ở Hàn Quốc. Mà không riêng gì VinGroup, các tập đoàn khác cũng nên chú trọng mảng hoạt động này vì văn chương Việt Nam vươn tầm toàn cầu.
Hàn Quốc đã làm được thế mà họ còn coi giải Nobel của Han Kang chỉ mới như một sự khởi đầu.