Đề xuất cấm kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật
Tại dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chính phủ đã đề xuất quy định cấm kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật nhằm tránh mất mát di sản văn hóa ra nước ngoài.
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 32, sáng 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Theo đó, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm có 9 chương, 102 điều, tăng 2 chương và 29 điều so với luật hiện hành (7 chương 73 điều). Đồng thời, dự thảo còn quy định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được chuyển nhượng thông qua mua bán dân sự, trao đổi, tặng cho, thừa kế ở trong nước.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá, Luật Di sản văn hoá sửa đổi là cần thiết, nhằm thể chế chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa và di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá hiện nay, đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công tư, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.
Thông qua việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành để khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Đồng thời, đảm bảo tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan; tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các hoạt động dịch vụ, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa... và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, một trong những nội dung dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định là cấm kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật nhằm tránh mất mát di sản văn hoá ra nước ngoài.
Cụ thể, tại khoản 1, Điều 40 về nguyên tắc quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia nêu rõ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân phải được quản lý trong các bảo tàng công lập, di tích và các cơ quan, tổ chức nhà nước có chức năng, nhiệm vụ thích hợp; không được kinh doanh và chuyển nhượng thông qua mua bán, trao đổi, tặng, cho.
Trường hợp di vật, cổ vật thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được kinh doanh mua bán theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và được chuyển nhượng thông qua mua bán trao đổi, tặng cho, thừa kế ở trong nước theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tại Điều 41 của dự thảo luật cũng quy định Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân, chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Đồng thời, việc chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thực hiện theo quy định của Bộ Luật Dân sự và các pháp luật khác liên quan.
Cùng với đó, dự thảo còn quy định về hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa; quy định về các nguồn lực cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quy định nội dung cơ chế, khai thác, sử dụng di sản trong hợp tác công tư để đầu tư, phát huy giá trị di sản trong bối cảnh hiện nay phục vụ công nghiệp văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội...
Ngoài ra, một điểm mới cũng được đề cập trong dự thảo luật là quy định thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa. Đây là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách nhằm hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách Nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đầy đủ.
Nguồn tài chính của quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách Nhà nước.