Đại học khởi nghiệp góp phần đổi mới mô hình phát triển kinh tế
Đại học khởi nghiệp (ĐHKN) được xem là cách đột phá để góp phần đổi mới mô hình phát triển kinh tế Việt Nam. Trong đó, trường ĐHKN là trụ cột, cung cấp “nhiên liệu” cho hệ thống đổi mới sáng tạo (ĐMST), giúp tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ việc phát triển kinh tế số, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Trường đại học khởi nghiệp phải là một doanh nghiệp
Mô hình ĐHKN đã được vận hành thành công ở nhiều nơi trên thế giới. Việc chú trọng phát triển ĐHKN là chiến lược đúng đắn của các quốc gia để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trường ĐHKN phải có tư duy doanh nghiệp (DN) và hướng đến giải quyết những vấn đề kinh tế. Việc đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, sản xuất ra những sản phẩm hoặc cung cấp những giải pháp, dịch vụ để phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các trường đại học trên thế giới chứ không đơn thuần chỉ đào tạo ra nguồn nhân lực cho một ngành nghề hay lĩnh vực cụ thể.
ĐHKN cùng lúc tạo ra được hai mô hình: DN khởi nghiệp (startup) và DN spin-off.
Nhiều nhà nghiên cứu định nghĩa DN spin-off là công ty được thành lập bởi giảng viên, sinh viên hoặc nhân viên đã rời trường đại học để thương mại hoá công nghệ được nghiên cứu trong trường, trường đại học sẽ giữ cổ phần trong các công ty đó.
Khác với startup, DN spin-off có sự tham gia nhiều hơn của những chuyên gia trong trường đại học để biến kết quả nghiên cứu thành sản phẩm có thể thương mại hóa.
Khi có một chương trình nghiên cứu và kết quả nghiên cứu có khả năng thương mại hóa thì trường đại học sẽ đóng vai trò như một nhà đầu tư spin-off đó. DN spin-off có thể kêu gọi sự góp vốn đầu tư từ bên thứ ba.
Startup thường xuất phát từ những cá nhân hoặc nhóm, khi trải qua những vòng gọi vốn thì dần dần vai trò của trường đại học - nơi ươm tạo sẽ mất dần, chỉ còn là nơi tư vấn về khoa học và kỹ thuật. Cá nhân hoặc nhóm khởi nghiệp sẽ tự do hơn trong việc quản lý, vận hành DN, nhưng rủi ro có thể nhiều hơn.
Hiện, nhiều trường đại học trên thế giới đã xây dựng được mạng lưới chuyên gia và cựu sinh viên như một sự đầu tư. Những cựu sinh viên khi khởi nghiệp thành công, quay về trường cũ, có thể đầu tư mạo hiểm cho dự án của sinh viên trong trường cũng như tìm kiếm nhân sự chất lượng cao cho DN của mình. Qua đó, kết nối thế hệ trước với thế hệ sau, gắn kết giữa nhà trường, cộng đồng DN và sinh viên của trường.
Tại Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội có mạng lưới cựu sinh viên và đã thành lập Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK- Holdings), đó là hướng đi rất hay, cần được nhân rộng.
Để xây dựng được những mô hình thành công như vậy cần sự ủng hộ rất lớn từ lãnh đạo nhà trường. Một trong những quy chuẩn để một trường đại học trở thành trường ĐHKN thì ban lãnh đạo cũng như giảng viên, sinh viên của trường đại học đó phải có tinh thần doanh nhân, phải xác định kết quả nghiên cứu sẽ tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị thương mại để đưa ra thị trường.
Đại học khởi nghiệp cung cấp “nhiên liệu” cho đổi mới sáng tạo
Trong nền kinh tế năng động của Việt Nam, mô hình trường ĐHKN đem lại rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, trường ĐHKN phải đi đầu trong đổi mới thông qua việc thực hiện một sứ mệnh cụ thể. Thứ hai, trường ĐHKN phải là trụ cột cho hệ thống đổi mới. Thứ ba, trường ĐHKN sẽ cung cấp “nhiên liệu” cho ĐMST, đó là con người và những bằng phát minh, sáng chế. Thứ tư, trường ĐHKN sẽ cung cấp kỹ năng về ĐMST cho sinh viên, giảng viên cũng như đối tác. Và cuối cùng, trường ĐHKN phải có vai trò kết nối những thành tựu khoa học - công nghệ và đổi mới không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn trên thế giới.
Mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam dựa trên ĐMST được lồng ghép trong ĐHKN. Thứ nhất, ĐMST trong ĐHKN sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng được số hóa. Thứ hai, ĐMST sẽ giúp thu hút được nguồn vốn nước ngoài để đầu tư số hóa nền kinh tế. Thứ ba, ĐMST sẽ giúp hệ thống giáo dục và đào tạo gắn chặt với công cuộc số hóa để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nền kinh tế số. Thứ tư, ĐMST sẽ hỗ trợ DN cải tiến kỹ thuật cũng như công nghệ sản xuất, cải thiện sự sẵn sàng của cộng đồng DN để phát triển nền kinh tế số.
Nhiều quốc gia đang đổi mới mô hình phát triển kinh tế cũng như chú trọng chiến lược ĐMST thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh. Có thể thấy, ĐMST sẽ giúp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và giảm khấu hao trong quá trình sản xuất cũng như đổi mới phương thức sản xuất, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường. Đối với quản trị, ĐMST sẽ giúp DN đổi mới chu trình sản xuất, cách thức quản lý và công nghệ, từ đó tạo ra những ngành nghề mới, cơ hội mới. ĐMST cũng giúp “xanh hóa” chuỗi cung ứng bằng cách cải tiến công nghệ để tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm, tái chế chất thải, san xuất sản phẩm xanh để thúc đẩy tính bền vững trong quá trình hoạt động của DN. ĐMST còn giúp DN nâng cao hiệu suất hoạt động đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường để phù hợp với hành vi tiêu dùng “xanh” của khách hàng.
ĐMST trong ĐHKN còn giúp phát triển kinh tế tuần hoàn. Một trong những mục tiêu của Liên Hiệp Quốc là đưa lượng khí thải về 0 (net zero) và ĐMST giúp việc tái chế, sử dụng phụ phẩm để sản xuất sản phẩm khác và kéo dài vòng đời của sản phẩm. ĐMST còn giúp xây dựng chiến lược sản xuất sản phẩm, sử dụng sản phẩm lâu hơn và đưa sản phẩm hết vòng đời trở lại quy trình sản xuất, giúp sử dụng nguyên vật liệu hiệu quả hơn. ĐMST còn tạo ra nhiều việc làm trong nền kinh tế tuần hoàn bằng cách sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm và suy thoái môi trường tại các quốc gia đang công nghiệp hóa mạnh như Việt Nam.
Theo khuyến nghị từ tổ chức Nghiên cứu khởi nghiệp toàn cầu (Global Entrepreneurship Monitor - GEM), để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh, các chính phủ cần đóng vai trò dẫn dắt, đưa ra những chương trình khởi nghiệp quốc gia. Đối với trường đại học thì phải lồng ghép giáo dục khởi nghiệp vào chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao phải phát triển mạnh, đưa những kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn. Cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng về thương mại, phải có sự liên kết giữa các quốc gia và những tập đoàn toàn cầu để giúp nền kinh tế có độ mở tốt hơn, tạo nền tảng cho việc phát triển ĐMST của DN, đặc biệt là DN xuất phát từ ĐMST. Và cuối cùng, xây dựng văn hóa chấp nhận sự thay đổi và thích nghi với sự thay đổi đó cũng như có cái nhìn thoáng hơn về rủi ro, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ hiện thực hóa những ước mơ thông qua khởi nghiệp.
(*) Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Thương mại - Du lịch,
Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM