Start up

Đại học khởi nghiệp thúc đẩy thương mại hoá tri thức, đóng góp cho nền kinh tế

Lê Hạnh 25/10/2023 17:00

Theo PGS-TS. Phạm Đình Anh Khôi - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM, trường ĐHKN sẽ là thành phần quan trọng trong nền kinh tế, tức là sẽ thương mại hóa tri thức, tài sản trí tuệ đang sở hữu để đóng góp cho nền kinh tế địa phương cũng như quốc gia.

* Gần đây, khái niệm trường ĐHKN đã trở nên phổ biến ở Việt Nam. Ông có thể cho biết trường ĐHKN là trường đại học như thế nào?

- Hiện nay, tôi chưa thấy có tổ chức quốc tế uy tín nào công bố khái niệm chuẩn về trường ĐHKN. Trong quá trình tìm hiểu, tôi thấy có

dsc00175-ts-anh-khoi.jpg
PGS-TS. Phạm Đình Anh Khôi - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM

một khái niệm được xem là nền tảng cho những khái niệm khác, được giới thiệu vào thập niên 1960, khi nền kinh tế tri thức đang là một trong những chủ đề nghiên cứu. Vào năm 1961, nói về vai trò của trường đại học đối với nền kinh tế tri thức, nhà nghiên cứu Schumpeter đã đề xuất khái niệm trường đại học cần phải là nơi đào tạo nguồn nhân lực có thể tạo ra tri thức, là một tổ chức hoạt động hiệu quả và có đóng góp vào nền kinh tế quốc gia.

Sau này, nhiều nhà nghiên cứu đưa ra những khái niệm về trường ĐHKN nhưng đều tập trung vào các đặc điểm trên, đó là trường ĐHKN cần phải là nơi đào tạo nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo có tư duy về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; trường ĐHKN nên là một tổ chức có cơ chế vận hành tạo điều kiện và động lực thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; trường ĐHKN sẽ là thành phần quan trọng trong nền kinh tế, tức là sẽ thương mại hóa tri thức, tài sản trí tuệ đang sở hữu để đóng góp cho nền kinh tế địa phương cũng như quốc gia.

* Để trở thành trường ĐHKN được quốc tế công nhận thì cần phải đạt được các tiêu chí nào, thưa ông?

- Trước tiên, các tiêu chí này phải xuất phát từ những tổ chức đánh giá có năng lực và uy tín. Gần đây, chỉ có số ít tổ chức quốc tế được công nhận để đánh giá kiểm định trường ĐHKN, trong đó có Tổ chức Quốc tế kiểm định trường ĐHKN (ACEEU). Theo tổ chức này, có 5 tiêu chí chính để kiểm định một trường ĐHKN: (1) định hướng và chiến lược; (2) cơ cấu bộ máy tổ chức, hệ thống quản trị và các chính sách khuyến khích, tạo động lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; (3) các loại hình nguồn lực, bao gồm nguồn lực bên trong (như văn hóa, cơ sở vật chất…) và nguồn lực bên ngoài (từ Nhà nước, các tổ chức bên ngoài…) mà trường đại học có thể khai thác để tập trung phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; (4) thực hiện ba nhiệm vụ cốt lõi của trường ĐHKN, bao gồm đào tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; (5) đo lường sự đóng góp của trường đại học đối với nền kinh tế và xã hội.

* Theo ông, trong 5 tiêu chí đó, đâu là tiêu chí có ý nghĩa quyết định?

- Nếu trường đại học thực hiện tốt hai tiêu chí đầu, là hai tiêu chí có ý nghĩa quyết định, thì sẽ thực hiện tốt các tiêu chí còn lại. Bởi vì hầu như các trường đại học luôn phải vận hành theo kế hoạch, thường là kế hoạch trung hạn khoảng 3-5 năm. Trong kế hoạch ấy, nội dung quan trọng như tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cơ bản đều phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể. Một khi trường đại học đưa ra kế hoạch khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì những hoạt động ấy sẽ được triển khai một cách hệ thống và khả thi.

ts-khoi-tai-hoi-thao-dhkn-t7-2023.jpg

* Ở Việt Nam, khi hướng đến xây dựng ĐHKN, làm thế nào các trường đại học truyền thống biết được đã đáp ứng được các tiêu chí trở thành ĐHKN, thưa ông?

- Ở Việt Nam, hiện chưa có tổ chức nào kiểm định trường ĐHKN, trên thế giới, số lượng các tổ chức kiểm định quốc tế có năng lực và uy tín cũng rất ít, như tổ chức ACEEU cũng chỉ mới được thành lập năm 2016.

Để một trường đại học ở Việt Nam phát triển theo định hướng mô hình trường ĐHKN thì cần phải có sự chuẩn bị kỹ. Một số trường đại học truyền thống hiện vẫn chỉ triển khai hai nhiệm vụ chính là đào tạo và nghiên cứu khoa học, chưa thực hiện nhiệm vụ chính thứ ba về đổi mới sáng tạo một cách hiệu quả để sớm hướng đến phát triển theo mô hình ĐHKN. Tuy vậy, tùy theo định hướng phát triển, các trường đại học có thể tham khảo những tiêu chí kiểm định quốc tế về trường ĐHKN, ví dụ như 5 tiêu chí của tổ chức ACEEU, để tự đánh giá xem trường mình đang ở mức độ nào hay cần cải tiến những gì, từ đó xây dựng lộ trình đạt các tiêu chí ấy. Khi cảm thấy đủ năng lực, các trường đại học có thể đăng ký với những tổ chức kiểm định để đánh giá.

* Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM và nhiều trường đại học khác đều có trung tâm ươm tạo doanh nghiệp. Vậy có phải chỉ cần đẩy mạnh hoạt động của trung tâm ươm tạo và hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp là đủ để trở thành trường ĐHKN?

- Việc thành lập trung tâm ươm tạo doanh nghiệp và xúc tiến hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên rất cần thiết, nhưng chưa đủ để một trường đại học trở thành trường ĐHKN đúng nghĩa, bởi vì một trường đại học cần phải đạt được các tiêu chí kiểm định như đã nói ở trên. Theo đó, trường đại học cần thay đổi bộ máy tổ chức, hệ thống quản trị gắn liền với những cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vận dụng các nguồn lực để thực hiện tốt những hoạt động cốt lõi cũng như phải có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế và xã hội.

* Tại Hội nghị Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TP.HCM vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã đồng ý đề xuất chọn 5-6 trường đại học tập trung xây dựng thí điểm ĐHKN. Theo ông, các trường đại học truyền thống nên có sự chuẩn bị thế nào để hướng đến xây dựng thành công trường ĐHKN?

- Nếu có ý định và cảm thấy phù hợp để phát triển theo mô hình trường ĐHKN, trước hết các trường đại học cần nghiên cứu các tiêu chí đánh giá về một trường ĐHKN. Từ đó sẽ có sự chuẩn bị phù hợp nhằm hướng đến triển khai thí điểm mô hình loại trường này. Nếu trường đại học muốn phát triển theo mô hình trường ĐHKN thì cần phải thực hiện tốt cả ba nhiệm vụ cốt lõi là đào tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.

Sự chuẩn bị mang tính nền tảng để có thể thực hiện các nhiệm vụ đó cũng quay trở lại định hướng chiến lược, bộ máy tổ chức, hệ thống quản trị, cơ chế hoạt động của các trường. Mặt khác, nếu các trường đại học vận hành theo cơ chế tự chủ thì đó sẽ là một ưu thế lớn để hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển theo định hướng trường ĐHKN.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đại học khởi nghiệp thúc đẩy thương mại hoá tri thức, đóng góp cho nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO