Tôn vinh sự đóng góp thầm lặng của doanh nhân
Xây dựng tượng đài doanh nhân ở thời điểm này sẽ có ý nghĩa động viên đối với cộng đồng doanh nhân, đặc biệt là đối với những doanh nhân âm thầm đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Doanh nhân ngày nay chính là những chiến sĩ thời bình, họ cũng đóng góp to lớn vào sự phát triển của quốc gia. Nhà nước hiện đang vinh danh doanh nhân là anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, hay doanh nhân tiêu biểu. Và ở giai đoạn hiện nay, với những đóng góp của cộng đồng doanh nhân trong việc phát triển kinh tế thì xây dựng tượng đài cũng là một hình thức vinh danh nên có.
Theo tôi, nên chọn một cụm biểu tượng của giới doanh nhân để xây dựng tượng, chứ không nên chọn một con người cụ thể để vinh danh, vì như vậy, dễ dẫn đến việc cá nhân hoá doanh nhân được vinh danh. Chúng ta có thể tham khảo cụm tượng đài của chiến sĩ công an nhân dân hoặc tượng đài chiến thắng, vì mô hình tượng đài thì mới có ý nghĩa vinh danh cho cộng đồng doanh nhân chứ không phải cá nhân doanh nhân.
Năm nay đánh dấu 20 năm ngày thành lập Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2024). Vì vậy, việc xây dựng tượng đài doanh nhân là một hoạt động để chào mừng và ghi nhận những thành tựu trong 20 năm qua của giới doanh nhân đóng góp cho đất nước.
Tượng đài doanh nhân sẽ có ý nghĩa lâu dài và là sự động viên to lớn đối với cộng đồng doanh nhân, đặc biệt là đối với những doanh nhân âm thầm đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bởi vì, không phải doanh nhân nào cũng được vinh danh trên các phương tiện truyền thông. Và việc xây dựng tượng đài ngoài việc động viên doanh nhân thì cũng được coi như tấm gương để những người trẻ có khát vọng khởi nghiệp có thể phấn đấu để trở thành doanh nhân. Bên cạnh đó, việc xây dựng tượng đài doanh nhân cũng để tuyên truyền cho xã hội biết được vai trò to lớn của cộng đồng doanh nhân.
Quan điểm trước đây của chúng ta là nhất sĩ, nhì nông. Vai trò của doanh nhân ở giai đoạn đó rất mờ nhạt. Gần đây, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân dù đã thay đổi, nhưng đâu đó vẫn còn những quan điểm kỳ thị doanh nhân, đặc biệt trong thời gian qua, khi có một số doanh nhân dính vào vòng lao lý vì những sai phạm, cũng đã ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của doanh nhân. Nhưng không phải vì vậy mà có thể đánh đồng, bỏ qua sự đóng góp của những doanh nhân chân chính đối với sự phát triển và thịnh vượng của quốc gia. Đặc biệt là khi kinh tế đang ở giai đoạn khó khăn, thì việc tôn vinh sự đóng góp thầm lặng của doanh nhân là cần thiết.
Tuy nhiên, việc xây dựng tượng đài doanh nhân có một số lưu ý về địa điểm. Chúng ta cần tìm vị trí đặt tượng đài gắn với tích liên quan tới doanh nhân, chẳng hạn như công viên phần mềm, khu công nghệ cao, hoặc những cơ sở mà doanh nhân để lại dành phục vụ cho cộng đồng. Trong trường hợp đặt tại TP.HCM, thì có thể chọn công viên công cộng, thậm chí là các công viên tại khu đô thị mới. Hiện nay, có nhiều khu đô thị dành rất nhiều “khối xanh” làm công viên công cộng, chúng ta có thể xây dựng và đặt tượng đài tại đây với chú thích rõ ràng. Và quan trọng là phải lưu ý về công tác tuyên truyền, vận động, để người dân thấy được tầm quan trọng của doanh nhân với sự phát triển của đất nước.
Về kinh phí xây dựng tượng đài, theo tôi hoàn toàn có thể xã hội hoá. Với sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nhân, nhất là doanh nhân trong khối doanh nghiệp tư thì việc này hoàn toàn có thể thực hiện được.
(* ) Phó chủ tịch thường trực Hội đồng trường Đại học Hùng Vương, TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bình Định F1