Trò chuyện doanh nhân

Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Đổi mới sáng tạo tại TP.HCM: “Nhiều việc phải làm ngay, không thể chậm trễ”

Lữ Ý Nhi 28/4/2024 6:00

Được tái đắc cử vị trí Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM (HCA) nhiệm kỳ VIII (2024-2029), ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo tại TP.HCM cho rằng, trong xu thế phát triển như vũ bão của công nghệ số, chúng ta có nhiều việc phải làm ngay, không thể chậm trễ vì chậm một chút là tụt lại phía sau. Nhưng muốn không chậm thì phải ổn định “một số thứ”.

“Một số thứ” mà Chủ tịch HCA mong muốn ổn định, đó là những vấn đề mà TP.HCM còn tồn đọng, chưa làm được và cần giải quyết sớm. Ông nói:

- Hiện nay, TP.HCM có rất nhiều chương trình hướng đến phải làm. Nhưng, khi đề ra chương trình gì thì Thành phố nên tập trung làm thật sâu, tránh trường hợp hôm nay chưa làm xong chương trình này, vài bữa lại định hướng chương trình khác. Ở góc độ những người thực thi sẽ không theo kịp và cũng không kịp ra kết quả chất lượng như mong muốn.

a4.jpg

Với nhiều thế mạnh như nguồn lực, trí tuệ, là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, đầu mối giao thông của Việt Nam và Đông Nam Á. Đặc biệt, nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, dễ dàng di chuyển đến nhiều tỉnh thành...Thành phố đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng, xứng đáng là vị trí đầu tàu kinh tế phía Nam và cả nước. Tuy nhiên, những mục tiêu này vẫn đang thực hiện theo thời vụ, chưa mang tính dài hạn, bài bản và có kế hoạch lộ trình cụ thể. Ví dụ, Thành phố đề cập đến nhiều lĩnh vực mới, định hướng phát triển thành thành phố thông minh nhưng cũng mới chỉ là thiết kế định chế, chính sách, chủ trương để tạo cú huých còn làm thế nào để hiện thực hóa kế hoạch, tầm nhìn, chiến lược thì cũng chưa có gì cụ thể. Thành phố cũng chưa thể hiện được vai trò của một Thành phố có vai trò tương tác với các địa phương khác.

* Vậy theo ông, với các định hướng mà Thành phố đang làm, ông có thể đề xuất một vài cách làm khả thi, trong ngắn hạn, Thành phố cần tập trung thực thi điều gì trước?

- Những ý kiến, đề xuất của tôi cũng chẳng phải sáng kiến gì mà chỉ là đúc kết nhu cầu thực tế và nhìn vào những gì các nước đã làm. Theo đó, Thành phố nên tập trung vào những doanh nghiệp thật sự mạnh để giao việc một cách công khai minh bạch nhưng phải có cơ chế, công cụ thì doanh nghiệp mới thực hiện được và có cơ chế giám sát. Hiện, doanh nghiệp Nhà nước đang bị “bó” đủ đường, khó làm, vì thế tập trung vào doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp FDI, nhưng trong tình huống này thì tôi ủng hộ doanh nghiệp tư nhân, đó là cách làm nhanh nhất.

Để thực hiện, chúng ta cũng có nhiều công cụ, có nhiều đòn bẩy để làm nhưng đòn bẩy có tính khả thi cao, đó là phải chấp nhận “cái gì đó” không giống ai, có thể ngược lại khuôn khổ một chút thì mới làm được. Hiện nay, Nhà nước vẫn phải đi đấu thầu nhiều dự án, nên chăng, để doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn, tạo điều kiện cụ thể để doanh nghiệp tham gia làm mà không phải đi xin làm và xin được thực hiện. Một công cụ khác, đó là liên kết, hợp tác với các hiệp hội, tổ chức ở các nước như: Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản…là những nước có nhiều tổ chức, hiệp hội, ngân hàng rất uy tín để họ hiến kế, đồng hành cùng tham gia các dự án nhưng phải có cam kết rõ ràng và công cụ giám sát. Như thế, Thành phố mới tạo ra những cú huých đột phá mới.

* Gần đây, trong nhiều cuộc trò chuyện hội nhóm của doanh nhân, tôi thấy nhiều người “rủ nhau” đi tìm cơ hội làm ăn ở các tỉnh thành khác vì cho rằng ở đó thuận lợi và dễ tìm cơ hội. Ông đã nghe bạn bè rủ như vậy chưa?

- Là một người con của TP.HCM, bản thân tôi cũng như một số doanh nhân rất muốn làm ăn, kinh doanh tại Thành phố nhưng phải thừa nhận rằng, dù Thành phố có rất nhiều tiềm năng, là nơi thu hút đầu tư, dòng tiền, nhân lực…từ nhiều nơi khác đổ về, có vị thế đắc địa, có cảng, có sân bay, có trung tâm công nghệ cao... Tuy nhiên, lực hút đó đang bị mất dần lợi thế và chia sẻ dần dần về các tỉnh. Ví dụ khi Long Thành có sân bay thì chắc chắn sân bay Tân Sơn Nhất sẽ bị ảnh hưởng. Về cơ hội tôi chưa nghe ai “rủ rê” cả, nhưng quả thật là Thành phố đang có nhiều khoảng cách cơ hội so với các tỉnh thành khác. Chẳng hạn, hiện nay cơ sở hạ tầng ở các tỉnh đang phát triển rất nhanh, chính sách cũng thoáng, tiềm năng địa phương cũng có lợi thế nên mở ra những cơ hội mới thu hút đầu tư về các địa phương này ngày càng nhiều. Với doanh nghiệp, chỗ nào hấp dẫn, dễ thở, dễ làm và có cơ hội hơn thì họ tới chỗ đó. Vì thế, Thành phố không nhanh chân, việc mất đi cơ hội, thu hút đầu tư là khó tránh.

Một lợi thế ở các địa phương khác, đó là hiện nay, ở một số địa phương đều có khu công nghiệp và quan trọng hơn là họ được kế thừa những giá trị mà TP.HCM đã đi trước 20 năm. Đương nhiên, những người đi sau, làm theo sau sẽ có lợi thế đi nhanh hơn người đi trước, thậm chí sự trả giá cho va vấp, tổn thất cũng ít hơn. Ví dụ, người đi trước mất 20 năm mới thành công, người đi sau chỉ mất 5-7 năm thôi, bởi họ thừa hưởng tất cả bài học, kinh nghiệm, xu hướng đầu tư… từ người đi trước.

* Thành phố cũng đang có lợi thế lớn là Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù…

- Nghị quyết 98 chỉ là một bước đi nhỏ, một dấu chấm nhỏ trong một tấm bản đồ tiềm năng rộng lớn mà Thành phố đang hướng đến. Vấn đề quan trọng là Thành phố vận dụng Nghị quyết 98 như thế nào cho hiệu quả. Theo tôi, đừng kỳ vọng ở Nghị quyết quá lớn mà hãy xem đó là một bước phát triển, là một hạt mầm để chúng ta gieo trồng, tạo nền tảng để gặt hái quả ngọt, trái ngon về lâu dài. Bởi, muốn Nghị quyết 98 đi vào cuộc sống và hiện thực hóa thì nó còn nhiều thứ phải giải quyết. Chính sách xuất phát từ thực tế nên nó cần thời gian để thẩm thấu, phải có từng bước đi nhỏ mới tới bước đi lớn, đó là một quy trình bình thường. Chưa kể, Thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn nên những quy trình đó vẫn đang phải diễn ra chậm hơn so với kỳ vọng.

Một điểm dễ thấy, đó là quy mô của các tỉnh, thành phố nhỏ hơn TP.HCM, dân số cũng ít hơn nên cùng một bộ máy điều hành, cùng các cấp chính quyền tương đương nhau điều hành nhưng địa phương nào có quy mô nhỏ hơn, số dân ít hơn thì cơ chế vận hành cũng dễ linh hoạt hơn.

Tóm lại, hiện thực hóa một chiến lược, chính sách mới là vấn đề lớn cần thời gian để triển khai. Nghị quyết 98 cũng chỉ là “một đôi đũa trong bó đũa”, chứ không thể là một “cây gậy thần” cứ giơ lên là có thể “hô biến” mọi thứ thành hiện thực.

* Có nghĩa, TP.HCM đang bị đặt trong thế phải cạnh tranh với các tỉnh thành khác?

- Không nên có khái niệm TP.HCM phải cạnh tranh với các địa phương, tỉnh thành khác mà Thành phố phải ủng hộ, đồng hành với các địa phương, tỉnh thành xung quanh để tạo ra lợi thế khác cho chính mình. Thật ra, TP.HCM cũng đã có định hướng này nhưng còn quá nhiều việc bề bộn chưa thể làm nên việc cần nhất lúc này là Thành phố phải xác định vấn đề nào quan trọng nhất để làm và thực hiện trước trong điều kiện có thể.

Phân tích nội tại, Thành phố cũng cần nhìn lại xem nguyên nhân vì sao chúng ta đang đi chậm. So sánh với những năm đầu thập niên 2000, khi đó Thành phố đã thu hút nhiều nhà đầu tư và lãnh đạo Thành phố cũng tham khảo được nhiều mô hình, cách làm ở các nước. Tuy nhiên, nếu so sánh trong khoảng thời gian 20 năm thì Bangkok, Thượng Hải đã đi lên rất nhanh, để lại khoảng cách, độ chênh lệch về phát triển của Thành phố so với các nước này quá xa. Tuy không đi lùi nhưng rõ ràng, Thành phố đã đi chậm. Cho nên, muốn nhìn lại nội tại của mình thì hãy nhìn tương quan sự phát triển với đối thủ tương đồng là Bangkok, Thượng Hải… chứ không phải so sánh với các địa phương như Bình Dương, Cần Thơ hay Đà Nẵng...

a3.jpg

* Với những gì ông vừa nêu, liệu việc “không còn cơ hội” trong đầu tư, kinh doanh tại Thành phố, có cả cơ chế còn nhiều tồn tại, nhiều dự án còn bị tồn đọng, đùn đẩy cũng gây ra ít nhiều tâm lý “nản lòng” của một số doanh nghiệp?

- Phải nói rằng, thời gian vừa qua, nhất là trong năm 2023, Thành phố đã có nhiều hành động quyết liệt để thay đổi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tại Hội nghị lần thứ 28 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM tổ chức ngày 28/3/2024, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024 của Thành phố tăng trưởng khá (đạt 6,54%), đạt mục tiêu đề ra. Các làn sóng đầu tư nước ngoài đang đổ về Việt Nam và TP.HCM. Tuy nhiên, Bí thư cũng thẳng thắn đánh giá, đây mới chỉ là xu hướng, còn kết quả thì chưa đạt. Trong đó, việc chỉ đạo, điều hành của Thành phố cũng chưa đồng bộ, chưa thông suốt, Trung ương cũng đánh giá Thành phố xử lý thủ tục hành chính trực tuyến chưa đạt yêu cầu đề ra. Những hạn chế này cùng với công cuộc chống tham nhũng của Tổng bí thư vẫn đang nóng, phần nào làm tinh thần doanh nghiệp có chút “chùng” xuống.

Vậy nên, trong lúc này, việc giải tỏa khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn, cảm thông, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển chính là cách tạo niềm tin, tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp. Bởi, có niềm tin là có tất cả.

* Vừa qua, Chính phủ và TP.HCM cũng đã ứng dụng rất nhiều công nghệ vào quản lý hành chính và bước đầu có nhiều cải thiện đáng kể, đó cũng là động lực, niềm tin rất lớn.

- Nỗ lực đó là thành quả rất đáng mừng. Ít ra, chúng ta cũng nhìn thấy được ánh sáng nhưng ánh sáng đó chỉ mới là “những đốm sáng”, so với kỳ vọng nó phải lớn hơn, to hơn, rõ ràng hơn nữa, để niềm tin, năng lực tiềm tàng của chúng ta được phát huy, trở thành sức mạnh làm nên những điều lớn lao, vĩ đại và kỳ diệu hơn nữa.

* Năm 2024, TP.HCM xác định việc xây dựng nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, không chỉ giúp TP.HCM thực thi hiệu quả Nghị quyết 98 mà còn giúp Thành phố có những bước đi mạnh mẽ trong quá trình phát triển bứt phá của một “siêu đô thị”. Tuy nhiên, việc tuyển dụng không khó bằng giữ chân viên chức để họ làm việc liêm chính, chí công, trong sáng, theo ông giải pháp nào?

- Có nhiều giải pháp nhưng đầu tiên, lãnh đạo Thành phố phải có chính sách động viên, chế độ khen thưởng hợp lý, kịp thời. Thứ hai, phải tạo động lực thật sự và động lực đó phải đo đếm được bằng chính sách, bằng những lợi ích và giá trị phúc lợi xứng đáng. Nếu chúng ta kêu gọi công chức, viên chức cống hiến, làm việc ngày đêm mà mức thu nhập thấp sẽ không giải quyết được vấn đề tham nhũng, nhũng nhiễu. Trong khi đó, những người làm ngay thẳng, chí công, vô tư thì họ lại không yên tâm với công việc vì không đủ sống. Nhìn ra bên ngoài, nếu họ có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, được đào tạo, được học hành, có thu nhập tốt, chắc chắn sẽ không ai muốn cuộc đời mình gắn mãi với một nghề không thể “khấm khá”.

Về vấn đề tuyển dụng đội ngũ nhân sự mới, thay thế, chính sách của chúng ta cũng khác với các nước. Đó là chủ trương tuyển dụng các sinh viên mới tốt nghiệp, các bạn xuất sắc từ các trường đại học. Điều này khác hoàn toàn với quản lý công, hành chính công, đó là tuyển dụng một nhân sự có thâm niên, bề dày kinh nghiệm để có đủ nghiệp vụ xử lý hồ sơ, văn bản và am hiểu khuôn khổ của pháp luật. Một sinh viên học giỏi chưa chắc đã làm tốt bằng một chuyên viên có kinh nghiệm. Nếu tuyển sinh viên xuất sắc để đào tạo đội ngũ kế thừa cho 5-10 năm sau thì không sai nhưng để tuyển dụng thay thế ngay một anh chuyên viên có kinh nghiệm 20 năm thì không thể vội vã.

* Ở các nước, họ đã làm thế nào để thực hiện các chiến lược, mục tiêu dài hơi và kinh nghiệm nào chúng ta có thể áp dụng phù hợp, thưa ông ?

- Ở Trung Quốc, sự uyển chuyển Chính phủ rất nhanh, nhiệm kỳ này thành lập bộ này, nhiệm kỳ sau thành lập bộ khác phù hợp xu thế. Ví dụ ở Đài Loan (Trung Quốc), họ nhận thức việc chuyển đổi số là xu hướng quan trọng nên có hẳn một Bộ Chuyển đổi số để chuyên nghiên cứu phụ trách và đưa ra kế hoạch, chính sách để thực thi hiệu quả. Họ có đề án rất rõ ràng, có hẳn một bức tranh, tầm nhìn tổng quát và chi tiết để doanh nghiệp hiểu và dễ dàng thực hiện theo lộ trình cụ thể.

Quay lại vấn đề của chúng ta, việc phát triển các mục tiêu, tầm nhìn là đúng nhưng phải làm tới nơi tới chốn, làm triệt để, lấy đó làm nền tảng mạnh rồi hãy sang mục tiêu khác, chứ đừng làm theo phong trào. Ví dụ như xây dựng Thành phố thông minh là một quá trình tiến hóa liên tục, không thể 2-3 năm hay 5 năm là làm được. Nếu chúng ta cứ liên tục thay đổi, hôm nay là thành phố thông minh, mai lại hướng đến chuyển đổi số, mốt là đô thị tài chính, y tế, rồi tăng trưởng xanh… quá nhiều định hướng sẽ dẫn đến không có gì rõ ràng, bị phân tán nguồn lực và không giải quyết được vấn đề gì cụ thể. Mà mục tiêu phân tán thì nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng mông lung, không biết đầu tư ra sao, cuối cùng là cùng nhau loay hoay chạy theo khẩu hiệu, phong trào, dù có làm nhưng không tới.

Bên cạnh đó, còn rất cần sự nhạy bén, hiểu sâu thị trường, lĩnh vực của cơ quan Chính phủ, bộ ngành. Vì khi bộ máy ở thượng tầng hiểu tường tận thì chính sách đi xuống sẽ sát thực tiễn. Thế giới mở cửa rồi nên cũng không quá khó để chúng ta học hỏi kinh nghiệm từ các nước xung quanh. Và cuối cùng là việc tổ chức thực hiện như thế nào cho phù hợp với thực thế. Điều này phụ thuộc rất nhiều yếu tố như năng lực, tư duy dài hạn….Ở các nước đều có nhiệm kỳ cho các cấp lãnh đạo nhưng bất kể nhiệm kỳ nào, người đứng đầu là ai thì vẫn phải kiên trì với mục tiêu định hướng dài hạn. Người trước vạch ra chính sách thì người kia cứ tiếp và kế thừa. Chứ không phải người này lên làm một cách khác, hết nhiệm kỳ người khác lên lại thay đổi, làm cách khác. Đó chính là sự ổn định.

* Sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ, chúng ta có vẻ hồ hởi với công nghệ chíp bán dẫn, vi mạch điện tử, nhưng đằng sau bức tranh tiềm năng tươi sáng đó, còn rất nhiều thứ chúng ta chưa thể làm được, ông có cùng suy nghĩ này với tôi?

- Vấn đề tiềm năng và phát triển ngành vi mạch bán dẫn, chip điện tử là câu chuyện không mới, cách đây 10-15 năm, Thành phố đã đề cập và đặt mục tiêu phải làm rồi, nếu bây giờ quay lại và quyết tâm làm, xem như bước đột phá thì phải đánh giá lại những gì trước đây đã làm và chiêm nghiệm bài học.

* Đó là bài học gì, thưa ông?

- Cuộc chơi ngành công nghệ vi mạch, chip điện tử là cuộc chơi không dành cho con nhà nghèo, vậy chúng ta đã xác định đúng lợi thế của mình chưa, hay là chỉ mới nghe những tổ chức tư vấn, những ông lớn bên ngoài đặt vấn đề rồi thấy mình phù hợp, có tiềm năng và có thể làm? Và nếu thấy phù hợp, có thể làm thì làm theo phương thức nào. Tất cả phải có phương thức, cách làm cụ thể chứ không chỉ là định hướng chung chung. Ngay cả doanh nghiệp trong nước muốn làm thì cũng khó cạnh tranh với công ty bán dẫn thế giới nếu không có bàn tay trợ lực của Nhà nước. Ví dụ, nếu doanh nghiệp chỉ tham gia làm ở phân khúc A, phân khúc lắp ráp thì cần hỗ trợ gì, cần chính sách gì? Tất cả phải định nghĩa một cách rõ ràng. Còn nếu giao cho doanh nghiệp tự làm, tự đặt mục tiêu thì rất khó khả thi, trừ khi có những doanh nghiệp quá lớn, quá vững vàng họ làm vì hình ảnh đất nước, vì lợi nhuận gắn với hình ảnh đất nước thì lại là vấn đề khác. Hiện, đa số doanh nghiệp là nhỏ và siêu nhỏ, việc duy trì để tồn tại cũng đã khó nói chi đến việc đủ nội lực và sẵn sàng để bước vào cuộc chơi của “nhà giàu”. Còn những doanh nghiệp lớn như FPT và Viettel thì chính sách đã có cho các doanh nghiệp này chưa, và khi các doanh nghiệp lớn đã làm rồi thì bài học cho doanh nghiệp nhỏ là gì, doanh nghiệp nhỏ được lợi gì từ các đàn anh này và họ dẫn dắt gì cho các doanh nghiệp đàn em cùng làm, cùng phát triển. Tất cả vẫn chưa có gì.

Vậy nên, bộ máy cố vấn, tư vấn phải vạch ra hướng đi, chính sách cụ thể. Nếu doanh nghiệp đi từ A sang B thì phải chỉ rõ cho họ chặng đường đó có biết bao nhiêu hướng đi, bao nhiêu gồ ghề, chướng ngại vật, nếu vướng thì giải quyết ra sao, thế nào…. Việt Nam là nước đang phát triển nên luật pháp chưa hoàn thiện và luôn có kẻ hở, trong khi đó, công nghệ lại phát triển quá nóng, thị trường, đời sống xã hội thực tiễn lại luôn đi trước pháp luật. Như thế, tốc độ để sửa luật cũng phải thật nhanh mới kịp.

lsn_2159.jpg

* Nhân lực cao cho ngành công nghệ bán dẫn, vi mạch điện tử còn thiếu hụt là một trong những thách thức, ông có cách làm nào giải quyết nhanh hơn sự thiếu hụt nhân lực này không?

- Chuyện thiếu nhân lực ở một lĩnh vực mới là bình thường, thế giới cũng thế, cứ ngành nào mới mở thì không phải có ngay người học. Để làm giảm sự thiếu hụt này, sự hợp tác ba bên: doanh nghiệp, nhà trường và nhà nước phải chặt chẽ. Nhà trường phải tìm hiểu doanh nghiệp muốn gì để cung ứng nhân lực, doanh nghiệp cũng cần đầu tư cho trường có thêm cơ sở vật chất đào tạo và điều chỉnh giáo trình cho phù hợp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải xác định nhà trường chỉ là nơi đào tạo hằng năm, đừng ép nhà trường phải đào tạo ra ngay nguồn nhân lực chất lượng để học xong là có thể vào doanh nghiệp làm được ngay. Vì thế, phía doanh nghiệp cũng phải xác định có kế hoạch và có trách nhiệm đào tạo tiếp.

* Việc liên kết ba bên hiện nay như thế nào, theo ông?

- Hiện nay nhà trường năng động hơn rất nhiều, họ có bộ phận tuyển dụng làm việc với doanh nghiệp, có bộ phận truyền thông, tìm kiếm thực tập sinh tốt. Phía doanh nghiệp cũng đã đặt hàng với các trường. Vấn đề là nhà nước đã “bơm” gì cho việc đào tạo này, từ thể chế đến cơ chế, tài chính (nếu có), có định hướng gì để nhà trường và doanh nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển công nghệ chip, vi mạch điện tử, Nhà nước đã chọn bao nhiêu khoa để bắt đầu đào tạo, chính sách gì cho doanh nghiệp nếu họ làm chip. Câu trả lời dường như cũng vẫn là chưa có gì. Nói vậy để thấy, nguồn nhân lực thiếu nhưng chỉ thiếu chất lượng còn số lượng thì vẫn dồi dào vậy nên, rất cần sự định hướng chung tay quyết liệt hiệu quả hơn từ Nhà nước.

* Hỏi vui, nếu được là một thành tố trong bộ máy lãnh đạo Thanh phố, ông sẽ làm gì đầu tiên trong khả năng?

- Với thể chế và những quy định đang áp cho Thành phố hiện nay thì để làm ngay những gì đột phá rất khó. Nói một cách sòng phẳng, Thành phố cũng đã nỗ lực làm rất nhiều thứ để đổi mới nhưng vẫn vướng chiếc áo quản lý của bộ ngành, vướng khung pháp chế. Muốn đột phá, làm cái mới mẻ hơn thì phải “vượt ra ngoài” khuôn khổ một chút hoặc phải có sự thông cảm, chia sẻ từ cấp Nhà nước, bộ ngành cao hơn, chứ bây giờ, Thành phố được ví như đang sống trong một gia đình nhỏ, đông con, dù cố gắng để “nhúc nhích”, thoát ra căn phòng chật chội nhưng “cha mẹ” không có phép “đi ra đi vô” thì vẫn phải ngồi yên và chỉ làm một vài việc cũ mà thôi.

* Trong nhiệm kỳ VIII, mục tiêu hành động của HCA là cùng Thành phố thực hiện chuyển đổi số, ông và HCA sẽ làm thế nào?

- Chuyển đổi số của Thành phố hiện nay vẫn mang tính hành chính, phục vụ cho công chức thực hiện các công việc công vụ tiện hơn, tốt hơn, hiệu quả. Nhưng xa hơn, nhiệm vụ của chuyển đổi số là phải đưa ra ngoài xã hội, ứng dụng rộng rãi và tương tác doanh nghiệp, cộng đồng. Ví dụ, hai vấn đề hiện nay người dân, doanh nghiệp đang quan tâm là kẹt xe và ngập nước. Vì vậy, ngoài việc ứng dụng chuyển đổi số để xử lý hồ sơ, giấy tờ nhanh hơn thì việc giải quyết hai vấn đề trên cũng khiến doanh nghiệp, người dân cảm thấy rất vui và phấn khởi rồi. Bởi đây là vấn đề gây tốn biết bao thời gian, sức khỏe, chi phí của họ. Cụ thể, với việc kẹt xe, có thể ứng dụng công nghệ số giải quyết ngay, đó là cho điều tra đánh giá những điểm kẹt xe, sau đó đo dữ liệu rồi đưa thuật toán giải quyết. Vấn đề triều cường cũng tương tự.

a2.jpg

* Hoạt động trong lĩnh vực ươm mầm công nghệ và đổi mới sáng tạo, ông thấy các dự án công nghệ của startup đã có nhiều cơ chế ưu tiên chưa?

- Các bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam hiện nay rất sáng tạo. Đã có nhiều dự án trẻ thu hút doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng nhìn chung các quỹ chỉ nhìn thấy lợi nhuận thì đầu tư, ít công ty, quỹ đầu tư nào đầu tư cả hệ sinh thái cho khởi nghiệp. Vì thế, chỉ có chúng ta mới làm cho chúng ta mà thôi. Nhưng cái khó là chính sách cơ chế cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo công nghệ của ta chưa có nhiều, nếu không nói là còn quá ít và chưa đủ để làm gì lớn và sâu. Việc hỗ trợ các dự án, sản phẩm sáng tạo công nghệ cũng chưa có cơ chế khuyến khích. Ví dụ, rất nhiều dự án mới muốn thử nghiệm tại Việt Nam không có chính sách, cơ chế, luật pháp nên phải đi ra các nước thử nghiệm.

* Nhắn nhủ một thông điệp gì đó cho các bạn startup, ông sẽ gửi gắm điều gì?

- Tôi mong tất cả các bạn trẻ hãy sáng tạo, nhiệt huyết hết mình để đưa hình ảnh doanh nghiệp, doanh nhân, con người, hình ảnh Việt Nam, trí tuệ Việt Nam ra thế giới. Riêng lĩnh vực đổi mới sáng tạo công nghệ là lĩnh vực của trí tuệ nghiên cứu chuyên sâu, là xu hướng mà bộ não thế giới và nhân loại đang tập trung hơn thua nên những sáng kiến được ứng dụng thành công còn là niềm tự hào chung cho cả thế hệ doanh nhân trẻ, đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam và là niềm tự hào chung của thương hiệu Việt Nam, của TP.HCM.

Một điều tôi cũng luôn trăn trở và muốn nhắn nhủ, đó là bước vào kinh doanh, ngoài sự trải nghiệm, các bạn trẻ, doanh nhân trẻ phải trang bị nhiều kiến thức khác. Người làm kinh doanh, làm chủ doanh nghiệp không chỉ là người biết tính toán giỏi, quản trị giỏi, có tầm nhìn xa mà còn phải biết luật pháp, biết cái gì đúng, cái gì sai, cái gì nên và không nên làm. Nói vậy, vì đã có rất nhiều doanh nhân, vì không học hỏi, thiếu hụt kiến thức pháp luật nên làm sai mà không biết, có người không chủ động làm sai nhưng bỗng nhiên một ngày “bị sai” vì cứ ngỡ mình làm đúng. Vì thế, phải học tất cả, trang bị nhiều kiến thức trước khi bước vào sân chơi thương trường và quốc tế.

* Cám ơn ông về những chia sẻ với nhiều góc nhìn thẳng thắn, tâm huyết.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT
1. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) nguồn lực có hạn, đề xuất Thành phố có hỗ trợ một phần kinh phí cho các đối tượng này thông qua các tổ chức như Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) để các hoạt động chuyển đổi số được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp.
2. Dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu công thì chỉ có Nhà nước mới được quyền chủ động khai thác. Dữ liệu là một tài sản mà nếu khai thác càng nhiều thì càng hiệu quả. Dữ liệu đóng, là dữ liệu chết. Chính vì vậy dữ liệu rất cần tương tác và sự tương tác đó chỉ có được khi có tác động, khai thác của người dân và doanh nghiệp. Đề xuất Thành phố chọn một số nội dung để triển khai sớm việc kết nối, liên kết dữ liệu cũng như thực hiện việc “hồ sơ hoàn công số” như một quy định bắt buộc. Hội tin học TP.HCM sẵn sàng cùng các sở ngành tham mưu nội dung này.
3. Thành phố hãy đưa chuyên đề nhận thức về chuyển đổi số vào các cuộc sinh hoạt của các Chi bộ Đảng, tổ chuyển đổi số cộng đồng ở địa phương, các chương trình đào tạo, tập huấn cán bộ các cấp để nâng cao nhận thức cho đội ngũ công chức, viên chức của Thành phố. Vì khi nhận thức thay đổi thì tư duy và phương pháp tổ chức thực hiện chắc chắn sẽ thay đổi. Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ có cơ hội tiếp cận để triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực công, thúc đẩy chính quyền điện tử, chính quyền số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Đổi mới sáng tạo tại TP.HCM: “Nhiều việc phải làm ngay, không thể chậm trễ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO