Trò chuyện doanh nhân

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình “Niềm tin tôi tạo dựng cho Hòa Bình còn nguyên giá trị”

Lữ Ý Nhi 26/03/2024 - 15:19

Sau cuộc “nội chiến” năm 2023, đầu năm 2024, gặp Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải, tôi cảm nhận ở ông một tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ hơn con người vốn dĩ tôi cảm nhận trước đó, ông nói: “Khát vọng của Hòa Bình là trở thành nhà thầu xây dựng hàng đầu thế giới và hành trình ấy sẽ không bao giờ ngừng nghỉ. Hòa Bình phải bắt tay ngay khôi phục lại vị thế, thực hiện tham vọng xuất khẩu dịch vụ tổng thầu về xây dựng nhà ở ra thế giới. Một kế hoạch không thể chậm hơn”.

* Liệu tham vọng này có quá lớn sau biến cố vừa qua tại Hòa Bình vẫn còn nhiều tổn thất, cộng thêm nền kinh tế mấy năm qua cũng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của Hòa Bình không, thưa ông?

- Tôi cho rằng, việc chinh phục thị trường xây dựng nước ngoài giống như câu chuyện của cây tre. Cây tre khi được trồng xuống đất chỉ mọc lên vài centimet trên mặt đất trong một thời gian dài. Trong suốt 4 năm đầu tiên nó dành toàn bộ sức lực cho việc cắm rễ hàng trăm mét dưới lòng đất. Khi gốc rễ đã đủ chắc thì từ năm thứ 5 nó mới bứt phá với tốc độ đáng kinh ngạc 30 centimet mỗi ngày và chỉ mất 6 tuần để đạt chiều cao 15m. Và Hòa Bình cũng như thế.

Trải qua hơn 12 năm nỗ lực triển khai chiến lược xuất khẩu xây dựng, chúng tôi đã đi “cắm rễ” tại các thị trường nước ngoài, khắp các châu lục và hiện giờ Hoà Bình đã có những điều kiện thuận lợi nhất để ước mơ xuất khẩu xây dựng đó trở thành hiện thực.

dn-le-viet-hai-hb.jpg

Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra thế giới. Chỉ cần chiếm 1% thị trường này đã nâng qui mô ngành xây dựng của chúng ta lên gấp 4,5 lần. Và như thế xây dựng sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. Và không chỉ có thế, những ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, thiết bị thi công và toàn bộ hệ sinh thái trong ngành xây dựng sẽ được phát triển mạnh mẽ

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Ai đã kinh doanh thì không thể không nghe câu nói: “Trong nguy có cơ”, nhất là sau đại dịch Covid-19 vừa qua cụm từ này càng phổ biến hơn. Ngay khi đại dịch đi qua, tôi đã bắt đầu đi ra nước ngoài và cũng vừa trở về sau chuyến đi công tác và làm việc tại đất nước Kenya xa xôi với đại diện Bộ đất đai, Công trình công cộng, Nhà ở và phát triển Đô thị Kenya và đi thăm 5 dự án nhà ở xã hội tại Kenya mà Hòa Bình đã được trúng thầu.

Phải nói rằng, việc trúng thầu 5 dự án liên tiếp tại Kenya là một tin vui, một tín hiệu rất đáng mừng sau 12 năm kiên trì, bền bỉ theo đuổi khát vọng xuất khẩu xây dựng sang nước ngoài của tôi cũng như toàn thể thành viên của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình. Đứng trước cơ hội tuyệt vời này, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào nội lực của mình vì có trong tay nhiều lợi thế để không chỉ chinh phục việc xuất khẩu công nghiệp xây dựng Việt Nam sang châu Phi mà còn ra các nước khác.

* Các lợi thế để Hòa Bình thực hiện tham vọng này, ông có thể chia sẻ.

- Đó là năng lực cạnh tranh cốt lõi, khả năng cung cấp dịch vụ xây dựng đạt hiệu quả, an toàn và chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều này có được là nhờ ngành Xây dựng Việt Nam đã trải qua thời kỳ bùng nổ sau hơn 45 năm chìm trong chiến tranh, bao cấp và cấm vận. Sau năm 1990 là thời kỳ bùng nổ xây dựng, nhiều nhà thầu hàng đầu thế giới đã đến Việt Nam, chúng tôi đã nỗ lực học hỏi, tiếp thu những công nghệ mới nhất trong ngành xây dựng, đồng thời, cập nhật những tiến bộ mới nhất về hệ thống quản lý dự án cũng như quản lý doanh nghiệp hiện đại nhất nên trở thành doanh nghiệp xây dựng duy nhất có quá trình hợp tác với trên 20 tổng thầu hàng đầu trên thế giới,.

Không chỉ có năng lực cạnh tranh cốt lõi về thi công xây dựng, chúng tôi còn có lợi thế về chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng cạnh tranh nhất, đưa kim ngạch xuất khẩu vật liệu xây dựng của Việt Nam liên tục tăng qua các năm.

Một lợi thế khác là thị trường lao động ngành xây dựng ở rất nhiều nước hiện cầu lớn hơn cung, còn Việt Nam thì ngược lại, cung lớn hơn cầu. Hầu hết các công ty xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng chỉ hoạt động từ khoảng 50%-70% công suất, rất nhiều kỹ sư xây dựng thất nghiệp. Trong khi đó, chúng tôi không chỉ dồi dào về nguồn nhân lực xây dựng, đội ngũ kỹ sư còn được đào tạo qua thực tiễn, có trình độ chuyên môn cao, ham học hỏi và có tinh thần đổi mới sáng tạo, thừa hưởng những phẩm chất đáng tự hào của con người Việt Nam từ hàng ngàn năm nay.

* Đầu tư tìm kiếm cơ hội chinh phục thị trường nước ngoài đang là xu hướng của nhiều doanh nghiệp trong nước. Với thị trường châu Phi - miền đất hứa mà Hòa Bình nỗ lực chinh phục, ông có thể chia sẻ những tiềm năng đầu tư vào thị trường này cho các doanh nghiệp?

- Tôi chỉ đề cập đến hai lĩnh vực bất động sản và xây dựng. Hiện, thị trường bất động sản tại Kenya nói riêng và châu Phi nói chung cực kỳ tiềm năng bởi theo dự báo của Liên hiệp quốc, dân số châu Phi sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 và chiếm 1/4 dân số thế giới, trong khi thực tế, số lượng nhà ở xây dựng hiện nay còn rất thiếu. Ít ai biết hiện nay, chỉ có khoảng 10% công trình cao tầng đang xây dựng ở châu Phi có cẩu tháp, vận thăng, giàn giáo thép và áp dụng công nghệ xây dựng tương đối hiện đại, đa phần còn lại họ dùng những phương tiện thô sơ, còn rất lạc hậu. Vô hình chung, đây đã trở thành lợi thế của Hòa Bình bởi từ lâu, Hoà Bình đã đầu tư hàng trăm triệu USD cho máy móc, trang thiết bị và luôn đảm bảo duy trì được chất lượng hoạt động tốt sau khi đã khấu hao. Nếu lượng thiết bị này cùng con người Hoà Bình được đưa đến châu Phi sẽ giúp cải thiện mọi mặt bao gồm chất lượng, tiến độ, an toàn, chi phí thi công xây dựng cho các công trình ở châu Phi.

* Nhiều nhà thầu nước ngoài khác ở châu Phi như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu đã đến Kenya trước khi đến Việt Nam, liệu Hòa Bình có ngại là “người đến sau” sẽ mất lợi thế?

- “Người đến sau” thì phải có chiến lược của người đến sau. Qua tìm hiểu, tôi nhận ra các nhà thầu Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…đã đến Kenya nhưng họ luôn giữ bí quyết công nghệ chứ không chuyển giao cho doanh nghiệp và đào tạo, huấn luyện chuyên môn kỹ thuật cao cho người địa phương. Vì vậy, tôi đã có một chính sách thực thi khác.

a3(1).jpg

* Ông có thể tiết lộ chính sách đó là gì không?

- Đó là sự chân thành, đồng hành và chuyển giao. Chúng tôi sẽ hợp tác một cách chân thành với lục địa này, giúp cho họ đạt được những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực xây dựng. Khát vọng của chúng tôi xuất phát từ thực tiễn của một quốc gia đã từng chịu đựng quá nhiều đau thương mất mát bởi chiến tranh. Hơn nữa, với quan điểm rất rõ ràng rằng, trái đất này ở đâu cũng là quê hương ta, vũ trụ này là thế giới ta đang sống, vì thế dù đi đến bất cứ nơi đâu, chúng tôi cũng sẽ quyết tâm và nhất định phải làm đẹp cho quê hương nơi đó. Chúng tôi tự đặt cho mình sứ mệnh đem đến ấm no hạnh phúc cho tất cả con người nơi mình đến, trong đó có những đất nước và con người ở châu Phi đang trong tình trạng rất lạc hậu, đặc biệt trong ngành xây dựng. Với sứ mệnh đó, dù con đường phía trước còn nhiều cam go, thử thách nhưng những con người Hòa Bình vẫn luôn tự tin về năng lực của mình.

* Còn những khó khăn, rào cản nào cần lưu ý và cần biết khi đến làm ăn ở một thị trường mới này, ông có chia sẻ kinh nghiệm và cách làm cho các doanh nghiệp đi sau?

- Điều khó khăn ở thị trường xây dựng nước ngoài đến từ hàng rào kỹ thuật và pháp lý trong việc nhập khẩu nguồn nhân lực, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị thi công. Đặc biệt là vấn đề nhập khẩu lao động. Do đó, để giải quyết vấn đề này, Hòa Bình đã hợp tác với những nhà quản lý chuyên nghiệp, có cùng hoài bão để thành lập công ty chuyên về xuất khẩu lao động trong ngành xây dựng. Công ty này sẽ đảm trách việc cung ứng lao động cho chiến lược phát triển thị trường ở nước ngoài của Hòa Bình.

Mặc dù nhiều khó khăn nhưng thị trường châu Phi cũng có lợi điểm. Nếu nắm bắt kịp thời những lợi thế hiện tại sẽ giúp Hòa Bình trở thành nhà thầu xây dựng số 1 tại Kenya. Sau khi trở thành số 1 tại thị trường này, chúng tôi sẽ nắm bắt lợi thế với lực lượng lao động dồi dào ở châu Phi. Đó là những con người rất khỏe mạnh có sức chịu đựng dẻo dai, có thể làm việc trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt và với mức phí lao động cạnh tranh nhất để tiếp tục tiến xa hơn ở những thị trường khác.

* Xin trở lại một chút về tâm trạng của ông lúc này. Sau biến cố tại Hòa Bình, chắc hẳn ông cũng có nhiều điều ngẫm suy, có phải vậy không?

- Trải qua một năm nhiều biến cố, đầy căng thẳng, nhiều khó khăn, thử thách, tôi cũng ngẫm ra rất nhiều thứ. Nhân tình thế thái, con người, kinh doanh thương trường, tình bạn, lòng tin và cả văn hóa đồng hành, hợp tác…. Rất nhiều thứ đủ để tôi rút ra nhiều bài học quý, để tin rằng sẽ không lặp lại và vấp váp lại những gì mình đã từng.

Song, điều đáng ngẫm suy hơn cả, đó chính là giá trị của hạnh phúc mà tôi đã tìm được, trong chính những người bạn, đối tác đồng hành. Đến ngày hôm nay, vẫn còn rất nhiều bạn bè, đối tác, nhà thầu, khách hàng, nhà cung cấp… vẫn còn kề vai sát cánh, còn đến gặp chúng tôi để lắng nghe chia sẻ và còn tiếp tục mong muốn gắn bó, đồng hành trên những chặng đường xa hơn và cũng biết sẽ có nhiều thử thách hơn. Đó chính là niềm hạnh phúc vô cùng lớn với tôi.

Tôi còn nhớ, thời điểm đó biến cố của Hòa Bình, có đối tác đã nói với tôi trong nước mắt: “Hoà Bình phải sống, Hoà Bình không thể chết, không thể ngã gục, Hoà Bình phải tiếp tục hành trình vinh quang của mình”.

Và cũng chính trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn đó, tôi mới xác định rõ những người bạn trung thành, có niềm tin tuyệt đối dành cho chúng tôi, sẵn sàng đồng cam cộng khổ, sống thì cùng sống, chết sẽ cùng chết. Đúng là “Có lửa mới thử được vàng”. Qua cơn lửa dữ mới phân biệt được vàng thau. Và những gì tôi tìm thấy được hôm nay còn quý giá hơn những gì đã bị thiêu rụi sau đám cháy hung dữ đó.

Qua cuộc trò chuyện này, cho tôi gửi đến những người bạn đồng hành tấm lòng trân quý, trân quý những con người đã luôn song hành, động viên. Những lời chia sẻ từ trái tim của họ cũng là nguồn động viên, khích lệ to lớn khiến chúng tôi quyết tâm hơn, nhận ra rõ hơn sứ mệnh và trách nhiệm của mình, giữ được tinh thần lạc quan để có thêm nhiều sáng kiến, đưa ra nhiều giải pháp với nhiều quyết tâm và nỗ lực hơn để vượt qua những khó khăn, thử thách, đôi lúc tưởng chừng không có lối thoát.

Và cũng trong lúc khó khăn của thị trường trong nước, chúng tôi mới nhận rõ thế nào là giá trị tiềm tàng của con đường sáng lạn, đại lộ thênh thang của thị trường nước ngoài. Và cũng chỉ khi tình trạng thất nghiệp trong ngành xây dựng trở nên trầm trọng do thị trường trong nước bế tắc, mới có nhiều người lao động sẵn sàng xông pha ra mặt trận xây dựng nước ngoài.

chu-tich-hdqt-le-viet-hai-5-.jpg

* Thường ai đó khi phải đối diện với những mất - còn, sẽ nhận ra giá trị của những gì mình đang có. Tôi xem biến cố vừa qua của ông cũng như vậy và ông đã cảm thấy giá trị của bản thân, giá trị mình đã làm được trong suốt 36 năm qua là gì?

- Thời gian trôi qua quá nhanh. Đã 36 năm trôi qua. Biết bao cam go, thử thách, thành công, rồi lại sóng gió… Thế nhưng với tôi, mỗi chặng đường đó đều có giá trị rất lớn và trên hết là niềm tự hào về những gì mình đã xây dựng được cho Hòa Bình, cho chính bản thân mình. Dù trải qua biến cố nhưng uy tín, niềm tin tôi tạo dựng cho mình và Hòa Bình vẫn nguyên giá trị.

Mới đây, tôi có dịp xem lại những thước phim của Hòa Bình trong 36 năm qua. Suốt 36 năm đó, tôi thật sự xúc động và tự hào vì Hòa Bình đã tô điểm cho non sông đất nước Việt Nam trên 400 công trình qui mô và tráng lệ. Chúng tôi đã phủ màu xanh Hòa Bình từ Bắc chí Nam. Song hành với màu xanh đó là sự lan tỏa công nghệ kỹ thuật xây dựng hiện đại và văn hoá doanh nghiệp đầy tính nhân văn của Hòa Bình.

Thước phim 36 năm qua cũng cho tôi nhìn lại một hành trình của Hòa Bình từ những ngày đầu được gầy dựng từ con số 0 và suốt 36 năm đó là sự bền bỉ, nỗ lực hết mình để tìm tòi, học hỏi, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và vốn liếng để có ngày, Hòa Bình trở thành doanh nghiệp xây dựng số một ở Việt Nam ở tuổi 35. Tại đúng thời điểm đó, giá trị vốn hoá của Hoà Bình đã đạt con số cao nhất trong ngành xây dựng trên sàn chứng khoán.

Cũng trong năm 2022, Hoà Bình đã nằm ở vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng doanh nghiệp xây dựng uy tín ở Việt Nam, doanh nghiệp xây dựng duy nhất trên cả nước 8 lần liên tiếp trong 16 năm liền, doanh nghiệp xây dựng duy nhất nằm trong top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, doanh nghiệp xây dựng duy nhất nằm trong 10 doanh nghiệp đầu tiên đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Đó là thành quả lao động, là công sức là nỗ lực vượt bậc của hàng trăm ngàn người qua nhiều thế hệ, là sự đồng cam cộng khổ, chia sẻ gian khó của những đối tác, nhà thầu phụ, nhà cung cấp, đặc biệt là thời điểm nguy khó, ngàn cân treo sợi tóc trong năm 2023 vừa qua.

a2.jpg

* Với những người bạn, đối tác đồng hành trân quý mà ông vừa tri ân, ông sẽ “ưu ái” dành cho họ điều gì trong hành trình tiếp theo?

- Chúng tôi không ngần ngại cam kết với những đối tác đã tương trợ, chia sẻ rủi ro lúc khó khăn, sẵn sàng cùng sống chết với Hoà Bình rằng, với tất cả những dự án kể cả trong nước hay nước ngoài, Hoà Bình sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất, tìm những cơ hội hợp tác tốt nhất cho nhà thầu phụ, nhà cung cấp chiến lược. Bởi họ hoàn toàn xứng đáng nhận được những lợi ích, những cơ hội, những dự án tốt nhất mà Hoà Bình trúng thầu. Xứng đáng nhận được những thông tin thị trường, những kiến thức, kinh nghiệm, bí quyết công nghệ, điều hành quản trị doanh nghiệp mà Hòa Bình có được để trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực chuyên môn của mình.

Với sự cộng hưởng, hợp tác, tương trợ lẫn nhau, tôi tin chắc rằng không mục tiêu nào chúng tôi không đạt được. Thực hiện thành công chiến lược này, chúng tôi và các đối tác, nhà cung cấp chiến lược cũng sẽ có một hệ sinh thái tốt nhất để cạnh tranh ở thị trường trong nước và cả nước ngoài.

Để có niềm tin bước tới, tôi khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra thế giới. Một thị trường có qui mô gấp 450 lần so với qui mô thị trường xây dựng Việt Nam. Chỉ cần chiếm 1% thị trường này đã nâng qui mô ngành xây dựng của chúng ta lên gấp 4,5 lần. Và như thế xây dựng sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. Và không chỉ có thế, những ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, thiết bị thi công và toàn bộ hệ sinh thái trong ngành xây dựng sẽ được phát triển mạnh mẽ.

* Cùng nhau vươn ra toàn cầu là mục tiêu mà cộng đồng doanh nhân Việt đang hướng đến. Để thực hiện được điều này, ông có điều gì chia sẻ với cộng đồng doanh nhân?

- Theo tôi, doanh nhân Việt Nam cần có tư duy toàn cầu và mạnh dạn phát triển kinh doanh ra nước ngoài. Để có sự thành công vượt trội chúng ta cần xây dựng một văn hoá doanh nghiệp Việt Nam rất đặc sắc và khác biệt. Mỗi doanh nghiệp đều có những đặc điểm văn hóa riêng. Cái riêng đó sẽ là yếu tố chính làm nên thành công hay thất bại của một doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nhân Việt Nam phát triển kinh doanh ra thị trường toàn cầu còn cần có văn hóa kinh doanh trong giao thương quốc tế với những tiêu chí phù hợp. Đó là những tiêu chí xem xét về nỗ lực đóng góp vào việc bảo vệ và phát triển nền văn minh của nhân loại, sự thịnh vượng toàn cầu.

* Cụ thể các tiêu chí là…

- Có ba tiêu chí sau: Một, doanh nghiệp Việt Nam có đóng góp trong việc phát minh, sáng chế các sản phẩm và dịch vụ chất lượng vượt trội, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường, phù hợp với các chỉ tiêu ESG (Environmental, Social, and Governance) cũng như xu hướng kinh tế tuần hoàn của thế giới để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, phục vụ hiệu quả cho người tiêu dùng toàn cầu.

Hai, trong phát triển sản xuất kinh doanh ở bất cứ quốc gia nào doanh nghiệp phải luôn quan tâm và có hành động cụ thể trong việc bảo tồn, tôn tạo di sản vật thể và phi vật thể của quốc gia đó; có nhiều sáng kiến chung đóng góp vào việc bảo vệ và phát triển nền văn minh của nhân loại.

Ba, qua hoạt động giao thương quốc tế, doanh nghiệp lan tỏa văn hóa kinh doanh đặc sắc của Việt Nam, văn hóa tốt đẹp của dân tộc, thể hiện lòng nhân hậu, đức hy sinh của người Việt Nam ra thế giới, đóng góp tích cực vào việc đem lại hòa bình cho nhân loại, có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của một đại sứ văn hóa và đại sứ hòa bình cho Việt Nam.

* Cảm ơn ông về chia sẻ rất thân tình này.

Suy nghĩ về văn hóa của doanh nhân Việt Nam khi hội nhập toàn cầu

image00220240116155325.jpg

- Khi hội nhập với nền kinh tế thế giới, doanh nhân Việt Nam nên có thêm những quy tắc đạo đức hướng đến lợi ích chung của nhân loại. Đó cũng là những quy tắc tạo nên sự khác biệt của doanh nhân Việt Nam, thể hiện bản sắc văn hóa đáng quý của dân tộc.

- Doanh nhân Việt Nam cần biết nuôi dưỡng lòng nhân ái, vị tha và đức hy sinh thì mới tạo nên sự khác biệt lớn, chúng ta không nên phân biệt dân tộc này hay dân tộc khác, người Việt hay người nước ngoài mà mở rộng lòng nhân ái để biết yêu thương con người và muôn loài trên toàn hành tinh.

- Văn hóa kinh doanh Việt Nam cần đặt trên nền tảng đạo đức của doanh nhân, đạo đức của từng công dân Việt Nam và đạo đức đó cần được xây dựng dựa trên lòng yêu nước, thương dân và việc nuôi dưỡng các đức tính tốt đẹp của người Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình “Niềm tin tôi tạo dựng cho Hòa Bình còn nguyên giá trị”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO