Quốc tế

Xung đột quân sự gia tăng: Lạm phát lại trở thành mối quan tâm chính

Khả Hân 27/4/2024 5:30

Xung đột quân sự gia tăng có thể khiến ngân hàng trung ương (NHTƯ) các nước chưa thể sớm nới lỏng chính sách tiền tệ như kỳ vọng đặt ra vào cuối năm ngoái, khi lạm phát lại trở thành mối quan tâm chính thay vì tăng trưởng kinh tế...

Thị trường biến động khó lường

Cuối tuần trước (19/4), theo nguồn tin một quan chức giấu tên trong Chính phủ Mỹ, Israel đã tiến hành cuộc tập kích tên lửa vào Iran để đáp trả vụ tấn công hôm 13/4, khi Iran khai hỏa hàng trăm UAV, tên lửa vào lãnh thổ Israel. Tuy nhiên, phía Iran nhận định vụ tấn công ở Isfahan có thể do các lực lượng trà trộn trong nước sử dụng drone cỡ nhỏ, không phải tên lửa hay UAV tầm xa được phóng từ Israel. Về phần mình, Israel cũng không lên tiếng thừa nhận trách nhiệm vụ tấn công này.

Dù vậy, các thị trường tài chính vẫn hứng chịu sự biến động mạnh. Giá dầu tăng hơn 3% khi tin tức về cuộc tấn công được công bố, nhưng sau đó lại trồi sụt khó lường. Hiện giá dầu WTI giao dịch quanh mốc 81USD/ thùng, thấp nhất trong vòng một tháng qua. Trong khi đó, hợp đồng Dow Jones tương lai có thời điểm sụt hơn 500 điểm chỉ sau một đêm trong bối cảnh lo ngại cuộc tấn công qua lại giửa Israel và Iran đủ để châm ngòi cho một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn.

Các số liệu cho thấy trong bối cảnh xung đột ở Trung Đông cộng thêm lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh, dòng tiền đang bị rút ra khỏi cổ phiếu và trái phiếu rác với tốc độ nhanh nhất hơn một năm qua.

33-gia-dau.jpg
Biểu đồ giá dầu

Dữ liệu môi giới hàng đầu của Goldman Sachs Group Inc cũng cho thấy các quỹ phòng hộ đã tăng cường vị thế bán khống trong các ETF (quỹ đầu tư được giao dịch trên sàn chứng khoán) của Mỹ với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2022. Các nhà đầu tư hiện phải đối mặt với hàng loạt rủi ro mà trước đây họ đã nghĩ rằng mình có thể chấp nhận được nhờ thu nhập doanh nghiệp ổn định và tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Ngược lại, thị trường vàng quốc tế tiếp tục đi lên trước nhu cầu đầu tư vào các tài sản an toàn gia tăng. Hiện đã có một số dự báo tin rằng giá vàng có thể leo lên mức 3.000USD/ounce trong năm nay, dù triển vọng này không có gì chắc chắn. Tính từ đầu năm đến nay, giá kim loại quý này đã tăng hơn 17%, trở thành một trong những tài sản có suất sinh lời lớn nhất.

Giá vàng và giá dầu cao hơn cùng với chuỗi cung ứng vẫn đứng trước nguy cơ đứt gãy do ảnh hưởng bởi xung đột quân sự, khiến áp lực lạm phát vẫn duy trì ở mức cao. Xu hướng này lại buộc các NHTƯ chưa thể sớm nới lỏng chính sách tiền tệ như kỳ vọng đặt ra vào cuối năm ngoái, khi lạm phát lại trở thành mối quan tâm chính thay vì tăng trưởng kinh tế...

Rủi ro lạm phát cao làm khó ngân hàng trung ương các nước

Đơn cử như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), các quan chức cơ quan này đã thống nhất không cần thiết phải hạ lãi suất sớm. Vào ngày 16/4, Chủ tịch FED là Jerome Powell cho rằng có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến để tạo được niềm tin đối với việc giảm lãi suất. Một ngày sau, Thống đốc Fed Michelle Bowman cảnh báo lạm phát có thể đình trệ. Vào ngày 18/4, khi được hỏi liệu việc giữ lãi suất ổn định trong cả năm này có phù hợp hay không, Chủ tịch FED đã trả lời: “Có khả năng”.

Nếu FED giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2024, dự báo với xác suất 67% lãi suất ngân hàng chỉ bắt đầu được hạ xuống vào tháng 9/2024. Với việc FED đang neo cao lãi suất cơ bản USD lâu hơn dự kiến, đồng USD tiếp tục được hỗ trợ tăng, nhất là khi các dữ liệu kinh tế của Mỹ vững chắc. Chỉ số USD-Index đã lên mốc 106 điểm, cao nhất trong nửa năm qua.

Bank of America trích dẫn dữ liệu từ EPFR Global, cho thấy, 21,1 tỷ USD đã bị rút khỏi các quỹ cổ phiếu trong hai tuần tính đến ngày 17/4, mức cao nhất kể từ tháng 12/2022. Còn theo dữ liệu từ LSEG Lipper, các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi trái phiếu rác với tốc độ nhanh nhất trong 14 tháng.

Hệ quả là không chỉ NHTƯ các nước phát triển như EU, Nhật Bản, hay Đức đối mặt với thế lưỡng nan, mà các nước mới nổi và đang phát triển cũng đứng trước hàng loạt rủi ro. Trong khi kinh tế Mỹ vẫn đang phục hồi vững chắc giúp nước này không chịu quá nhiều sức ép phải sớm nới lỏng chính sách tiền tệ, các nền kinh tế tại châu Âu có nguy cơ suy thoái nếu tiếp tục neo giữ lãi suất ở mức cao.

Tại châu Á, nhiều quốc gia đang phải chứng kiến đồng nội tệ bị mất giá mạnh, ảnh hưởng đến thương mại, kéo theo rủi ro lạm phát, đồng thời tác động tiêu cực lên dòng vốn đầu tư nước ngoài. Để ứng phó với những bất ổn ngày càng gia tăng từ sự trỗi dậy của đồng đô la Mỹ khi triển vọng giảm lãi suất không chắc chắn của Mỹ trong năm nay, không ít NHTƯ đang ở thế bị động trong điều hành chính sách tiền tệ.

Đơn cử như đồng yen của Nhật Bản đã xuống thấp nhất so với USD trong 34 năm qua trước cuộc rút lui của nhiều nhà đầu tư để tìm nơi nương náu ở các tài sản có lợi suất cao hơn của Mỹ. Trong khi đó, ở Hàn Quốc, đồng won chạm mức yếu nhất so với đồng bạc xanh kể từ tháng 11/2022. Diễn biến tương tự cũng đang thử thách chính sách ổn định tiền tệ của Bắc Kinh khi giá trị của nhân dân tệ so với đô la Mỹ giảm dưới biên độ giao dich cho phép so với mức tỷ giá tham chiếu hằng ngày của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát đối với nhân dân tệ đến mức nào. Họ đang cố gắng cải thiện tình trạng kinh tế ảm đạm trong nước nhưng đồng thời phải hành động thận trọng trước sự phàn nàn của các đối tác thương mại, rằng Trung Quốc đang bán phá giá hàng xuất khẩu. Nếu nhân dân tệ giảm giá hơn nữa, hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc càng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Với áp lực lạm phát cao hơn, đồng nội tệ của các nước đứng trước khả năng tiếp tục mất giá so với đô la Mỹ, chưa nói đến nguy cơ chuỗi cung ứng tiếp tục bị đứt gãy, chi phí vận tải đường biển gia tăng, có thể thấy doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng là nạn nhân chịu ảnh hưởng không nhỏ từ rủi ro xung đột quân sự leo thang.

Tác động:
1. Giá dầu tăng hơn 3%;
2. Dòng tiền đang bị rút ra khỏi cổ phiếu và trái phiếu rác;
3. Giá vàng và giá dầu cao hơn;
4. Chuỗi cung ứng vẫn đứng trước nguy cơ đứt gãy;
5. Nhiều quốc gia đang phải chứng kiến đồng nội tệ bị mất giá mạnh, ảnh hưởng đến thương mại, kéo theo rủi ro lạm phát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xung đột quân sự gia tăng: Lạm phát lại trở thành mối quan tâm chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO