Intel: Từ khủng hoảng đến bài học chậm thay đổi
Từng là một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới, tiên phong trong việc phát triển công nghệ vi mạch nhưng Intel đã để tuột lại phía sau trong những năm gần đây vì chậm thay đổi và không nắm bắt kịp xu hướng phát triển mới và đang đối mặt với rất nhiều dấu hỏi lớn từ nhà đầu tư lẫn người dùng.
Khủng hoảng của Intel
Chỉ trong vòng một tuần qua, giá cổ phiếu Nvida - gã khổng lồ sản xuất chip, đã “bốc hơi” gần 17%, đánh dấu đợt lao dốc mạnh nhất trong thời gian gần đây. Riêng phiên ngày 3/9, mức giảm hơn 9%, khiến vốn hóa của tập đoàn này bị xóa sổ 279 tỷ USD. Động thái bán tháo của các nhà đầu tư diễn ra sau khi Intel báo cáo tăng trưởng doanh thu chậm lại và có thông tin cho biết Hãng đang bị điều tra về độc quyền.
Dù vậy, giá cổ phiếu Nvidia vẫn tăng gần 25% trong vòng 6 tháng qua, tích cực hơn nhiều so với mức giảm đến 55% của cổ phiếu Intel - một gã khổng lồ sản xuất chip khác của nước Mỹ, trong cùng khoảng thời gian. Trong khi Nvida trong hơn một năm qua vụt lên trở thành một ngôi sao sáng trong lĩnh vực sản xuất chip, Intel ngược lại đang chìm vào cuộc khủng hoảng lớn nhất trong nhiều thập niên qua.
Báo cáo tài chính quý II vừa qua cho thấy doanh thu và lợi nhuận của Intel đều sụt giảm so với cùng kỳ 2023. Sau khi công bố khoản lỗ 1,6 tỷ USD trong quý II, cổ phiếu của Intel nhanh chóng sụt 20% khiến hơn 24 tỷ USD vốn hóa bị thổi bay, đưa vốn hóa thị trường của Intel giảm xuống dưới 100 tỷ USD lần đầu tiên trong 30 năm. Intel cũng đang đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi chỉ số Dow Jones khi giá cổ phiếu giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013, mang lại cơ hội thay thế tiềm năng cho những công ty như Nvidia hay Texas Instruments.
Trước tình hình ấy, Intel đang phải đối mặt với những quyết định khó khăn nhất. Được biết Intel đang tích cực làm việc với ngân hàng đầu tư Morgan Stanley và Goldman Sachs Group, để tìm ra lối thoát cho tình thế hiện tại. Trong đó đáng chú ý là phương án tách riêng bộ phận thiết kế sản phẩm và sản xuất để cắt giảm chi phí và tập trung vào hoạt động cốt lõi.
Intel cũng đang cân nhắc lại các kế hoạch mở rộng đầu tư ở một số nước. Thông tin gần đây cho rằng, Hãng đang xem xét dừng kế hoạch xây dựng nhà máy trị giá 30 tỷ Euro tại TP. Magdeburg, miền Đông nước Đức nhằm tiết giảm chi phí, nhất là khi ngành sản xuất của Đức cũng đã suy thoái kể từ đầu năm 2022, do bị ảnh hưởng bởi việc mất nguồn năng lượng giá rẻ của Nga và nhu cầu giảm tại thị trường xuất khẩu chính Trung Quốc.
Để giải cứu các mảng kinh doanh hay sản xuất đang thua lỗ, Intel đưa ra quyết khó khăn nhất trong lịch sử của Công ty khi sa thải 15% nhân viên, đồng thời thông báo ngừng việc chia một phần lợi nhuận cho cổ đông bắt đầu từ quý IV/ 2024.
Tính đến hết quý II vừa qua, Intel sở hữu 116.500 lao động ở nhiều nước, chưa kể đến các công ty con. Theo đó, 15% lao động bị sa thải, tương đương 17.500 người, trong khi một số báo cáo cho rằng con số đó vẫn có thể cao hơn, khoảng 19.000 người. Đáng chú ý nữa là việc mạnh tay cắt giảm 15% lao động lại được thực hiện trong bối cảnh Intel vừa được Chính phủ Mỹ trợ giúp đáng kể. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tài trợ cho Intel 8,5 tỷ USD và một khoản vay ưu đãi 11,5 tỷ USD.
Giới phân tích cho rằng, sự suy giảm của Intel một phần vì họ bỏ lỡ cơ hội trong lĩnh vực AI đang phát triển nhanh chóng, khiến thị phần giảm trong thị trường CPU trung tâm dữ liệu truyền thống. Không những vậy, Intel phải chi tiêu lớn cho năng lực sản xuất trong bối cảnh thiếu triển vọng kinh doanh rõ ràng trên thị trường bán dẫn.
Bài học chậm thay đổi và thách thức phục hồi
Nói về nguyên nhân dẫn đến việc Intel phải sa thải một lượng lớn lao động như vậy chính là do sự tụt hậu về công nghệ chip trên đường đua với hai đối thủ siêu mạnh là Nvidia và AMD. Chỉ trong vòng ba năm, Intel đã từ vị trí dẫn đầu với doanh thu gấp ba lần Nvidia, rơi xuống tình trạng khủng hoảng hiện tại. Trong khi đó, Nvidia dự kiến sẽ đạt doanh thu gấp đôi Intel vào năm nay.
Hiện Intel vẫn chưa phải là một công ty lớn trong lĩnh vực chip máy chủ AI như Nvidia, thậm chí ở mảng AI còn đang bị thụt lùi trước AMD; sự gia nhập vào thị trường đồ họa cũng chưa gây được ấn tượng nào. Intel phải chạy đua phân khúc chip laptop để giải quyết mối đe dọa hiện hữu của các chip Arm từ Qualcomm và Apple.
Hệ quả là từ nhà sản xuất chip máy tính dẫn đầu trong cả phân khúc laptop, máy tính để bàn lẫn máy chủ, giờ đây Intel đã phải đối đầu với rất nhiều đối thủ trong mọi phân khúc. Đặc biệt, mặc dù có nhà máy sản xuất riêng, nhưng Intel lại chỉ phụ trách phần đóng gói và chấp nhận phụ thuộc một phần vào TSMC - tập đoàn sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, để có thể theo kịp sản lượng và đặc biệt là mục tiêu thu nhỏ tiến trình sản xuất cho CPU.
Intel hiện tại đang dính hai đơn kiện, về việc sản xuất chip tại Intel Foundry Services (IFS) - mảng kinh doanh gia công chip theo hệ thống để phục vụ AI, và về lỗi liên quan đến việc Core i Gen 13 và 14 sụt giảm hiệu năng hàng loạt. Intel cũng vừa mới hủy sự kiện Intel Innovation - sự kiện mà đáng lẽ là màn chào sân của Arrow Lake, CPU thế hệ tiếp theo của Công ty.
Intel cũng đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám, khi các kiến trúc sư CPU giàu kinh nghiệm với tổng cộng hơn 80 năm làm việc tại hãng đã quyết định rời đi để thành lập startup RISC-V mang tên AheadComputing. Động thái này được xem là một cú sốc đối với Intel, đồng thời cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của kiến trúc RISC-V trong ngành công nghiệp chip.
Đáng chú ý, bộ tứ kiến trúc sư và kỹ sư này đã thành lập AheadComputing và công bố dự án vào ngày 18/7, chỉ vài tuần trước khi Intel công bố kế hoạch cắt giảm nhân sự quy mô lớn. Có thể nói kế hoạch sa thải nhân sự lớn nhất trong lịch sử 56 năm, việc tạm dừng kế hoạch xây dựng nhà máy, kết quả kinh doanh yếu kém và chậm thay đổi cùng với hiện tượng "chảy máu chất xám" càng cản trở nỗ lực phục hồi của Intel trong giai đoạn kế tiếp.
Bài học thất bại của Intel
- Giá cổ phiếu lao dốc
- Kinh doanh thua lỗ
- Sa thải nhân sự hàng loạt
- Ngừng kế hoạch đầu tư