Nền ngoại giao “cây tre” trong toàn cầu hóa
Thực thi đường lối đối ngoại thế nào để giữ lợi thế, cân bằng lợi ích và tranh thủ được các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề mà cha ông ta đã đặt ra từ ngàn xưa…
Vị thế đặc biệt của Việt Nam
Thấu hiểu được vị thế địa - chính trị đất nước, ngay từ khi mới lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện phương châm sẵn sàng “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ”, không phân biệt ý thức hệ và chế độ chính trị.
Tháng 9/1945, sau khi nắm chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động kết nối quan hệ Việt - Mỹ. Trong hai năm 1945-1946, Người đã có 8 thư và điện gửi Tổng thống Harry Truman, 3 thư và điện gửi Bộ trưởng Ngoại giao James Byrnes. Tiếc là do hoàn cảnh lịch sử, người Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội hòa hiếu với Việt Nam để rồi cả hai nước phải trải qua những trang sử đau thương trước khi trở thành đối tác chiến lược toàn diện của nhau.
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định chính sách đối ngoại của Việt Nam “là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng hiện nay, ngoại giao Việt Nam tiếp tục thực hiện sứ mệnh mới, không chỉ tạo dựng và giữ vững hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc đất nước mà còn linh hoạt, sáng tạo tìm ra phương cách mới để thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế và gia tăng tiềm lực cho nước nhà, sớm hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh.
Triết lý “ngoại giao cây tre”
Xác định được tầm quan trọng của công tác ngoại giao trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 14/12/2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”.
Gần 80 năm qua, dẫu trải qua nhiều biến động lịch sử nhưng trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh, Việt Nam đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao đặc sắc và độc đáo mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”. Cây tre Việt Nam có “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam, đó là mềm mại, khôn khéo nhưng kiên cường, linh hoạt; sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia; biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế, biết mình, biết người, biết tiến, biết thoái, tùy cơ ứng biến..
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mượn hình ảnh cây tre - một biểu tượng mộc mạc, dung dị mà thân thuộc với người Việt Nam để gửi gắm thông điệp mang tính triết lý sâu sắc đối với ngành đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước.
Truyền thống ngoại giao cha ông ta để lại là độc đáo, mang bản sắc riêng, tựu trung là toát lên tinh thần hào khí, hòa hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo” (Bính Ngô Đại Cáo - Nguyễn Trãi). Đó là tư tưởng, triết lý vượt thời đại của cha ông ta, mãi mãi còn nguyên giá trị trường tồn theo thời gian.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, kế thừa phương sách độc đáo của cha ông, cùng với các mặt trận khác, mặt trận ngoại giao có vai trò trọng yếu trong sự nghiệp cách mạng, góp phần làm nên lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhiều lần khẳng định Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa. Đó cũng là biểu thị cho “ngoại giao cây tre”.
Thành tựu của đường lối đối ngoại
Sau gần 40 năm đổi mới, kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, nhất là tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và sự tiến bộ của nhân loại, công tác đối ngoại mang bản sắc “Cây tre Việt Nam” đã đạt được nhiều kết quả, thành tích tốt đẹp.
Thứ nhất, là vừa thoát khỏi hai cuộc chiến tranh giữ nước với bộn bề khó khăn, bị bao vây, cấm vận, nước ta đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Việt Nam từng bước bình thường hóa với các nước láng giềng, các nước cựu thù và mở rộng, nâng tầm ngoại giao với tất cả các nước và bạn bè truyền thống.
Thiện chí của Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của các nước và tổ chức quốc tế; từ hội nhập kinh tế là chủ yếu sang hội nhập quốc tế chủ động, toàn diện, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, đã mang đến những kết quả rất rõ nét trong việc nâng cao vị thế, tiềm lực đất nước. Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 192 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có tất cả các nước lớn, có quan hệ kinh tế với 221 thị trường nước ngoài và là thành viên của nhiều tổ chức và diễn đàn quốc tế, như Liên Hiệp quốc, WTO, ASEAN, APEC, Cộng đồng Pháp ngữ...
Thứ hai là nước ta đã tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi và huy động được nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Sau khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, nền kinh tế nước ta có sự liên kết quốc tế sâu rộng với hầu hết các nền kinh tế quan trọng trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam đã ký 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó có 3 FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn rất cao.
Nếu cách đây 30 năm, chúng ta mới có quan hệ kinh tế - thương mại với gần 30 nước và vùng lãnh thổ thì đến nay đã có quan hệ kinh tế - thương mại với 230 nước và vùng lãnh thổ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến nay đã đạt hơn 700 tỉ USD, gấp khoảng 120 lần so với những năm đầu của thời kỳ đổi mới.
Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập bình quân đầu người đạt 4.300 USD. Mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập cao (GDP xấp xỉ 12.642 USD/người, tính theo giá năm 2017). Những thành tựu này đều có công rất lớn của công tác đối ngoại.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội rất nhiều nhưng cũng không ít mâu thuẫn, xung đột gay gắt. Thực hiện tốt chính sách “ngoại giao cây tre”, kết hợp “cứng” và “mềm”, đề cao hòa hiếu, nước ta luôn giương cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác, tích cực trao đổi, đàm phán với các nước liên quan để kiểm soát bất đồng, tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài đối với những tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đó là tinh thần cơ bản của đường lối “ngoại giao cây tre” mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ.