Thị trường

Thị trường bảo hiểm nhân thọ: Định vị lại vai trò và giá trị

Hà Vy 15/07/2025 13:08

Sau giai đoạn tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam bước vào chu kỳ điều chỉnh. Sáu tháng đầu năm 2025 ghi dấu sự chuyển mình rõ nét thông qua tái cấu trúc sản phẩm, nâng cao năng lực vận hành và thích ứng với khung pháp lý mới, từng bước khôi phục niềm tin và hướng tới tăng trưởng ổn định.

Nền tảng pháp lý mới và tác động đến cấu trúc thị trường

Nửa đầu năm 2025 đánh dấu một thời điểm chuyển giao quan trọng của ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam, với việc thực thi các quy định mới trong khuôn khổ Nghị định 46/2023/NĐ-CP và Thông tư 67/2023/TT-BTC. Tác động lớn nhất đến thị trường là quy định về việc tách riêng quyền lợi bảo hiểm tử vong và thương tật toàn bộ vĩnh viễn ra khỏi các quyền lợi bổ sung như bệnh hiểm nghèo, viện phí hay tai nạn. Việc này làm thay đổi đáng kể cách thiết kế sản phẩm vốn đã định hình từ nhiều năm trước.

Từ góc độ thị trường, đây là một bước điều chỉnh mang tính kỹ thuật nhưng có ý nghĩa chiến lược khi làm rõ ranh giới giữa bảo hiểm và đầu tư, điều vốn từng bị nhập nhằng trong các sản phẩm liên kết đầu tư. Đáng chú ý, phần lớn các doanh nghiệp (DN) lớn trên thị trường như AIA, Prudential, Manulife, Dai-ichi Life, FWD... đã nhanh chóng tung ra các dòng sản phẩm mới theo định hướng mới ngay từ quý I/2025.

z6803538015116_77ac9a5c63eb2e5e89755908acd2f871.jpg
Các DN bảo hiểm đang tích cực triển khai các sản phẩm mới theo hướng tinh gọn, dễ hiểu và tập trung vào giá trị bảo vệ thiết thực

Ông Ngô Trung Dũng - Phó tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, nhận định: “Việc chuẩn hóa danh mục sản phẩm theo Nghị định 46 là bước tái cấu trúc cần thiết, giúp phân định rõ bản chất từng loại hình bảo hiểm, từ đó tăng tính minh bạch, giảm tranh chấp và phục hồi niềm tin khách hàng sau một số sự cố truyền thông thời gian qua”.

Cũng theo ông Dũng, hiện các DN bảo hiểm đang tích cực triển khai các sản phẩm mới theo hướng tinh gọn, dễ hiểu và tập trung vào giá trị bảo vệ thiết thực. Việc tách riêng quyền lợi rủi ro theo từng sản phẩm cụ thể không chỉ giúp người mua chủ động lựa chọn theo nhu cầu, mà còn nâng cao hiệu quả bảo vệ trong dài hạn.

Đặc biệt, với các hợp đồng đã phát hành trước ngày 1/7, quyền lợi của khách hàng sẽ không bị ảnh hưởng và vẫn được bảo lưu đầy đủ theo đúng cam kết ban đầu. Ngoài ra, các sản phẩm bảo hiểm bổ trợ tái tục hàng năm vẫn tiếp tục được gia hạn theo quy định nhằm duy trì sự bảo vệ bền vững cho người tham gia.

Ở góc độ cạnh tranh, việc cấu trúc lại sản phẩm đồng nghĩa với việc các DN buộc phải rà soát lại toàn bộ chuỗi phân phối, quy trình đào tạo đại lý, hệ thống định phí cũng như phương pháp truyền thông ra thị trường. Trong ngắn hạn, sự thay đổi này tạo ra áp lực chuyển đổi không nhỏ; song trong trung và dài hạn được kỳ vọng sẽ thiết lập một mặt bằng chất lượng sản phẩm cao hơn, phù hợp với trình độ tài chính và kỳ vọng ngày càng cao của người dân đô thị hóa.

z6803538943471_5454989f806612f1a8d7d841b9efceee.jpg
Các DN bảo hiểm đang tích cực tái cấu trúc danh mục sản phẩm, chuẩn hóa kênh phân phối và đẩy mạnh đầu tư công nghệ

Tín hiệu phục hồi niềm tin

Bức tranh kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2025 phản ánh giai đoạn “chuyển động thận trọng” của thị trường. Tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 67.242 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí khai thác mới đạt 11.728 tỷ đồng, cho thấy sự ổn định dù thị trường đang trong quá trình điều chỉnh. Số lượng hợp đồng hiệu lực đạt hơn 11,7 triệu, tăng 1,06%, cho thấy mức độ giữ chân khách hàng khá tích cực. Chi trả quyền lợi bảo hiểm lên tới gần 27.500 tỷ đồng, tăng 4,4% thể hiện rõ vai trò chia sẻ rủi ro tài chính ngày càng thực chất của ngành.

Ở phía dòng vốn, tổng tài sản toàn ngành đạt 910.829 tỷ đồng, tăng 10,74% so với cùng kỳ năm trước, với 787.000 tỷ đồng được tái đầu tư vào nền kinh tế. Đây là yếu tố đặc biệt đáng chú ý, bởi trong bối cảnh thắt chặt tín dụng, khu vực bảo hiểm nhân thọ đang dần trở thành một “kênh trung gian tài chính dài hạn” đáng tin cậy, góp phần tạo nguồn lực cho đầu tư công và trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cảnh báo rằng tốc độ tăng trưởng phí khai thác mới không còn duy trì mức hai chữ số như giai đoạn 2015 - 2020. Sự giảm nhiệt này không bất ngờ, phản ánh một giai đoạn điều chỉnh sau khi tăng trưởng nóng nhờ các sản phẩm liên kết đầu tư từng bị lạm dụng như công cụ đầu tư tài chính thay vì công cụ bảo vệ. Điều tích cực là, thay vì tìm kiếm đà tăng trưởng bằng mọi giá, các DN đang bắt đầu tập trung vào giá trị hợp đồng, tính bền vững và sự hài lòng dài hạn của khách hàng, một sự dịch chuyển từ lượng sang chất.

Số hóa, chuyên nghiệp hóa hướng đến minh bạch

Trong bối cảnh môi trường pháp lý yêu cầu minh bạch cao hơn, sự khác biệt về năng lực công nghệ đang tạo ra lợi thế cạnh tranh rõ rệt giữa các DN. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như AIA, Prudential, Manulife, FWD… đang đẩy mạnh ứng dụng AI, điện toán đám mây và nền tảng giao dịch trực tuyến toàn diện nhằm tối ưu hóa quy trình phục vụ khách hàng. Những nền tảng như MyBVLife, M-PS, Dai-ichi ON hay Shinhan Life Care+... không chỉ rút ngắn thời gian giao dịch mà còn tạo ra khả năng kiểm soát dữ liệu dịch vụ theo thời gian thực, điều kiện cần cho việc cá nhân hóa trải nghiệm người dùng trong bảo hiểm nhân thọ.

Đồng thời, các DN cũng đang tái cơ cấu lại hệ thống đại lý, từ số lượng sang chất lượng với trọng tâm là đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết sản phẩm. Sự xuất hiện của các chương trình hợp tác với đại học, các tổ chức y tế để đào tạo kiến thức y khoa cho tư vấn viên là biểu hiện rõ nét cho xu hướng chuyên nghiệp hóa kênh phân phối. Đây là điều kiện tiên quyết để lấy lại lòng tin người tiêu dùng, vốn từng bị bào mòn bởi những vụ việc tư vấn không minh bạch trong các năm trước.

Theo các chuyên gia, ở tầng sâu hơn, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang dần tiệm cận với các chuẩn mực phát triển bền vững: tích hợp công nghệ, chú trọng trách nhiệm xã hội, kiểm soát rủi ro đạo đức, và hướng tới mục tiêu tài chính dài hạn thay vì chỉ gia tăng doanh số ngắn hạn.

Nhìn tổng thể, sáu tháng đầu năm 2025 là thời kỳ bản lề, nơi các DN bảo hiểm nhân thọ đang chuyển từ tăng trưởng theo chiều rộng sang phát triển có kiểm soát, từ tư duy sản phẩm sang tư duy dịch vụ và từ mô hình bán hàng sang mô hình đồng hành. Đây là một giai đoạn cần thiết để thanh lọc thị trường, gia tăng chuẩn mực, và quan trọng hơn cả, tái lập lại mối quan hệ niềm tin giữa khách hàng với doanh nghiệp.

Cũng giống như các thị trường bảo hiểm trưởng thành trên thế giới, Việt Nam sẽ chứng kiến sự phân hóa ngày càng mạnh giữa các DN có khả năng đầu tư chiều sâu vào công nghệ, con người, hệ thống kiểm soát và các đơn vị chỉ tồn tại dựa trên kênh bán hàng mở rộng. Quá trình phân hóa này là tất yếu và sẽ góp phần hình thành một thị trường bảo hiểm nhân thọ ổn định, bền vững và có vai trò rõ nét hơn trong hệ thống tài chính quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường bảo hiểm nhân thọ: Định vị lại vai trò và giá trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO