Nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ và mẫu mực
Tham nhũng là căn bệnh hằng ngày, hằng giờ hủy hoại niềm tin của người dân với chính quyền. Hơn thế, bằng cách ăn cắp của công, tham nhũng tàn phá nền kinh tế và gây ra phân hóa xã hội.
Từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm sâu sắc đến công tác đấu tranh chống tham nhũng và đã rất sớm nhận thức được tính chất nguy hiểm của tham nhũng - tệ nạn làm cho đội ngũ cán bộ cách mạng tha hóa, biến chất, không còn là "người đầy tớ của nhân dân", làm cho dân mất lòng tin và bất bình với chính quyền mới. Theo Người, tham ô là kẻ thù bên trong của cách mạng, là "tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội". Người chỉ rõ bản chất của tham ô là "lấy của công làm tư", là hành vi "trộm cướp".
Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ví việc chống tham nhũng như đốt lò. Ông nói: “Không thích thú gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ từng dạy, cắt một vài cành sâu mọt để cứu cả cây”.
Khi tái đắc cử chức Tổng bí thư tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, năm 2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra chiến dịch chống tham nhũng rộng khắp, hiện thực hóa quyết tâm thành hành động cụ thể. Trong các phát biểu, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thường dùng hình tượng "củi và lò" để thể hiện công cuộc chống tham nhũng.
Lần đầu tiên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến khái niệm "đốt lò" là ngày 31/7/2017, tại Hà Nội, khi chủ trì phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực: "Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công".
Ngày 26/7/2019, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu: "Việc này phải thành nếp, không làm không được. Lò cháy rồi không ai đứng ngoài cuộc được. Anh đi ngược là lộ ra ngay anh thế nào".
Tư tưởng chỉ đạo chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được hệ thống hóa trong cuốn sách Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, tập hợp 31 bài phát biểu, bài viết, trả lời phỏng vấn của Tổng bí thư, Chủ tịch nước kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, nhất là từ Đại hội lần thứ XII trở đi.
Tháng 1/2023, cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ra mắt. Cuốn sách được ông Nguyễn Thái Học - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương giới thiệu trong buổi lễ ra mắt là "Hệ thống hóa sự chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trên cương vị người đứng đầu Đảng và trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ, quán triệt sâu rộng và thực hiện có hiệu quả công tác này".
Hiện nay, cộng đồng doanh nhân vẫn còn phải đối phó với nạn tham nhũng vặt. Ấy là một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền của Nhà nước lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, cung cấp dịch vụ công để lấy tiền “bôi trơn”. Dẫu là “vặt” nhưng đã làm cho nhiều doanh nghiệp và người dân phải chi trả những khoản chi phí không nhỏ ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Công cuộc “đốt lò” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bước đầu đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn còn không ít cam go phía trước. Nay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi mãi mãi, những người kế nhiệm ông phải vì mục tiêu xây dựng một nhà nước trong sạch, của dân, vì dân, do dân tiếp tục sự nghiệp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà người lập quốc đã khởi xướng.
Trong năm 2023
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã theo dõi, chỉ đạo 68 vụ án, 45 vụ việc;
Các cơ quan chức năng khởi tố 12 vụ án với 45 bị can, khởi tố bổ sung 238 bị can trong 23 vụ án, kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung 20 vụ án với 369 bị can;
Trong nửa đầu nhiệm kỳ Khóa XIII của Đảng, có hơn 90 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật;
Khởi tố, điều tra 1.304 vụ án với 3.523 bị can về tội tham nhũng.