Bản lĩnh

“Ngoại giao cây tre” sức mạnh của Việt Nam

Phan Hoàng Phong Thu (*) 05/02/2024 - 17:55

“Ngoại giao cây tre” là chính sách không mới, nhưng gần đây đã được quán triệt sâu sắc và nâng lên tầm lý luận qua những bài nói chuyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

tre-1.jpg

Theo đó, Tổng bí thư khẳng định trường phái đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện nay rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển. Ông lý giải “vững ở gốc” là nguyên tắc vì lợi ích quốc gia - dân tộc để phục vụ, độc lập - tự chủ trong đường lối đối ngoại, lấy thực lực làm gốc.

“Chắc ở thân” là những phương thức tạo nên sức mạnh, trong đó sức mạnh đoàn kết là nhân tố sống còn. Sức mạnh của Việt Nam còn ở tính chính danh, chính nghĩa, cách ứng xử nhân văn, thủy chung, thượng tôn pháp luật và phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại.

“Uyển chuyển ở cành” là phong cách, nghệ thuật ứng xử linh hoạt, nguyên tắc “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền tảng và vận dụng khi mới lập quốc trong các hoàn cảnh khó khăn, có sự phức tạp giữa những xu thế khác nhau, giữa đòi hỏi phải hài hòa cái chung và cái riêng.

Mới đây, chiều ngày 16/1 tại Davos - Thụy Sỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu với vai trò diễn giả chính tại Phiên Đối thoại chính sách “Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu”, trả lời câu hỏi của nhà báo nổi tiếng Friedman về quan điểm của Việt Nam trong cân bằng quan hệ với các nước lớn, Thủ tướng nhấn mạnh: “Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều thiệt hại nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, liên tục bị tác động bởi chiến tranh, bao vây, cấm vận. Tuy vậy, Việt Nam đã “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng đến tương lai” để biến thù thành bạn.

Thủ tướng khẳng định chuyến thăm Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa qua thể hiện lòng tin chính trị vững vàng giữa Việt Nam và hai đối tác, thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hợp tác, phát triển và thịnh vượng, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.

Đây là một trong 8 phiên đối thoại với những người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức tại Davos vào tháng 1/2024, thể hiện sự quan tâm, đánh giá tích cực của WEF và các thành viên đối với vai trò, vị thế quốc tế, thành tựu, tầm nhìn và triển vọng phát triển của Việt Nam.

GS. Schwab - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF đánh giá cao và tin tưởng vào vai trò ngày càng gia tăng của Việt Nam; cho rằng Việt Nam thực sự trở thành một trong những quốc gia tiên phong về phát triển nền kinh tế xanh và thông minh.

Chia sẻ quan điểm với GS.Schwab, ông Friedman cho rằng, Việt Nam là điển hình tiêu biểu cho cải cách và phát triển, được quốc tế đánh giá là hình mẫu về phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Với vai trò người điều phối, ông bày tỏ mong muốn được lắng nghe những kinh nghiệm, định hướng phát triển và đóng góp của Việt Nam cho tiến trình giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới, bao gồm chuyển đổi số, khoa học - công nghệ, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi xanh… và xác định đây vừa là yêu cầu, xu thế khách quan, vừa là lựa chọn chiến lược.

Trong lĩnh vực bán dẫn, Thủ tướng chia sẻ những nỗ lực của Việt Nam trong phát triển hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng thông tin và đang có kế hoạch đào tạo 50.000 - 100.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn trong thời gian sắp tới.

Về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Thủ tướng đánh giá mọi vấn đề đều có tính hai mặt, cho biết Việt Nam sẽ tích cực khai thác lợi thế, hạn chế tiêu cực của AI, bắt đầu từ việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, song song với hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư và tăng cường, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực.

Trong quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện, phát triển 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực; tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác kinh doanh, trên cơ sở phát huy tối đa lòng tin, hy vọng, quyết tâm của hai bên và mong muốn các doanh nghiệp gắn sản xuất, tiêu dùng với nghiên cứu và đào tạo.

Với đường lối, chính sách ngoại giao đúng đắn, Việt Nam luôn bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 192 trong tổng số 200 quốc gia trên thế giới; Việt Nam có 18 nước là đối tác chiến lược; 6 nước là đối tác chiến lược toàn diện: Nga (2001); Ấn Độ (2007); Trung Quốc (2008); Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ (2023).

Về cơ bản, Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với già nửa dân số thế giới và 2/3 thị trường toàn cầu. Đây là yếu tố rất quan trọng tạo cơ hội thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới mang tính đột phá, đưa sản phẩm hàng hóa Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với đó là khơi thông dòng vốn, nguồn lực toàn cầu tham gia vào quá trình phát triển kinh tế, chấn hưng dân tộc Việt.

(*) Cựu sinh viên Trường Northumbria University United Kingdom

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Ngoại giao cây tre” sức mạnh của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO