Bản lĩnh

Chìa khóa vào EU và nhiều hơn thế nữa

Thảo Minh 13/02/2024 12:03

Như thường lệ, cứ những ngày giáp Tết, Chủ tịch Phúc Sinh Group Phan Minh Thông ngồi lại xem xét những công việc đã làm trong năm qua. Năm nay, trong số những điều đã làm được, ông nhớ đến chuyện làm chứng chỉ nông nghiệp bền vững RFA. Chuyện đã 14 năm trôi qua nhưng ông nói, trong bối cảnh hiện nay và những năm sắp tới, RFA (Rainforest Alliance Certification - Chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững) lại “trở nên rất mới với doanh nghiệp muốn bước vào thị trường toàn cầu”.

_dsc4559.jpg

Một quyết định không dễ dàng

Nhớ dạo sau dịch Covid-19, Chủ tịch Phúc Sinh lên kế hoạch cho bộ phận sale và marketing chia làm nhiều nhóm đi thăm khách hàng, khảo sát thị trường một số nơi trên thế giới, Mỹ là nước đầu tiên.

Ông kể: “Chúng tôi tới Mỹ sau ba năm. Ngỡ ngàng là khá nhiều sản phẩm trước dịch không có chứng nhận “phát triển bền vững”, nay phải có. Đây là một sự thay đổi lớn. Công ty lớn nhất mua gia vị cũng tuyên bố chỉ mua sản phẩm phát triển bền vững. Đó là một quyết định không dễ dàng và đầy thách thức với cả người bán và người mua, vì nếu không chuẩn bị nhiều năm trước thì không thể thực hiện quy định mới này”.

Ngược dòng về năm 2010, Chủ tịch Phan Minh Thông nhớ lại, nhiều đối tác ở Hà Lan yêu cầu nên Phúc Sinh phải bắt tay vào làm hạt tiêu phát triển bền vững. Mười ba năm trước, khái niệm phát triển bền vững rất mới, hầu như cả thị trường chưa ai biết nên Phúc Sinh bắt đầu học hỏi. “Sau hai năm thì thất bại, mất rất nhiều tiền. Tuy nhiên người mua hàng ở Hà Lan nói, nếu không làm tiếp phát triển bền vững thì khó bán được hàng sau 2015. Thế là tôi lại họp bàn công ty, tìm cách làm”, ông Phan Minh Thông kể tiếp.

Thất bại là không tốt nhưng cũng có nhiều bài học từ thất bại. Năm 2014, Phúc Sinh là công ty đầu tiên có chứng nhận RFA và cũng là chứng nhận RFA đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, để có chứng nhận RFA này, Chủ tịch Phúc Sinh Group tiết lộ: “Đã tiêu tốn gần 5 tỷ đồng để thực hiện”. Có người cho rằng, chứng nhận này được tài trợ bởi bên thứ ba, nhưng không, đây là số tiền Phúc Sinh tự trả.

Khi Liên minh châu Âu yêu cầu rất chặt về an toàn thực phẩm những năm sau đó thì Phúc Sinh đã rộng cửa bán hàng vào thị trường EU. Khi đó, tất cả khách hàng đều đồng ý trả tiền cho Phúc Sinh để có chứng nhận RFA ghi trên bao bì. Vì thế, chỉ một năm sau Phúc Sinh đã thu hồi được số tiền bỏ ra đầu tư. Ông Thông khẳng định, RFA chính là chiếc chìa khóa vàng để Phúc Sinh dần mở ra cánh cửa thị trường EU.

phuc-sinh-son-la.jpg

Năm năm gần đây, Liên minh châu Âu làm rất gắt gao về an toàn thực phẩm và một lần nữa lại là cơ hội cho Phúc Sinh vì đã phát triển bền vững. “Trong khi rất nhiều công ty xuất khẩu không thể bán được hàng vào EU hay bị trả hàng thì Phúc Sinh lại tăng sản lượng lớn xuất vào thị trường này nhờ đã là chứng chỉ phát triển bền vững từ lâu. “Dù năm 2023 sản lượng tiêu thụ lương thực, thực phẩm và gia vị trên thế giới suy giảm, tuy nhiên nhờ chế biến sâu và phát triển bền vững nên các nhà máy của Phúc Sinh vẫn phát triển tốt”, ông Thông cho biết.

Cho đến giờ thì rất nhiều công ty ở EU và Mỹ đã mua gia vị, cà phê của Phúc Sinh với chứng nhận RFA, bởi sau đại dịch Covid-19, khái niệm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững lại càng được các nước mạnh mẽ bảo vệ và bắt buộc doanh nghiệp của họ thực hiện.

320 triệu USD: Giá trị một quỹ đầu tư từ châu Âu (đang đầu tư trực tiếp tại Việt Nam nằm trong khu vực Châu Á) định giá cho Phúc Sinh vào đầu năm 2024.

Gọi vốn rộng cửa

Một “quả ngọt” không ngờ là RFA lại chính là “chìa khóa” để Phúc Sinh gọi vốn. Khi công ty phát triển, Phúc Sinh quyết định mở rộng nhà máy và gọi thêm vốn. Ai cũng biết, sau dịch Covid-19 vốn trở nên đắt đỏ và đặc biệt rất ít nhà đầu tư cho vay hay đầu tư, tuy nhiên những công ty phát triển bền vững hay có hệ thống ESG (Environment - Social - Government: Bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững) thì vẫn gọi được vốn và Phúc Sinh cũng không ngoại lệ.

Ông Thông kể: “Khi chúng tôi muốn xây thêm nhà máy và gọi vốn là một trong những kế hoạch được tính tới, và may mắn là khi thẩm định ESG thì đối tác nhận thấy hơn 90% hệ thống của chúng tôi đạt chuẩn ESG theo tiêu chí của IFC (tiêu chuẩn về môi trường và an toàn lao động). Những điều chúng tôi làm từ 13 năm trước trong việc phát triển bền vững vùng trồng thì giờ là lợi thế và là điều kiện để có được nhiều nguồn vốn từ các nhà đầu tư lớn trên thế giới, điều mà các công ty trong nước không làm phát triển bền vững thì không thể có được.

Năm 2017, Phúc Sinh xây nhà máy cà phê Wash Arabica ở Sơn La, việc đầu tiên làm cùng với việc mua máy móc là tìm nhà cung cấp thiết bị xử lý nước thải. Giá của hệ thống xử lý nước thải bằng giá mua máy móc mới tinh cùng với chuyên gia từ Columbia. Ở Sơn La, nhà máy chế biến cà phê của Phúc Sinh được xem là hiện đại nhất và hệ thống xử lý nước thải cũng là duy nhất do công ty tự đầu tư. “Nếu không đầu tư hệ thống xử lý nước thải tốt thì ảnh hưởng rất lớn tới môi trường, vì thế chúng tôi luôn nghĩ sản xuất cùng với phát triển bền vững nhiều năm chứ không chỉ có thu lợi nhuận chế biến”, ông Thông nói.

Ông chia sẻ thêm, nếu chỉ đầu tư máy móc thì sẽ khấu hao dần, nhưng đầu tư xử lý nước thải là phải đầu tư thêm dài dài khi cà phê chế biến ướt. Và nếu gọi vốn thì việc khảo sát ESG hay phát triển bền vững thì nhà máy xử lý nước thải sẽ là một trong những nơi được kiểm tra đầu tiên.

Bước tiếp theo trong hành trình làm nông nghiệp bền vững là phải có vùng nguyên liệu sạch. Phúc Sinh kết nối với bà con vùng trồng để làm chứng nhận RFA, chia sẻ kinh nghiệm từ cải tạo đất, giống và phân bón, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật làm sao cho an toàn thực phẩm, rồi liên quan đến chống phá rừng.

_p8a0162.jpg

Quá trình sản xuất cà phê Wash Arabica, tỷ lệ trái cà phê bỏ đi không ít, ông Thông lại “xách giỏ” đi rất nhiều nơi trên thế giới tìm hiểu. Nhận thấy trà Cascara làm từ quả cà phê đã được Nam Mỹ dùng 50 năm, ông liền cho ra sản phẩm trà Cascara từ trái quả cà phê Blue Sơn La từ 2019 và sau ba năm thấy thị trường tiềm năng, ông quyết định xây dựng nhà máy trà Cascara.

Thay vì vỏ cà phê trước đây bỏ đi, nay qua công nghệ gọt sấy của Columbia đã thành trà Cascara Blue Sơn La. Với nhà máy trà Cascara này, Phúc Sinh đã góp phần làm xanh hóa môi trường sản xuất.

Phát triển bền vững hay ESG giờ đã là xu hướng toàn cầu, không thể thay đổi. “Nếu muốn sản xuất lớn, bán lớn và ra thị trường thế giới thì phải có chứng nhận phát triển bền vững hay ESG. Nếu muốn vay tiền hay bán cổ phần được giá thì ngoài phát triển tốt, minh bạch, cần phát triển bền vững”, cái vòng tròn liên kết đó chính là kim chỉ nam hành động, mở cửa cho Phúc Sinh đột phá thành công vào thị trường thế giới.

“6.000-7.000 tỷ đồng: Doanh thu của Phúc Sinh sau hơn 20 năm và trở thành tập đoàn xuất khẩu nông sản hàng đầu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chìa khóa vào EU và nhiều hơn thế nữa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO