Mang “giỏ trái cây” Việt ra thế giới
Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2024 cận kề cũng là lúc bà Nguyễn Ngọc Huyền khởi động cho một vụ mùa trái cây mới của năm Giáp Thìn, tiếp tục hành trình mang “giỏ trái cây” Việt Nam ra thị trường thế giới.
“Tròn một thập kỷ tìm tòi và phát triển trong lĩnh vực đầy thách thức và rủi ro nhưng giá trị cộng hưởng của nó mang lại thì không chỉ cho cá nhân hay doanh nghiệp nào, mà đó là cả một chuỗi giá trị cho cộng đồng khiến tôi càng hứng khởi hơn bao giờ hết”, bà Nguyễn Ngọc Huyền chia sẻ ngay khi tôi mở đầu câu chuyện về hành trình mang trái cây Việt ra thế giới của bà.
Chuẩn bị Xuân Giáp Thìn 2024, những ngày này tại Công ty Mia Group khá nhộn nhịp, những giỏ quà Tết đủ màu sắc, đủ loại đang được nhân viên chăm chút tỉ mẩn đầy sự sáng tạo để kịp ra thị trường. Đặc biệt, 4 hộp dâu giống Nhật đã được bọc cẩn thận trong hành lý công tác qua Hong Kong của Tổng giám đốc Mia Group. Bà Huyền cho biết: “Loại dâu được trồng hữu cơ kết hợp công nghệ cao tại Mộc Châu, tỉnh Sơn La, Việt Nam. Tỉnh thành được cho rằng phù hợp trồng dâu nhất trên cả nước từ khí hậu đến thổ nhưỡng đến kỹ thuật làm nông nghiệp của người dân địa phương nơi đây. Với kỷ lục bán một hộp dâu Nhật với giá 4.800.000 đồng/600g, tôi ao ước Việt Nam sở hữu vùng trồng dâu công nghệ cao như thế, bởi chắc hẳn đó sẽ là mỏ kim cương có thể xuất khẩu đi toàn khu vực châu Á. Vì Thái Lan, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia, Campuchia… đều không trồng được dâu ngon và chất lượng vì hạn chế về khí hậu.
Hồi tháng 11/2022, khi mang Bản đồ trái cây Việt Nam đi dự triển lãm tại Hội chợ trái cây quốc tế tổ chức hàng năm tại Hồng Kông (Trung Quốc) và Bangkok (Thái Lan), Mia không mang theo loại trái cây nào mà chỉ là một nền tảng số giới thiệu toàn bộ về vùng trồng trái cây tại Việt Nam bởi, “chúng tôi mong muốn không chỉ xuất khẩu trái cây Việt ra thế giới với giá trị thấp và không có thương hiệu như thực trạng hiện nay mà muốn giới thiệu vùng trồng tiềm năng nhất, và được kết hợp công nghệ cao để tạo ra những sản phẩm đạt phẩm chất cao cấp nhất”, bà Huyền nói.
Ngay khi đó, Bản đồ Trái cây Việt Nam đã được truyền tai qua các đối tác quốc tế một cách nhanh chóng, hàng chục lời mời hợp tác đến từ châu Âu, Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc… trong đó có một đối tác đến từ UK mong muốn đặt Việt Nam là vùng trồng các loại dâu của họ tại khu vực Đông Nam Á. Đây là doanh nghiệp có thương hiệu phát triển trái dâu lớn nhất châu Âu và thứ 2 thế giới, chỉ sau Driscoll của Mỹ. Mô hình của họ đã thành công hơn 11 nước vì vậy, việc họ chọn Việt Nam qua Bản đồ trái cây Việt là một thành công trên hành trình mở cửa thị trường thế giới của Mia.
Nói về lợi thế trái cây Việt Nam, bà Huyền tâm sự: ‘Sở hữu hơn 39 vùng tiểu khí hậu trải dài, Việt Nam là nước duy nhất nằm trong khu vực Đông Nam Á trồng được dâu như Nhật Bản, Hàn Quốc. Lại có vị trí chiến lược trực tiếp với Trung Quốc, Lào, Thái Lan và vùng biển trải dài thuận lợi cho logistic quốc tế. Cơ hội dành cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao là rất lớn… Tuy nhiên, khi nói đến nông nghiệp không thể thiếu được sự góp sức của thành phần lao động chính là người nông dân. Nói đến thủ phủ trái cây Tây Bắc không nơi nào bằng Sơn La.
Là một tỉnh với sự đồng lòng cao độ chuyển đổi canh tác nông nghiệp cây ăn trái từ bộ máy chính quyền đến người nông dân và doanh nghiệp địa phương từ cách đây 15 năm trước, với diện tích cây ăn trái chiếm hơn 500.000ha, Sơn La sở hữu bộ sưu tập trái cây có thương hiệu cao như Mận hậu Ruby, Dâu rẽ quạt, Na dai hoàng hậu và Nhãn Sông Mã… Đây chính là lợi thế để Sơn La đang dần hái quả ngọt… Các hộ nông dân và hợp tác xã ở đây luôn sẵn sàng học hỏi những kiến thức mới, áp dụng công nghệ mới vào quy trình sản xuất như tưới tự động, trồng cây trong nhà màn điều chỉnh khí hậu, tỉa tán, hạ cành, tập trung vào chất lượng hơn số lượng… Giá trị nông sản tại Sơn La hiện đã tăng gấp 5 lần trong những năm vừa qua… Đây là tín hiệu rất vui cho trái cây Việt Nam. Nhìn thấy ngày càng có nhiều doanh nghiệp chế biến sâu cho nông sản đặt nhà máy tại đây, bà Huyền đặt niềm tin, các loại trái cây tại Sơn La sẽ có giá trị cao hơn nữa khi xuất khẩu đi các thị trường nước ngoài khi được đầu tư bài bản.