Chân dung

Bà Nguyễn Ngọc Huyền - Chủ tịch Công ty TNHH MIA Group: Xây dựng bản đồ trái cây Việt Nam để vươn ra thế giới

DNSG 10/10/2023 08:00

Cách đây gần 5 năm, được một quỹ đầu tư của Singapore đề nghị góp vốn 1 triệu USD và nhiều công ty muốn hợp tác, nhưng Giám đốc Công ty Mia Fruit Nguyễn Ngọc Huyền (nay là Công ty TNHH MIA Group) vẫn quyết định “đi một mình” để theo đuổi ước mơ “làm mới” cho ngành bán lẻ trái cây Việt Nam và đưa nhiều loại nông sản thế mạnh của Việt Nam ra thế giới.

tn-ngoc-huyen.jpg

Đây cũng chính là câu chuyện truyền cảm hứng của Nguyễn Ngọc Huyền, không chỉ biến giấc mơ “làm mới” cho trái cây Việt Nam mà còn xây dựng “bản đồ trái cây Việt Nam” - nơi hệ thống hóa thông tin, dữ liệu, hình ảnh trái cây Việt Nam theo chỉ dẫn địa lý và đặc hữu vùng miền, được thể hiện trên nền tảng thương mại điện tử.

Lý giải việc “làm mới” trái cây, Ngọc Huyền cho biết: “Việt Nam là một nước có các loại trái cây nhiệt đới đa dạng, được thế giới ưa chuộng. Tuy nhiên, bao nhiêu năm qua, trái cây Việt Nam vẫn chỉ được xuất khẩu ra thế giới với thương hiệu mờ nhạt, các loại đặc sản trái cây Việt Nam vẫn chưa có một mẫu mã xứng tầm với giá trị của nó. Vì thế, với tâm niệm mang đến cho người dùng Việt Nam trái cây sạch để giải tỏa nỗi lo trái cây nhập khẩu không rõ nguồn gốc đang tràn lan, với hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật cao, sau hơn 10 năm xây dựng uy tín trong việc nhập khẩu trái cây sạch về Việt Nam, gây dựng được mối quan hệ bạn hàng tại Mỹ, EU, Nhật Bản… Nguyễn Ngọc Huyền tiếp tục quay về thị trường nội địa, xây dựng “bản đồ trái cây Việt Nam” cho người dùng trong nước và kết nối ra thị trường nước ngoài.

Với uy tín thương hiệu, Mia Fruit là doanh nghiệp đầu tiên được tin tưởng để giới thiệu các đặc sản trái cây vùng miền trước gần 500 đại biểu Quốc hội trong kỳ họp Quốc hội thứ hai năm 2020 tại tòa nhà Quốc hội Việt Nam. Và bản đồ trái cây Việt Nam được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lựa chọn giới thiệu với chương trình Quốc hội Hàn Quốc trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 11/2020.

“Bản đồ trái cây Việt Nam” đã bước vào hội chợ trái cây lớn nhất châu Âu tổ chức tại Ý với sự góp mặt của 70 quốc gia.

Nguyễn Ngọc Huyền cũng là thành viên trong nhóm doanh nghiệp, doanh nhân tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị COP26, cùng Thủ tướng thăm và làm việc tại Vương quốc Anh, Cộng hòa Pháp, Nhật Bản và đã ký thỏa thuận với MCE - Amélie EU Gateway để xuất khẩu các loại nông sản (thanh long, dừa, vải, xoài, chuối, chanh không hạt) sang EU với sản lượng 5.000 tấn trong năm 2022. CEO Mia Group cũng ký hợp tác dài hạn 5 năm với Tập đoàn Endo Seian (Nhật Bản) để xuất khẩu đậu đỏ và các sản phẩm chế biến từ đậu đỏ sang Nhật Bản, ký hợp tác với Kaira Clan (Phần Lan) đầu tư chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ nông nghiệp hữu cơ nhằm nâng cao năng suất, sản xuất sản phẩm sạch xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU).

Tôi muốn trái cây Việt phải có chỗ đứng trong lòng người Việt, sau đó có vị thế về chất lượng lẫn thương hiệu trên bản đồ trái cây quốc tế. Để làm được điều đó thì chiến lược phát triển rất quan trọng, sao cho đáp ứng được nhu cầu và khẩu vị của thị trường, từ đó giải quyết bài toán được mùa mất giá.

Bà Nguyễn Ngọc Huyền - Chủ tịch Công ty TNHH MIA Group

Tham vọng của bản đồ số trái cây Việt Nam là trở thành sàn giao dịch B2B xuyên quốc gia và quốc tế. Sau khi đã hoàn thành giai đoạn 1 thì bản đồ số trái cây sẽ thể hiện rõ mỗi tỉnh, thành, mỗi địa phương, hợp tác xã có đặc sản gì, chỉ dẫn địa lý ra sao, vùng trồng như thế nào, sản lượng bao nhiêu... được thể hiện một cách rõ ràng.

Cuối năm ngoái, “bản đồ trái cây Việt Nam” được đề cử là xu hướng kinh doanh mới của châu Á tại Hội chợ ASIA Fruit Logistica 2022 quốc tế được tổ chức tại Thái Lan.

Sắp tới, đây sẽ là mạng xã hội để kết nối giữa người mua và người bán, nghĩa là chợ B2B, trong đó sẽ có chợ B2B nội địa và quốc tế. Tất cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế đều có thể tham gia. Doanh nghiệp sẽ đặt hàng, hợp tác xã nhận đơn trồng theo tiêu chuẩn khách yêu cầu. Từ đó, dần giải quyết tình trạng “được mùa mất giá”, cũng như xóa bỏ cảnh “giải cứu” nông sản.

Năm 2023, trong thời kỳ toàn cầu hóa và xã hội số, vấn đề chất lượng, chỉ dẫn địa lý và quảng bá trên nền tảng thương mại điện tử chính là một trong những giải pháp quan trọng giải bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Giống như Grab, “bản đồ trái cây Việt Nam” đã được Nguyễn Ngọc Huyền hiện thực hóa giúp kết nối các đối tác muốn nhập khẩu nông sản Việt Nam với người nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bà Nguyễn Ngọc Huyền - Chủ tịch Công ty TNHH MIA Group: Xây dựng bản đồ trái cây Việt Nam để vươn ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO