Trò chuyện doanh nhân

TS. Lê Kiên Thành: “Với tôi, doanh nhân không phải là nghề”

Ngọc Lý - Mỹ Huyền 14/09/2023 17:00

Từng kinh doanh, quản lý và điều hành nhiều doanh nghiệp, trong đó trực tiếp tham gia thành lập Techcombank và trở thành Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này trong 10 năm, nhưng TS. Lê Kiên Thành khẳng định: "Với tôi, doanh nhân không phải là nghề".

Trải qua quá nhiều công việc, từ sĩ quan quân đội, chuyển ngành làm khoa học với vai trò kỹ sư hàng không và nghiên cứu sinh về vật lý hạt nhân, TS Lê Kiên Thành nói, tôi cũng không hiểu tại sao cuộc đời đẩy mình đi nhiều ngã rẽ như thế. Sau những năm 1990, do cuộc sống quá khó khăn, tôi xoay sang làm kinh tế từ đó tới giờ. Hiện tôi lại thêm chức danh nhà báo và giữ vị trí Trưởng đại diện Tạp chí Việt Mỹ ở TP.HCM”.

1323213.jpg
Ảnh chụp: Quỳnh Lâm

* Vậy bây giờ ông còn tiếp tục kinh doanh?

- Đến hôm nay, tôi vẫn còn giữ nhà máy sản xuất mì ăn liền nho nhỏ ở Hà Nội mà tôi thành lập từ đầu thập niên 1990. Như vậy, dù rời khỏi công việc kinh doanh, tôi vẫn giữ lại cái nhỏ nhất. Mì ăn liền do nhà máy của chúng tôi sản xuất chỉ bán ở vùng sâu vùng xa, những nơi mà người ta ít xem quảng cáo. Chúng tôi không thể cạnh tranh được với các nhãn hàng mì ăn liền khổng lồ đang chạy quảng cáo trên TV, bởi mỗi 30 giây tốn không biết bao nhiêu tiền. Đổi lại, đội ngũ của tôi chịu khó khai thác thị trường ngách. Mì của chúng tôi có rất nhiều người ăn thử và trở nên “nghiện”. Do đó, chúng tôi vẫn tự tin “chiến đấu” với doanh nghiệp cùng ngành khác.

* Như ông từng chia sẻ, kinh doanh chính là để thoát nghèo, nhưng ngày nay, khi kinh tế đã phát triển, ông nghĩ điều đó có còn đúng không?

- Không. Nghèo là một giai đoạn. Còn khởi nghiệp là xác định đường đi cho mình. Không thể nói là cuộc sống nghèo khó mới khởi nghiệp. Bây giờ còn không ít người sống trong nghèo khó. Do đó, khởi nghiệp sẽ có cả người không nghèo và người nghèo. Người không nghèo sẽ dễ khởi nghiệp hơn vì họ có thể được bố mẹ cho một khoản vốn để làm ăn. Nhưng quá trình khởi nghiệp đều như nhau.

Trong một lần gặp gỡ với các bạn trẻ, họ hỏi tôi có lời khuyên nào cho những người không có điều kiện gì, nghĩa là khởi đầu kinh doanh bằng số 0. Tôi trả lời vấn đề họ đặt ra sai. Không có ai xuất phát từ số 0. Con người phải có ý chí, niềm tin, khát vọng và sức mạnh tinh thần, kể cả không được học. Có những người không có chân tay vẫn làm việc được, có cách để tồn tại. Bởi vì họ có ý chí và mãnh lực trong bản thân. Muốn thành công thì đừng bao giờ nghĩ mình không có gì cả. Nếu không vượt qua những điều này thì đúng là số 0 thật.

* Là con của cố Tổng bí thư Lê Duẩn, điều ấy với ông có phải là áp lực?

- Đó không hề là áp lực, nhưng lúc còn đi học, là con Tổng bí thư Lê Duẩn, tôi không được học dốt. Nhiều bạn học ở thời tôi, sau khi đi học về phải làm việc nhà, còn tôi thì không. Vì vậy, tôi bắt buộc phải học, có thể không phải là người số 1 trong lớp nhưng luôn nằm trong số những người đứng đầu. Tôi không cho phép mình gặp tình trạng thầy giáo gọi lên trả bài mà không thuộc. Sau này khi đi làm, tôi chỉ có áp lực là đừng làm điều gì xấu vì mình là con của bố Lê Duẩn. Nếu làm điều xấu thì làm điều bé nhất thôi vì nhiều khi không làm không được.

tn32423.jpg
TS. Lê Kiên Thành và cháu nội Lê Kiên Khôi

* Theo ông, doanh nhân giai đoạn trước đổi mới và sau đổi mới có điều gì giống và khác nhau?

- Doanh nhân tồn tại từ rất lâu đời ở nước ta. Về sau, Việt Nam tập thể hóa trong làm ăn. Xong lại đến giai đoạn để tự do cho mọi người kinh doanh, tức là quay lại điểm xuất phát chứ không phải sau đổi mới là mình làm ra điều gì mới. Ví dụ, việc giao đất cho nông dân là muôn đời nay rồi. Thế nhưng, giao đất như thế nào cho công bằng và đúng mới quan trọng. Nếu có người quá nhiều đất trong khi người không có mảnh đất nào cho nên mới xảy ra cách mạng để sắp xếp lại.

Có những nước cho tư nhân làm hết các ngành nghề, kể cả sản xuất vũ khí, nhưng chính phủ sẽ quản lý việc tư nhân bán vũ khí ấy cho ai, mục đích sử dụng. Việc gì chính phủ cũng tự ôm vào thì sẽ không làm tốt như tư nhân, do tư nhân làm vì lợi ích của chính họ.

Cô Ba Sương - Giám đốc Nông trường Sông Hậu là một trong những người quên mình vì tập thể, nhưng cũng là một trong những cá nhân rất hiếm hoi. Tại sao rất nhiều nông trường làm ăn đổ bể. Cổ phần hóa để cho tất cả sở hữu thì trở thành sở hữu tập thể thực thụ. Còn nếu một người sở hữu thì trở thành sở hữu tư nhân. Cho nên, một trong những khái niệm Tổng bí thư Lê Duẩn đưa ra là xã hội tập thể. Tức là nhiều người phải cùng làm chủ và biết cách làm chủ. Khi cơ sở sản xuất, kinh doanh bán cổ phần là phương thức làm chủ tập thể. Sở hữu đó là sở hữu tập thể thực thụ thông qua cổ phiếu.

Trở lại câu hỏi về doanh nhân ở các giai đoạn, chúng ta sẽ thấy rõ thời kỳ trước, doanh nhân chưa được tạo đầy đủ điều kiện để kinh doanh. Hồi đó, còn chưa có khái niệm công ty tư nhân. Doanh nhân bị cấm đoán đủ điều, vậy nhưng người ta vẫn “lách qua lách lại”. Chỉ mở một quán phở thời bao cấp đã là giàu, có mấy xưởng may là rất giàu. Bây giờ phải mở mấy khu đô thị mới giàu. Bây giờ không biết làm gì mới đi bán phở, nhưng vẫn có nhiều người vẫn mong có đủ tiền cho con bán phở như thuở xưa. Môi trường kinh doanh bây giờ rõ ràng hơn trước nhiều.

ts-le-kien-thanh-hat-cung-nguyen-chi-vinh-tran-viet-chung-va-nha-tho-tran-huu-viet.jpg
TS. Lê Kiên Thành hát cùng Cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, ông Trần Việt Trung và nhà thơ Trần Hữu Việt.

* Có không ít doanh nhân sau một thời gian lăn lộn trên thương trường và gặt hái được một số thành tựu đã cùng gia đình định cư ở nước ngoài. Theo ông thì vì sao?

- Tìm đến chỗ yên bình cho cá nhân và gia đình là điều dễ hiểu. Dĩ nhiên họ phải có tài sản tích lũy và chấp nhận “tôi tích lũy đến đây thôi”. Có người có nghề làm bánh gia truyền không thể từ bỏ thương hiệu cha ông để lại. Khó lòng phê phán người ra đi. Đó cũng là một trong những nguyên nhân trước đây không cho đảng viên làm kinh tế. Tôi từng nói, nếu chẳng may chiến tranh xảy ra, nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ đóng cửa, ra nước ngoài, còn những đảng viên làm kinh doanh sẽ trụ lại để bảo vệ đất nước. Vậy tại sao cấm đảng viên kinh doanh. Tất nhiên cũng có những đảng viên biến chất. Nhưng đảng viên thực thụ sẽ trụ lại.

Tôi từng chia sẻ với cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh rằng, sao không cho thành lập các đội bảo vệ những nơi đảng viên làm doanh nghiệp, nếu chẳng may có chuyện gì xảy ra thì cầm súng đánh lại để tự vệ. Hồi xưa có quan niệm cho rằng làm doanh nghiệp là xấu nên đảng viên không được dính vào.

* Theo ông, đóng góp giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài quốc doanh hiện khác nhau như thế nào?

- Có một số quan niệm cũ, nếu anh làm chỉ tốt cho bản thân anh, anh giàu cũng chỉ cho bản thân anh. Có một giai đoạn, khi trao đổi, người ta thường gọi doanh nghiệp nhà nước là “anh nhà nước”, còn doanh nghiệp tư nhân là “thằng tư nhân”. Tư nhân bao giờ cũng là “thằng”, Nhà nước bao giờ cũng là “anh”. Tư nhân làm tốt cho nó, cái gì nó làm ra nó tự hưởng. Người ta cho rằng đó là cách làm sai.

Sau này, rất nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ. Doanh nghiệp nhà nước làm ăn tốt rất ít. Ở nước ngoài cũng có doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp công ích. Những doanh nghiệp loại này chắc chắn lỗ mới để nhà nước làm. Còn ở ta, những gì ngon nhất thì để nhà nước làm. Điều ấy cũ nhưng tôi cho rằng đến nay vẫn thời sự.

Người ta ước tính khối ngoài quốc doanh có chừng 30% tài sản trong nước, nhưng họ làm ra đến 70% sản phẩm trong nước. Còn nhà nước đang giữ 60% tài sản nhưng chỉ làm ra 30% sản phẩm. Đó là sự khác nhau cơ bản.

* Nhưng doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa được ưu đãi…

- Ở góc độ pháp luật, không có doanh nghiệp nào được ưu đãi hơn doanh nghiệp nào. Doanh nghiệp nhà nước mà trốn thuế thì lãnh đạo doanh nghiệp ấy cũng bị bắt vào tù.

Tôi đã từng làm doanh nghiệp nhà nước, muốn làm được phải giỏi vì khó vô cùng. Một quyết định không lớn cũng phải qua Đảng ủy, ngay cả nhân sự cũng không được tự quyết. Ở cơ quan nhà nước, đuổi ông trưởng phòng hay một ông bảo vệ, một ông lái xe, khó lắm. Khi anh phải quản lý số vốn không phải của anh thì trách nhiệm nó “vớ vẩn” lắm. Làm lỗ người ta vẫn chẳng tiếc. Giám đốc doanh nghiệp nhà nước đến rồi đi. Nếu họ có cách trụ lại thì doanh nghiệp ấy dần dần sẽ cổ phần hóa, rồi người nhà của họ sẽ nắm giữ cổ phần chủ chốt. Vậy đã sang một dạng doanh nghiệp khác.

Bây giờ nếu giao cho một doanh nghiệp nhà nước, tôi sẽ không dám nhận, nếu làm có trách nhiệm thật sự thì khó lắm, rồi nhiều điều ràng buộc khác.

* Ông nghĩ sao về việc có một số doanh nhân được cho là thành đạt gần đây vướng vào vòng lao lý?

- Quá trình làm ăn giống như quá trình lái xe trên xa lộ. Nếu anh tuân thủ luật giao thông thì an toàn. Nhưng nếu anh chạy ẩu, chạy ngược chiều thì gặp tai nạn. Nếu không phạm luật thì anh không bị pháp luật trừng phạt.

Tôi nghĩ, một số việc nhiều doanh nhân Việt Nam làm lại không có doanh nhân nước ngoài nào dám làm. Ở nước ngoài, doanh nhân làm theo quy định mà không thành công, chấp nhận “cái chết tự nhiên”. Còn ở mình là những “cái chết phi tự nhiên”, suy cho cùng là do lòng tham, muốn làm giàu nhanh, muốn thật là giàu.

* Vậy làm sao để doanh nhân đóng góp cho xã hội?

- Quy định của pháp luật là hướng tới đạo đức. Chẳng hạn, thị trường chứng khoán đòi hỏi doanh nghiệp minh bạch tất cả hoạt động nhưng người ta vẫn thao túng thị trường. Quy định mở ra để ngăn chặn những người có ý muốn làm sai. Có người nói tôi tuân thủ quy định nhưng mua vào giá rẻ, bán ra giá cao. Những chiêu trò ấy toàn là của những người vì lợi ích riêng mình, bất chấp quyền lợi của người xung quanh. Cho nên đạo đức trong kinh doanh không giống đạo đức dạy trẻ trong trường. Tất nhiên cũng có những thiên tài nghĩ ra được phương thức làm giàu nhanh đúng đắn, nhưng đó là số hiếm.

Những doanh nhân bị bắt vừa rồi không có ai bị bắt vì làm lợi chung. Nhiều người đang bắt cả nền kinh tế này làm “con tin” cho họ. Họ thách đố, tôi đang vay nợ thế đấy, các anh có muốn cho tôi phá sản không. Nhiều ngân hàng lớn, đáng lẽ bình thường phải cho phá sản, nhưng chả ai dám. Nhiều ngân hàng dính với các công ty bất động sản khổng lồ, hai dạng này như một thách thức: Tôi đổ thì anh cũng đổ. Tôi biết chắc anh không dám làm tôi đổ. Tôi đổ thì ngân hàng đổ, nhiều ngân hàng đổ thì cả nền kinh tế đổ.

Vậy làm sao để hạn chế? Người quản lý phải nhận ra dấu hiệu tham lam khi mới phát sinh. Vì có người không phải có lòng tham ngay từ đầu nhưng đến mức độ nào đó thì lòng tham không dừng lại được.

Ở nước ngoài cũng có công ty lớn làm sai, vẫn bị bắt, như ông chủ Samsung là một ví dụ. Nhưng họ vẫn biết cách làm cho công ty đó không sụp đổ và công ty đó phải có nền tảng vững mạnh thật sự.

Tôi nghĩ nhiều người quản lý biết tình trạng tiêu cực ấy nhưng làm cách nào để ngăn chặn nó là không dễ, nếu anh không thật trong sáng. Chông chênh lắm.

* Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để doanh nhân đóng góp được nhiều hơn cho đất nước mà không sợ sai?

- Nếu như nơi đang sống là nơi đáng sống nhất thì người ta chẳng đi đâu cả. Hoặc ít người ra đi. Mà làm thế nào để trở thành nơi đáng sống để doanh nghiệp đóng góp cho xã thì đó là trách nhiệm của người lãnh đạo. Khi không phải còn là nơi đáng sống thì họ phải tìm đến nơi khác. Nơi đáng sống là nơi có đủ các yếu tố văn minh, dân chủ, an toàn và thân thiện.

Tại sao Đà Nẵng không có nhiều tiền nhưng vẫn trở thành nơi đáng sống? Sài Gòn là nơi đang hút nhiều người về đây để sinh sống. Chúng ta phải làm cách nào để những người sống ở đây đều có điều kiện sống, được đối xử đúng pháp luật như nhau.

Tôi nghĩ TP.HCM là hàn thử biểu của cả nước. Vừa rồi kinh tế thành phố đi xuống thì rất đáng ngại dù các tỉnh khác đi lên, chứng tỏ có điều gì không đúng đang xảy ra ở thành phố này.

Tôi từng chia sẻ với các lãnh đạo TP.HCM rằng, Trung Quốc to thế mà tăng trưởng hơn 10-20%/năm. Thành phố phải tăng trưởng hơn 20% vì thành phố có cả chục triệu dân. Nhưng trong thời gian rất dài, TP.HCM cứ tự hào tăng trưởng GDP được mười mấy phần trăm. Cả nước chỉ có 6-7%.

33432.jpg

* Làm sao để tạo động lực cho doanh nhân đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển của TP.HCM?

- Những người lãnh đạo phải xứng đáng là người lãnh đạo của TP.HCM. Nếu như người dân biết người lãnh đạo tham nhũng, bè phái, có công ty sân sau thì không bao giờ họ sống tốt. Bởi họ cho rằng, các ông như thế thì làm sao tôi tốt một mình được. Cho nên sự minh bạch từ chính sách đến những con người có trách nhiệm đều rất quan trọng. Nếu có chính sách tốt và có những con người tốt thì sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy hiếm có sai phạm nào mà doanh nghiệp không dính với quan chức. Hà Nội cũng vậy và tại TP.HCM vừa rồi sai phạm về đất đai cũng vậy. Doanh nghiệp không thể tự mình làm sai được, khó lắm.

Như vậy, muốn có con người tốt thì phải có môi trường tạo được con người tốt. Có giỏi lay trời mà muốn cây đào nở hoa giữa mùa Hè cũng không được. Tất nhiên, không phải là tất cả, nhưng phần lớn sẽ là như vậy.

* Ông có điều gì muốn gửi gắm với doanh nhân trẻ tại TP.HCM hiện nay?

- Tôi chỉ có thể nói điều này: Còn thành phố là còn chúng ta. Cho nên mọi hoạt động phải vì mục tiêu đó. Doanh nhân sống ở đây hãy làm việc vì điều đó. Bởi tại đây có gia đình mình và nhiều điều khác nữa. Mình phải nghĩ là mình đang sống trong cộng đồng, mình được tồn tại là nằm trong việc tồn tại chung. Nếu thật sự hiểu được điều đó thì đã sống đúng.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ thẳng thắn và thú vị!

Người mê golf

ts-le-kien-thanh-tai-san-golf-.jpg
TS. Lê Kiên Thành (quần đen) tại sân golf

Hằng tuần, TS. Lê Kiên Thành vẫn dành hai buổi chơi golf. Ông hiện là Chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA), có thành viên là hội golf địa phương, các câu lạc bộ golf và các sân golf ở các tỉnh, thành. VGA được Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch giao trách nhiệm quản lý cao nhất về golf ở Việt Nam, Với sự dẫn dắt của TS. Lê Kiên Thành, hiện VGA tổ chức khoảng 10 giải đấu mỗi năm tại một số địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TS. Lê Kiên Thành: “Với tôi, doanh nhân không phải là nghề”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO