Trò chuyện doanh nhân

Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch AA Corporation: “Tôi chỉ là nguồn cảm hứng cho người khác”

Lữ Ý Nhi 31/08/2023 17:00

Ba lần hẹn phỏng vấn Chủ tịch AA nhưng đến lần thứ tư mới có lịch. Biết ông là người rất đúng giờ, tôi đến trước giờ hẹn 5 phút nhưng ông cũng đã có mặt trước 5 phút, sẵn sàng cho buổi trò chuyện khá thân tình với cả trà và bánh. Ông nói: “Mình có hơn nửa tiếng chuyện trò và tôi không muốn nói về cá nhân, chỉ nói những vấn đề của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam”.

Không chờ tôi đặt câu hỏi, ông tiếp ngay câu chuyện với một tâm trạng khá phấn khởi.

Một tín hiệu rất vui là từ cuối tháng 2/2023, đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) ngành gỗ đang phục hồi, tạo cơ hội cho ngành này hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu và phát triển bền vững trong tương lai. Đáng mừng là không chỉ có tín hiệu tích cực về tăng trưởng sản lượng, mà còn xuất hiện nhiều xu hướng và yêu cầu mới từ các thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và nhiều nước khác.

* Nhưng trong lạc quan mới, cũng sẽ có những thách thức mới?

- Ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đang đặt ra nhiều yêu cầu về tiêu dùng bền vững. Hầu hết thị trường quốc tế đặt ra những yêu cầu cao về cam kết giảm thiểu khí thải carbon, hướng đến phát thải ròng bằng 0 (Net Zero Carbon) nên ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam cũng có không ít thách thức như tiêu chuẩn về gỗ của Liên minh châu Âu (EUTR) hay cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, có hiệu lực từ tháng 10/2023.

2.jpg

Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào thị trường châu Âu sẽ phải chịu thêm chi phí, nếu không chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon. Vì thế, các DN trong ngành phải tập trung vào việc sử dụng nguồn nguyên liệu và quá trình sản xuất bền vững, giảm thiểu lượng khí thải carbon ra môi trường, cải tiến và thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, xã hội và trách nhiệm DN, nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung vào sáng tạo và thích ứng với yêu cầu của thị trường. Đạt được mục tiêu này, ngành gỗ nội thất Việt Nam sẽ vươn xa trên thị trường quốc tế và đạt được thành công bền vững trong tương lai.

* Trước những yêu cầu ngày càng khắt khe, chiến lược mới của ngành đang đặt ra như thế nào, thưa ông?

- Cần nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm để tăng tính cạnh tranh và thu hút sự quan tâm của các thị trường khó tính. Tập trung vào nghiên cứu và phát triển, đưa ra những sản phẩm có thiết kế sáng tạo và độc đáo, thích ứng với gu thẩm mỹ đa dạng của người tiêu dùng.

Đẩy mạnh tiếp thị và quảng bá thương hiệu gỗ nội thất Việt Nam trên thế giới, như việc sử dụng các kênh truyền thông hiện đại và công nghệ số sẽ giúp tiếp cận đến đông đảo khách hàng tiềm năng và tạo dựng hình ảnh cho ngành công nghiệp gỗ Việt Nam.

* Đó là chiến lược lâu dài, còn trước mắt ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đang cần giải quyết những khó khăn gì?

- Trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, những sụt giảm của ngành gỗ và nội thất nói riêng và nhiều hệ lụy kèm theo các yếu tố tiêu cực là có. Tuy nhiên, việc giảm đơn hàng hiện nay của ngành gỗ chỉ là tạm thời. Ngành nội thất Việt Nam vẫn có nhiều dư địa để phát triển trong 5 năm, 10 năm tới. Vì thế, khi tôi gặp một số anh em trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đều nhất trí phải có phương án để hỗ trợ ngành gỗ, vì nếu trong trường hợp khó khăn ngắn hạn mà không có những hỗ trợ cho ngành thì sau này sẽ mất nhiều cơ hội và tổn thất cho nền kinh tế. Bởi đây là cả là một chuỗi cung ứng chứ không đơn giản chỉ là một ngành nghề.

Hơn nữa, ngành gỗ và nội thất (ngành gỗ gồm trồng rừng và chế biến, ngành nội thất thì có xuất khẩu chế biến), được đánh giá là ngành quan trọng của Việt Nam, đóng góp xuất khẩu và cả kinh tế xã hội cho Việt Nam, sử dụng được 500.000 - 1 triệu lao động từ nay đến năm 2025.

Nếu so với mức phát triển GDP trung bình của toàn cầu, ở mức 3%, tốc độ tăng trưởng kép của ngành nội thất thế giới là 4,5%, ngành chế biến gỗ Việt Nam phát triển trung bình 15,4%/năm là một con số chứng tỏ vị thế và tiềm năng rất lớn.

Một trong những giải pháp ứng phó với tình hình hiện tại, đó là gần đây, ngành gỗ chứng kiến một đợt dịch chuyển mới, có thể gọi là mở rộng biên độ kinh doanh. Cụ thể là việc các thương hiệu nội thất lớn của Việt Nam đang mở rộng hiện diện ở các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Đặc biệt là thị trường của các nước siêu giàu ở Trung Đông như Arab Saudi, Dubai để tiếp cận cơ hội cung ứng cho các siêu dự án bất động sản mới.

Bạn đọc đề cử 10 doanh nhân truyền cảm hứng 2023 nhấn vào ảnh bên dưới:

part-1_3.gif

* Trong tương lai và hiện đang bắt đầu, gỗ sẽ là vật liệu của xây dựng trong tương lai trên toàn cầu nhưng trong nhận thức của người tiêu dùng trong nước, vẫn xem việc sử dụng gỗ là phá hoại môi trường, ông nghĩ sao về điều này?

- Hiện nay, nhận thức của xã hội về việc sử dụng gỗ, xem gỗ là vật liệu bền vững chưa được quan tâm. Mọi người vẫn quan niệm sử dụng gỗ là phá hoại môi trường. Cứ nhìn thấy một cái cây bị chặt là cho rằng hủy hoại môi trường. Điều đó cực kỳ sai và đang đi ngược lại xu thế.

Trên thế giới, người ta đang khuyến khích trồng rừng để phủ xanh đóng góp vào mục tiêu Net Zero và gỗ là vật liệu duy nhất trên toàn cầu có khả năng tái tạo. Hiện nay với phương pháp mới, gỗ còn có khả năng không bị mối mọt và bị môi trường ăn mòn là rất ít, độ bền có thể đến từ 100-200 năm, kể cả độ chống cháy. Vì thế, hiện nay một số quốc gia đang xem gỗ là một vật liệu xây dựng trong tương lai. Cần hiểu, gỗ ở đây là gỗ bền vững, được khai thác có chứng chỉ rừng, có nguồn gốc, được phép khai thác.

4.jpg

Hiện chúng ta đã ký kết với châu Âu và nhiều quốc gia khác về gỗ bền vững. Nghĩa là chúng ta phải đảm bảo với châu Âu không chỉ là gỗ xuất khẩu qua châu Âu mới là gỗ bền vững, mà phải đảm bảo toàn bộ gỗ của Việt Nam được sử dụng đều phải bền vững.

Đây là điều rất khó nhưng nếu Việt Nam không làm được việc đó thì khả năng khi châu Âu đưa ra các điều luật phạt, cụ thể bằng cách tăng thuế thì khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam rất thấp. Đây là vấn đề lớn mà Chính phủ cần quan tâm. Phải xác định và khuyến khích sử dụng gỗ bền vững, triệt để ngăn chặn khai thác gỗ lậu. Không chỉ ở Việt Nam mà từ các nước khác nhập về.

* Đề xuất giải pháp cụ thể của ông?

- Các phương tiện thông tin đại chúng phải tuyên truyền dài hơi và quảng bá rộng rãi thành chương trình hành động của quốc gia. Bên cạnh đó là chính sách xuất khẩu, thuế, thanh kiểm tra… làm thế nào để giúp đỡ DN chứ không phải làm khó thêm.

Ví dụ như việc phòng cháy chữa cháy vừa rồi làm cho DN rất mệt mỏi. Về vốn, nếu như Chính phủ can thiệp được và ngân hàng có những nguồn vốn để hỗ trợ thì cũng tốt. Thật ra đây cũng là vấn đề khó, nhưng Chính phủ cần xem xét có những chính sách tài trợ về công nghệ, thiết bị máy móc.

Ở các quốc gia như Singapore, Ý… nếu trong vòng 5 năm, DN có chính sách đổi mới thì sẽ được tài trợ một phần. Ví dụ như khi DN đổi máy mới, thì giá máy mới đó chính phủ Singapore hay Ý hỗ trợ cho 50%, DN Việt Nam chỉ cần được hỗ trợ từ 10-20% cũng sẽ khuyến khích đổi mới rồi.

Vấn đề quan trọng hơn là sự động viên cho ngành sản xuất cơ khí. Vì một sản phẩm nội thất cũng liên quan đến ngành cơ khí rất nhiều. Ví dụ ở Ý, tất cả ngành cơ khí họ sống được là nhờ sự động viên của chính phủ. Các DN đổi mới thiết bị nếu mua máy nội địa, thay vì đi mua máy của nước khác thì chính phủ sẽ ưu tiên.

Tôi cho rằng chính sách tài trợ là rất cần và tốt vì nếu không, DN làm sao có tiền để đổi mới thiết bị. Nếu cứ đi vay thì lại khó. Trong lúc cạnh tranh với các nước khác, nước nào cũng được ưu đãi thì DN Việt Nam lại bị thua thiệt hơn.

Hoặc việc xây dựng một trung tâm hỗ trợ đủ lớn. TP.HCM hiện có tỷ trọng xuất khẩu đồ gỗ lớn. Năm ngoái xuất gần 6 tỷ USD. Ngành gỗ Việt Nam đứng thứ nhì châu Á và nhất Đông Nam Á. Thế nhưng, nước nào cũng có khu hội chợ rất lớn, gần cả trăm nghìn mét vuông. Chưa kể kinh doanh hội chợ cũng hỗ trợ cho ngành thương mại rất lớn. Vì cả nghìn DN gỗ của Việt Nam không phải ai cũng có điều kiện tham gia các hội chợ quốc tế.

Hiện tại, chúng ta đang khuyến khích DN ngành gỗ và nội thất không bán hàng gia công nữa thì phải có chỗ cho họ quảng bá sản phẩm.

* Đó là chính sách từ Chính phủ, bản thân DN cũng phải tự thay đổi. Vậy bắt đầu từ đâu và làm thế nào?

- Quy luật của thương trường ở đâu cũng vậy, muốn đi xa bền vững thì phải theo xu hướng và phải tự đổi mới. Những năm trước, DN nào cũng ăn nên làm ra thì năm nay khó khăn, phải lấy của để dành ra đầu tư.

Lúc này là lúc phải nghiên cứu, xem lại, cắt giảm mọi thứ. Ngay cả việc phải tiết kiệm làm sao để có năng suất hơn. Vì nhân công của mình bây giờ không rẻ nữa, gần bằng Malaysia và Thái Lan, thậm chí cao hơn. Nếu tiếp tục chỉ lấy sức ra làm mà không đổi mới thì lâu dài sẽ không cạnh tranh nổi.

Đặc biệt, trong xu thế mới, phải ngồi lại nghiêm túc xem lại hệ thống, bộ máy, tập trung chuyển đổi số (nghĩa là phải có một bước tiến thay đổi về sản xuất với sự tham gia của số hóa). Tập trung vào làm hàng OEM, phải tự thiết kế, tự làm, mạnh dạn đi thuê designer (nhà thiết kế), như vậy mới làm chủ được, mới tăng được giá trị thiết kế, sử dụng gỗ rừng trồng ở Việt Nam để hỗ trợ ngành trồng rừng của Việt Nam. Các DN Ý, họ không bao giờ đi làm gia công cho ai mà chỉ bán hàng tự làm, tự thiết kế, sáng tạo để gia tăng giá trị cho món hàng của họ.

5.jpg

* Nhiều nước đang hạn chế nhập khẩu do kinh tế khó khăn và ảnh hưởng do tác động của địa chính trị, ngành công nghiệp gỗ và nội thất nói chung và AA nói riêng đang tìm đến thị trường mới, đơn cử như Trung Đông. Vậy cần chuẩn bị gì, thưa ông?

- Các thị trường mới như Trung Đông đang là thị trường tiềm năng. Vì đây là một thị trường có rất nhiều công trình xây dựng, đặc biệt như các nước Arab Saudi có những công trình mấy chục nghìn tỷ nhưng họ lại không có ngành công nghiệp gỗ.

Bên cạnh đó, có sự thay đổi trên thế giới khi vai trò công xưởng của Trung Quốc đang bớt dần. Nếu ngày xưa làm gì cũng nghĩ đến Trung Quốc thì bây giờ nhiều nước đang thận trọng và có thể chọn các nước khác như Việt Nam, đặc biệt là Ấn Độ… Riêng Trung Quốc cũng không có sự cạnh tranh vì giá nhân công của họ cao, năng suất của họ trong ngành này cũng gần tới đỉnh nên cơ hội họ thắng Việt Nam cũng khó.

Nếu DN Việt Nam có hàng tốt, vẫn có thể bán vào thị trường tỷ dân này với sức tiêu thụ nội địa rất lớn và người dân thích sự đa dạng. Vấn đề là sự sáng tạo của mình đến đâu thôi. Hiện AA cũng đang chuẩn bị tham gia hai hội chợ lớn quốc tế cho năm tới.

* Liệu có rủi ro khi bước sang thị trường mới?

- Thị trường nào cũng có đủ rủi ro riêng của nó, nếu không hiểu thì sẽ thành rủi ro. Nên tôi hay nói: Phải đi cùng nhau là vì thế. Cái khó nhất của tất cả thị trường là khả năng thanh toán, hợp đồng, đối tác và các pháp lý khác…

Hiện ngành gỗ gắn bó rất chặt chẽ với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và được hỗ trợ rất nhiều. Ví dụ như cung cấp thông tin về các đối tác, DN có uy tín hay không, danh tiếng ra sao để DN biết và tránh.

* Trước sự khó khăn, nhiều DN Việt Nam thuộc các ngành gỗ, nội thất, cơ khí, dệt may… đã bán lại cho các công ty Trung Quốc, ông có cảm thấy lo?

- Trung Quốc vừa rồi có làn sóng đi mua rất nhiều công ty của Đài Loan, công ty của Mỹ và các nước khác. Tại Việt Nam cũng có một số nhà máy lớn thuộc về Trung Quốc. Thực ra, M&A là bình thường. Nó có cái hay và cái dở nhưng Việt Nam đang là nền kinh tế mở, chúng ta cũng đã ký kết hợp FTA nên phải chấp nhận cuộc cạnh tranh sòng phẳng và DN không thể nào tránh né được.

* Như vậy, thương hiệu Việt sẽ mất hết. Ví dụ bia Sài Gòn vẫn là tiếc nuối của người dân TP.HCM.

- Vấn đề là làm sao để người Việt Nam luôn có sự sáng tạo tự tin với thương hiệu quốc gia, đó chính là động lực để mỗi DN phải thay đổi và phấn đấu làm không ngừng. Ví dụ, VinFast là một trong những DN đã thể hiện tinh thần đó và họ đã làm được những việc rất vĩ đại, tôi cho đó chính là động lực cho tất cả DN. Không chỉ một mình VinFast mà còn rất nhiều công ty khác của chúng ta cũng có thể làm được.

Từ sự kiện của VinFast, nếu chúng ta phát động được những phong trào xây dựng thương hiệu quốc gia thì rất tốt. Ví dụ như ở Hàn Quốc có những tập đoàn dẫn đầu như Samsung, Huyndai… Họ thành công sẽ kéo theo các DN khác cũng tự tin theo.

Thực tế khó khăn càng cho thấy, DN Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn, vì bây giờ không thể tìm những cơ hội dễ dãi được nữa.

* Là Chủ tịch Hội Mỹ nghệ - Chế biến gỗ TP.HCM, ông thấy vai trò của các tổ chức hội bây giờ đã hỗ trợ cho DN thực chất chưa và vai trò đã được nhìn nhận ra sao?

- Vai trò của các tổ chức hiệp hội và hội hiện nay rất quan trọng, đã đề đạt được rất nhiều vấn đề quan trọng chung của DN tới Chính phủ. Hiện nay, Chính phủ và các bộ ngành đều rất xem trọng các hội và hiệp hội. Mỗi khi ban hành chính sách mới đều tư vấn các hội và hiệp hội, lắng nghe ý kiến. Tôi cho đây là những tiến triển rất tốt.

Gần đây, người ta nói đến tình trạng nhiều cán bộ công chức ngại làm vì sợ sai. Tuy nhiên, do một vài chính sách vĩ mô khiến tâm lý một số cán bộ ngại làm thôi chứ không phải tất cả. Thực tế, vẫn có nhiều cán bộ đang hỗ trợ cho DN rất tích cực.

* Sắp đến Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, trong bối cảnh kinh tế còn chưa sáng, ông có suy nghĩ gì không?

- Trong kinh doanh có những thuận lợi thì cũng có những rủi ro và khó khăn. Tuy nhiên, tùy theo độ khó nhiều hay ít mà người lãnh đạo phải thể hiện bản lĩnh để có thể lãnh đạo cả tập thể vượt sóng. Lúc này là lúc chúng ta không được nản, phải nghĩ trong khó sẽ ló cái khôn. Có ngày nắng thì phải có ngày mưa. Vấn đề là không phải làm sao trời không mưa mà khi mưa thì mình phải sẵn sàng cái gì.

* Theo ông, doanh nhân bây giờ có bị mất niềm tin khi có quá nhiều khó khăn không?

- Tôi nghĩ, niềm tin quan trọng nhất của doanh nhân là niềm tin vào chính mình và tập thể của mình, vì không ở đâu mà có một môi trường hoàn toàn thuận lợi. Doanh nhân Việt Nam qua Mỹ thì cũng thấy bên Mỹ đầy những khó khăn. Một người nước ngoài vào đây thì cũng thấy rất là khó làm. Quốc gia nào cũng có những điều kiện riêng, vấn đề là thích ứng được thì làm được.

16ce6968afb87de624a9.jpg

* Ông suy nghĩ gì cho bức tranh phát triển kinh tế của thành phố?

- Theo tôi, TP.HCM sẽ phải định hướng là một trung tâm của dịch vụ và dịch vụ phải rất tốt, người sử dụng dịch vụ nên được xem là thượng đế. Thành phố phải xác định định hướng đó để thay đổi tư duy và hành động. Thứ hai là phải tìm ra được cho mình một số ngành lợi thế để đầu tư. Ví dụ lợi thế của mình là trung tâm giao thông, có kho bãi, cảng xuất khẩu, sân bay logistics… nhưng còn rất nhiều dịch vụ chúng ta chưa làm hết.

Một trung tâm hội chợ lớn, tầm cỡ là một ví dụ. TP.HCM phải trở thành một thành phố giao thương buôn bán, trung tâm giao thông để người khác đến đây, đi du lịch, hội chợ phải mua sắm, ăn uống và tiêu tiền về đêm. Và điều rất nhỏ nhưng lại quyết định, đó là muốn khách đến lưu trú thì thành phố phải rất sạch sẽ.

TP.HCM có rất nhiều lợi thế về du lịch nhưng đừng để khách đến đây rồi đi nơi khác. Lợi thế của chúng ta là giới trẻ Việt Nam cực kỳ năng động, cực kỳ giỏi nên cần mở cửa và tạo điều kiện cho giới trẻ phát triển.

* Bao giờ thì ông tính nghỉ ngơi?

- Tôi sẽ làm cho đến bao giờ không thể làm được nữa, không thể đóng góp được nữa. Thật ra, sứ mệnh của công ty tôi và của ngành để đi đến đích thì cũng chưa tới. Ngành gỗ và nội thất Việt Nam xứng đáng hơn rất nhiều. Và tất cả người lao động trong ngành này, xứng đáng hơn rất nhiều những gì đang có và tôi mong muốn những người lãnh đạo DN trong ngành này cũng có niềm đam mê đó. Vì có rất nhiều anh em, sau thời gian tích lũy được tiền, đã chuyển sang ngành khác nhiều tiền hơn như bất động sản. Đó là điều rất tiếc. Vì đó là những người rất giỏi. Nếu họ tiếp tục thì giá trị đóng góp cho kinh tế và cho ngành còn lớn hơn rất nhiều.

* Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện thân tình.

Hạnh phúc nhất của tôi

Đương nhiên là gia đình, bà xã và các con đã cho tôi hậu phương vững chắc để làm việc. Nhưng hạnh phúc thực sự tôi có được ngày hôm nay là đã chọn được một ngành rất yêu thích, rất phù hợp để tôi có thể sử dụng khả năng của mình tối đa trong đó, mang lại cho tôi lợi thế hơn rất nhiều các công ty, ngay cả với nước ngoài và cộng chung với lợi thế của Việt Nam trong đó. Chứ nếu tôi chọn một ngành mà ở đó tôi cảm thấy lẻ loi thì rất buồn.
Thứ hai là bao nhiêu năm rồi, tôi có một đội ngũ anh em mà tôi cho rằng rất là giỏi, rất là yêu nghề, những con người rất quý, sống vì nghề và làm công việc lương thiện, trong sạch, luôn mong lại những sản phẩm tốt cho xã hội.

Điều tôi tự hào…

Về quy mô công ty, tôi không thể so sánh với các công ty khác. Nhưng đóng góp cho xã hội thì có. Đó là điều tôi rất tự hào. Tôi tự hào vì mình ngang tầm, ngang sức với tất cả công ty nước ngoài và gần như là công ty số một của ngành này tại Việt Nam. Nhưng không phải là cá nhân tôi làm được, đó là quá trình rất lâu để tôi có thể làm được điều đó. Đây không phải khiêm tốn mà là sự thật. Nếu một mình, tôi không thể tiếp tục làm nổi việc này.

runam-bistro-1.jpg

AA đã thực hiện 178 dự án trang trí nội thất trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, AA đã thực hiện 44 dự án, nổi bật trong số đó là các nhà hàng ẩm thực thuộc chuỗi RuNam; cửa hàng một số thương hiệu thời trang xa xỉ tại TP.HCM như Louis Vuitton, Ballenciaga, Chanel, Cartier, Christian Louboutin, Showroom Công Trí, Park Hyatt Saigon Hotel, Pullman, Novotel, Movenpick, Anam Mũi Né, Sheraton, Caravelle, Sofitel, The Grand Hồ Tràm Strip, Landmark 81…

Ngoài công việc, ông Nguyễn Quốc Khanh còn là người bạn đồng hành của vợ trên thương trường. Vợ ông - bà Lý Quỳnh Kim Trinh - cũng là một doanh nhân với sự nghiệp kinh doanh gồm ba nhà hàng CIAO tại TP.HCM và Hà Nội, nhà hàng Santa Lucia chuyên các món ăn Ý và nhà hàng Sama chuyên thức ăn Pháp, cả hai đều ở quận 1.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch AA Corporation: “Tôi chỉ là nguồn cảm hứng cho người khác”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO