Trò chuyện doanh nhân

Bà Lê Thị Thu Huyền - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Nữ Hoàng: “Buông bỏ sẽ thấy yêu thương nhiều hơn”

Lữ Ý Nhi 16/08/2023 17:00

Đang ở đỉnh cao sự nghiệp, có trong tay khối tài sản hàng triệu USD, bất ngờ Chủ tịch HĐQT Công ty Nữ Hoàng Lê Thị Thu Huyền quyết định vào chùa tu tập.

5j0a1761.jpg

Hằng ngày học kinh, gõ mõ, chị thực hiện hạnh Phật cho đi tất cả, dành tình yêu thương vẫn không quên trách nhiệm với cộng đồng, giúp người nghèo khó. Chị đã truyền nguồn cảm hứng về lối sống thiện lành, an nhiên nhưng vẫn mang lại giá trị cho đời.

Chị nói: “Cuộc sống muốn tốt, xã hội muốn tươi thì phải có thật nhiều con người biết gieo hạt giống lành và lan tỏa nó”. Đây cũng chính là lý do chị nhận lời trò chuyện với Doanh Nhân Sài Gòn.

Chị đề nghị tôi gọi chị bằng “cô” thay cho cách xưng hô “bà” hay “doanh nhân”, vì như thế sẽ đúng hơn với một người đã xuất gia nơi của Phật.

* Thưa cô, nhiều người vẫn giác ngộ tu tâm ngay trong cuộc sống, công việc hằng ngày, vì sao cô lại phải “xuống tóc” vào chùa tu tập?

- Tôi sinh ra trong một gia đình cũng bình thường như bao gia đình khác ở Phú Thọ. Nhà tôi không theo tôn giáo mà chỉ thờ gia tiên ông bà.

Nhà tôi ở gần chùa nên vào mùa hội hay lễ chùa, tôi thường theo bà, theo mẹ, bạn bè trong xóm và các anh chị đến chùa. Có điều lạ là mỗi khi nghe tiếng gõ mõ, tụng kinh, tiếng ngân vang của chuông đồng nơi chánh điện và nhìn mọi người chiêm bái, hành lễ, tôi cảm thấy rất an lạc, trong lòng an yên, nhẹ nhõm.

Từ đó, âm thanh và cảnh chùa bình yên cứ vương trong ký ức. Tôi muốn được sống trong sự thanh an ấy.

Sau hết những năm tháng thăng trầm của cuộc sống, lăn lộn trên thương trường, chiêm nghiệm lẽ thịnh suy, nhất là được thẩm thấu triết lý đạo Phật, được tìm hiểu về gốc rễ của sự sống và triết lý sâu xa của Phật giáo, sự vô thường, luật nhân quả, tôi thấy như tìm được một nguồn năng lượng và ánh sáng soi đường cho sự giác ngộ của mình, nên quyết định buông bỏ chuyện thế sự đời thường, trao quyền điều hành công ty cho em trai để ngược dòng đời, tìm cuộc sống thanh bần nơi cửa Phật. Tôi đã tìm đến Thượng tọa Thích Tục Bách trụ trì chùa An Biên, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng xin xuống tóc xuất gia, nhưng phải mất hai năm dài thử thách mới được thầy Tổ đồng ý và tôi đã được thầy ban cho pháp danh Liên Hoa Pháp Tạng.

* Khi ấy, cha mẹ, anh chị em trong gia đình có bất ngờ và khuyên cô quay về hoàn tục không?

- Tôi từng đặt ra mục đích phải trở thành người giàu có, tỷ phú vì nó khiến tôi tự hào, giúp tôi có cuộc sống đủ đầy và tươi đẹp. Thế nhưng, khi đã đạt được mục đích, tôi thấy giá trị sống không chỉ có vậy.

Nhận ra hạt giống bồ đề kiếp trước cũng là cây bồ đề kiếp này nên quyết định buông bỏ. Tựa như đức Phật khi xưa bỏ lại vợ đẹp con ngoan, bỏ lại ngôi đế vương, nửa đêm băng rừng khổ hạnh đi học đạo vậy.

Khi nghe tôi vào chùa, gia đình tôi đều bất ngờ và lo lắng rất nhiều. Bởi vì tôi không chỉ là một người con, mà còn là tài sản rất lớn trong gia đình và cũng là trụ cột về kinh tế của gia đình, nên bố mẹ sợ tôi đi tu thì mất con.

Tôi phải thuyết phục mọi người để biến sự lo lắng, phản đối thành sự an tâm. Đầu tiên, tôi phải cho mọi người hiểu rằng xuất gia là một việc rất tốt và an lạc, từ sức khỏe đến tinh thần, sau đó là chứng minh việc ăn chay là tốt, buông bỏ là nhẹ nhàng.

Khi nhìn thấy tôi sống rất vui, rất hạnh phúc, gia đình bắt đầu yên tâm, thậm chí tự hào và ủng hộ. Không ai còn thuyết phục hay muốn tôi hoàn tục nữa.

* Cô đã thuyết phục chồng thế nào và các con cô phải xa mẹ khi còn nhỏ có làm cô trăn trở không?

- Đã quyết xuất gia để chuyên tâm cho việc tu tập, tôi phải chia tay chồng nhưng may mắn được chồng tôi ủng hộ, thuận tình. Chồng tôi bây giờ cũng quy y phật tử.

Ba đứa con tôi đang đi học, tôi gửi lại cho em trai nuôi dưỡng. May mắn và cũng là nhân duyên rất lớn là cả ba cháu đều được thế phát gieo duyên và cũng ăn chay trường, sinh hoạt tại tịnh thất như những chú tiểu theo đúng quy định của nhà chùa và cũng đều mong muốn được xuất gia thế phát.

4634834.jpg

* Theo nghĩa “buông bỏ” được hiểu là không còn quan tâm đến thế sự nhưng cô vẫn là người cố vấn công ty và “vương vấn” nhiều công việc xã hội, liệu có đúng nghĩa “buông” của người xuất gia chưa, thưa cô?

- Nỗ lực trở thành một người thành đạt là điều rất khó với tôi và với nhiều người, nhưng để buông bỏ sự nghiệp, buông bỏ cuộc sống đời thường đang sung sướng tìm đến cuộc sống thanh bần nơi cửa Phật còn khó hơn. Như đã nói, tôi có một ước mong thôi thúc phải hướng đến. Và đến cửa Phật để được tu tâm, thân, trí cũng là nhân duyên lớn của đời tôi.

Tôi nghĩ, khi mình đã đạt được thành tựu trong kinh doanh thì nên buông bỏ bản ngã của mình để chia sẻ thành công với mọi người. Đó mới là thành công thực sự.

Song để tách mình ra khỏi vòng quay của công việc đã trở thành thói quen, vốn là hơi thở hằng ngày của mình trong gần 20 năm là một việc rất khó làm được nếu không đủ nhân duyên với Phật pháp.

Tôi có rất nhiều tình yêu với đại chúng, vì thế để có thể làm nhiều việc hơn cho cộng đồng, tôi phải giao lại nhà máy cho em trai và các cộng sự.

Nếu như tôi cứ khư khư ôm giữ khối tài sản mình có, ôm nhà máy, ôm công việc kinh doanh thì sẽ không có nhiều thời gian để thực hiện điều mình ước muốn, không thể lan tỏa, sẻ chia những giá trị mà tôi muốn làm.

Mặc dù hiện nay tôi không trực tiếp điều hành công ty nhưng khi công ty cần, tôi vẫn tư vấn và đóng góp ý kiến, vẫn theo dõi và uốn nắn nhân viên từng ngày.

Tôi muốn các em không chỉ giỏi nghề nghiệp, mà còn muốn công ty phải phát triển trên nền tảng nhân văn và đạo đức kinh doanh. Trong đó, nhân viên phải có suy nghĩ tích cực.

Tôi muốn việc làm của mình, phẩm hạnh mình đang tu tập rèn luyện mỗi ngày sẽ là nguồn cảm hứng để các em sống nhân ái, chan hòa hơn, không sống cho bản thân mà biết sẻ chia, đóng góp giá trị của mình cho công ty, cho cộng đồng.

Sau hết, điều tôi muốn truyền lại đó là khi buông bỏ, bạn sẽ nhìn mọi việc nhẹ nhàng hơn, yêu thương con người nhiều hơn.

* Quan niệm “xuất gia là lánh đời, lui vào ở ẩn và sống an phận thủ thường”, như vậy có mâu thuẫn với những ước nguyện cô đang muốn làm nhiều việc cho xã hội?

- Trong Trường Bộ kinh, Đức Phật khuyến khích đệ tử: “Các tỳ kheo hãy đem lại sự tốt đẹp lợi ích vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người. Mỗi người hãy đi một ngả.

Sức mạnh chư tăng ni hành đạo là điểm vững chắc để hội nhập, vì theo Phật giáo “tất cả chúng sanh vốn là cha mẹ, con cái của nhau từ nhiều đời nhiều kiếp”. Cho nên, mọi sự vật hiện tượng không thể tách rời độc lập.

Thấm nhuần giáo lý Phật dạy, tôi cũng quan niệm “sống và làm việc không phải cho mình mà là cho tất cả mọi người”.

Tôi đi tu là để tiếp tục phát triển, là để tu trên con đường kinh tế. Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới và thấy ở Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan là những nơi Phật giáo đang phát triển rực rỡ nhưng kinh tế của họ phát triển rất mạnh và có rất nhiều doanh nhân tỷ phú.

Thật ra, người xuất gia cũng có trăm ngàn điều ước mơ, điều ước của tôi là muốn tất cả mọi người đều trở thành doanh nhân thành đạt, có chí hướng phấn đấu thì đất nước Việt Nam sẽ ngày một phát triển.

Tôi luôn hy vọng Phật giáo Việt Nam có thể trở thành một đất nước quốc Phật. Bất cứ một quốc gia nào phát triển cũng dựa trên ý thức của những người dân, lấy dân làm gốc. Nếu họ có tâm hướng thiện thì sẽ chăm sóc cho gia đình của họ tốt hơn, làng xóm tốt hơn, thành phố sẽ tốt hơn và chắc chắn đất nước sẽ tốt hơn.

Tôi cũng luôn mong ước cho người dân bớt nghèo, bớt nặng gánh lo toan về vật chất và mưu sinh. Và tôi sẽ dành hết quãng thời gian còn lại của mình để phát nguyện cho điều đó.

* Đến nay, cô đã làm được điều nào trong phát nguyện của mình chưa?

- Sau khi xuất gia, tôi luôn tu bồi trí đức, hộ trì các chư tăng đang theo học các trường Phật học trong và ngoài nước, thực hiện những việc mà mình phát nguyện như tác ý cho cha mẹ quy y Tam bảo, vận động anh em biết đến Phật pháp, ăn chay, bố thí cúng dường, lan tỏa nhiều hạt giống đẹp cho mọi người ươm mầm.

Vào những ngày mồng 1 và 15 âm lịch hằng tháng, tôi cùng hiệp hội doanh nghiệp tại địa phương tổ chức những buổi chia sẻ về giáo lý Phật đà, về cái tâm trong kinh doanh. Ngày càng có nhiều doanh nhân đến Tịnh thất Liên Hoa để được nghe giáo lý, chia sẻ vật chất với cộng đồng và những hoàn cảnh khó khăn.

Những buổi giáo lý như vậy đã có ảnh hưởng tích cực đến văn hóa kinh doanh trong giới doanh nhân, nhiều người đã lấy chữ “tâm” làm gốc, đóng góp thêm giá trị và phần phúc lợi cho xã hội, sản phẩm làm ra chất lượng hơn, có trách nhiệm hơn.

46348342.jpg

* Cô đang dự định thành lập một chuỗi siêu thị đồ chay, chắc chắn không phải để kinh doanh, vậy mục đích là gì vậy, thưa cô?

- Tôi có ước nguyện thành lập một chuỗi siêu thị đồ chay phi lợi nhuận trên cả nước vì muốn giới thiệu rộng rãi nguồn thực phẩm tốt cho sức khỏe và bảo vệ môi trường sống, vì nghĩ một người không có sức khỏe thì chỉ có một ước mơ là có sức khỏe.

Việc dùng thực phẩm chay sẽ phần nào giúp ước mơ đó thành hiện thực. Ăn chay không chỉ tốt cho sức khỏe, tránh được nhiều bệnh tật mà còn bảo vệ môi trường.

* Lập nghiệp từ số 0 đến thành công, theo cô điều gì cần nhất để một người muốn kinh doanh phải có?

- Đầu tiên phải yêu thích và đam mê với công việc. Sau đó là sự kiên trì, nỗ lực, học hỏi, tìm tòi không ngừng nghỉ. Buổi đầu kinh doanh, có hai chữ tôi bắt buộc phải làm, đó là “hy sinh” và “phải”.

Hy sinh giấc ngủ, hy sinh cả thời gian cho bữa ăn, hy sinh thú vui riêng, hy sinh thời gian chăm sóc bản thân. Và phải ngủ muộn hơn, thức dậy sớm hơn, phải đọc sách nhiều hơn và phải làm nhiều việc hơn.

Kế đến là năng động. Khi kinh doanh, cứ cái gì làm ra tiền mà hợp pháp, phù hợp với khả năng của mình và xã hội có nhu cầu thì tôi làm. Ví dụ, tôi là một trong những người đầu tiên đưa món trà sữa trân châu vào Việt Nam, sau khi biết câu chuyện của một người bạn Đài Loan chỉ kinh doanh cốc trà sữa nhỏ bé mà trở thành tỷ phú. Sau trà sữa, tôi còn kinh doanh rất nhiều lĩnh vực khác và năm 2004 mới thành lập Công ty Nữ Hoàng.

Tôi cũng giúp rất nhiều bạn trẻ lập nghiệp và luôn nhắc tuổi trẻ là vốn, người biết dùng vốn chắc chắn sẽ thành đạt, hãy nhìn vào những người thành đạt xem họ đã làm như thế nào. Có những cái họ không làm được nhưng mình vẫn phải làm được.

* Bước ngoặt nào đáng nhớ nhất quyết định con đường thành công hôm nay, thưa cô?

- Kinh doanh trong lĩnh vực khai thác và chế tác đá xuất khẩu dòng Marble là một hành trình vô vàn thăng trầm, trắc trở. Một trong những bước ngoặt thử thách, có thể xem là quyết định của cuộc đời kinh doanh của tôi, đó là khi tôi đầu tư nhà máy cắt kim cương hiện đại nhất Đông Nam Á, công nghệ của Ý, do các chuyên gia Đài Loan trực tiếp phụ trách, với công nghệ cắt 120 tấm đá/lần. Khi đó, công nghệ này người Việt Nam chưa ai biết và các chuyên gia xây dựng kỹ thuật Việt Nam cũng chưa có ai hiểu.

Để làm được cốt nền xây dựng nhà máy ở vị trí gần cảng vô cùng khó khăn và vất vả, cứ đào lên, làm lại, rồi gia cố. Máy móc lắp xong lại phải tháo rời ra, làm lại, cả năm trời như thế. Rồi vận hành cũng gian nan. Có lúc tưởng chừng như “ném tiền qua cửa sổ” mất rồi, nhưng tự nhủ muốn thành công thì phải kiên trì, dù chỉ còn một tia hy vọng, một đồng xu cuối cùng trong túi cũng phải dốc hết sức để làm đến cùng. Cuối cùng, nhà máy cũng hoàn thành đạt tiêu chuẩn quốc tế và những sản phẩm đầu tiên cũng đã xuất khẩu ra nước ngoài.

Hiện sau gần 20 năm, sản phẩm đá của chúng tôi được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc…

* Từng khoác trên mình những bộ trang phục đắt tiền hàng hiệu, giờ gặp lại đối tác, nhất là người nước ngoài với chiếc áo tu, cô có cảm giác thế nào?

- Khi thành công trong sự nghiệp và có chút vị trí trong xã hội, tôi cũng “tự thưởng cho mình những bộ quần áo sang trọng để mặc khi đi công tác, làm việc và khi đi gặp đối tác, tiệc tùng nhưng vẫn cảm thấy gượng gạo. Thế nhưng, khi mặc trên mình chiếc áo tu sĩ, tôi cảm thấy thật sự an lạc, cảm giác đó mới là chính mình. Thấy hạnh phúc, an yên. Khi đó, tôi nhìn mọi người xung quanh cũng yêu thương hơn. Trong nhà Phật gọi là “con mắt thanh mục”, nghĩa là nhìn đâu cũng thấy mọi người rất đẹp, rất đáng yêu, rất đáng trân trọng, đáng để học hỏi.

Một sự nhiệm màu của Phật pháp là từ sau khi tôi xuất gia, công việc hanh thông hơn, nhà máy phát triển rất thuận lợi. Nhất là khi tôi buông bỏ được bản ngã, buông bỏ tham sân si thì đối tác cũng chỉ còn lại những người bạn kinh doanh lành mạnh.

Trong mỗi hợp đồng, chúng tôi không còn căn ke lợi ích và tính toán lời lãi quá nhiều, cứ hễ có lợi ích cho cho cộng đồng, cho xã hội là cùng thực hiện.

Và khi công việc kinh doanh phát triển, chúng tôi mang lại lợi ích cho khách hàng lớn hơn, có điều kiện nhiều hơn để chăm sóc cho nhân viên và đóng góp cho cộng đồng.

Hòa thượng Thích Quảng Tùng - Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban TTXH Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó viện trưởng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng đã tán thán công đức việc doanh nhân Phật tử Đạo tràng Liên Hoa Pháp Tạng do nữ tu Lê Huyền đứng đầu thực hiện cúng dường tại Trường Hạ chùa Nam Hải là một Phật sự có ý nghĩa, lan tỏa thông điệp từ bi, hỷ xả của đức Phật.

Hòa thượng giảng giải về ý nghĩa to lớn đối với phát tâm việc hộ trì Tam bảo, hộ trì Phật pháp của các doanh nhân tâm Phật.

Đại hội lần thứ 9 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã đánh giá cao sự đóng góp của doanh nhân, doanh nghiệp với Phật giáo, dành sự quan tâm đặc biệt tới các vị là doanh nhân.

Hòa thượng Thích Quảng Tùng cũng đã ban lời huấn từ về việc tu học của tăng, ni Phật tử doanh nhân, sẽ tạo nên một nhân duyên phước báu. Hòa thượng khuyến khích các vị cư sĩ, các doanh nhân Phật tử cùng tu học trong việc “tứ chúng đồng tu”. Trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện hướng dẫn cho các doanh nhân Phật tử trở về tham gia tu học nhiều hơn.

Hòa thượng Thích Quảng Tùng cũng đã hoan hỷ trao tặng doanh nhân cuốn sách Trở về nguồn sáng do chính hòa thượng biên soạn.

hoa-thuong-tang-sach-cho-huyen.jpg

* Hiện cuộc sống hằng ngày của cô thế nào?

- Nếu thời gian trước đây tôi tập trung thời gian cho kinh doanh, cho việc nghe điện thoại và các chuyến công tác dài ngày thì bây giờ đổi lại là thời khóa biểu làm công phu, công quả, làm lao động trong chùa cùng với các sinh viên và chia sẻ pháp thoại với quý phật tử. Vào ngày thứ bảy hằng tuần, tại tịnh thất sẽ tập họp những người bạn doanh nhân cùng nhau trà đạo, chia sẻ pháp thoại, kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như công việc.

Dù bây giờ tôi vẫn ngủ ít như ngày trước, nhưng giấc ngủ ngon và sâu hơn. Sáng thức dậy có thời gian để hít thở khí trời, tận hưởng những làn gió ban mai thư thái, uống trà nghe pháp, đọc sách, cảm thấy cuộc sống mỗi ngày thật bình an, thanh tịnh và viên mãn.

* Có sự thay đổi nào rõ rệt của bản thân sau khi tu tập mà cô có thể chia sẻ?

- Đối với người xuất gia thì vạn sự tùy duyên, nhưng nhà Phật cũng dạy là phải rốt ráo tu tập thay đổi mới có thể viên mãn. Và tôi đang thay đổi mỗi ngày, từ hành động, suy nghĩ đến lời ăn tiếng nói… Ví dụ lúc trước, tôi luôn tạo áp lực cho em trai (là tổng giám đốc) phải hoàn thành công việc trong một ngày, nếu không hoàn thành thì viết đơn từ chức, nhưng bây giờ tôi có cách nói khác. Tôi nói: “Em có quyền lựa chọn không làm nhưng người chịu thiệt thòi nhất sẽ là em.

Còn nếu làm tốt thì người có lợi đầu tiên là em, không phải chị”. Và khi em trai tôi ý thức “mình làm việc này là có lợi cho mình, sau là có lợi cho mọi người” thì đã làm việc rất tốt và hiệu quả.

* Trong thời gian tới, cô mong muốn sẽ thực hiện điều gì?

- Tôi mong làm tốt nhiệm vụ một người con của Như Lai, đó là một tu sĩ phải giữ được thanh quy và giới luật. Đó là mục tiêu chính yếu lớn nhất và thứ yếu là phấn đấu cho công ty phát triển, làm ăn thật tốt, thật bền vững để tạo nhiều công ăn việc làm cho xã hội, đóng góp, chia sẻ và lan tỏa thật nhiều tài bảo đến với cộng đồng, giúp mọi người có cuộc sống hạnh phúc, tâm thanh lạc, bình an.

* Xin cảm ơn cô đã dành thời gian chia sẻ.

Khi mình đã đạt được thành tựu trong kinh doanh thì nên buông bỏ bản ngã của mình để chia sẻ thành công với mọi người. Đó mới là thành công thực sự.

Bà Lê Thị Thu Huyền - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Nữ Hoàng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bà Lê Thị Thu Huyền - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Nữ Hoàng: “Buông bỏ sẽ thấy yêu thương nhiều hơn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO