Bản lĩnh

Vươn ra khơi xa

Phan Thế Hải 15/02/2024 15:00

Kể từ khi có chính sách mở cửa, hơn 30 năm qua, các doanh nghiệp Việt không chỉ hoạt động ở thị trường nội địa mà đã chủ động vươn ra khơi xa đến những thị trường khó tính, đương đầu với những thách thức nhưng cũng không ít cơ hội.

Giấc mơ xe hơi do người Việt sản xuất được bắt đầu năm 2017. Khi đưa ra tham vọng cho xe ô tô Việt, mục tiêu của VinFast khi ấy là trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025, sản phẩm chủ lực là ô tô động cơ đốt trong, ô tô sử dụng động cơ điện và xe máy điện thân thiện với môi trường.

nha-may-o-to-vinfast-3660.jpg

Năm 2022 có thể xem là dấu mốc quan trọng của VinFast, khi lô 999 ô tô điện VF 8 của VinFast chính thức xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đánh dấu bước ngoặt lớn trên khát vọng vươn ra biển lớn của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Lần đầu tiên những chiếc ô tô điện gắn mác “Made in Vietnam” trở thành lựa chọn cho khách hàng quốc tế.

Tháng 7/2023, VinFast khởi công nhà máy sản xuất ô tô điện tại Mỹ với vốn đầu tư giai đoạn 1 là 2 tỷ USD.

Tháng 8/2023 được coi là cột mốc lịch sử khi VinFast, hãng sản xuất ô tô thuần Việt niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq tại Mỹ. Việc trở thành công ty niêm yết trên sàn Nasdaq là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển toàn cầu của VinFast. Không chỉ đơn thuần là việc đưa cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán, mà đây còn là niềm tin mạnh mẽ vào tầm nhìn và tiềm năng của VinFast.

Để cạnh tranh tại thị trường Mỹ, VinFast cũng cho khởi công xây dựng nhà máy tại bang North Carolina, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025.

Ngày 15/8/2023, khoảng 185 triệu cổ phiếu VinFast (trong số 2,3 tỷ cổ phiếu phổ thông) đã được giao dịch trong phiên mở màn trên sàn Nasdaq và được định giá 85 tỷ USD, đứng vào top 3 ô tô lớn nhất thế giới vào thời điểm đó, đánh dấu sự bùng nổ và chính thức tham gia sân chơi ô tô điện toàn cầu của VinFast.

Bà Lê Thị Thu Thủy, CEO của VinFast cho rằng: “Việc niêm yết thành công này mở ra khả năng tiếp cận thị trường vốn lớn và hướng đi quan trọng cho sự phát triển của công ty trong tương lai. “Chúng tôi hy vọng câu chuyện của VinFast sẽ truyền cảm hứng và mở ra nhiều cơ hội cho các thương hiệu Việt Nam cùng tiến ra thế giới”, bà Thủy nói.

Nhìn lại thời mới mở cửa, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý Quỹ ACB, nguyên thứ trưởng Bộ Thương Mại nói dí dỏm: “Việt Nam hồi đó chủ yếu là xuất khẩu “Tiêu và Điều”. Chính xác hơn, Việt Nam chỉ có các sản phẩm nông nghiệp truyền thống như gạo, cà phê, tiêu, điều cao su, khoáng sản… Việt xuất khẩu chủ yếu là thu về ngoại tệ đáp ứng nhu cầu nhập khẩu hàng thiết yếu, theo cách “lấy công làm lãi”, kim ngạch rất khiêm tốn.

Nhắc lại chuyện cũ để thấy giờ đây, Việt Nam đã có những doanh nghiệp vươn ra toàn cầu, đưa sản phẩm công nghệ cao đến với người tiêu dùng trên toàn thế giới. Cùng với việc VinFast, nhà sản xuất ôtô và xe máy điện đã xuất khẩu ra nhiều thị trường khó tính được nhiều tập đoàn lớn, truyền thông thế giới nhắc đến, một số doanh nghiệp khác cũng đã có những bước đi táo bạo ra nước ngoài.

Là doanh nghiệp non trẻ, để cạnh tranh với các “ông lớn” trên thế giới và để có thị trường rộng lớn hơn, Viettel đã chọn những nước nghèo, thậm chí thuộc diện nghèo nhất thế giới, để đầu tư là vì những thị trường màu mỡ thì không còn nữa.

Suốt chặng đường 17 năm đầu tư ra nước ngoài Viettel đã mở được 10 thị trường, chưa kể các văn phòng đại diện tại Mỹ, Pháp, Nga, Nhật…

Một trong những ngành mà Việt Nam không có thế mạnh là ngành sữa. Nhiều năm trước đổi mới, Việt Nam là nước không có đồng cỏ rộng lớn, không truyền thống nuôi bò sữa, thường xuyên phải nhập khẩu sữa, ấy vậy mà sau hơn 30 năm đổi mới Việt Nam đã có những doanh nghiệp lớn chiếm lĩnh thị trường trong nước và đang vươn ra mạnh mẽ thị trường toàn cầu.

Một thương hiệu Việt trong ngành này là Vinamilk, sau khi đạt được thành công tại thị trường Việt Nam, Vinamilk đã đầu tư vào các chi nhánh nước ngoài. Bên cạnh Angkormilk ở Campuchia, Vinamilk đang có

2 công ty con khác là Driftwood (Mỹ), Lao-Jagro Development (Lào) và công ty liên doanh Del Monte - Vinamilk (Philippines)

Cùng với Vinamilk, Tập đoàn TH cũng đầu tư vào chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao. Sản xuất dòng sữa tươi sạch mang thương hiệu TH true MILK hiện đang được mở rộng ra nhiều tỉnh thành, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Nắm bắt cơ hội thị trường TH đầu tư một số dự án về thực phẩm với tổng vốn là 2,7 tỷ USD tại Liên bang Nga. TH đã biến các khu vực đất hoang thành những cánh đồng màu mỡ. Trang trại đầu tiên ở quận Volokolamsk, tỉnh Moscow với quy mô 6.000 con. Trang trại thứ 2 chăn nuôi 6.000 con tại quận Shatura sẽ bắt đầu được xây dựng tháng 4/2023 và hoàn thành vào quý IV/2024 và trên một số tỉnh khác.

Dù hiện tại Việt Nam chưa có những doanh nghiệp tuổi đời trăm năm nhưng bù lại, những doanh nghiệp trẻ tuổi đang tuổi lớn tràn đầy năng lượng và khát khao. Họ không quản khó khăn gian khổ để lựa chọn những công nghệ mới nhất, có sức cạnh tranh cao nhất để vươn ra nước ngoài, khẳng định tên tuổi doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia.

Ngày 6/1/2024 VinFast và Chính phủ Bang Tamil Nadu (Ấn Độ) đã ký kết ghi nhớ (MoU) đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất xe điện và pin lên đến 2 tỷ USD. Với mức đầu tư ban đầu là 500 triệu USD, dự án dự kiến khởi công trong năm 2024 với quy mô lên đến 150.000 xe điện/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vươn ra khơi xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO