Trong nước

Kỷ niệm 49 năm Ngày Thống nhất đất nước: Xin hãy gọi đúng tên một di tích quan trọng nhất của Sài Gòn – TP.HCM

Phương Hà 30/04/2024 15:29

Bốn mươi chín năm đã qua kể từ ngày Nam Bắc sum vầy, thời gian trôi nhanh hay chậm là tùy cảm nhận của mỗi người. Riêng với thế hệ chúng tôi, cuộc chiến tranh giữ nước ấy như mới chấm dứt hôm qua, nhất là mỗi lần trở lại thăm dinh Độc Lập vào dịp hoa dầu bay và tiếng ve râm ran báo mùa mưa sắp bắt đầu.

1.

Tôi có một ngăn tủ lưu giữ kỷ vật cá nhân trong cuộc chiến tranh vệ quốc 1954 - 1975. Đó là một bao da súng ngắn K54, một máy ghi âm, một bộ máy ảnh, một bộ quân phục màu cỏ úa, một bộ tăng võng, một bi đông, một mũ tai bèo, một túi vải đựng hoa dầu.

Mỗi lần đem những kỷ vật ấy ra phơi nắng để bảo quản được lâu dài, bao ký ức thời trận mạc ùa về… Tôi chỉ xin kể về hai kỷ vật là những cánh hoa dầu (chính xác là trái của cây dầu rái) mà 49 năm qua đã không còn giữ được màu nâu đỏ nhưng hai cánh thì vẫn nguyên vẹn, và chiếc máy ghi âm hiệu JVC hình chữ nhật, nặng khoảng một kilôgam.

tinh-than-30-thang-4.png

Chắc rằng những sĩ quan, chiến sĩ và phóng viên chiến trường tiến vào dinh Độc Lập trưa ngày 30 tháng Tư ấy còn giữ bao kỷ niệm, nhưng có một kỷ niệm có lẽ ít người nhớ đến, hay không muốn nhớ vì nó quá bình thường, đó là cái mệt rã rời ập đến ngay sau khi lá cờ giải phóng tung bay trên cột cờ của cơ quan đầu não đối phương. Mệt đến mức ngoài những quân nhân có nhiệm vụ bảo vệ dinh, quản thúc nội các chính quyền Dương Văn Minh, còn lại đều nằm dài trên thảm cỏ trước dinh, nằm dài dưới tán rừng trong khuôn viên dinh. Cứ tưởng nằm xuống là ngủ vùi ngay vì đã nhiều ngày, nhiều đêm vừa đi, vừa chạy, vừa nhai lương khô để “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường, giải phóng miền Nam” nhưng chẳng ai nhắm mắt được bởi niềm vui cứ lâng lâng, bởi nỗi đau đồng đội vừa ngã xuống cứ khắc khoải.

Bỗng một cơn gió chuyển mùa từ hướng sông Sài Gòn ào qua khuôn viên dinh Độc Lập, ào qua quảng trường Norodom, và không phải mưa mà là chấp chới chấp chới những cánh hoa dầu quay tít, chao nghiêng nhuộm một khoảng không màu nâu đỏ rồi từ từ đậu xuống mặt, xuống người chúng tôi, đậu xuống tháp pháo, đậu xuống bánh xích lấm lem bùn đất của những chiếc xe tăng. Tôi ngồi bật dậy nhặt những cánh hoa dầu quanh mình cho vào mũ tai bèo với ý nghĩ thoáng qua là để thay hoa tưởng nhớ đồng đội hy sinh trên những nẻo đường chiến tranh.

du-lich-dinh-doc-lap-chung-nhan-lich-su-tram-nam-sai-gon-202202210943088727.jpg

Rồi lại bỗng ran ran tiếng ve làm rung chuyển cả vòm xanh bao quanh dinh Độc Lập, chạy dài theo đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), đường Huyền Trân Công chúa… Tôi không nhớ vì sao lúc ấy mình lại nhanh tay lấy máy ghi âm từ ba lô con cóc, lập tức ấn nút ghi lại cái âm thanh rất quen thuộc giữa rừng già miền Đông Nam bộ mỗi khi hè về nhưng lại quá đổi lạ lẫm giữa phố thị khi tiếng súng vừa dứt. Mà đã dứt đâu, những tràng đại liên M60 bên kia đường Hồng Thập Tự bỗng chát chúa từng tràng dài, át cả tiếng ve.Mấy tiếng đồng hồ sau, chúng tôi được biết những tràng đại liên ấy là của một tốp lính Cộng hòa bảo vệ biệt thự Hoa Lan của Tổng thống Dương Văn Minh ở hẻm số 3, đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần), cách dinh Độc Lập theo đường chim bay vài trăm mét.

Theo chỉ dẫn của biệt động nội thành, một tiểu đội của C10, D9, E64A, F320A được lệnh bắt tốp lính ấy quy hàng nhưng chúng đã ngoan cố chống trả. Chiến sĩ Đào Nguyên Hồng vượt lên tiêu diệt ổ đại liên thì trúng đạn. Đó là người lính cuối cùng hy sinh tại Sài Gòn lúc 12 giờ ngày 30 tháng Tư 1975. Mấy ngày sau, khi có chỗ trú quân tạm thời, chúng tôi bày những cánh hoa dầu thay bình hoa vạn thọ cúng cơm cho đồng đội không còn được hưởng cảnh chiến tranh đã chấm dứt, cúng cơm cho binh nhất Đào Nguyên Hồng quê thôn Phẻo, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, trước khi vào chiến trường đã hẹn với người yêu sau ngày giải phóng miền Nam sẽ tổ chức lễ cưới… Để thêm chút hơi ấm cho đồng đội đã mất, tôi mở máy ghi âm phát tiếng ve trưa hè ngay tại đích đến của cuộc chiến tranh giữ nước suốt 21 năm ròng rã. Không biết dưới nền đất lạnh, đồng đội tôi có ngạc nhiên vì sao lẫn trong tiếng ve lại có tiếng từng tràng súng máy, đồng đội tôi có linh cảm rồi đây tiếng súng ấy còn nổ ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc?

2.

Từ sau ngày chuyển mùa tại dinh Độc Lập năm 1975 đã găm vào ký ức ấy, vào dịp cuối tháng 4, đầu tháng 5 hằng năm, tôi thường tha thẩn vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai, Huyền Trân Công chúa, Lê Quý Đôn, Phạm Ngọc Thạch chờ những cơn gió ào qua để ngắm hoa dầu bay bay mà tận hưởng cảnh Sài Gòn thanh bình và rộn ràng dựng xây với bao kỷ niệm ùa về…

z5396401939627_3e899e25809e16518f1f35cd8bcc3943.jpg

Đúng nửa tháng sau khi giang sơn thu về một cõi, ngày 15 tháng 5, Trung ương tổ chức mít tinh lớn mừng ngày đại thắng. Toàn bộ khuôn viên dinh Độc Lập, toàn bộ quảng trường Norodom tràn ngập người và hoa, tràn ngập những tà áo dài chen quân phục, tràn ngập những bộ vest màu sáng chen đồng phục màu cỏ úa. Khuôn mặt ai cũng rạng rỡ. Tôi thoáng nghĩ, cùng với triệu người vui ấy chắc có không ít người buồn vì mất mát người thân và của cải bởi chiến tranh. Khi chuẩn bị giải phóng Sài Gòn, chúng tôi nghe cấp trên nói đến hòa giải, hòa hợp dân tộc, khi đón Bí thư Thứ nhất Lê Duẫn ở sân bay Tân Sơn Nhất, cánh phóng viên chúng tôi nghe ông nói, đại ý, giải phóng miền Nam là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai. Nhưng mới nửa tháng qua, chắc rằng không phải ai cũng cảm nhận hết ý nghĩa của chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc và câu nói ấy của người đứng đầu Đảng Lao động Việt Nam.

Đêm đó, khi sự rộn ràng của ngày mừng đại thắng tạm lắng, những phóng viên chiến tranh theo chân các cánh quân tiến vào Sài Gòn tụ tập quanh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trên sân cỏ dinh Thống Nhất. Sau khi thân mật hỏi thăm từng phóng viên, Đại tướng khái quát về đòn đánh điểm huyệt của quân ta ở Buôn Ma Thuột, buộc đối phương phải tháo chạy khỏi địa bàn quân sự quan trong nhất là Tây Nguyên, dẫn đến thời cơ chiến lược mở chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, rồi hỏi chúng tôi có ý kiến gì về chiến lợi phẩm mà ta thu được. Sau khi chăm chú nghe chúng tôi, Đại tướng nói: Chiến lợi phẩm lớn nhất mà ta thu được của đối phương là hệ thống giao thông hoàn chỉnh từ sân bay, bến cảng đến đường bộ; là Nha Địa dư Quốc gia (nay là Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt) chuyên vẽ và in bản đồ, chủ yếu là bản đồ quân sự; là tác phong công nghiệp được xây dựng trong thời kỳ thực dân Pháp còn đô hộ Việt Nam.

Hệ thống giao thông, cơ sở vẽ và in bản đồ quân sự thì dễ hiểu, còn tác phong công nghiệp mà theo Đại tướng là một trong những chiến lợi phẩm quan trọng nhất thì chúng tôi mù mờ.

Nhưng chẳng bao lâu sau thì chúng tôi đã hiểu phần nào về tác phong công nghiệp.

Làm bảo vệ cho tòa soạn báo Giải phóng - Cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam vừa chuyển từ chiến khu Bắc Tây Ninh về, đang có nhiệm vụ xuất bản ngay báo Sài Gòn Giải phóng (ra số đầu tiên ngày 5-5-1975) là bác Sáu Già - một cơ sở cách mạng ở quận 4. Hằng ngày, đúng 6 giờ sáng, không hơn không kém, bác Sáu có mặt ở 174 Hiền Vương (đường Võ Thị Sáu bây giờ) cho đến khi tòa soạn xong việc, thường là quá 12 giờ đêm. Trong túi áo khoác của bác Sáu luôn có chùm chìa khóa, mỗi chiếc đều được đánh số, bác lại còn một chùm chìa khóa dự phòng nữa. Chưa khi nào chúng tôi thấy bác Sáu mở cửa nhầm chìa. Bác Sáu đón và tiễn khách là cán bộ cấp cao đi xe hơi hay anh đạp xích lô chở báo phát hành đều lịch sự, chu đáo như nhau.

z5396401850747_5b2cf9564a475ee12430dcd2bd16b9be.jpg

Khi thấy cách làm việc của bác Sáu Già từng là công nhân một nhà máy tại Khu công nghiệp Biên Hòa do những chủ tư bản lớn ở miền Nam xây dựng, tôi dần hiểu tác phong công nghiệp đơn giản là đúng giờ, chỉn chu, hiệu quả; chậm chạp, lề mề, ẩu tả là bị guồng máy làm việc đã chuẩn hóa gạt ra rìa. Từ khi nền kinh tế đất nước hội nhập sâu rộng với thế giới, tôi càng thán phục cách Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa tác phong công nghiệp vào “chiến lợi phẩm”. Quả đúng là nếu không có tác phong công nghiệp ở anh công chức, ở chị công nhân thì không xây dựng được đất nước phồn vinh.

3.

Bốn mươi chín năm đã qua kể từ ngày Nam Bắc sum vầy, thời gian trôi nhanh hay chậm là tùy cảm nhận của mỗi người. Riêng với thế hệ chúng tôi, cuộc chiến tranh giữ nước ấy như mới chấm dứt hôm qua, nhất là mỗi lần trở lại thăm dinh Độc Lập vào dịp hoa dầu bay và tiếng ve râm ran báo mùa mưa sắp bắt đầu.

dinh.jpg
Dinh Độc Lập trước 30/4

Nhân đây, xin nói đôi điều về tên của biểu tượng của chiến thắng - hòa bình - thống nhất này. Trước hết, phải khẳng định, cho đến nay, không có một văn bản nào của cấp Trug ương hay chính quyền TP.HCM đổi tên dinh Độc Lập. Vậy thì tại sao nhiều tờ báo, nhiều người gọi dinh Độc Lập là hội trường Thống Nhất? Có ba nguyên nhân. Một là người ta lầm tưởng những gì liên quan đến chế độ Sài Gòn thì phải hủy bỏ hay đổi tên, mà cái tên “hợp lý” nhất cho dinh Độc Lập là “Thống Nhất”.

Thứ hai, Hội trường Thống Nhất là tên của cơ quan (tổ chức) quản lý dinh Độc Lập, được thành lập theo Quyết định số 709/QĐ-VPCP ngày 14-6-2013 của Văn phòng Chính phủ. Hội trường Thống Nhất là đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng quản lý, nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật, tổ chức phục vụ các cuộc họp trong nước, quốc tế, hoạt động đối nội, đối ngoại của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; tổ chức cho du khách trong nước và nước ngoài tham quan. Nhưng do không hay biết có cơ quan mang tên Dinh Thống Nhất nên nhiều người cho đó là tên của dinh. (Theo chúng tôi, cơ quan quản lý di tích lịch sử dinh Độc Lập gọi là Hội trường Thống Nhất, về ngữ nghĩa là không ổn).

Ba là trong dinh Độc Lập có phòng khánh tiết là phòng lớn nhất, có sức chứa 500 người. Giữa tháng 11/1975, tại phòng này diễn ra Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất đất nước, từ đó nhiều người gọi phòng khánh tiết này là hội trường Thống Nhất và cho đó cũng là tên mới của dinh Độc Lập.

Xin hãy gọi đúng tên một di tích quan trọng nhất của Sài Gòn – TP.HCM mà phải trải qua bao thăng trầm của lịch sử mới có được…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỷ niệm 49 năm Ngày Thống nhất đất nước: Xin hãy gọi đúng tên một di tích quan trọng nhất của Sài Gòn – TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO