Kinh doanh

5 giải pháp thu hút vốn đầu tư tư nhân

TS. Cấn Văn Lực 28/4/2024 6:00

Doanh nghiệp TP.HCM cần nâng cao năng lực trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt để đẩy mạnh đầu tư tư nhân, đóng góp cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Đầu tư tư nhân: Động lực tăng trưởng của nền kinh tế

Vốn đầu tư tư nhân là cấu phần quan trọng nhất trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội (gồm đầu tư công, đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài). Trong năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, nguồn vốn này chiếm tỷ trọng cao nhất với 56,07%, trong khi vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và vốn đầu tư công chiếm lần lượt 16,07% và 27,85% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

picture1.jpg

Do đó, có thể nói vốn đầu tư tư nhân là một động lực quan trọng giúp nền kinh tế phát triển bền vững, nhất là khi tỷ trọng của kinh tế tư nhân đóng góp vào GDP của Việt Nam ngày càng tăng (chiếm từ 47,5% trong giai đoạn 2015-2019 tăng lên 51,9% trong giai đoạn 2020-2023) hướng tới mục tiêu 55% đến năm 2025 và 60-65% đến năm 2030 như đã nêu tại Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31/3/2023 của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh những đóng góp thực tế này, khu vực kinh tế tư nhân nói chung và đầu tư tư nhân nói riêng còn đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế ở ba khía cạnh:

Thứ nhất, kinh tế tư nhân, trong đó có đầu tư tư nhân là một động lực quan trọng trong đầu tư toàn xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, và đóng góp vào ngân sách nhà nước. Trong giai đoạn 2018-2023, mỗi năm kinh tế tư nhân đóng góp trung bình 2 triệu tỷ đồng vốn đăng ký cho nền kinh tế, đóng góp 57,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Thứ hai, kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, tăng cường hội nhập kinh tế thông qua việc tham gia vào các hoạt động thương mại, đầu tư và hợp tác quốc tế. Trong năm 2023, tại Việt Nam, kinh tế tư nhân đã đóng vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế khi chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu (gấp gần 10 lần so với doanh nghiệp Nhà nước). Nguồn vốn từ khu vực kinh tế tư nhân đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần kích thích tiêu dùng hàng hóa trong nước.

Thứ ba, kinh tế tư nhân góp phần kiến tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới, sáng tạo, phát triển sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đầu tư tư nhân gia tăng cũng góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và hiệu quả kinh tế.

Do đó, cần hết sức chú trọng việc nuôi dưỡng và thúc đẩy nguồn vốn này, bởi nguồn vốn FDI và đầu tư công sẽ không thể thay thế và bù đắp được.

Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, do dòng vốn đầu tư tư nhân tăng trưởng chậm lại, khiến đầu tư chưa phát huy được hết vai trò là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Năm 2023 và quý I/2024, tình hình vẫn chưa được cải thiện, khi đầu tư chỉ đóng góp lần lượt 1,35 điểm phần trăm (hay 26,73%) và 1,36 điểm phần trăm (hay 24%) vào mức tăng trưởng chung, chủ yếu là do đầu tư tư nhân tăng thấp (chỉ tăng 2,7% năm 2023 và 4,2% quý I/2024), bằng một nửa so với mức tăng trước đây. Điều này khiến cho tăng trưởng kinh tế có phần chậm lại trong năm 2023 và kể cả quý 1/2024.

5 giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ và thị trường, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp TP.HCM nói riêng cần có những giải pháp tích cực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư tư nhân, đóng góp cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Việc này có thể thực hiện thông qua 5 giải pháp chính:

Một, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) nên quan tâm đẩy mạnh cơ cấu, bao gồm cách thức hoạt động, quản trị, quản lý tài chính, nguồn lực…; chú trọng quản lý rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý, rủi ro tài chính, lãi suất, tỷ giá, lừa đảo, an ninh mạng...

Hai, doanh nghiệp cần chú trọng tăng năng lực cạnh tranh, đổi mới tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới sau dịch Covid-19, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu… theo hướng xây dựng tầm nhìn, chiến lược và kế hoạch kinh doanh cả ngắn và dài hạn theo hướng linh hoạt, thích ứng, chủ động, sáng tạo, quan tâm ESG (các yếu tố môi trường - xã hội - quản trị) và trách nhiệm xã hội để đáp ứng tiêu chuẩn tham gia chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu.

Ba, doanh nghiệp muốn tăng tiếp cận vốn và đất đai an toàn và hiệu quả cần đặc biệt lưu ý việc chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về tài chính, kế toán; nâng cao trình độ quản trị, minh bạch thông tin, số liệu cũng như năng lực quản trị, tài chính, công nghệ và nguồn nhân lực; thiện chí hợp tác chặt chẽ với các tổ chức tài chính, hiệp hội ngành nghề, trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ trong việc lập hồ sơ dự án, quản lý dự án và dòng tiền.

Bốn, với doanh nghiệp tư nhân lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp trong VPE500 (danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam), cần gia tăng vai trò, đẩy mạnh thiết lập hệ sinh thái sản xuất - kinh doanh với doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa (SMEs), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng cường vai trò dẫn dắt thị trường và tập trung đầu tư cho nghiên cứu công nghệ mới để tạo được động lực mới cho sự phát triển chung của khối cũng như của nền kinh tế.

Năm, chủ động nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức trong xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng; làm sao biến thách thức thành cơ hội là cách tiếp cận phù hợp hiện nay. Cách đây không lâu, khi chia sẻ với 50 doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ, tôi có gợi ý với họ 4 phương châm kinh doanh tại Việt Nam, đó là “Go long-term” (kinh doanh với tầm nhìn dài hạn), “Go digital” (chủ động chuyển đổi số), “Go green” (chủ động chuyển đổi xanh), và “Go ESG và CSR” (quan tâm các yếu tố môi trường - xã hội - quản trị và trách nhiệm xã hội.

(*) Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV,
Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - Tiền tệ Quốc gia

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
5 giải pháp thu hút vốn đầu tư tư nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO