Vốn ngoại vẫn vào thị trường bất động sản

HOÀNG QUỲNH| 17/03/2011 09:22

Thời gian gần đây, khi thị trường bất động sản chịu nhiều sức ép từ chính sách, nhiều chuyên gia lo ngại rằng chẳng bao lâu nữa, thị trường sẽ phải chứng kiến hàng loạt sự thoái vốn của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đây chỉ là những e ngại xấu nhất vì phần lớn các nhà đầu tư vẫn tin rằng, khó khăn đã đến hồi kết.

Vốn ngoại vẫn vào thị trường bất động sản

Thời gian gần đây, khi thị trường bất động sản (BĐS) chịu nhiều sức ép từ chính sách, nhiều chuyên gia lo ngại rằng chẳng bao lâu nữa, thị trường sẽ phải chứng kiến hàng loạt sự thoái vốn của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đây chỉ là những e ngại xấu nhất vì phần lớn các nhà đầu tư vẫn tin rằng, khó khăn đã đến hồi kết.

Từ đầu năm đến nay, thị trường BĐS dường như không có sự chuyển động nào ngoài sự bùng nổ về nguồn cung các căn hộ chung cư, văn phòng cho thuê...

Dự án BĐS tại Nhà Bè (TP.HCM) - Ảnh: Quý Hòa

Nhiều người nói rằng, thị trường khó có thể chuyển mình vì không chỉ những người ít tiền, ngay cả người có tiền cũng đang điêu đứng vì bị chôn vốn vào một số dự án.

Đó là phía khách hàng, còn với doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS, họ cũng đang rơi vào trạng thái bất lực khi nguồn vốn kinh doanh trước nay đều phụ thuộc vào nguồn vốn vay từ ngân hàng. Do đó, khi các chính sách được ban hành, họ là người chịu thiệt thòi trước nhất.

Sẽ không quá khắt khe khi nói rằng, trong tương lai gần, chỉ có những nhà đầu tư có năng lực và trường vốn mới có thể tồn tại lâu dài, còn đối với những người ít vốn (kể cả DN lẫn nhà đầu tư) sẽ khó duy trì, thậm chí phải bán lỗ để thu hồi vốn khi ngày đáo hạn cận kề.

Điều này đang đúng đối với một số DN triển khai xây dựng dự án vào thời điểm 2009 - 2010, nhưng đến giai đoạn hoàn thiện, bán hàng thu hồi vốn thì thị trường lại trở nên ì ạch.

Tuy nhiên, đó chỉ là nhận định của những người quan sát. Còn ở góc độ DN, ông Huỳnh Lê Cương Nghị, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Nam Long thì cho rằng, một khi lãi suất vẫn ở mức tiệm cận 20% thì không thể diễn ra xu hướng đầu tư theo kiểu lướt sóng. Tuy nhiên, điều này chưa hẳn quá bi quan vì mỗi DN có cách "vượt bão" riêng để tồn tại.

Điều này đã được minh chứng rõ nét trong một thời gian dài là dù khủng hoảng cũng không có DN BĐS nào tuyên bố phá sản hay giải thể.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, chia sẻ, thị trường chưa thể đóng băng ngay vì các DN đều biết chuyển hướng đầu tư theo nhu cầu của thị trường.

Riêng Đất Lành vẫn tiếp tục phát triển phân khúc căn hộ trung bình để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Rõ ràng, thị trường đang trong giai đoạn sắp xếp lại trật tự.

Tính đến cuối tháng 12/2010, vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam là 18,58 tỷ USD, trong đó dành cho BĐS 6,8 tỷ USD, chiếm 36,8%. Như vậy, lĩnh vực BĐS vẫn được đánh giá là có tiềm năng sinh lời và nhu cầu cao trong thời gian sắp tới.

Để khẳng định thị trường chưa đóng băng và vẫn thu hút nhà đầu tư nước ngoài, ông Don Lâm, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ đầu tư VinaCapital, nói rằng, VinaCapital đang huy động thêm vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài để thành lập 2 quỹ mới nhằm tiếp tục đầu tư vào các công ty trong nước và lĩnh vực BĐS.

Ông Don Lâm cho biết đã tiếp xúc với rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong vài tháng qua nhằm giới thiệu cơ hội đầu tư vào Việt Nam, và quỹ này đặt mục tiêu sẽ huy động từ 300 - 500 triệu USD trong thời gian tới.

Trong các danh mục đầu tư của mình, VinaCapital đầu tư khá nhiều vào các dự án BĐS, nhắm vào phân khúc thị trường nhà ở trung cấp và các đô thị như: dự án khu đô thị Đại phước Lotus, Mỹ gia Nha trang, Ocean Villa, The Garland và WTC Danang...

Trong khi đó, Quỹ này tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực khách sạn và khu nghỉ dưỡng vì tiềm năng phát triển của hai lĩnh vực này rất lớn, bởi lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng dần qua các năm. Quỹ này cũng sẽ tiếp tục đầu tư vào các dự án trung tâm thương mại vì cho rằng ngành bán lẻ còn tiềm năng phát triển.

Như vậy, ngoài dự án trung tâm thương mại ở TP.HCM chuẩn bị tham gia thị trường trong năm nay, VinaCapital dự kiến sẽ đầu tư vào ba dự án nữa tại các thành phố lớn.

Theo ông Don, VinaCapital sẽ không đầu tư vào các dự án căn hộ chung cư vì khá nhiều rủi ro do nguồn cung căn hộ khá lớn. Thay vào đó sẽ tiếp tục đầu tư vào các dự án biệt thự và nhà phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vốn ngoại vẫn vào thị trường bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO