Quốc tế

Lý do hàng loạt ông lớn hàng xa xỉ đổ xô mua bất động sản

Bảo Quân 28/03/2024 16:45

Từ Gucci, Prada, LVMH đến Tiffany, hàng loạt ông lớn đang đặt cược vào bất động sản (BĐS) với tần suất giao dịch chóng mặt và mức giá kỷ lục.

Đặc biệt, từ lần đầu bắt tay chào hỏi cho đến khi hai bên hoàn tất hợp đồng, một số thương vụ chỉ diễn ra trong vài tuần chóng vánh. Các giao dịch cũng đơn giản gồm ký, chốt và được thanh toán toàn bộ bằng tiền mặt. Vậy, điều gì đang thôi thúc các “ông lớn” thời trang đặt cược vào BĐS?

BĐS bán lẻ mở liên tục

Tọa lạc ở góc Đại lộ số 5 và Phố 57 của New York, mặt tiền tòa nhà của Tiffany không khác mấy so với cách đây 60 năm, nhưng ở bên trong, mọi thứ lại hoàn toàn trái ngược. Sau 4 năm cải tạo không gian với chi phí hơn 500 triệu USD, Tiffany hiện chào đón các khách hàng đến mua sắm bằng một không gian hiện đại và lấp lánh.

Bên trong tòa nhà, mọi thứ dường như đều tỏa sáng, từ các viên đá, tủ trưng bày kim loại cho đến những phiến đá cẩm thạch trang trí lẫn trần nhà. Nếu chỉ nhìn thoáng qua, khách đến mua sắm có thể tưởng lầm rằng tòa nhà có nhiều cửa sổ hình vòm, nhưng trên thực tế chúng lại là các màn hình LED cao đến 7m. Phía trên tòa nhà, một phần mở rộng ba tầng với tầm nhìn ra Đại lộ số 5 cũng được thiết kế dành riêng cho các cuộc hẹn.

ly-do-hang-loat-ong-lon-hang-xa-xi-do-xo-mua-bat-dong-san.png
Tầng 1 của cửa hàng Tiffany tọa lạc ở góc Đại lộ số 5 và Phố 57, New York

Đây chỉ là một trong số nhiều ví dụ đại diện cho xu hướng đặt cược lớn vào BĐS bán lẻ của nhiều thương hiệu hàng xa xỉ. Riêng trên Đại lộ số 5 của New York, Prada vào tháng 12 năm ngoái đã mua lại cửa hàng hiện tại ở số 724 và cả tòa nhà bên cạnh với tổng số tiền lên đến 835 triệu USD. Bước sang năm 2024, Kering - công ty sở hữu Gucci, thông báo đã mua không gian bán lẻ ở số 715-717 với giá 963 triệu USD. Trong khi đó, LVMH được đồn đoán là đang để mắt tới tòa nhà số 745 ở ngay bên cạnh cửa hàng Louis Vuitton.

Theo công ty đầu tư BĐS JLL, đây là một phần trong làn sóng các thương hiệu cao cấp châu u mở rộng mạnh mẽ tại thị trường Mỹ. Không chỉ ký hợp đồng thuê không gian rộng hơn, cung cấp nhiều dịch vụ hơn, họ còn mạo hiểm vượt khỏi các khu vực truyền thống để thâm nhập thị trường mới.

Ví dụ, thương hiệu trang sức Pháp Van Cleef & Arpels đang mở một địa điểm mới ở khu Manhattan trên Đại lộ Madison. Chanel gần đây mở lại cửa hàng flagship ở Beverly Hills sau khi tăng gấp đôi diện tích lên gần 2800m2. Riêng Gucci đang mở rộng trên khắp nước Mỹ và hiện có 8 địa điểm ở Texas và một cửa hàng ở trung tâm thành phố Detroit.

Sức bền của hàng xa xỉ và mua sắm trực tiếp

Theo Will Silverman của ngân hàng đầu tư Eastdil Secured, chính mức tăng trưởng trong doanh số bán hàng xa xỉ và sự thay đổi về lãi suất là lý do hàng loạt “ông lớn” đầu tư vào BĐS bán lẻ. Hàng xa xỉ bắt đầu rời kệ trong đại dịch Covid-19, khi tiền mặt tràn ngập và nhiều người không có nơi nào để tiêu. Đến giờ, cơn sốt này vẫn chưa nguôi ngoai. Thực tế, doanh số bán hàng thời trang và đồ da của LVMH vào năm ngoái cao hơn 40% so với năm 2021.

Giám đốc nghiên cứu bán lẻ tại JLL C. Ebere Anokute, cho biết doanh số bán hàng mạnh mẽ kể từ thời điểm tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19 đã thuyết phục các nhà bán lẻ xa xỉ về tầm quan trọng của các cửa hàng truyền thống và giúp họ mở thêm địa điểm.

Hàng xa xỉ là một trong những hạng mục đầu tiên chứng kiến doanh số bán hàng trở lại mức trước đại dịch. BĐS là một phần quan trọng trong chiến lược của họ khi muốn tiếp tục tăng trưởng và mở rộng

C. Ebere Anokute - Giám đốc nghiên cứu bán lẻ tại JLL

BĐS bán lẻ phục hồi nhanh chóng sau đỉnh của đại dịch khi mọi người đổ xô quay lại các cửa hàng. Hầu hết lĩnh vực bán lẻ đều hoạt động tốt trong những năm gần đây, trừ các trung tâm thương mại cấp thấp .

Bên cạnh đó, hàng xa xỉ vẫn thường được bán trực tiếp - động lực khiến các nhà bán lẻ chi những khoản tiền khổng lồ để hút mọi người đến cửa hàng. Và, sự xuất hiện của đông đảo khách hàng đồng nghĩa với việc các thương hiệu cũng cần nhiều không gian hơn cho các phòng riêng sang trọng để bán cho nhóm khách hàng cũ.

“Manhattan có thể ngày càng cao hơn, nhưng nó không thể rộng hơn được nữa. Có một số lượng hữu hạn không gian thực sự cao cấp”, Silverman nói.

Chỉ yếu tố này là đủ để các nhà bán lẻ quyết định mua thay vì thuê BĐS và lựa chọn này càng rõ ràng hơn một khi tính đến vấn đề lãi suất. Cần biết rằng, hầu hết thương vụ BĐS này được tài trợ bởi cả vốn chủ sở hữu và khoản vay thế chấp. Tại Mỹ, lãi suất vay thế chấp với các tòa nhà thương mại là khoảng 6-7%. Chi phí vốn cổ phần vẫn cao hơn, trong khi chi phí thuê hàng năm có thể lên khoảng 8% giá trị của tòa nhà.

Đương nhiên, việc phải trả mức giá thuê này là lựa chọn không hề khôn ngoan, khi các công ty kiếm được nhiều tiền hoàn toàn có thể phát hành trái phiếu với lãi suất chỉ cao hơn một chút so với trái phiếu chính phủ Đức. Trái phiếu gần đây nhất của LVMH đã được đăng ký vượt mức 3,5%. Vì vậy, không gian bán lẻ xa xỉ không hề khó mua đối với các "ông lớn".

ly-do-hang-loat-ong-lon-hang-xa-xi-do-xo-mua-bat-dong-san-1.jpeg
Hàng xa xỉ bắt đầu rời kệ trong đại dịch Covid-19, khi tiền mặt tràn ngập và nhiều người không có nơi nào để tiêu.

Hơn nữa, yếu tố để các nhà bán lẻ xa xỉ quyết định chi mạnh tay tại Mỹ là vì những người giàu có của nước này vẫn tiếp tục chi tiêu bất chấp lạm phát và lãi suất tăng cao. Và, để thu hút khách hàng, họ sẵn sàng xuống tiền để bổ sung cả các hạng mục dịch vụ khác, như quán cà phê và quán bar lẫn các căn hộ áp mái. Họ cũng tổ chức nhiều sự kiện xa hoa hơn và mở các cửa hàng tạm thời nhằm thu hút khách hàng mới.

"Đã có sự leo thang đáng kể về chất lượng của các cửa hàng này. Các cửa hàng thực tế cần phải hấp dẫn hơn, lớn hơn, tốt hơn và mang tính giải trí cao hơn", Luca Solca - chuyên gia phân tích nghiên cứu cấp cao, hàng xa xỉ toàn cầu, tại công ty môi giới Bernstein, cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lý do hàng loạt ông lớn hàng xa xỉ đổ xô mua bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO