Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng TP.HCM: H&M sẽ bị phản đối quyết liệt từ khách hàng

Anh Huy| 08/04/2021 06:57

Một loạt thương hiệu thời trang nổi tiếng như: H&M, Louis Vuiton, Gucci, UNIQLO, Chanel đã bị phát hiện sử dụng bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp trên website chính thức phiên bản tiếng Trung. Vấn đề này đã ngay lập tức khiến người tiêu dùng Việt Nam phẫn nộ.

Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng TP.HCM: H&M sẽ bị phản đối quyết liệt từ khách hàng

Nhận định về vụ việc này, luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng TP.HCM cho rằng, đó là hành động đúng, hoàn toàn hợp lý bởi giới trẻ đang thể hiện lòng yêu nước, tinh thần dân tộc khi phản đối các thương hiệu liên quan cố tình sử dụng bản đồ có chứa hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp. "Đó là chuyện và suy nghĩ hoàn toàn hợp lý. Nếu là tôi, tôi cũng vậy", bà Thu chia sẻ với Doanh nhân Sài Gòn dưới góc độ cá nhân.

Luật gia Phan Thị Việt Thu cho rằng, trước tiên cần xác định rõ quan điểm rằng, trong câu chuyện liên quan đến H&M, khách hàng Việt Nam đang yêu cầu "tẩy chay" một thương hiệu không phải vì chất lượng sản phẩm, mà bởi doanh nghiệp đang vì một "áp lực" nào đó đã bị lôi vào câu chuyện chính trị và doanh nghiệp đó dường như đang quay lưng với khách hàng tại Việt Nam. Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới không công nhận tấm bản đồ có "đường lưỡi bò" phi pháp nuốt trọn biển Đông của Trung Quốc, vì thế việc một số bạn trẻ thể hiện ý kiến qua các bình luận trên trang chủ H&M (phiên bản tiếng Trung) là hoàn toàn hợp lý. 

Có cùng quan điểm, ThS Đoàn Khuyên, giảng viên Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) cho biết, bản thân cảm thấy xúc động khi thấy các bạn trẻ quan tâm tới vấn đề biển đảo, tới chủ quyền của Việt Nam và tất cả điều này biểu hiện thành những lời tuyên bố “sẽ tẩy chay” một nhãn hàng, nếu nhãn hàng đó hùa theo những đòi hỏi vô lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam mà họ đã cố tình cài cắm trong bản đồ có thể hiện hình ảnh "đường lưỡi bò”.

Theo bà Thu, bản đồ có "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc không chỉ bị các nước liên quan phản đối, mà còn bị tòa án quốc tế bác bỏ, cụ thể là ngày 12/7/2016, Hội đồng Trọng tài của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye đã ra phán quyết về vụ kiện tranh chấp biển giữa Philippines và Trung Quốc. Tòa án quốc tế đã ra phán quyết không công nhận cái gọi là "các quyền lịch sử" dựa trên bản đồ "đường lưỡi bò 9 đoạn" mà phía Trung Quốc đưa ra trong sách lược độc chiếm biển Đông. Dẫu thế, Trung Quốc vẫn cố tình tìm mọi cách để duy trình bản đồ phi pháp, để thực hiện "ý đồ" tại nhiều nước. Từ đó, chúng ta thấy rằng, một trong những cách mà Trung Quốc sử dụng là gây áp lực buộc các công ty sản xuất có liên hệ với thị trường Trung Quốc, dùng các công ty này như là công cụ để tiếp tục phổ biến bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp, không thể chấp nhận.

Cũng theo bà Thu, mục tiêu "thương mại" của mọi doanh nghiệp là doanh thu, do đó trước một thị trường tiềm năng 1,4 tỷ dân thì nhiều doanh nghiệp đã phải "thỏa hiệp" với yêu sách từ nhà chức trách Trung Quốc. Tuy nhiên, làm như vậy thì các hãng đã tiếp tay cho Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, quan trọng nhất là vi phạm chủ quyền của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

"Nhắm mắt" để Trung Quốc lợi dụng, các hãng như H&M có thể đạt được lợi ích ngay tại thị trường đông dân bậc nhất thế giới này, nhưng rõ ràng sẽ ngay lập tức vấp phải sự phản đối quyết liệt từ khách hàng tại các quốc gia liên quan vốn bị "bản đồ hình lưỡi bò" vi phạm chủ quyền, thậm chí vi phạm các luật và công ước quốc. Họ sẽ bị mất thị trường thương mại tại các quốc gia này, bà Thu nhấn mạnh: "Cụ thể là người tiêu dùng Việt Nam đã kêu gọi tẩy chay hãng hàng H&M, vì thế họ (H&M) có thể được thị trường Trung Quốc, nhưng sẽ mất thị trường ở các quốc gia nằm trong ảnh hưởng".

Bà Thu tiếp tục cho rằng, dù mục tiêu là kinh tế nhưng các hãng vẫn phải tôn trọng luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền của các quốc gia, chứ không phải vì lợi nhuận riêng của mình mà bất chấp luật pháp quốc tế. "Do đó, tôi cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng thương mại để đưa vào chính trị, vì chính ý đó mà chúng ta thấy rằng nó sẽ có một lợi bất cập hại, có nghĩa là được đi vào thị trường tỷ dân của Trung Quốc nhưng vấp phải sự tẩy chay của các quốc gia liên quan".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng TP.HCM: H&M sẽ bị phản đối quyết liệt từ khách hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO