Văn hóa nghệ thuật

Phim đề tài chiến tranh: Một dòng chảy liên tục

Đan Khanh 30/4/2024 9:30

Kể từ năm 1959 với bộ phim truyện đầu tiên Chung một dòng sông cho đến nay, đề tài chiến tranh luôn là một dòng chảy liên tục trong sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.

Đi cùng năm tháng, đã có nhiều phim truyện đề tài chiến tranh trở thành tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam, như Lửa trung tuyến, Chị Tư Hậu, Con chim vành khuyên, Nổi gió, Đường về quê mẹ, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Cánh đồng hoang, Biệt động Sài Gòn... Sau này tiếp tục có những phim đề tài chiến tranh được thực hiện, như Hà Nội mùa Đông năm 1946, Hà Nội 12 ngày đêm, Giải phóng Sài Gòn, Mùi cỏ cháy, Những người viết huyền thoại, Đừng đốt, Nhà tiên tri, Sống cùng lịch sử, Truyền thuyết về Quán Tiên, Đường xuyên rừng, Bình minh đỏ và mới nhất là Đào, phở và piano… Có thể nói, những sự kiện, câu chuyện, nhân vật làm nên các mốc lịch sử trọng đại của dân tộc được kể lại, tái hiện trong các bộ phim ấy luôn là nguồn cảm hứng để các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ tự hào về truyền thống yêu nước, lòng dũng cảm và tinh thần bất khuất vì độc lập - tự do của dân tộc.

canh-trong-phim-song-cung-lich-su.jpg
Cảnh trong các phim đề tài chiến tranh Sống cùng lịch sử

Phim truyện đề tài chiến tranh là một phần rất quan trọng trong di sản nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Song song với những giá trị mang lại, dòng phim này đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Trong nền kinh tế thị trường, khi tư nhân được tham gia sản xuất phim thì đề tài chiến tranh hầu như không được đầu tư do bị cho là “kén khách, lỗ nặng”. Vì vậy, nhiều năm nay, phim truyện đề tài này phụ thuộc hoàn toàn vào sự đầu tư của Nhà nước. Nguồn ngân sách không dồi dào, trung bình chỉ có một hoặc hai phim đề tài lịch sử hay chiến tranh giữ nước được Nhà nước đầu tư mỗi năm.

Khác với mục đích làm phim vì lợi nhuận của tư nhân, những bộ phim do Nhà nước đặt hàng hãng phim nhà nước (hoặc tư nhân, theo hình thức hợp tác công tư của một số phim trước đây) sản xuất chủ yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị hay bảo tồn, phát huy lịch sử, văn hóa dân tộc. Đa số phim do Nhà nước đặt hàng đều không thu hồi đủ kinh phí sản xuất. Ngoài nội dung kén khách thì nguyên nhân nữa là do không được truyền thông và phát hành rộng rãi nên khán giả không biết đến. Với cơ chế hiện nay, Nhà nước mới chỉ đầu tư cho việc sản xuất phim mà chưa đầu tư cho việc phổ biến, khai thác phim. Trong khi đó, hệ thống rạp chiếu phim hiện nay hầu hết thuộc sở hữu tư nhân hoặc doanh nghiệp nước ngoài. Bất cứ nhà sản xuất nào muốn phát hành phim đều phải trả tiền quảng cáo, tiền thuê rạp, và nếu phim ít khán giả thì sẽ phải chiếu trong khung giờ “xấu”, hoặc phải sớm rút khỏi rạp.

Những bộ phim do Nhà nước đặt hàng thường sau một vài buổi chiếu ra mắt, hoặc một đợt chiếu ngắn phục vụ chính trị nhân dịp kỷ niệm ngày lễ nào đó rồi “cất vào kho”. Bởi vậy, mới đây Đào, phở và piano đã trở thành “hiện tượng” khi chiếu rạp được đông đảo khán giả, đặc biệt là giới trẻ rất quan tâm. Thu được 20,8 tỷ đồng (kinh phí sản xuất khoảng 22 tỷ), Đào, phở và piano mang đến sự lạc quan nhất định, nếu có cơ chế, nguồn kinh phí dành cho quảng bá và phát hành thì phim đề tài chiến tranh do Nhà nước đặt hàng có khả năng thu hồi vốn và có lãi.

Bên cạnh tuyên truyền và phương thức phát hành, dư luận cũng quan tâm đến làm phim thế nào để thu hút được khán giả trẻ hiện nay. Tuy nội dung Đào, phở và piano vừa khơi dậy cảm xúc của lòng yêu nước, vừa chạm vào trái tim người xem theo cách nhẹ nhàng, đồng thời nhấn mạnh được tính nhân văn của người Hà Nội, nhưng phim vẫn gây tranh cãi, bởi cách nhìn nhận và tiếp cận lịch sử cũ kỹ. Các nhân vật của phim đột ngột xuất hiện, không rõ lai lịch, nguồn gốc, nhiều nhân vật không có tên dù họ đại diện cho cả một tầng lớp xã hội có mặt ở Hà Nội chứng kiến cuộc chiến những năm 1946-1947.

Từ lâu, ở thể loại lịch sử chiến tranh, điện ảnh nhiều nước đã làm ngược lại, họ cá biệt hóa câu chuyện của một nhân vật mang tính điển hình, rồi từ đó, qua sự va đập, biến thiên của số phận con người giữa cuộc chiến, sẽ cho khán giả thấy được tính khốc liệt của chiến tranh, như Cờ thái cực giương cao (tựa gốc Taegukgi) được xem là bộ phim đề tài chiến tranh xuất sắc nhất của điện ảnh Hàn Quốc (đầu tư 12,8 triệu USD, thu gần 70 triệu USD). Phim lấy bối cảnh chiến tranh Triều Tiên đầu thập niên 1950 với điểm nhấn tập trung vào số phận hai anh em Jin Tae và Jin Seok. Giải cứu binh nhì Ryan của điện ảnh Mỹ lấy tâm điểm câu chuyện là hành trình xông pha vào chiến trận của đại úy John H. Miller và đồng đội để tìm Ryan - người lính đã có ba anh trai vừa hy sinh. Bộ phim đầy bi tráng này đã mang về cho Steven Spielberg giải Oscar ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc và có doanh thu cao ở các phòng vé trên thế giới.

canh-trong-phim-mui-co-chay.jpg
Cảnh trong các phim đề tài chiến tranh Mùi cỏ cháy

Làm được một bộ phim đề tài chiến tranh thật hấp dẫn và trung thành với lịch sử là thách thức của mọi đạo diễn và nhà sản xuất. Trong tình hình không mấy khả quan của phim Việt về đề tài này do Nhà nước đặt hàng gần đây, đáng mừng hiện có phim Địa đạo đang quay do HK Films và Galaxy Studio đầu tư và sản xuất với sự hỗ trợ của nhiều cơ quan của TP.HCM với bối cảnh chính là ở Địa đạo Củ Chi và câu chuyện xoay quanh nhân vật du kích có tên Tư Đạp (diễn viên Thái Hòa thủ vai). Đại diện nhà đầu tư và sản xuất chia sẻ: “Địa đạo Củ Chi cùng với đường Trường Sơn đã được các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự trên thế giới thừa nhận là công trình quân sự khoa học và kỳ vĩ. Chúng tôi đầu tư làm phim, vì Địa đạo Củ Chi đã giúp cho một lực lượng yếu đã đứng vững trước sức ép của đối thủ mạnh hơn về mọi mặt. Đó không chỉ là sự dũng cảm và lòng yêu nước, đó là kết quả của trí thông minh và sự sáng tạo của những con người bình thường mà ngày nay có thể bị lãng quên”. Kinh phí rất lớn, phải khắc phục rất nhiều khó khăn trong quá trình quay phim, nhưng nhà đầu tư và sản xuất “chịu chơi” nên đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói: “Bắt tay vào làm phim, tôi cảm nhận được niềm tự hào về dân tộc, tình yêu Tổ quốc của các thế hệ đi trước”. Phim dự kiến khởi chiếu vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Kỳ vọng Địa đạo không chỉ được đông đảo khán giả ủng hộ mà còn mở ra hướng mới về đầu tư, sản xuất, quảng cáo và phát hành cho dòng phim lịch sử chiến tranh trong sự phát triển chung của nền điện ảnh Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phim đề tài chiến tranh: Một dòng chảy liên tục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO