Chuyện làm ăn

Thị trường hàng hiệu second-hand

Han SoVy 27/4/2024 11:30

Khi các nhãn hàng xa xỉ hàng đầu tăng giá và kinh tế khó khăn hơn, hàng hiệu xa xỉ đang được mua bán qua lại giữa các khách hàng và đang hút giới trẻ thế hệ Y và Z.

Xu hướng tăng

Kinh tế khó khăn hơn, hàng hiệu xa xỉ đang được mua bán qua lại giữa các khách hàng. Các nền tảng bán lại hàng hiệu second-hand chuyên biệt như RealReal và Vestiaire Collective... cũng "lên ngôi" và mở rộng nhanh chóng.

hang-hieu.jpg

Thông tin gần đây tại Trung Quốc đang nổi lên xu hướng mua sắm hàng xa xỉ đã qua sử dụng. Trước đây, rất nhiều người ở Trung Quốc đứng xếp hàng tại các cửa hàng thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton và Gucci ở Thượng Hải để tìm kiếm mẫu túi đắt tiền trong bộ sưu tập mới ra mắt thì bây giờ họ lại chỉ tìm cách mua lại những món đồ xa xỉ đã qua sử dụng.

Nhiều người quen dùng hàng hiệu cho rằng, nền kinh tế giảm tốc, thu nhập ít hơn, bán những món đồ xa xỉ "nằm không " ở nhà cũng là cách kiếm thêm thu nhập? Do đó, số lượng người ký gửi hàng tại Zzer (nền tảng bán hàng tại Trung Quốc) để bán đã tăng 40% trong năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Nền tảng này hiện có 12 triệu thành viên và dự kiến sẽ bán được 5 triệu sản phẩm cao cấp trong năm nay.

Công ty tư vấn iResearch cũng cho biết, vào cuối năm ngoái, thị trường đồ xa xỉ đã qua sử dụng của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên 30 tỷ USD vào năm 2025 (từ 8 tỷ USD vào năm 2020). Các ước tính mới từ năm nay vẫn chưa được công bố. Bain & Co. dự báo trong 5 năm tới, doanh số hàng xa xỉ second-hand sẽ tăng trưởng gấp đôi tốc độ của doanh số bán hàng xa xỉ mới.

Có thị trường ắt có giao dịch. Đã có nhiều sự hợp tác giữa các thương hiệu cao cấp với nhau để gia tăng giá trị. Một trong những ví dụ về sự hợp tác có thể kể đến Dior x Jordan và Prada x Adidas với những sản phẩm “limited” (giới hạn) . Vì thế, các sản phẩm này thường được săn lùng trên “chợ đen”. Chúng có thể được bán lại với giá 300% ngay sau khi ra mắt.

Theo báo cáo gần nhất của RedSeer Strategy Consultants, thị trường mua bán đồ cũ hàng hiệu ở Việt Nam hiện đang được định giá 1,1 tỷ USD, với xu hướng ngày càng có nhiều người thực sự mong muốn dùng đồ cũ. Thị trường này tại Việt Nam có thể tăng trưởng gấp 3 lần, với giá trị lên đến 5,1 tỷ USD trước năm 2026 so với 1,1 tỷ USD hiện nay.

Còn khảo sát của Carousell Recommerce Index 2021, cho thấy 83% người Việt Nam từng mua đồ đã qua sử dụng và sẽ tiếp tục mua đồ đã qua sử dụng. Bên cạnh đó, tiêu dùng bền vững, trong đó tái sử dụng, tái chế và bảo vệ môi trường đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z, thế hệ dẫn dắt xu hướng tiêu dùng trong thời gian tới.

Rủi ro khó tránh?

Tại buổi ra mắt “Tính năng mới, xây dựng tương lai cho mua bán đồ cũ”, ông Nguyễn Trọng Tấn - CEO Chợ Tốt cho biết, việc ngày càng nhiều người Việt tái sử dụng đồ cũ đã thúc đẩy thị trường mua bán đồ cũ phát triển với giá trị thương mại dự kiến 5,1 tỷ USD vào năm 2026. “Chúng tôi tin rằng thị trường đồ cũ có thể đáp ứng được nhu cầu cũng như khả năng chi trả của nhiều người”, ông Tấn nói.

Tuy nhiên, khi nhu cầu thị trường hàng hiệu bán lại tăng cũng đồng nghĩa sẽ có rủi ro đến từ thị trường mua đồ hiệu cũ do bị làm giả mạo. Để giúp vượt qua những tình huống như thế, việc có bên thứ ba độc lập có khả năng phân xét chất lượng sản phẩm sẽ hữu ích nhưng cũng chưa hẳn tốt. Nhãn hiệu thời trang xa xỉ Chanel đã từng kiện What Goes Around Comes Around (WGACA) - một hệ thống bán hàng hiệu second-hand lớn ở New York vì 50 chiếc túi có số serial của Chanel bị vô hiệu hóa đã được bán bởi WGACA. Kết thúc vụ kiện, bồi thẩm đoàn đã ủng hộ phía Chanel, công ty này được bồi thường 4 triệu USD vì bị thiệt hại về bản quyền và vi phạm khác của WGACA. Chanel cũng đang kiện RealReal, một đơn vị kinh doanh hàng hiệu “second-hand” nổi tiếng khác về các hàng giả, dù RealReal phủ nhận.

Những vụ việc này đã gieo rắc nghi ngờ về thị trường hàng hiệu và những gì đang được bán. Nếu ngay cả các chuyên gia như WGACA cũng không thể tin cậy, thì điều gì tiếp theo?

Dù các nền tảng bán lại đã bị thua kiện nhưng các thương hiệu hàng hiệu cũng nhận lại những thiệt hại về đường dài. Vậy nên, đây cũng là thời điểm phù hợp để các công ty hàng hiệu phải sử dụng nguồn lực phong phú hay những biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ hàng hiệu của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường hàng hiệu second-hand
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO