Thời trang, hết "nhanh" đến "xanh"
Thời trang xanh thay thế thời trang nhanh không còn là xu hướng, mà là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh các vấn đề môi trường đang được quan tâm.
Thời trang bền vững khuyến khích hành động vì môi trường, ưu tiên "tuổi thọ", chất lượng và tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm. Thời trang nhanh thì ngược lại, tờ báo The Economist khi mô tả thời trang nhanh có nói rằng đây là loại "quần áo hợp thời trang với mức giá thấp đáng kinh ngạc. Khuyến khích người tiêu dùng mua nhiều món đồ, vứt bỏ chúng sau vài lần mặc, và sau đó quay lại để mua một loạt trang phục mới."
Theo các báo cáo từ Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), ngành công nghiệp thời trang đang thải ra khoảng 20% lượng nước thải và 10% lượng khí thải carbon toàn cầu, khiến nó trở thành một trong những ngành "đóng góp" đáng kể nhất vào ô nhiễm môi trường. Một thống kê đặc biệt đáng sợ cho thấy rằng cứ mỗi giây, tương đương với một xe chở rác dệt may bị chôn lấp hoặc đốt cháy.
Với cam kết của Chính phủ tại COP26, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam (VITAS) cũng đặt mục tiêu đến 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế. Việc ngành thời trang chuyển dịch sang xu hướng bền vững, "xanh" thay vì nhanh, không còn là xu hướng, mà phải là yêu cầu tất yếu.
Theo khảo sát mới đây của Nielsen IQ, kỳ vọng của người tiêu dùng với doanh nghiệp có những sáng kiến và hành động thiết thực nhằm cải thiện môi trường đang gia tăng. Theo đó, 38% người tiêu cho rằng sáng kiến và hành động thiết thực của doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường là cực kỳ quan trọng. Nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường đang ngày càng được nâng cao trong cộng đồng. Người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến các sản phẩm có ảnh hưởng tích cực đến môi trường. Do đó, thị trường thời trang xanh có tiềm năng lớn khi người tiêu dùng tìm kiếm các sản phẩm thời trang được sản xuất bằng cách bảo vệ môi trường.
Không những là đòi hỏi từ nhu cầu của người tiêu dùng, tiêu chí xanh và bền vững hiện nay còn là tiêu chuẩn để các sản phẩm "đứng vững" trên thị trường. Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhấn mạnh rằng: "Việt Nam đang tham gia nhiều Hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới, song theo những FTA này, sản phẩm dệt may của chúng ta sẽ phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe hơn, trong đó có tiêu chuẩn xanh mà các nhà nhập khẩu đưa ra".
Bên cạnh đó, sự tiến bộ trong công nghệ sản xuất và vật liệu thân thiện với môi trường đang mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp thời trang xanh. Công nghệ như tái chế vật liệu, sử dụng nguyên liệu hữu cơ và công nghệ sản xuất sạch đang giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường từ quy trình sản xuất thời trang.
Tận dụng hết tiềm năng để hoà nhập
Thống kê của VITAS cho biết, ngoài những doanh nghiệp lớn như May Việt Tiến, May 10, May Bảo Minh, Đồng Tiến, Thành Công… cũng đang có rất nhiều doanh nghiệp quy mô vừa như Faslink, Tsafari, Trung Quy, VitaJean… đi theo xu thế này và bước đầu “gặt hái” những thành công nhất định. Theo đó, nhờ việc "xanh hóa" kịp thời mà các doanh nghiệp này đã có đơn hàng khá ổn định trong bối cảnh các thị trường giảm cầu vào những tháng đầu năm nay. Sợi cà phê, sợi sen, sợi dứa, sợi vỏ sò, sợi dừa, sợi bạc hà... nghe thì mới lạ, nhưng thực tế đã được các đơn vị nghiên cứu về thời trang xanh ra mắt trên thị trường.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, để tận dụng được hết các cơ hội, "hoà nhập" vào yêu cầu "xanh hoá" tất yếu, doanh nghiệp ngành dệt may phải đầu tư "mạnh tay" hơn nữa vào hạ tầng cơ sở, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của việc đánh giá, tổ chức đánh giá của bên thứ 3 mà các nhãn hàng thuê; đầu tư công nghệ tự động hóa, sử dụng robot cho một số công đoạn sản xuất; đầu tư vào hệ thống phần mềm để đảm bảo tính minh bạch trong vấn đề phát triển doanh nghiệp và chứng minh cho các nhãn hàng thấy được sự minh bạch.
Theo ông Nguyễn Minh Đức - Cố vấn thương hiệu Công ty Truyền thông Việt Á, doanh nghiệp thời trang Việt cần thực sự "chuyển mình" thông qua việc thay đổi cách thức tiếp thị hàng hoá, phải bán thứ khách hàng cần thay vì những gì mình có suốt bao nhiêu năm nay. Bên cạnh đó, cần tích cực xây dựng hình ảnh thương hiệu "bền vững" trong mắt đối tác và khách hàng, nhưng phải thật gần gũi. "Khách hàng là những người tiêu dùng vô cùng thông minh, những chiến dịch mang tính thực tế và bền vững sẽ dễ tạo thiện cảm và giữ chân khách hàng hơn là chiến dịch mang tính phong trào, vì thời trang xanh không thể phong trào", ông Đức nói.