Quản trị và Đổi mới

Rộng mở cơ hội đầu tư, kinh doanh tại thị trường Úc

Khánh Hưng 12/05/2025 14:03

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, Úc đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam muốn mở rộng hoạt động đầu tư và kinh doanh ra nước ngoài. Với chính sách ổn định, môi trường kinh tế vĩ mô lành mạnh và mối quan hệ gần gũi với Việt Nam, quốc gia này đang được đánh giá là lựa chọn chiến lược thay thế cho một số thị trường truyền thống đang chịu áp lực về thuế quan và chính sách.

Làn sóng áp thuế cao từ Mỹ - với mức đề xuất lên đến 46% đối với hàng hóa Việt Nam - đang tạo ra áp lực đáng kể lên các DN xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, việc tìm kiếm thị trường thay thế hoặc mở rộng sang những thị trường thân thiện hơn trở thành nhu cầu cấp thiết. Theo ông Alan Tudge - Cố vấn cấp cao của Navigate Australia, nguyên Bộ trưởng trong Nội các Chính phủ Úc, Úc chính là một điểm đến tiềm năng không chỉ vì thuế suất thấp hơn (chỉ khoảng 10%), mà còn nhờ vào sự tương đồng về nhu cầu tiêu dùng và môi trường kinh doanh cởi mở. Ông nhấn mạnh: “Nếu thuế quan với Mỹ tăng lên, tại sao không nhìn sang Úc - nơi có sự tương đồng về nhu cầu thị trường và luôn rộng cửa chào đón DN Việt Nam?”

Ông Alan Tudge - Cố vấn cấp cao của Navigate Australia, nguyên Bộ trưởng trong Nội các Chính phủ Úc - Ảnh: Quỳnh Lâm

Khi so sánh với các thị trường phát triển khác như Mỹ, Nhật hay EU, ông Alan nhận định một số yếu tố đặc biệt khiến Úc trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là từ Việt Nam. Đầu tiên, ông cho biết môi trường chính trị của Úc là một yếu tố then chốt. Dù hiện tại đang có bầu cử, nhưng ông nhấn mạnh rằng chính sách của Úc sẽ vẫn duy trì sự ổn định, với các thay đổi diễn ra từ từ và có sự chuẩn bị cẩn thận. Điều này tạo sự an tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm các DN Việt Nam, khi quyết định gia nhập thị trường Úc.

Bên cạnh đó, một điểm mạnh khác của Úc là môi trường kinh tế vĩ mô mạnh mẽ. Với mức tăng trưởng dự kiến từ 2 - 2,5%, tỷ lệ thất nghiệp chỉ khoảng 4%, và lạm phát đang dần giảm xuống mức từ 2 - 3%, Úc hiện sở hữu một nền kinh tế ổn định và đầy triển vọng. Những chỉ số kinh tế tích cực này là yếu tố quan trọng thu hút các DN quốc tế, vì chúng đảm bảo rằng các quyết định đầu tư sẽ được bảo vệ trong một môi trường phát triển bền vững.

Cuối cùng, một yếu tố không thể bỏ qua chính là sự gần gũi về địa lý và mối quan hệ giữa con người với con người. Úc có các chuyến bay thẳng từ Việt Nam, và sự chênh lệch múi giờ không quá lớn - chỉ khoảng 3 giờ giữa Melbourne và Hà Nội, hoặc 1 giờ giữa Perth và Việt Nam. Điều này không chỉ giúp dễ dàng giao thương mà còn tạo ra một sự kết nối mạnh mẽ về mặt xã hội và văn hóa.

Một buổi tư vấn thương mại từ Navigate Australia cho doanh nhân Việt

“Chưa kể, tại Úc hiện có hơn 300.000 người gốc Việt, với khả năng giao tiếp song ngữ, điều này tạo ra một cộng đồng hỗ trợ DN Việt Nam rất lớn, giúp củng cố mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia”, ông Alan Tudge nói.

“Tất cả các lĩnh vực đều có cơ hội, nhưng rõ ràng các lĩnh vực đang phát triển thì có nhiều cơ hội hơn so với các lĩnh vực đang suy giảm,” ông Alan nhận định.

Cụ thể, lĩnh vực đầu tiên được cố vấn cấp cao từ Navigate Australia nhấn mạnh là xây dựng nhà ở - một nhu cầu đang gia tăng mạnh mẽ tại Úc, được thúc đẩy bởi tốc độ tăng dân số nhanh chóng, đặc biệt ở các thành phố lớn. Thực tế, theo Kế hoạch Nhà ở Quốc gia (National Housing Accord) được công bố bởi Chính phủ Úc, quốc gia này đặt mục tiêu xây dựng 1,2 triệu ngôi nhà mới trong vòng 5 năm tới nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nhà ở đang ngày càng nghiêm trọng. Đây là một cơ hội rõ ràng cho các DN trong chuỗi cung ứng xây dựng, từ vật liệu, thiết kế, nội thất đến thi công.

Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo cũng là một lĩnh vực đang bùng nổ tại Úc, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ chính sách của chính phủ. Theo kế hoạch của Chính phủ Liên bang, Úc đặt mục tiêu đến năm 2030, 82% điện năng tiêu thụ sẽ đến từ các nguồn tái tạo. Các dự án điện mặt trời, điện gió quy mô lớn, cùng các sáng kiến lưu trữ năng lượng đang thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đây là lĩnh vực mà DN Việt có thể tham gia với tư cách là nhà cung cấp thiết bị, công nghệ, hay đối tác kỹ thuật.

Navigate Australia là công ty tư vấn với hệ sinh thái toàn diện bao gồm 9 công ty trong các lĩnh vực

“Công nghệ thông tin cũng là một lĩnh vực đang phát triển trên toàn thế giới”, ông Alan nhấn mạnh, đồng thời cho biết xu hướng này cũng thể hiện rất rõ tại Úc. Theo báo cáo của Statista, thị trường dịch vụ công nghệ thông tin tại Úc dự kiến đạt doanh thu hơn 38 tỷ USD vào năm 2025 và tiếp tục tăng trưởng với tốc độ trung bình gần 6% mỗi năm cho đến 2029. Nhu cầu về phần mềm, giải pháp số, an ninh mạng, chuyển đổi số trong chính phủ và DN là rất lớn, tạo điều kiện để các công ty Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ mở rộng ra thị trường quốc tế.

Không thể bỏ qua khai khoáng và tài nguyên - những ngành kinh tế truyền thống nhưng vẫn giữ vai trò nền tảng ở Úc. Úc hiện là quốc gia xuất khẩu than, sắt, vàng, lithium, đất hiếm hàng đầu thế giới - những tài nguyên thiết yếu cho sản xuất công nghiệp và năng lượng toàn cầu. Với kinh nghiệm cung ứng thiết bị, logistics hay dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, DN Việt hoàn toàn có thể tìm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này.

Cuối cùng, vị chuyên gia từ Navigate Australia đặc biệt nhấn mạnh nông nghiệp và dịch vụ thực phẩm - những lĩnh vực có nhiều dư địa phát triển tại Úc. Ông Alan Tudge nói: “Chúng tôi muốn làm nhiều hơn trong khâu chế biến thực phẩm tại Úc để có thể xuất khẩu nhiều hơn ra thế giới”. Thực tế, hiện nay, nông nghiệp chiếm khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu của Úc, với các mặt hàng chủ lực như thịt bò, sữa, lúa mì, trái cây… Cùng với đó là xu hướng mở rộng các nhà máy chế biến trong nước, đặc biệt tại các khu vực nông thôn. Đây là cơ hội cho các DN Việt chuyên về công nghệ thực phẩm, thiết bị chế biến, hoặc dịch vụ hậu cần lạnh.

Thị trường Úc mở ra nhiều cơ hội lớn cho DN Việt Nam, nhưng để có thể tận dụng những cơ hội này, các DN cần chuẩn bị đối mặt với những thách thức không nhỏ. Theo cố vấn cấp cao từ Navigate Australia, một trong những vấn đề lớn nhất là tình trạng thiếu hụt lao động và chi phí lao động cao. Điều này tạo ra một môi trường cạnh tranh gay gắt đối với các DN khi tìm kiếm nhân lực phù hợp. Bên cạnh đó, các quy định pháp lý tại Úc cũng là một thử thách đáng kể, đặc biệt là khi mỗi bang có những quy định riêng biệt mà các DN cần phải nắm rõ và tuân thủ.

Ngoài ra, một thách thức không thể bỏ qua là xây dựng mối quan hệ kinh doanh. Việc hiểu rõ cách tiếp cận thị trường, xác định ai là các đối tác chủ chốt, và chọn lựa kênh phân phối phù hợp có thể là một quá trình dài. Đây là yếu tố mà mọi DN khi vào Úc đều phải đầu tư thời gian để nghiên cứu và thực hiện một cách thận trọng.

Trước khi quyết định tiến vào thị trường Úc, ông Alan Tudge khuyến cáo DN Việt Nam cần suy nghĩ kỹ lưỡng về những yếu tố quan trọng. Đầu tiên, cần xác định liệu sản phẩm của mình có đáp ứng được nhu cầu thật sự tại thị trường này hay không. Thứ hai, DN phải đảm bảo rằng sản phẩm của mình có thể cạnh tranh với các đối thủ khác. Cuối cùng, những yếu tố như quy định pháp lý, xây dựng quan hệ, lựa chọn kênh phân phối và lập kế hoạch tiếp thị cũng cần phải được cân nhắc kỹ càng. Nếu đã có phương án rõ ràng và chuẩn bị chu đáo, DN Việt Nam có thể tự tin tiến bước vào thị trường Úc với sự hỗ trợ của chính quyền Úc.

Để tận dụng nguồn lực và thế mạnh sẵn có, DN Việt cần phải hiểu rõ mình đang muốn đạt được điều gì khi gia nhập thị trường Úc. Liệu họ có cần phải đặt cơ sở tại Úc hay có thể xuất khẩu từ Việt Nam? Điều quan trọng là phải làm bài tập về thị trường, phân tích cung cầu, mức độ cạnh tranh và các mối quan hệ sẵn có. Mỗi DN sẽ có hành trình khác nhau, và việc tận dụng thế mạnh của mình để tham gia vào các mạng lưới và kênh phân phối phù hợp sẽ là yếu tố then chốt giúp họ thành công.

Cuối cùng, theo ông Alan Tudge, việc xây dựng mối quan hệ vững chắc là yếu tố quan trọng để tiến vào thị trường Úc. DN Việt cần được giới thiệu đúng đối tác trong ngành của mình. Sau đó, việc xây dựng mối quan hệ cá nhân tốt và thực hiện đúng cam kết là cách để đảm bảo sự tin tưởng lâu dài. Khi bắt đầu từ mối quan hệ cá nhân, dần dần chuyển sang hợp tác kinh doanh và thực hiện đúng lời hứa, DN sẽ có được mối quan hệ vững mạnh, tạo tiền đề để phát triển lâu dài tại Úc.

Navigate Australia là công ty tư vấn chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn chiến lược, tư vấn kinh doanh, hỗ trợ DN, tư vấn đầu tư và di trú tại Úc. Với hệ sinh thái toàn diện bao gồm 9 công ty trong các lĩnh vực: tư vấn luật, tư vấn kinh doanh, tư vấn và quản lý quỹ, phát triển bất động sản, tư vấn thương mại và logistics, tư vấn marketing, tư vấn nhân sự, tư vấn phát triển nghề nghiệp và an cư và văn phòng dịch vụ, công ty tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh, đầu tư và tạo cơ hội định cư cho khách hàng quốc tế. Các dịch vụ chủ yếu của Navigate Australia bao gồm tư vấn chiến lược thâm nhập thị trường, tư vấn xây dựng và phát triển kế hoạch kinh doanh, tư vấn thực hiện tuân thủ, hỗ trợ thành lập và vận hành DN, dịch vụ tài chính và kế toán, tư vấn đầu tư bất động sản và đầu tư tài chính, tư vấn thương mại, hỗ trợ chuỗi cung ứng và hậu cần, kết nối và giới thiệu đối tác, tư vấn luật và di trú, nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận các cơ hội tại thị trường Úc một cách hiệu quả.

Navigate Australia còn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các DN Việt Nam mở rộng tại Úc và thúc đẩy hoạt động kết nối xuất nhập khẩu giữa Úc và Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu vật liệu xây dựng từ Việt Nam sang thị trường Úc và xuất khẩu các sản phẩm nguyên liệu và nông nghiệp từ Úc. Với mạng lưới kết nối mạnh mẽ ở cả hai quốc gia, điểm mạnh của Navigate Australia là khả năng kết nối các DN với các cơ quan chính phủ và các đối tác kinh doanh lớn tại Úc, đồng thời hỗ trợ trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý như thành lập DN và thủ tục nhập cư cho đội ngũ nhân sự…

Địa chỉ liên hê:

Navigate Australia Pty Ltd

Suite 01, 390 St Kilda Road, Melbourne, Victoria 3004, Australia

Email: clients@navigateaustralia.com.au

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rộng mở cơ hội đầu tư, kinh doanh tại thị trường Úc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO